HÀ GIANG
Phải nói bút ký “Chuyện đời, chuyện nghề” của Võ Đắc Danh, nhà văn, nhà báo, tự xưng là “người nông dân cầm bút” vừa hết sức sống động, lôi cuốn, lại vừa có chỗ… rất khó đọc.
Khó, vì nhiều câu chuyện tác giả mô tả, như “Câu chuyện Long Điền”, “Đất Thủ Thiêm,” và còn rất nhiều nữa… làm dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương pha lẫn phẫn uất, thêm vào đó là một cảm giác bất lực. Xót thương cho số phận của người dân, phẫn uất trước những cảnh bóc lột, đàn áp mà những người thấp cổ bé miệng này phải âm thầm gánh chịu, và bất lực vì thấy mình không thể làm gì để giúp họ…
Những bóc lột đến tán tận lương tâm, sự tàn ác đến độ dồn nạn nhân vào chỗ liều chết để phản kháng, mà nếu không có những người cầm bút can đảm như Võ Đắc Danh, có lẽ ít ai biết đến.
Chỉ đọc thôi, mà cũng đã khó rồi… Thì hãy tưởng tượng cái khó của người đã chọn con đường gian nan ấy mà đi, để tìm hiểu, chứng kiến và can đảm viết lên những điều cần viết, dù những điều mình viết có thể đưa mình vào vòng lao lý.
…Người làm xiếc đi dây thật khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo Ɩà yêu
Ghét ai cứ bảo Ɩà ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
(Phùng Quán -Lời Mẹ Dặn)
Đọc xong bút ký dài hơn 600 trang, của Võ Đắc Danh, tôi ngồi thừ người, con tim nặng trĩu, và đầu vang lên những câu thơ mà tôi không biết đã nghe biết bao lần từ ngày còn tấm bé, mỗi khi người cha vừa nghiêm khắc vừa đầy thương yêu của tôi nổi hứng ngâm nga…
…Người làm xiếc đi dây thật khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật…
Đúng vậy!
Ở một đất nước không có tự do báo chí, nơi mọi cơ quan truyền thông, dù là tư nhân, cũng có nhiệm vụ bất thành văn là phải tuyên truyền cho nhà nước, hay ít ra là không đăng tải nội dung nào có hại cho nhà nước, thì chọn con đường chân thật, là một chọn lựa vô cùng nguy hiểm của người cầm bút, cho bản thân, và cả cho gia đình.
Người nông dân cầm bút Võ Đắc Danh đã chọn con đường nguy hiểm đó.
Hãy nghe ông tâm sự:
“…Tôi dấn thân vào nghề báo bằng tất cả đam mê. Một ba lô với chiếc máy ảnh Yasica, một bịch thuốc gò, tôi lang thang khắp các vùng nông thôn hẻo lánh, có khi đi tàu đò, có khi quá giang xuống chèo, có khi lội bộ vài chục cây số “mà lòng phơi phới dậy tương lai” … Ăn ở với nông dân, làm việc với nông dân. Chiều tối cùng mấy anh mấy chú nông dân trải chiếu ngoài sân, uống rượu đế và đờn ca vọng cổ.
Hàng tuần, những trang báo ra đời đầy ắp những thông tin: Thành tựu của các công ty, xí nghiệp quốc doanh; Thành tích huy động lương thực, ông A tự nguyện đưa đất đưa trâu vào tập đoàn sản xuất, bà B tình nguyện bán hết hàng trăm giạ lúa dư cho nhà nước…
Những năm đầu của thập niên tám mươi, ai cũng háo hức với con đường đi lên Xã hội Chủ nghĩa. Người ta nói cái nghèo cái khó trước mắt chỉ là cái tạm thời, và đó là cái tất yếu của thời kỳ quá độ. Chúng tôi nghe và tin như thế, một niềm tin sắt đá, không gợn chút nghi ngờ…”
Thế nhưng đời không là mơ:
“Sau một năm cầm bút, tôi nhận ra rằng cái nghề báo không phải là cái nghề lãng tử, phong lưu như tôi tưởng. Tôi cảm thấy mình bị lừa dối và bị biến thành một thứ công cụ của sự dối lừa. Dối lừa bạn đọc, lừa dối nhân dân và tệ hại hơn là lừa dối chính bản thân mình.
Một chỉ thị, một nghị quyết, một chủ trương nào đó ra đời thì nhiệm vụ của chúng tôi là phải đi ca tụng, đi tìm kết quả để chứng minh cho sự đúng đắn của nó mà bất cần sự thật.”
Nhận thức “mình bị lừa dối và bị biến thành một thứ công cụ của sự dối lừa” chính là nhận thức đã quyết định hướng đi của tác giả Võ Đắc Danh.
Từ Câu chuyện Long Điền
Ông kể:
“Một hôm, tòa soạn phân công tôi đi viết một bài để phản ảnh tình hình hiện thực chỉ thị của ủy ban tỉnh về việc quản lý và thu mua muối. Tôi xuống Long Điền Đông, một cánh đồng muối từng nổi tiếng cả nước từ thời Pháp thuộc. Mùa hạn, nắng như đổ lửa, hàng vạn đống muối phơi trắng một cánh đồng mênh mông, mút tầm mắt vẫn là một mầu muối trắng.
Và tôi đã trực tiếp chứng kiến một thảm họa của muối Long Điền…
Tôi giả dạng thường dân đi theo bà con tới trạm thu mua muối của nhà nướ chỗ con đập ngoài cầu kinh, cách đồng muối của nhà nước chỗ con đập ngoài cầu kinh, cách đồng muối chừng hai cây số. Gọi là trạm nhưng thực chất chỉ là một căn chòi nhỏ với một toán nhân viên của chi cục công nghiệp muối làm việc với vai trò trung gian mua bán. Phía trong con đập là những đoàn ghe nhỏ của diêm dân chở muối ra bán cho nhà nước theo giá quy định, 50 xu một ký. Phía ngoài con đập là những đoàn ghe chày của thương lái tới mua lại muối của nhà nước với giá một đồng rưỡi một ký. Nghĩa là, chi cục công nghiệp muối thực hiện chỉ thị của nhà nước về quản lý và thu mua muối của diêm dân bằng cách ngồi không làm trung gian hưởng lợi mỗi ký muối một đồng, trong khi người dân làm ra hạt muối, họ chỉ được mỗi ký 50 xu.
Có kiểu kinh doanh nào không cần bỏ vốn mà lợi nhuận đến hai trăm phần trăm như thế này không Chắc chắn chỉ có kiểu kinh doanh bằng quyền lực và chỉ thị.
Vài tháng trước, tôi đã từng đến đây để kể với bạn đọc câu chuyện khá dài về hạt muối Long Điền, kể về cái sự tinh khiết của hạt muối được bắt nguồn tự độ mặn hai mươi sáu phần ngàn của nước biển… kể nỗi nhọc nhằn của dân làm muối để mong sao người ăn muối thấu hiểu được, nếm được cái vị mặn mồ hôi của đồng bào mình trong từng giọt muối.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay, đứng giữa ruộng muối Long Điền, tôi không thể kiềm chế được nỗi bất bình, căm giận với những kẻ từng ngày ra rả cái miệng lo cho đời sống nhân dân mà tay thì bốc lột, vơ vét đến tận cùng giọt mồ hôi, xương tủy của nhân dân.
Đêm ấy ngồi uống rượu với bà con trong căn chòi trên ruộng muối, tôi đã thề rằng nếu không làm sáng tỏ chuyện này, tôi sẽ bỏ nghề.
Vài hôm sau, bài phóng sự điều tra “Cần giải quyết kịp thời việc quản lý và thu mua muối” được đăng trên báo Minh Hải.
Hai ngày sau, chú Bảy Minh cho người gọi tôi đến phòng ông có việc. Tôi bước vào, thấy ông và mấy anh em trong tòa soạn ngồi lặng im, mặt mày biến sắc. Tôi vừa ngồi xuống thì ông nói: “Ông chủ tịch ủy ban tỉnh ra lệnh cho công an bắt mày. Bên công an họ vừa gọi điện cho tao hay. Mày xem cái này đi!”
Lần ấy nhà văn Võ Đắc Danh thoát nạn, và muối Long Điền được giải thoát, nhưng bi kịch Long Điền vẫn tiếp diễn, kéo theo số phận nổi trôi của một nhà báo đã quyết tâm nói lên những điều phải nói.
Đến đất Thủ Thiêm
Từ ruộng muối Long Điền ở thập niên tám mươi, tác giả Võ Đắc Danh đưa chúng ta đến vùng đất Thủ Thiêm năm 2018, với tiếng than khóc của bao nhiêu người dân mất đất.
Trong phần cuối của bút ký về Đất Thủ Thiêm, ông tả hoàn cảnh của Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải, người, giữa tận cùng của mất mát và phẫn nộ, đã thề “đứa nào tới đây, tao bắn”:
“Ba ngôi nhà còn sót lại giữa cái hoang tàn đổ nát như sau một trận bom trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An là nhà của chị Vinh, ông Lực và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Nó còn sót lại, có lẽ là vì, với chị Vinh và ông Lực, người ta không dám ném ra đường một người phụ nữ tật nguyền phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ và một ông già chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi tuổi đảng bị tai biến nằm liệt giường. Còn với Thiếu tướng Hải, có lẽ vì người ta sợ cái câu: Đứa nào tới, tao bắn…!
Khi chúng tôi tới thăm ông, ông hỏi các anh chị là nhà báo nhưng thuộc phe nào? Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông nói báo chí bây giờ nhiều phe quá, chẳng biết tin ai. Khi cuộc tiếp xúc đến hồi thân thiện, ông Hải kể rằng, năm 1968, sau khi đậu Tú tài, ông được tuyển vào trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc bấy giờ ông đang là biệt động thành Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu ông nên đi học sĩ quan để tiếp tục “hoạt động trong lòng địch” khi ra trường, nhưng ông từ chối, bỏ học vào chiến khu rồi theo đơn vị trinh sát đặc công. Chúng tôi ngồi nghe ông kể những câu chuyện “xuất quỷ nhập thần” của lính đặc công như huyền thoại, bất kỳ những đồn bót, những căn cứ quân sự của đối phương, lính đặc công vào ra như có phép tàng hình.
Sau chiến tranh Campuchia, ông được phong hàm Thiếu tướng, Tư lệnh phó binh chủng đặc công miền Nam.
Khi xảy ra câu chuyện Thủ Thiêm, bí thư kiêm chủ tịch quận Tất Thành Cang tới nhà ông thương lượng rất chân tình, rằng sẽ đổi căn nhà 160 mét vuông của ông bằng hai nền nhà gần siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Lương Định Của, nghĩa là ông sẽ được đền bù thỏa đáng. Ông nhẩm tính, hai nền nhà kia trị giá tương đương chín tỷ đồng, ông sẽ lên quận 9 mua được hơn hai ngàn mét vuông đất vườn chỉ hơn năm tỷ, còn lại xây nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa con ông sẽ có cuộc sống thanh nhàn, vui thú điền viên. Nghĩ thế, ông bằng lòng trao đổi. Nhưng một hôm, ông Cang gọi ông lên cáo lỗi rằng quỹ đất không còn, chỉ đổi với ông một nền. Sau một hồi tranh cãi, ông đứng lên nói thẳng: “Người lớn với nhau không thể nói hai lời. Vậy thì tôi không đi đâu cả, các anh cứ tới cưỡng chế, nhưng nên nhớ phải mặc áo giáp và đội nón sắt đàng hoàng, đứa nào bước vô tôi bắn…! Máu tôi đã đổ ngoài chiến trường nhiều rồi, giờ nầy tôi không còn tiếc gì nữa, nhưng trước khi chết tôi sẽ bắn nát đầu bọn cướp…”
Tôi hỏi vì sao ông không cùng với bà con đi kiện mà nghĩ tới chuyện mạo hiểm như vậy? Ông nói tôi là lính, không thích dây dưa, khi đã xem chúng nó là kẻ thù của nhân dân thì tôi ứng xử theo cách của người lính, hoặc là tấn công, hoặc là rút lui, hoặc là phòng thủ và tử thủ. Ngắn gọn như thế, không cần phải dài dòng.
Thế là hết Thủ Thiêm ơi!”
Sau tiếng than não lòng này, tác giả Võ Đắc Danh xin lỗi một cô bé gái gia đình là dân Thủ Thiêm nhắn tin kêu cứu:
“Cháu ơi, làm sao chủ đủ sức đủ tài để kể hàng trăm, hàng ngàn tấn thảm kịch Thủ Thiêm, bởi tội ác cứ nối dài tội ác và đau thương cứ chồng chất đau thương. Chú xin lỗi cháu! Mỗi con người, mỗi gia đình trên Đất Thủ Thiêm giờ đây giống như những trang tiểu thuyết mà bản thân chú không đủ sức, đủ tài [để viết hết].”
Rồi ông tâm sự với giới cầm bút:
“Chúng ta – những người cầm bút – bị vướng phải thời quen sợ hãi nên luôn có sẵn cây kéo trong đầu khi ngồi trước trang viết của mình, chúng ta luôn tự đặt mình trong trạng thái sợ hãi để tự cắt, tự gò mình từng câu từng chữ, luôn thấy một thế lực vô hình nào đó ám ảnh trong đầu.
Tôi từng bị ai đó nghi ngờ, thậm chí bị quy chụp là một tên “phản động”, nhưng tôi không buồn, không trách, chỉ ngẫm cười cảm thông với họ, cảm thông với một cách nhìn, cách nghĩ của một kiểu tư duy. Bởi khi một xã hội luôn thiếu sự phản biện, người ta dễ nhầm lẫn giữa phản biện và phản động, giữa phản đối và chống đối. Tôi nghĩ người cầm bút khác với con vẹt là ở chỗ biết phản đối, biết nói thay tiếng nói của người dân về những điều nghịch lý, hoặc những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ, xâm phạm, tổn thương đến đời sống của họ.”
Nhiều người cầm bút, nhất là người cầm bút ở Việt Nam, có lẽ sẽ đồng ý với Võ Đắc Danh, nhưng không phải ai cũng dám chọn đi trên con đường chông gai này.
Trong một lần nói chuyện, tôi hỏi người nông dân cầm bút là tại sao lại tìm con đường chông gai như vậy mà đi, và nếu được làm lại cuộc đời, ông có vẫn chọn con đường đó không, thì được ông trả lời:
“Tôi nghĩ cái đó là số trời, nếu mà làm lại cuộc đời lần nữa, thì chắc tôi không muốn cầm bút nữa. Khổ quá! Tôi thấy mấy anh nhiếp ảnh gia, anh nào cũng sống hồn nhiên với cái đẹp, còn mình thì cứ lao vào những chuyện thân phận con người mà viết…”
Nghe câu trả lời của tác giả “Chuyện Đời Chuyện Nghề” tôi thầm nghĩ ông cũng đã có thể chọn con đường dễ hơn, nhưng muốn như vậy thì ông phải là một con người khác.
“…Người làm xiếc đi dây thật khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo Ɩà yêu
Ghét ai cứ bảo Ɩà ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…”
Xin cảm ơn nhà báo Võ Đắc Danh. Cảm ơn bút ký “Chuyện Đời Chuyện Nghề,” cuốn sách đã nhắc nhở tôi, một cách rất hùng hồn, rằng ngay cả ở môi trường báo chí khắc nghiệt nhất, cũng có những người cầm bút có lương tâm và lòng can đảm, mà ông là một thí dụ điển hình.
Và cuộc đời, nhờ đó, vẫn đẹp…