Đỗ Duy Vị: Từ cậu bé lang thang đến CEO của tổ chức thiện nguyện quốc tế

by Tim Bui
Đỗ Duy Vị Từ cậu bé lang thang đến CEO của tổ chức thiện nguyện quốc tế

NGÔ NGỌC LOAN

Năm 2003, một cậu bé gầy gò, đen nhẻm, từ vùng quê Nam Định ngơ ngác một mình lên Hà Nội, lọt thỏm giữa đường phố đông đúc của thủ đô. Cậu kiếm sống bằng nghề đánh giày. Ban ngày lang thang khắp con đường, ngõ hẻm để mưu sinh. Ban đêm, về một “nhà trọ” ven sông, nơi trú ngụ của những người lang thang, di cư từ nơi khác đến, với cùng mục đích mưu sinh. 

Một ngày nọ, cậu bé lang thang đánh giày cho một thanh niên đến từ đất nước Úc xa xôi. Từ đó, cuộc đời của cậu bước sang trang mới. Hơn 20 năm sau, cậu bé ấy trở thành đồng Giám Đốc Điều Hành (Co-CEO) của Blue Dragon – Children’s Foundation, với sứ mệnh giúp những em nhỏ thoát khỏi cuộc sống lang thang và giải cứu nạn nhân của nạn buôn bán người.

Cậu bé đó là Đỗ Duy Vị.

Câu chuyện của Vị bắt đầu từ một vùng quê thanh bình…

‘Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo…’
Trước cuộc hẹn với Vị, tôi từng nghĩ: “Có phải đây là ‘Nó’ của thế kỷ 21?” Và hiện ra trước mặt tôi là một chàng trai có dáng người cao to, gương mặt cương nghị góc cạnh, nụ cười hiền lương. Vị kể về cuộc đời mình bằng giọng nói ấm áp, trầm bổng.   

“Tôi sinh ra ở vùng quê, nhà nghèo, đông con, bố mẹ làm ruộng. Quê của tôi ở Nam Định, gần biển, thanh bình lắm, nhưng cũng nghèo lắm. Quần áo thì cả năm gần như có một bộ thôi. Rách thì vá.”

Vị nhớ lại những năm 90, 92, bữa cơm của gia đình anh vẫn còn là những chén cơm độn khoai. Dù bố mẹ rất vất vả nhưng bốn anh chị em Vị vẫn phải thường xuyên chịu đói.

“Khi mình sinh ra trong một môi trường như thế thì tôi không thể tập trung vào việc học, trước nhất là thiếu thốn nhiều thứ, thứ hai là không đóng tiền học thường xuyên được, có rất nhiều áp lực. Những nhu cầu cơ bản như mua cây bút để đi học cũng không có tiền mua. Đến lớp nhìn các bạn viết bài nhưng mình không có bút để viết, hay quần áo lành lặn để đi học thôi cũng rất là khó,” Vị nói, trong lúc bàn tay của anh mải miết xoay vòng một cây bút, biểu hiện của một tâm trạng đang xúc động. 

Thuở nhỏ, Vị là một cậu bé hay phải dùng đồ cũ của chị, ví dụ như cái túi đan bằng dây cước. Vì vậy, cậu bé Vị luôn là tâm điểm cho bạn bè trêu cười. “Họ nói con trai mà dùng đồ con gái,” anh cười và nói. 

“Đến khi học lớp bảy, lớp tám, tôi đã có suy nghĩ là không muốn đi học nữa mà muốn đi làm, vì thấy bố mẹ mình khổ quá. Tôi bị áp lực bởi thấy gia đình cứ phải cố gắng để cho con đi học.”

Vùng quê yên bình, nhưng không phải là nơi có thể cho Vị, và gia đình anh, một cuộc đời tốt đẹp hơn, dù chỉ một ước mơ nào cả. Vị cố gắng học xong lớp chín, anh trốn lên Hà Nội để tìm một công việc. 

“Tôi nghĩ khi lên Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.”

Năm đó, Đỗ Duy Vị, sinh năm 1987, chỉ vừa 15 tuổi. 

Ước mơ 
Đến Hà Nội, Vị đi đánh giày cho khách ở vỉa hè, cho khách ở quán cà phê. “Cứ đi lang thang mà đánh thôi,” anh nói. “Lúc đó có khá nhiều khó khăn. Một thằng bé từ vùng quê lên, chưa biết băng qua đường như thế nào. Nếu không may mình lạc đường, đi vào những địa điểm gọi là địa bàng của những trẻ đánh giày khác thì mình cũng bị đánh, hoặc cảnh cáo.”

“Thời gian đầu tiên thật sự rất đáng sợ, rất hoang mang. Tôi khoảng 14, 15 tuổi nhưng rất bé, rất còi. So với lứa tuổi đó thì tôi chỉ như đứa bé 10 tuổi vì mình không đủ ăn, không có sức khỏe, nói chung là thấp bé nhẹ cân. Cho nên chọn những khu vực an toàn để làm việc.”

Ngày cậu bé Vị đặt chân đến Hà Nội, cậu mang theo cả gia tài dành dụm được là 30.000 đồng (khoảng $1 hiện tại.) Vị dành một nửa để mua “đồ nghề.” Phần còn lại, anh thuê một nơi để ngủ. Gọi là “phòng trọ” chứ thật ra nó như một túp lều, được xây ở ven sông Hồng. Những người dân tứ xứ lên thành phố đi bán báo, nhặt rác, có cả buôn ma tuý… họ sẽ ở đó. Mỗi tối, Vị trả khoảng 2.000 đồng để có chỗ ngủ. 

Một cậu bé đánh giày, mỗi ngày chỉ mong có dư 2.000 đồng để trả tiền cho một chỗ ngủ đêm, thì những gì gọi là ước mơ đều rất xa vời.

“Ước mơ đầu tiên của tôi khi ở quê là cách ly ra khỏi nơi đó,” Vị nhớ lại. “Mình đi nhặt rác cũng được, nhưng phải thoát khỏi nơi đó, vì nơi đó nó không cho mình một tương lai nào hết. Đi nhặt rác để mỗi ngày có một ổ bánh mì cũng được.”

Cuộc sống “biết hôm nay không biết ngày mai” vẫn đeo bám lấy cậu bé Đỗ Duy Vị những ngày tháng mới đặt chân lên Hà Nội. Anh vẫn chưa thể định hình ước mơ là gì, ước mơ như thế nào hay ước mơ cái gì? Một cậu bé chưa biết đêm nay sẽ ngủ ở đâu? Ngày mai sẽ ăn gì? Có bị đánh hay không? Tất cả những gì ngoài những điều đó, với Vị, đều là xa xỉ.

Sau khi Vị đi làm được vài tháng, có một ít tiền dành dụm, thì lúc đó, anh mới dám nghĩ đến chặng đường kế tiếp. Vị nhớ lại: “Khi ấy tôi ước mơ nếu tôi để dành được đủ tiền, thì khi 18 tuổi, tôi sẽ mua một cái xe máy và đi chạy xe ôm.”

Cuộc sống trên đường phố chưa bao giờ là nơi an toàn, nhất là với một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên. Bị đánh, bị đối xử tệ, bị coi là trẻ bụi đời, thậm chí bị nhiều người sợ “thằng nhỏ đánh giày này ăn cắp đồ của mình.” Sau một ngày lang thang đánh giày cho khách, không ít lần Vị bị những người nghiện ma tuý trấn lột lấy sạch tiền.

Tôi chợt hỏi, “Vị đã té chưa?” Anh cười lớn và nói: “Té rồi đó chứ.”

“Nhưng, chắc một phần do may mắn, một phần do nền tảng từ bố mẹ. Ông bà nghèo nhưng rất thương con. Hồi bé, được đi nhà thờ, học những điều hay lẽ phải. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi tốt. Bản năng con người đói thì ăn trộm. Mẹ đánh, bố đánh. Khi lớn lên ở Hà Nội, có rất nhiều cám dỗ. Nhiều bạn rủ đi ăn trộm, ma tuý… nhiều lắm. Các băng nhóm thì thích có thêm đồng bọn. Có thời điểm tôi được dẫn lên cầu Long Biên, hướng dẫn tôi đi cướp. Lúc đó, tôi biết mình đang ở tại một ranh giới rất mong manh. Thật sự nếu không có đủ bản lĩnh thì tôi đã dính vào những tệ nạn xã hội.”

Càng nói, Vị như càng đang như quay về hồi ức của những ngày mưu sinh ở vỉa hè Hà Nội. Đó là một ngày làm việc không may mắn có nhiều khách, giữa trưa hè nắng đổ lửa, một cậu bé còi cõm, da cháy nắng, mồ hôi ướt đẫm, tay mang hộp đánh giày cũ kỹ, đứng trước cổng trường học nhìn các bạn đồng trang lứa được ba mẹ đón về trong tình yêu thương dùng cơm trưa.

“Tôi lúc đó vừa đói, vừa mệt, vừa chán, vừa nhớ bố mẹ. Tôi muốn làm sao thoát ra khỏi cảnh đó. Tôi ước mơ được như các bạn ấy, cũng cảm thấy cuộc sống bất công. Tôi tự hỏi tại sao mình kém may mắn như thế…”

Có lẽ đó là lần tiên, anh đã khóc.

Blue Dragon
Một buổi trưa hè nắng nóng, như mọi ngày, Vị mang hộp đánh giày đi tìm khách. Anh gặp một anh thanh niên người nước ngoài. Vị tận dụng “khả năng ngôn ngữ” anh có là hai câu: “Hello, shoeshine.” 

“Tôi không thấy người khách phản ứng, có lẽ không hiểu tôi, nên tôi bỏ đi. Tôi không quen kỳ kèo với ai hết. Khi tôi đi thì anh ấy gọi lại, bảo tôi đánh giày. Anh ấy cho tôi một cái bánh Choco Pie. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được có một người đối xử với mình tử tế. Sau đó, bằng ngôn ngữ cơ thể và những chữ tôi có thể hiểu được là anh ấy bảo tôi đến học lớp tiếng Anh miễn phí vào Chủ Nhật, được ăn phở miễn phí,” Vị kể lại bước ngoặt của đời mình.

Anh thú nhận, khi ấy, được ăn phở là một điều gì đó rất vương giả với anh. Cho nên, quyết định đi đến lớp học tiếng Anh là vì tô phở.Đó là lớp dạy tiếng Anh cho trẻ đường phố của anh Michael Brosowski, một giáo viên người Úc, đến từ Sydney, đang dạy tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cuộc sống tự lập của một đứa trẻ đường phố 15 tuổi dạy cho Vị sự cảnh giác. Anh rủ một người bạn cùng quê, cũng đi đánh giày, đến lớp học. “Thời gian đầu, thực sự không học được gì. Tôi đến vì được ăn phở no nê”, anh cười nhớ lại.

Lớp học tiếng Anh đó chính là tiền thân của tổ chức phi chính phủ Blue Dragon sau này.

“Khi ấy, anh Michael chỉ ra Hà Nội vài tháng. Anh ấy thích sống ở Sài Gòn hơn. Nhưng rồi nhóm trẻ đường phố ngày càng đông, và anh ấy không biết làm gì với tụi em. Anh ấy là giáo viên, không có tiền để cho, chỉ có thể dạy tiếng Anh miễn phí. Anh ấy đã thuê một căn nhà, gom mấy đứa trẻ đánh giày về ở, dạy cho học và lập ra Blue Dragon.”

Vài tháng sau, Michael Brosowski quay về Úc, ghi danh thành lập tổ chức phi chính phủ Blue Dragon.

Khi Michael trở lại Việt Nam, Blue Dragon chính thức trở thành “nhà” của những đứa trẻ đường phố như Đỗ Duy Vị. Các bạn được đi học trở lại và trở thành những nhân viên đầu tiên của Blue Dragon.

Cho đến hôm nay, hơn 20 năm sau, cứ vài ngày, trên trang Blue Dragon Foundation lại có một câu chuyện thần tiên, kể về thành công của một cô giáo sư, anh kỹ sư nào đó, ở Việt Nam hoặc ở một quốc gia khác. Đó chính là những đứa trẻ đường phố bước ra từ Blue Dragon Foundation. 

Riêng Đỗ Duy Vị, ở cương vị Co-CEO của Blue Dragon, anh còn tập trung vào sứ mệnh chấm dứt nạn mua bán người, giải cứu các em nhỏ là nạn nhân của đường dây mua bán tình dục.

Nếu câu chuyện mưu sinh của cậu bé đánh giày trên phố Hà Nội 20 năm trước là một trong những viên gạch đầu tiên của Blue Dragon, thì chính những viên gạch đó đang chung tay để cứu cuộc đời của rất nhiều trẻ em khác đang bị chôn vùi dưới đáy xã hội.      

Đó cũng chính là tình yêu Đỗ Duy Vị dành cho Blue Dragon. Khi còn là đứa trẻ lang thang trên đường phố, anh mong chờ có ai đó cứu giúp mình thoát khỏi tình trạng ấy. “Khi anh Michael và Blue Dragon đến, tôi cảm giác như một vị thần đến giúp mình. Tôi nhớ mình đã nói sau này tôi lớn lên, tôi muốn trở thành người đó, người có thể giúp người khác. Họ chỉ cần một cơ hội thôi để cuộc đời họ thay đổi. Bất kỳ ai cũng xứng đáng có một cơ hội để thay đổi,” Vị nói.  

Vị giải thích tình yêu của anh dành cho Blue Dragon rất đơn giản: “Khi ai đó đối xử tốt với mình, thì mình sẽ đối xử tốt lại. Khi nơi nào có ơn với mình, mình sẽ làm hết sức để đền đáp lại. Tôi yêu nhất nụ cười của các em nhỏ tại trung tâm. Biết rằng các em đang được an toàn và hạnh phúc có ý nghĩa rất lớn đối với tôi – và Blue Dragon tồn tại vì điều đó.”

Có một câu nói khuyết danh xuất hiện khá nhiều trong những bài viết về cuộc sống: “Bạn không được chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sống.” 

Đỗ Duy Vị và những câu chuyện thần tiên từ Blue Dragon là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights