Du khách Nga: ‘Chúng tôi sẽ lấy lại Alaska!’

by Tim Bui
Du khách Nga: ‘Chúng tôi sẽ lấy lại Alaska!’

HÀ GIANG

Sáng sớm hôm ấy cơn mưa rả rích suốt đêm vẫn không ngừng khi du thuyền ghé bến. Nhìn trời, bọn tôi uể oải, nhưng bảo nhau đã mưa cả gần tuần nay rồi, viễn ảnh lại thêm một ngày cứ ở lì trên tàu từ sáng đến tối không hấp dẫn tí nào, nên chúng tôi lếch thếch khoác áo mưa, mang theo ô dù, xuống bến đi xem một thành phố lạ lẫm có tên là Sitka.

Ngay cả với những người thường du ngoạn bằng Alaskan cruise, Sitka là cái tên ít được để ý vì đa số lộ trình của các du thuyền đi qua Alaska thường ghé bến Ketchikan, một thành phố lớn, nổi tiếng do thương mại hóa khách du lịch một cách tối đa, chứ ít khi đến thành phố nhỏ bé và bình lặng này.

Không ngờ khi tình cờ ghé đến Sitka trong cơn mưa không dứt ấy, tôi đã tìm được nguồn cảm hứng để tìm hiểu thêm về lịch sử kỳ thú của Alaska.

Dân Nga vẫn mong Mỹ trả lại Alaska?

“We are going to take Alaska back!” (Chúng tôi sẽ lấy lại Alaska!)

Vừa vào bên trong Sitka History Museum, tôi chạm trán ngay một ông du khách vừa nói câu này, vừa cài áo, căng dù, chuẩn bị bước ra bầu trời lất phất mưa.

Vừa hít lấy không khí ấm cúng của bảo tàng viện, tôi vừa ngẩn người vì câu nói của người mà tôi cho là chắc hẳn phải là một du khách người Nga.

You have a good day sir! (chúc ông có một ngày vui!)

Ngày mưa của chúng tôi trở nên hấp dẫn hơn khi người trực quầy tiếp tân của Sitka History Museum, một phụ nữ lớn tuổi, có lẽ là thiện nguyện viên, nhìn ông ta với nụ cười trong ánh mắt, đáp trả vẻ mặt không mấy thân thiện của người khách bằng câu chúc thật thanh lịch và cũng thật… tinh nghịch…

-Có nhiều du khách gốc Nga đến đây không ạ? Tôi lân la đến gần quầy chào bà rồi hỏi.

-Ồ cũng khá nhiều đấy.

-Và có nhiều người trong họ nói Nga muốn lấy lại Alaska?

-Chẳng hiểu sao tôi đoán thế nào cô cũng hỏi câu đó. Bà thiện nguyện viên cười lên một cách thích chí rồi mới trả lời:

-Chắc chắn không phải là đa số, nhưng cũng không ít. Nhất là sau khi cái ông Dmitry Medvedev lảm nhảm cái câu Alaska thuộc về nước Nga gì đó…

Đúng rồi, hình như đầu năm nay báo chí có loáng thoáng viết về câu nói xanh rờn của Medvedev, người tiền nhiệm của Putin, đại khái rằng… “Mỹ không định trả lại Alaska cho chúng tôi, và chúng tôi thì đang chờ điều đó hàng ngày. Vậy thì chiến tranh là không thể tránh…”

Việc Mỹ mua Alaska từ Nga là điều tôi đã nghe nói từ lâu, nhưng không để ý lắm. Nhưng câu nói của du khách người Nga (?) này khiến tôi thấm thía nhận ra là có những sự kiện lịch sử cứ sống day dứt mãi trong lòng người dân của một quốc gia.

Như băn khoăn Hoàng Sa và Thác Bản Giốc là của Việt Nam chẳng hạn.

Thấy đằng sau có khách đợi, tôi cám ơn người thiện nguyện viên rồi bước hẳn vào trong bảo tàng viện. Nhìn những hình ảnh, di tích về việc Nga bán Alaska cho Mỹ được trưng bày khắp nơi, tôi mới lờ mờ hiểu là tại sao ông khách người Nga đó, và có thể một số người Nga khác, trong khung cảnh ấy, đã có chút gì không vui.

Dĩ nhiên Mỹ không bao giờ có ý định trả lại Alaska cho Nga, mảnh đất mà họ đã mua một cách danh chính ngôn thuận từ nước này vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19. Và mặc cho tuyên bố rất cường điệu trên của ông cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, chắc Mỹ và Nga sẽ khó mà có chiến tranh.

Chỉ ngạc nhiên là, đã gần năm thế kỷ rồi, mà vẫn còn một số người Nga kỳ vọng là Alaska sẽ được trả lại cho nước họ.

Sitka-thành phố cổ xưa nhất của Alaska

Hướng ra Thái Bình Dương và nép mình dưới chân những ngọn núi quanh năm được những tảng băng tuyệt đẹp bao phủ, Sitka, thủ đô đầu tiên của Alaska, cũng là thành phố cổ xưa nhất của tiểu bang này.

Thành phố rộng 12,462 km vuông, và là nơi cư ngụ của khoảng 8,300 cư dân (tính đến năm 2023) này có phong cảnh hữu tình, một phần nhờ nó nằm trên đảo Baranof, ở bờ biển bên ngoài của Inside Passage và giữa trung tâm Tongass National Forest, khu rừng mưa ôn đới lớn nhất thế giới.

Được gọi là cố đô, Sitka là thủ đô của Alaska từ năm 1867 đến 1906 cho đến khi bị Juneau tước lấy ngôi vị thủ đô vào năm 1906 sau khi các văn phòng chính phủ được chuyển về đây.

Muốn đến thăm Sitka không dễ. Du khách phải đi bằng máy bay hoặc bằng đường biển, nhưng sẽ được đền bù bằng phong cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Tại đây người ta có thể chèo thuyền câu cá, đi bộ, xem đủ loại động vật hoang dã, hoặc tìm hiểu lịch sử của mảnh đất được cho là giàu văn hóa nhất của tiểu bang Alaska, với 22 tòa nhà và địa điểm được liệt kê trong National Register of Historic Places (Sổ Ghi danh Địa điểm Lịch sử Quốc gia).

Sitka có nhiều địa điểm được liệt kê là phải. Thành phố này “già” hơn 10.000 tuổi, và theo truyền thuyết của bộ lạc Tinglit, thổ dân Alaska, thì lịch sử của Sitka bắt đầu khi đám băng bao phủ phía Nam tiểu bang Alaska tan chảy, khi người của bộ lạc Tinglit đã bị ngọn hải đăng của rặng núi Edgecumbe thu hút, và kéo đến đây lập nghiệp (cùng một số bộ lạc khác) khoảng mười ngàn năm trước.

Quá khứ đầy màu sắc của Sitka không chỉ nhờ vào những tác phẩm nghệ thuật muôn màu của dân Tinglit, mà còn đến từ sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa bản địa Tlingit và lịch sử của những di dân người Nga, khi vùng đất có tên Alaska còn là thuộc địa của đất nước này.

Do đâu Nga đã từng làm chủ Alaska?

Đế quốc Nga bắt đầu tìm cách mở rộng bờ cõi về phía Đông từ năm 1552, và đến năm 1639, các nhà thám hiểm người Nga đã đến Thái Bình Dương. Năm 1725, Vua Peter Đại Đế ra lệnh cho hoa tiêu Vitus Bering xem xét phía Bắc Thái Bình Dương để tìm kiếm cơ hội bành trướng thêm thuộc địa. Người Nga lúc đó phần lớn quan tâm đến bờ biển này vì đây là nơi còn rất nhiều loại động vật có vú và lông quý, trong khi đó những loài thú này đã cạn kiệt do bị săn bắt quá mức ở Siberia.

Chuyến đi đầu tiên của Bering bị sương mù và những tảng băng dày cản trở, nhưng vào năm 1741, Bering và đoàn tùy tùng từ Âu châu khám phá ra Alaska, rồi sau đó ngày càng nhiều thợ săn người Nga kéo đến đây để săn rái cá (otter). Giới thợ săn Nga nhanh chóng phát triển ngành buôn bán lông thú trên biển, một ngành sinh lời rất nhanh, và vì vậy thu hút sự chú ý của những giống dân Âu châu khác.

Mười năm sau, nhóm Chính thống Giáo (Orthodox Christian) đầu tiên đến Alaska truyền giáo cho hàng nghìn người Mỹ bản địa. Vào cuối thập niên 1780, quan hệ thương mại được mở ra với bộ lạc Tlingit và công ty Russian American được Nga thành lập để dành độc quyền buôn bán lông thú. Năm 1799, một thợ săn và nhà kinh doanh lông thú có thế lực tên Aleksandr Baranov được cử cai quản công ty Russian American, và từ đó chiếm toàn quyền cai quản Alaska, biến nơi này thành một thuộc địa của Nga. Nhiều dân Nga kéo nhau đến lập nghiệp và sinh sống ở vùng đất bây giờ được gọi là Sitka.

Thuộc địa Alaska của Nga không yên ổn được mãi. Tức giận vì sự xâm lấn đất đai của họ và những bất bình khác, mối quan hệ của dân bản địa với người Nga ở đây ngày càng xấu đi. Năm 1802, các chiến binh của bộ lạc Tlingit đã phá hủy một số khu định cư của người Nga. Đến giữa thế kỷ thứ 19, lợi nhuận từ công ty Russian American bị sút giảm nghiêm trọng. Sự cạnh tranh với Công ty Hudson’s Bay của Anh đã khiến loài rái cá biển gần như tuyệt chủng, trong khi số lượng gấu, chó sói và cáo trên đất liền cũng sắp cạn kiệt.

Chẳng bao lâu sau, các tàu buôn của Anh và của Mỹ bắt đầu thách thức tuyên bố chủ quyền của Nga trên bờ biển phía Tây Bắc nước Mỹ, người Nga phải rút lui về phía Bắc đến gần biên giới phía Nam hiện nay của Alaska. Quyền lợi của Nga tại Alaska từ đó dần dà suy giảm.

Nga bán Alaska cho Mỹ

Sau Chiến tranh Crimea vào thập niên 1850, một nước Nga lúc đó kiệt quệ đến mức gần phá sản đã phải đối đầu với thực tế khó khăn là các cuộc nổi dậy định kỳ của người Mỹ bản địa vẫn tiếp tục, trong khi đó Nga cũng không thể xâm chiếm hoàn toàn châu Mỹ theo ý muốn.

Cuối cùng Nga kết luận rằng ý muốn giữ lại các thuộc địa ở Bắc Mỹ khiến họ phải trả một quá đắt đỏ. Háo hức muốn trút bỏ gánh nặng, Nga ngỏ ý muốn bán Alaska cho Hoa Kỳ vào năm 1859, nhưng vì kẹt nội chiến, đến cuối năm 1866, Hoa Kỳ mới sẵn sàng nghĩ đến việc này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là ông William H. Seward, thiết tha với triển vọng mở rộng nước Mỹ rất hứng thú trong việc đàm phán. Cuộc đàm phán kết thúc nhanh chóng. Vào ngày 30/3/1867, hai bên đồng ý là Hoa Kỳ sẽ trả cho Nga 7,2 triệu USD (tương đương 157 triệu USD vào năm 2023) để mua đứt lãnh thổ Alaska.

Alaska là một vùng đất lớn 600,000 dặm vuông (square miles), tức 384,000,000 mẫu Anh. Việc Hoa Kỳ mua Alaska với một giá rẻ mạt như vậy, chỉ dưới 2 xu (2 cents) cho một mẫu đất cho thấy nước Nga lúc đó đã quá mệt mỏi với chính sách đế quốc hóa châu Mỹ. Với Mỹ, thì việc mua lại Alaska với giá rẻ không quan trọng bằng việc qua thỏa thuận mua bán này, Mỹ đã chính thức chấm dứt sự hiện diện của Đế quốc Nga tại châu Mỹ.

Bây giờ nhìn lại, có thể ai trong chúng ta cũng thấy rằng việc mua Alaska rất có lợi cho Mỹ, nhưng những người dân Mỹ phản đối việc mua Alaska lúc đó liên tục gọi quyết định này là “Sự điên rồ của Seward” (Seward’s Folly) hay gọi Alaska là “Hộp đựng nước đá của Seward” (Seward’s Icebox). Phải gần ba thập niên sau, đến năm 1896, khi cơn sốt đi tìm vàng Klondike xảy ra tại phía Nam Alaska, thì kể cả những người chỉ trích Ngoại trưởng Seward gay gắt nhất cũng phải công nhận rằng Alaska là vùng đất vô giá đã đóng góp rất nhiều mặt cho lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ và Nga ký hiệp ước Alaska ngay tại thành phố Sitka, cách Anchorage khoảng 600 dặm về phía Đông Nam. Sau khi ký xong hiệp ước, một buổi lễ chuyển nhượng được tổ chức long trọng trên ngọn đồi có tên Baranof Castle Hill vào ngày 18/10/1867.

