HÀ GIANG
“Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
Môi cằn, má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
Ðêm nằm ruột rỗng vai run
Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm…”
Không hiểu từ bao giờ, khi nghĩ đến người tù cải tạo, tôi hay nhớ đến những câu thơ lục bát trên trong bài thơ Nguyện Cầu Mùa Thu của Cung Trầm Tưởng, được ông làm ở Hoàng Liên Sơn, mùa Thu năm 1977. Những câu này tôi đọc chỉ vài lần, nhưng cứ vương vấn mãi trong tâm tưởng.
Cuốn hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng” của Phạm Gia Đại được xuất bản cách đây đã hơn 10 năm, vào năm 2011, 36 năm sau biến cố tháng Tư 1975, mà tôi vừa có việc đọc, hình như rồi cũng sẽ gây cho tôi ảnh hưởng như thế.
Tôi tình cờ gặp nhà văn Phạm Gia Đại trong buổi tiệc Giáng Sinh của một thương gia nổi tiếng trong cộng đồng. Từng nghe danh, nhưng chưa bao giờ gặp mặt, tôi khá ngạc nhiên khi biết người đàn ông điềm đạm, có vẻ bình thản an nhiên tự tại lại là tác giả của hồi ký được nhiều người nhắc đến.
Tác giả Phạm Gia Đại không phải là người đầu tiên hay duy nhất viết về thảm trạng tù cải tạo ở Việt Nam. Cuối tháng 7 năm 2007, ký giả James Taranto, trong một bài báo viết trên The Wall Street Journal, trích dẫn cuộc điều tra được công bố năm 2001 của Orange County Register về “học tập cải tạo” tại Việt Nam với kết luận: “Ngay sau khi xâm chiếm miền Nam, dưới chiêu bài học tập cải tạo, nhà cầm quyền cộng sản đã đưa một triệu quân dân cán chính VNCH vào tù vô thời hạn – trong ít nhất là 150 trại tập trung được lập ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kể cả những nơi rừng thiêng nước độc với khí hậu khắc nghiệt. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đa số người tù bị giam cầm từ 3 tới 10 năm và một số người đã bị giam giữ đến 17 năm. Nếu lấy con số trung bình là bẩy năm tù cho một người, số năm tù của một triệu quân dân cán chính VNCH là 7,000,000 năm.” Nhà văn Phạm Gia Đại là một trong những người tù cải tạo đã bị giam cầm 17 năm ấy.
Làm việc Nhật báo Người Việt gần 10 năm, cảnh khổ của người cựu tù cải tạo với tôi không lạ. Khá nhiều người lớn tuổi trong tòa soạn này thuộc chế độ VNCH, và sau biến cố tháng Tư, 1975, từng bị đầy đi cải tạo từ 6 đến 13 năm. Tâm tư và cảnh đời thê thảm của họ trong những ngày dài lê lết ở những trại tập trung đèo heo hút gió, không mong có ngày về, cũng không phải là tôi điều chưa nghe, nhưng không hiểu sao, khi đọc cuốn “Những Người Tù Cuối Cùng” của nhà văn Phạm Gia Đại tôi vẫn không nén được xúc động.
Có lẽ vì ông tâm sự “đã mua một hộp thuốc ngủ loại mạnh và định cùng với cả gia đình quyên sinh chứ không thể sống với cộng sản, nhưng nhìn hai đứa con đang say ngủ ngây thơ vô tội, lòng chùng xuống, tôi bỏ ý định tự tử, chờ họ đến bắt mình rồi phó mặc cho số mệnh.” ?
Hay vì đoạn ông hồi tưởng tâm trạng mình lúc máy bay đưa ông và bạn tù đáp xuống phi trường Gia Lâm, khi bị chuyển từ trại tù Long Thành ra Bắc, sau 13 tháng bị giam cầm tại miền Nam:
“Chỉ trong một đêm cuộc đời tù tội chúng tôi đã khác hẳn như trắng qua đen, chúng tôi vừa từ giã miền Nam thân yêu để đặt chân lên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một điều không ai ngờ tới. Cùng trong một nước mà miền Nam phồn thịnh bao nhiêu thì miền Bắc nghèo nàn xơ xác bấy nhiêu. Tôi như người vừa đến vùng đất hoàn toàn xa lạ không phải trong quê hương mình. Trên bước đường lưu đầy, tôi cũng không thể nào nghĩ được rằng bao nhiêu những gì tăm tối nhất, đọa đầy nhất, ngục tù nhất trên thế gian đang chờ đón tôi và các người tù này trong suốt mười hai năm trời trên đất Bắc.
Nếu lúc đó họ ban cho mỗi người chúng tôi một phát súng thì họ còn một chút nhân đạo nhưng mười hai năm lao động khổ sai lưu đầy trong tình trạng thiếu ăn thiếu mặc và suy dinh dưỡng, qua những mùa Hè nắng chói chang kiệt sức ban ngày và oi bức mất ngủ ban đêm. Chúng tôi phải sống trong những mùa Đông âm u gió bấc lạnh lẽo, giá buốt thấu xương, chúng tôi chợt hiểu rằng họ không muốn cho chúng tôi chết đi một cách dễ dàng như thế…”
Giọng văn trĩu buồn mà không uất hận, thở than, thế nhưng nỗi tuyệt vọng của tác giả như ứa ra trên từng trang giấy. Phải nghĩ rằng nếu được bắn chết đi còn may mắn hơn, thì có lẽ không nỗi tuyệt vọng nào cùng cực bằng…
Nếu nhà văn Phạm Gia Đại đã cho người đọc thấu hiểu tâm trạng thống khổ của mình trong ngày đầu tiên bị đẩy vào nơi ông gọi là địa ngục trần gian, thì ông cũng làm độc giả yên tâm hơn khi thấy, sau bốn năm sống trong địa ngục, ông đã phần nào giữ được thăng bằng về mặt tâm lý.
Trích:
“Bao nhiêu người đã ngã xuống tan tành như chiếc thuyền nan không qua khỏi cơn bão nhưng những người còn lại thì vẫn đứng thẳng người bước về phía trước dù là họ chỉ còn như cây sậy hay bộ máy biết cử động theo từng tiếng kẻng. Tiếng kẻng đánh thức dậy chuẩn bị một ngày lao động mới, kẻng sắp hàng vào buồng giam mỗi buổi chiều, hoặc kẻng lên chiếc chiếu chuẩn bị đi ngủ.
Vào đầu năm một chín bẩy chín khi những người tù đang đi đến bờ vực sâu của tuyệt vọng thì bỗng đâu ánh sáng nhiệm mầu hiện ra soi chiếu xuống trại giam và hai điều thần kỳ bắt đầu xẩy ra cùng một thời gian đã vực họ sống lại.
Điều kỳ diệu thứ nhất là những chuyến xe chở hàng thăm nuôi bắt đầu đến các trại giam ở miền Bắc để tiếp tế cho những người tù sau bốn năm sống còn hơn người tu khổ hạnh với khẩu phần ăn ít ỏi, với áo quần mong manh, để chống lại cái lao động khổ sai, cái mưa phùn gió bấc mùa Đông có thể làm họ ngã gục bất cứ giờ phút nào.
Điều kỳ diệu thứ hai là tất cả tù đã được di chuyển từ các trại Hoàng Liên Sơn ở miền biên giới Việt-Trung và từ Vĩnh Phú xuôi về miền trung du và đồng bằng với khí hậu bớt khắc nghiệt hơn để tránh cuộc chiến tranh sắp xẩy ra giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Tình cờ, anh cả của tôi là Thiếu Tá sư đoàn 5 BB và tôi đã mất liên lạc ngay trước ngày Sàigòn sụp đổ, được chuyển về cùng trại với tôi và hai anh em đã gập nhau thật là ngẫu nhiên một cách lạ lùng.”
“Những Người Tù Cuối Cùng” khiến độc giả vừa quằn quại xót xa cho những người thuộc thành phần ưu tú của VNCH trước đây, vừa thầm hãnh diện là họ, dù vì số phận oan khiên của đất nước, đã từ những người nắm vai trò quan trọng trong xã hội biến thành tù khổ sai, nhưng “không làm mất nhân phẩm của mình mà còn làm cho những cán bộ cộng sản với trái tim sắt máu phải thay đổi hẳn thái độ. Với tấm lòng nhân bản, dù phải sống trong đọa đầy, nhưng họ đã làm điều tưởng như không thể làm được là… cải tạo lại cán bộ cộng sản và xây dựng một hình ảnh đẹp về người tù chính trị trong lòng dân miền Bắc.”
Trích:
“Những cuối tuần vào tối thứ Bẩy thường hay có party văn nghệ bỏ túi và không ngờ trong anh em xuất hiện nhiều tài năng, có những người hát rất hay đàn thật giỏi. Trong cái không khí vắng lặng của trại giam, vì các cán bộ trại đều kéo hết ra chơi ngoài thị xã ngay từ chiều thứ Bẩy, những bài hát tình cảm ngày xưa như “Chiều trên phá Tam Giang”, “Thuyền Trăng”, “Thiên Thai”, “Nha Trang Ngày Về”, “Hòn Vọng Phu”, “A time for us”, “Love Story”, v.v. đã như cho ta sống lại cái không khí của ngày nào thật thơ mộng và êm đềm, ngày nào thật là hạnh phúc khi còn ở Sàigòn năm xưa và tạm quên đi số phận tù đầy.
Các cán binh đi gác hay đi tuần tra ban đêm không ngờ lại là những khán giả thuờng xuyên của các phòng trà bỏ túi đó. Ban đầu thì họ khuyến cáo giải tán văn nghệ đi để đi ngủ, nhưng anh em đưa cho họ điếu thuốc ba số 5 hay bi thuốc lào ngon, chung nước trà móc câu thì họ đều ngồi lại bên ngoài cửa song sắt bỏ cả súng ống qua một bên để nghe nhạc.
Nhiều lúc họ kéo nhau hai ba đứa đến một lúc bỏ cả canh gác, ngồi ngoài cửa sổ cùng uống trà hút điếu thuốc và cùng thưởng thức những bản nhạc ngày xưa và còn yêu cầu các bài bài mà họ thường nghe tại các party bỏ túi này. Họ nói rằng nhạc của các anh hay quá và thích nghe hơn là các bài hát tuyên truyền vẫn phát ra rả hàng ngày qua loa phóng thanh…”
Bằng giọng văn kể chuyện tỉ mỉ, lối dùng chữ ôn hòa, cộng thêm những dữ liệu lịch sử khi cần, tác giả Phạm Gia Đại, trong hồi ký dài 500 trang, 17 chương, với những tựa rất xúc tích, như “Sàigòn Ngày Tháng Cuối”, “Những Người Tù Áo Hoa”, “Anh Hùng Sư Đoàn 5”, “Huyền Thoại Về Một Vị Sư”, “Tấm Lòng Người Vợ”, “Thân Mẫu Tại Đường – Như Lai Tại Thế”, “Chuyến Tàu Xuôi Phương Nam”… đã đưa người đọc cùng ông đi lại hành trình nhục nhằn 17 năm trong lao tù, cho đến ngày ông đến được bến bờ tự do…
Được hỏi ông đắc ý nhất về phần nào trong cuốn hồi ký, nhà văn Phạm Gia Đại cho biết là rất khó chọn, vì chương nào cũng kể lại những gì ông đã trải qua, ghi nhận và chiêm nghiệm.
Tấm lòng son sắt của những người vợ tù được ông kể lại trong chương “Tấm Lòng Người Vợ” là một minh chứng hùng hồn về sự quả cảm và “tình thương yêu và hy sinh vô bờ bến dành cho chồng con” của người phụ nữ Việt Nam có chồng bị bắt vào các trại tập trung không biết ngày về.
Tương tự, ông cũng đã dành hẳn chương “Thân Mẫu Tại Đường – Như Lai Tại Thế” để viết về người Mẹ và sự hy sinh của bà từ ngày mới lấy chồng và nhất là những khó khăn và thử thách mà Mẹ ông đã phải đối diện và vượt qua sau năm 1975 khi cả ba người con trai cùng phải đi tù cải tạo, mà chồng thì đã qua đời.
Đọc xong “Những Người Tù Cuối Cùng” tôi mới hiểu tại sao tác giả không thể chỉ chọn ra một vài điều đắc ý. Nhưng làm tôi xúc động nhất là chương “Chuyến Tàu Xuôi Phương Nam” trong đó tác giả kể lại hành trình từ Bắc vào Nam trên chuyến xe lửa kéo dài ba ngày, đưa chín mươi người cuối cùng trong số hơn năm chục ngàn tù nhân hơn mười hai năm trước đó đã bị vội vàng đưa từ Nam ra Bắc để chịu cảnh đầy ải.
Trích:
“Ánh đèn vàng nhỏ trên nóc toa tỏa ra một ánh sáng mờ mờ theo tiếng xình xịch của bánh xe lửa lại càng làm thêm buồn ngủ, nhưng không hiểu sao dù rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn chưa ngủ được.
Có thể vì hôm nay là một cái ngày gì rất đặc biệt trong quãng đời tù tội của chúng tôi, những người tù cuối cùng đang rời xa dần đất Bắc.
Tất cả là chín mươi người, con số thật là bé nhỏ, những người trước kia từ các trại khác nhau trên miền Bắc về tụ hội tại Nam Hà, và bây giờ đây năm một chín tám tám, chín mươi người còn lại ấy vẫn còn sống và đang ngồi trên chuyến tầu này xuôi Nam, sau mười ba năm giam cầm và lưu đầy.
Nếu nói đây là một sự thành công kỳ diệu của sức người đã vượt qua được những thử thách của thời gian thì phải cảm ơn Ông Trời đã sinh ra con người, tuy bằng xương bằng thịt nhưng trong gian nan nguy khốn, đã có được một sức chịu đựng bền bỉ ngoài sức tưởng tượng.
Những người tù cuối cùng này còn sống sót và còn minh mẫn, chính là nhờ vào sức chịu đựng phi thường của họ, chính là nhờ Ơn Trên vẫn che chở cho họ, và cũng chính nhờ gia đình trong đó người vợ với tấm lòng son sắt, đã không quản ngại khó nhọc đi thăm chồng suốt bao nhiêu năm trường…”
Tác giả Phạm Gia Đại được trả tự do năm 1992.
Được hỏi nếu tái bản hồi ký này thêm một lần nữa ông sẽ viết thêm gì, nhà văn Phạm Gia Đại cho biết ông đang “viết cuốn thứ nhì, sẽ là những truyện ngắn nhưng cũng về chiến tranh Quốc – Cộng, về dữ liệu lịch sử thời mất nước.”
Được hỏi về thân phận người cựu tù cải tạo và cuộc sống của họ ở Mỹ, cũng như sự giúp đỡ đặc biệt dành cho họ, nếu có, ông trả lời:
“Đa số cựu tù nhân qua Mỹ vì tương lai con cháu, vì bản thân họ già rồi nên đa số vất vả khi hội nhập vào đời sống quá văn minh tại Mỹ, nhưng họ đều rất cố gắng vượt qua mọi trở làm lại cuộc đời vì con cháu và an vui vì quá khứ đau thương đã qua, được bình yên tại Mỹ, và thấy được tương lai tốt đẹp cho con cháu mình.
Đa số những người tù cải tạo như tôi dù qua Mỹ rồi vẫn bị cái gọi là hội chứng hậu chiến tranh và tù tội. Chính tôi đến bây giờ nhiều đêm vẫn nằm mơ thấy ác mộng của trại giam – nhưng vẫn cố gắng vượt lên để sống bình thường đi làm, sinh hoạt như mọi người.
Chính phủ Mỹ qua Tổng thống Ronald Reagan là ân nhân đã giúp thành lập chương trình nhân đạo H.O (Humanitarian Operation) nhờ đó mà các cựu tù trên 3 năm tù đã đưa gia đình qua Mỹ định cư được. Đó là sự giúp đỡ quan trọng nhất của chính phủ Mỹ thời Ronald Reagan- một vị anh hùng và ân nhân của các cựu tù nhân chính trị Việt Nam. Ngoài ra, những cựu tù nhân như tôi, không được sự giúp đỡ đặc biệt nào như họ dành cho các cựu quân nhân của họ từ chiến trường Việt Nam về.”
Ông Phạm Gia Đại qua Mỹ năm 1993, định cư tại quận Cam, Nam California theo chương trình HO 17.
Ông sinh năm 1945 tại Nam Định. Tốt nghiệp Trung học Chu Văn An năm 1965. Theo học ban Cử nhân Anh Văn tự do tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn và làm việc tại tòa Đại sứ Hoa kỳ từ 1970 đến cuối tháng Tư, 1975. Ông là một trong hai mươi người tù cải tạo cuối cùng được trả tự do.