HÀ GIANG
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt đã gần 50 năm, nhưng hậu quả của nó, cho đến giờ vẫn còn âm ỉ trong lòng nhiều người Việt, nhất là những người Việt xa xứ.
Nỗi buồn đau âm ỉ này được biểu lộ bằng nhiều cách. Có người dằn vặt không yên với câu hỏi là tại sao quân đội VNCH kiêu hùng thế, lại được một cường quốc là Mỹ tham chiến để hỗ trợ, mà miền Nam lại lọt vào tay Cộng sản. Người khác mãi khắc khoải vì ước mơ một Việt Nam thanh bình trong tự do, dân chủ đã không thành.
Trong số những người giải tỏa tâm tư và trăn trở của mình bằng cách vùi đầu vào những núi tài liệu, đọc hàng trăm cuốn sách về cuộc chiến để đi tìm cho bằng được câu trả lời, tác giả Minh Phượng Bùi, có lẽ là một trong những người đạt nhiều thành quả nhất: Sau bao nhiêu năm tham khảo và viết, ông đã cho ra đời cuốn “Mất cả quốc gia hóa ra vì Mỹ – Ước vọng không thành”.
Ngoài phiên bản tiếng Việt nói trên, tác giả Minh Phượng Bùi trước đó đã xuất bản, ấn bản tiếng Pháp, cùng nội dung, với tựa “5 Présidents US et 1 Guerre pour Rien“, rồi ấn bản tiếng Anh có tên “5 US Presidents and 1 War for Naught”. Tất cả đều vừa được trình làng trên Amazon vào đầu tháng Mười Một, “như để tưởng nhớ đến cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, 60 năm sau ngày ông bị thảm sát,” theo lời ông tâm sự.
Thú thật, trước khi gặp tác giả, tôi không định đọc thêm một cuốn sách nữa về chiến tranh Việt Nam, vì đã đọc quá nhiều, và nghĩ có đọc thêm cũng không bớt… hoang mang. Nhưng gần đây, qua lời một người bạn, rằng tác giả rất cần một người giúp edit cho cuốn sách tiếng Anh về chiến tranh Việt Nam, tôi nhận lời nói chuyện với ông, rồi có lẽ bị tâm huyết của ông làm xúc động, nổi hứng nhận lời edit cuốn sách dài 500 trang, và phải rủ thêm một người bạn Mỹ giúp một tay, vì cuốn sách dài quá.
Với 46 chương, cuốn “5 US Presidents and 1 War for Naught” chắc chắn không là một tài liệu có thể đọc một cách lơ là, cũng không phải là một tác phẩm dễ thưởng thức. Trái lại, nó đòi hỏi người ta phải bỏ công sức ra để đọc, mới có thể hiểu thấu đáo những ngõ ngách của chiến tranh Việt Nam, và ảnh hưởng của sự tham gia của quân đội và chính phủ Hoa Kỳ lên kết cục của cuộc chiến.
Thế nhưng cấu trúc của sách, và cách viết vừa linh động, vừa rạch ròi, cách tóm tắt tài liệu, chen kẽ với lời của các nhân chứng, và đặc biệt là cách đặt vấn đề của tác giả đã khiến chúng tôi thích thú và say sưa đọc về chiến tranh Việt Nam như chưa bao giờ được đọc.
Khi được trao cho phiên bản tiếng Việt, tôi lại đọc một lần nữa, và được nhắc nhở là cuốn “Mất cả quốc gia hóa ra vì Mỹ – Ước vọng không thành” quả thật là có nhiều chi tiết chưa được ai trình bày một cách rõ ràng và đầy chứng cớ thuyết phục như tác giả.
Chẳng hạn chi tiết về vụ Mỹ lật đổ ông Ngô Đình Diệm:
“Theo một báo cáo của CIA ngày 17 tháng 9 Khiêm kể là Đính khoe đã có một người Mỹ muốn đưa ông 20 triệu Đồng (khoảng 600,000 US $) để ông lật đổ chính phủ. Theo Sloyan “McGeorge Bundy là người đưa ra bằng chứng rõ nhất là Đính đã nhận một số tiền lớn. Sau đảo chính trong một buổi họp có Rusk, McNamara, Hilsman và vài người khác Bundy nói ‘Chúng ta không biết số tiền đã được dùng để mua sự tham gia của mấy tướng, chắc nó cũng phải lớn.’ Câu này được người thư ký của NSC, Bromley Smith ghi trên bản báo cáo. Trên bản nháp ta thấy Smith viết ‘Bundy: Đính, chắc giá phải trả cao lắm.’
Nhiều năm sau được hỏi về số tiền mất cho Đính, Dunn phụ tá của Lodge, cũng như Colby, từ chối đưa ra một con số nhưng nói “Chúng ta đã tốn nhiều tiền lắm.” (Chương 32. Đảo chính ngày 1 tháng 11, 1963, trang 349).
Hay phản ứng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi bị áp lực phải đồng ý với Hiệp định Hòa bình giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt:
“Bunker có ghi lại một ít chi tiết đáng chú ý về Thiệu trong tình trạng bị áp lực sâu đậm và cảm xúc mãnh liệt. Ông ta cho là dự án Hiệp định này còn tệ hơn Hiệp định Genève 54 nhiều và nói với Kissinger: “Tôi có quyền nghĩ là Hoa Kỳ đã thông đồng với Liên Sô và Trung Cộng. Bây giờ các ông đã chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại đây thì nhân dân miền Nam sẽ nghĩ là họ bị ‘bán đứng’ bởi Hoa Kỳ và Bắc Việt đã thắng cuộc chiến. Nếu Hoa Kỳ muốn bỏ rơi miền Nam thì đó là quyền của họ. Từ lúc Hoa Kỳ đề nghị tôi phải từ chức và mặc cả thời điểm của chuyện đó tôi biết những người tôi coi là bạn đã đánh lừa tôi…Tôi đã bị làm nhục nhưng tôi không cho ai biết là người Mỹ đã đòi tôi từ chức và làm như đó là ý của tôi…”
Và phản ứng của Kissinger:
“Lúc đó sự tức giận của Kissinger lên đến tột đỉnh vì mọi chuyện bế tắc với cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Ông duyệt lại tình hình với Nixon: “Bây giờ đã có một bức thư của Thiệu bác bỏ hết mọi chuyện, đòi hỏi quân Bắc Việt rút về Bắc, tất cả…Ông ta có lẽ điên rồi… Tên ‘chó đẻ’, thật có tội nặng đối với chúng ta…Chúng ta đã có dịp chấm dứt chiến tranh, một mình…Bây giờ tôi thấy rõ rồi. Gần như không có cách nào ngoài ‘cú với Diệm’ để lấy sự chấp thuận của hắn…” (Chương 41. Trận chiến với Đồng minh, trang 435).Được hỏi về động cơ thúc đẩy ông viết cuốn sách, tác giả Minh Phượng Bùi ngậm ngùi:
Tôi viết sách như để thể hiện tình yêu nước, thương nòi và để cho các thế hệ tiếp theo nhận được những bằng chứng khó chối cãi, được thận trọng gom góp và suy xét một cách tỉ mỉ. Sách vô tư và khách quan, chẳng thiên vị một ai, chẳng nghiêng về ý thức hệ nào, chẳng làm nổi bật những điều quá đáng hay hư khấu.”
Ông nói thêm:
“Mục đích của sách là trình bày các câu trả lời cho những câu hỏi sau đây: a) Động cơ nào đã thúc đẩy Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam trong nửa sau của thế kỷ 20? b) Nguyên do nào đã làm cho Hoa Kỳ quyết định hỗ trợ Tổng thống Ngô Đình Diệm, rồi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu? c) Vì sao mà ước vọng dựng Nước của “người quốc gia” không thành? và d) Những yếu tố nào đã dẫn đến sư sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà?”
Đọc xong cuốn sách, tôi nghĩ, theo tài liệu mà tác giả đã thu thập được, tham khảo và trình bày, những câu hỏi trên được trả lời tương đối thỏa đáng. Quan trọng hơn, với những ai cảm thấy chưa được thuyết phục thì danh sách hùng hậu của hàng ngàn tài liệu được trích dẫn, sẽ giúp họ theo đuổi hành trình tìm tòi của riêng mình, nếu muốn.
Trân trọng cảm ơn tác giả Minh Phượng Bùi, và trang trọng giới thiệu “Mất cả quốc gia hóa ra vì Mỹ – Ước vọng không thành” đến độc giả của Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.
Quý vị có thể tìm mua sách trên Amazon, theo link dưới đây:
https://www.amazon.com/M%E1%BA%A5t-Qu%E1%BB%91c-Gia-H%C3%B3a-M%E1%BB%B9-ebook/dp/B0CLG55FSQ/ref=monarch_sidesheet