Lễ chuyển nhượng được mở đầu với nghi thức hạ cờ Nga và treo cao cờ Mỹ, sau đó là việc trao ngân phiếu. Cuối cùng, ông Aleksei Alekseyevich Peshchurov, người được cử đến Sitka với tư cách là ủy viên của chính phủ Nga để thực hiện việc chuyển giao, tuyên bố: “Được Hoàng Đế nước Nga, ngài Alexander đệ Nhị, ủy nhiệm, tôi trân trọng chuyển nhượng lãnh thổ Alaska cho Hoa Kỳ.”

Giờ đây, du khách đến thăm đồi Baranof Castle Hill sẽ được thấy tấm bảng bằng đồng lớn, khắc hàng chữ: “Tại nơi đây, lá quốc cờ Mỹ đầu tiên được kéo lên bởi Đội kỳ của Đại đội F, Sư đoàn 9 Bộ binh, để đánh dấu việc chuyển nhượng Alaska từ Nga qua Mỹ.”

Hiện nay, hàng năm vào ngày 18/10 mỗi năm, tiểu bang Alaska ăn mừng ngày lễ có tên Alaska Day, đánh dấu việc Alaska chính thức thuộc về nước Mỹ.

Tầm quan trọng của Alaska với nước Mỹ

Việc Hoa Kỳ mua lại Alaska từ Nga là một sự kiện lịch sử quan trọng. Giới phân tích cho rằng quyết định mua Alaska dựa vào những yếu tố sau:

Cân nhắc về chiến lược và địa chính trị: Chính phủ Hoa Kỳ coi Alaska là một địa điểm chiến lược nằm ở ngay Thái Bình Dương. Việc chiếm được Alaska sẽ mang lại cho Hoa Kỳ những hải cảng có giá trị và quyền kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng. Làm chủ Alaska cũng được coi là một cách để ngăn chặn sự mở rộng của các cường quốc thực dân khác vào khu vực.

Tiềm năng kinh tế: Việc mua Alaska được cho là mang lại cho Hoa Kỳ những cơ hội kinh tế đáng kể. Alaska là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên như cá, gỗ, lông thú và sau đó Mỹ còn khám phá ra các khoáng sản có giá trị, gồm cả vàng lẫn dầu hỏa. Những nguồn tài nguyên này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của Alaska và sự hội nhập của nó vào nền kinh tế rộng lớn hơn của Hoa Kỳ.

Định mệnh hiển nhiên: Ý tưởng về “Định mệnh hiển nhiên” là ý tưởng phổ biến vào thế kỷ 19 và nó thúc đẩy niềm tin rằng Hoa Kỳ có quyền/nhiệm vụ thiêng liêng để bành trướng về phía Tây và kiểm soát toàn bộ lục địa Bắc Mỹ.

Nói tóm lại nhờ có vị trí giáp biên giới với Nga, Alaska đã tạo cho Hoa Kỳ lợi điểm chiến lược quan trọng. Hoa Kỳ hiện có tất cả chín căn cứ quân sự ở tiểu bang này. Những căn cứ này cho phép Hoa Kỳ nhanh chóng tiến vào lãnh thổ Nga nếu cần.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Alaska là một kho tàng của phong cảnh đẹp thiên nhiên, động vật hoang dã và không khí trong lành.

Đọc đến đây, quý độc giả có nổi hứng muốn đi thăm Alaska chưa?

Tôi thì, khi viết những dòng này, lại nghĩ đến ông du khách người Nga với tuyên bố “chúng tôi sẽ lấy lại Alaska!” ở trên, với một chút thương cảm.

Và không thể không bùi ngùi nghĩ đến quần đảo Hoàng Sa và Thác Bản Giốc!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights