Trần Nhật Vy
Người viết feuilleton tạo sóng gió đầu tiên của làng báo Sài Gòn, có lẽ là ông Lê Hoằng Mưu. Ông là xuất thân là nhà báo khá nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, nhưng cám cảnh nỗi “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương phong nguyệt”. Có lẽ vì chi tiết nầy nên Phó giáo sư Võ Văn Nhơn nhận định rằng “Hà Hương Phong Nguyệt là tiểu thuyết đầu tiên của Nam Bộ”.
Thật ra, trước đó đã có nhiều tiểu thuyết quốc ngữ rồi (ví dụ truyện Phan yên ngoại sử của Trương Duy Toản in năm 1910) nhưng chưa có tiểu thuyết nào dài và có nhiều tình tiết mới với xã hội đương thời và “hấp dẫn” như Hà Hương Phong Nguyệt. Khoảng năm 1912, ông Mưu viết bộ truyện dài Hà Hương Phong Nguyệt đăng nhiều kỳ trên báo Nông Cổ Mín Đàm. Truyện khá dài đăng lai rai mỗi tuần một kỳ khoảng 6 năm mới dứt! Năm 1914, thấy truyện “ăn khách”, ông Nguyễn Kim Đính, sau nầy là chủ nhiệm tờ Đông Pháp Thời Báo, mới gom lại in thành sách nhiều tập, mỗi tập dầy 50 trang bán giá 0$40 với số in khá lớn 10.000 bản! Đây là con số mơ ước của tất cả các nhà xuất bản và các tác giả trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21! Truyện in liền ba năm vẫn còn tiếp tục.
Hà Hương Phong Nguyệt là một truyện tình “rất mới” đối với xã hội thời bấy giờ. Truyện xảy ra quanh hai cô vợ của Đậu Hữu Nghĩa là Hà Hương và Nguyệt Ba. Hà Hương là một cô gái lẳng lơ, ham chơi, không ham làm, coi thường gia phong, sẵn sàng làm những điều tàn ác…Trong một xã hội đang ca ngợi tam tòng tứ đức của phụ nữ, có chồng thì phải thờ chồng và cả cha mẹ chồng, chớ có đâu vì mê tiền, ham vui mà sẵn sàng vứt bỏ chồng rồi sau đó quay lại quyến rũ sau khi chồng đã có vợ khác. Thậm chí, để thỏa mãn tự ái, để lôi kéo chồng trở lại, dù chính cô đã tự cắt đứt tơ duyên và từ bỏ gia đình bên chồng, Hà Hương còn sai người giết người vợ sau của chồng…Truyện miêu tả nhiều cảnh tình tự giữa nam nữ, những điều mà trước đó chưa hề có trên sách báo. Với nội dung nầy, rõ ràng Hà Hương Phong Nguyệt “cố tình đối dầu” lại những gì mà xã hội đương thời đang cố níu kéo, gìn giữ. Tuy vậy, truyện đã được đăng trọn trên báo Nông Cổ Mín Đàm suốt mấy năm liền.
Khoảng năm 1920 thì Hà Hương Phong Nguyệt mới bị làng báo “đánh” dữ dội và cho rằng đây là “dâm thư”. Với bạn đọc thì truyện là cái gì đó mới mẻ so với truyện tàu in và bán đầy ở các chợ, còn với làng báo, nhứt là các nhà báo có tiếng thời đó như Nguyễn Háo Vĩnh, Cao Hải Để, Nguyễn Chánh Sắt…truyện Hà Hương là một “dâm thư”, một lời kêu gọi làm băng hoại gia phong, làm cho xã hội băng hoại, phong hóa nước Nam suy đồi. Trận đánh ấy không chỉ diễn ra trên một tờ báo mà còn lôi kéo nhiều tờ báo, nhiều cây viết có tiếng. Họ cho Lê Hoằng Mưu là “một đứa tội nhơn lớn nhứt của xứ AnNam” (Công Luận Báo). Nhiều gia đình vì vậy mà “cấm” con em mình đọc truyện nầy. Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong một bài trả lời phỏng vấn đã cho biết “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam” (Võ Văn Nhơn, Hà Hương Phong Nguyệt, tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ha-huong-phong-nguyet-tieu-thuyet-quoc-ngu-dau-tien-cua-nam-bo). Nhà cầm quyền trước áp lực của báo chí và xã hội, đã ra lịnh tịch thu và tiêu hủy cuốn sách nầy. Chính vì vậy mà đến nay việc tìm lại bộ truyện nầy rất khó. Chúng tôi chỉ mới tìm được 6 cuốn đầu trong thư viện quốc gia Pháp. Phần còn lại tìm chưa thấy. Về vụ nầy, Lê Hoằng Mưu chỉ nói “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau nầy trong phe viết báo lắm kẻ người ưa đọc sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dỡ gì, chỉ thích điều lả lơi phong nguyệt. Tôi mĩm cười! Cười mấy ông nầy mắt mang kiếng đen, chưa hề có xem phong nguyệt của người các nước, còn lả lơi quá mười của tôi. Tôi thầm nghĩ, nếu phong hóa vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hóa các nước suy đồi biết mấy. Thoảng lại phong hóa nhà Nam suy đồi từ chưa có bộ Hà Hương Phong Nguyệt”. (Lục Tỉnh Tân Văn ngày 12-7-1926).
Người viết feuilleton gây sóng gió thứ hai trong làng báo Sài Gòn là nhà văn Phú Đức. Nguyên là một thầy giáo dạy ở trường Marc Ferrnando (Gia Định), năm 1924, nhơn khi rảnh rỗi, thầy giáo Nguyễn Đức Nhuận (khi ấy chưa lấy tên Phú Đức) đã viết một cuốn tiểu thuyết và gởi cho tờ Trung Lập Báo đề nghị đăng không lấy tiền. Đó là tiểu thuyết Câu Chuyện Canh Tràng ký bút danh Phú Đức. Chuyện chẳng có gì đặc sắc nhưng phó chủ bút Trung Lập Báo là cụ Trương Duy Toản (chủ bút lúc nầy là Lương Khắc Ninh), vốn là người viết có danh thuở ấy, lại thấy nơi Phú Đức một tương lai viết feuilleton! Và cũng còn lý do khác là lúc đó tờ Đông Pháp Thời Báo đăng feuilleton của Hồ Biểu Chánh rất ăn khách nên Trung Lập Báo cũng muốn có người viết cạnh tranh giành độc giả. Vì vậy ông Trương Duy Toản mời Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với lương 20 đồng/tháng. Cũng nên nói 20 đồng là mức lương khá và người viết feuilleton thời ấy chỉ lãnh lương tháng. Nhờ vậy mà Phú Đức trở thành “nhà văn”, rồi bỏ nghề dạy học chuyển hẳn sang nghề cầm viết.
Năm 1925, Phú Đức cho ra đời feuilleton Châu Về Hiệp Phố, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhứt của ông, ngay khi xuất hiện trên Trung Lập Báo đã thu hút độc giả và cũng là cuốn tiểu thuyết có hai tên đăng hai phần trên hai tờ báo!
Khi ấy, nhiều độc giả nhứt định cho rằng nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn trong tiểu thuyết của Phú Đức là có thiệt. Vì tài năng ấy, chủ Trung Lập Báo là ông De Lachevrotière (một nhà báo nhiều tiếng tăm ở Saigon, chúng tô sẽ nói đến trong một loạt bài khác) tăng lương lên 40 rồi 80 đồng/tháng, mức lương tương đương với lương Đốc phủ sứ ngồi chủ một quận lớn thời bấy giờ, cho Phú Đức. Khi Châu Về Hiệp Phố đang đăng ngon lành thì xảy ra vụ “de Lachevrotière đá dít Bùi Quang Chiêu ở bến Nhà Rồng” nên tờ Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay.
Cũng cần nói qua vụ nầy bởi thời ấy báo chí tham gia khá nhiều và vụ việc cũng khá ồn ào. Bùi Quang Chiêu vốn là một kỷ sư nông nghiệp người Việt thuộc hàng đầu tiên học ở Pháp về, khi ấy được ủng hộ của chánh quyền nên được bầu làm “nghị viên Nam Kỳ đại diện trong nghị viện ở Pháp” và là người Việt đầu tiên được ngồi ở nơi sang trọng nầy. Trước Bùi Quang Chiêu những người đại diện cho Nam Kỳ trong nghị viện Pháp đều là người Pháp. Ông cũng là người sáng lập Đảng Lập Hiến với chủ trương giành lại độc lập cho Nam Kỳ bằng con đường nghị trường, một Đảng mà ban đầu nhiều người hy vọng sẽ đem về độc lập tự do cho Nam Kỳ. Vì vậy, khi ông từ Pháp về Sài Gòn thì được Đông Pháp Thời Báo kêu gọi ủng hộ nên người ta đi đón đông vô kể, kéo dài từ trước cổng bến Nhà Rồng kéo dài đến tận trung tâm Sài Gòn. Nhóm người đón Bùi Quang Chiêu không thể chạy xe được mà phải đi bộ từ Nhà Rồng đến tòa soạn tờ La Tribune (tờ báo của Đảng Lập Hiến do ông Chiêu làm chủ nhiệm) ở đường l’Espagne (Lê Thánh Tôn) mất tới một tiếng đồng hồ!
Đi đón Bùi Quang Chiêu có hai phe. Phe ủng hộ là phe của Đông Pháp Thời Báo do Nguyễn Kim Đính là chủ nhiệm dẫn đầu. Và phe chống đối là phe Trung Lập Báo (bản tiếng Việt của tờ Impartial) do De Lachevrotière làm chủ dẫn đầu. Cũng nên biết, De Lachevrotière là một Tây lai (cha Pháp mẹ Việt) nhưng quan điểm ủng hộ hết mình cho chánh quyền thực dân ở Nam Kỳ. Nghĩa là bảo hoàng hơn cả vua. Lúc đó, De Lachevrotiere vừa là nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, vừa là chủ báo ủng hộ chánh quyền vô điều kiện, lại được thế lực tư bản Pháp sau lưng ung hộ hết mình nên ông ta tự coi mình là vua làng báo. Vì vậy việc đón Bùi Quang Chiêu bị De Lachevrotiere chống quyết liệt. Hắn xua quân ra ngăn cản người đón, bày những trò đánh lộn, gây rối trật tự để hòng phá việc đón tiếp. Do đó, trong lúc tranh cãi với nhóm ủng hộ, thì De Lachevrotière đòi “đá đít” Bùi Quang Chiêu khiến chút nữa là xảy ra ấu đả với nhà báo Trịnh Hưng Ngẩu, một nhà báo trẻ và là người hăng máu nhứt trong việc ủng hộ họ Bùi.
Sau vụ đó, Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay nên Châu Về Hiệp Phố đang đăng ngon lành ở Trung Lập Báo thì bỗng ngưng lại, vì Phú Đức cho rằng “chủ Trung Lập Báo phản động”.
Tưởng đâu cuốn truyện sẽ bị ngưng ngang chỗ đó. Nhưng một nhà báo khác lại thấy chuyện Châu về hiệp phố ngưng đăng trên Trung Lập Báo là một việc có lợi. Đó là nhà báo Nam Đình đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo, cũng là một tờ báo quốc ngữ của một tờ báo tiếng Pháp Opinion. Nam Đình đã xúi chủ báo, người thường gọi là Đại tác Sée, một nhân vật có quyền thế lúc ấy ở Sài Gòn cùng phe với De Lachevrotiere, mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo. Nhưng De Lachevrotière là người cùng phe với Đại tá Sée. Do đó, nếu mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo ngay khi ông bỏ Trung Lập Báo thì bỉ mặt bạn bè quá. Song chuyện làm ăn thì hồn ai nấy giữ, nên sau một thời gian tính toán, Đại tá Sée mời Phú Đức về làm chủ bút tờ Công Luận Báo. Tiếng là “chủ bút” rất oai nhưng Phú Đức chỉ có “nhiệm vụ” viết feuilleton, còn việc tòa soạn, nội dung tờ báo thì Nam Đình vẫn lãnh!
Chính vì Phú Đức về Công Luận Báo làm “chủ bút” nên mới xảy ra một chuyện tình dẫn tới làng báo sau nầy có một tờ báo mới sống từ năm 1930 tới năm 1972. Đó là tờ Sài Gòn Mới do bà Bút Trà làm chủ nhiệm! Số là khi ấy trong bộ biên tập Công Luận Báo cũng có một người tên Nguyễn Đức Nhuận bút danh Bút Trà chuyên lo phần dịch chữ Hán. Năm 1926 hay 1927 gì đó, Công Luận Báo có loạt bài điều tra về hoạt động của các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn- Chợ Lớn và kết luận những tiệm nầy là nơi “hút máu dân nghèo”. Loạt bài kéo dài gần cả tháng từ hoạt động cầm cố tiến tới đời tư của nhiều chủ tiệm khiến giới chủ tiệm cầm đồ hầu hết là người Hoa rúng động. Do đó, họ mới cữ một người cũng là chủ tiệm nhưng phải nói rành tiếng Việt và ăn nói khôn khéo. Người được cữ đi là bà Tô Thị Thân, vợ của một Hoa kiều, chủ khoảng 20 tiệm cầm đồ! Bà Thân tới tòa soạn xin gặp ông chủ bút Nguyễn Đức Nhuận Phú Đức. Nhưng ông chủ bút lại bận đi “họp” nên đề nghị ông Nguyễn Đức Nhuận Bút Trà tiếp giùm. Sau cuộc gặp gỡ nầy thì Công Luận Báo thôi đánh các tiệm cầm đồ (vì lý do khác) nên giới chủ rất kính nể ông Bút Trà. Và sau đó thì bà Tô Thị Thân qua lại với ông Bút Trà cho tới ngày bà muốn làm báo và bỏ ông chồng chủ tiệm cầm đồ, rồi trở thành bà Bút Trà. Xin kể tắt thôi vì chuyện khá dài dòng.
Vậy là chỉ sau một thời ngắn ngưng lại, Châu Về Hiệp Phố được tiếp tục đăng trên tờ…Công Luận Báo với cái tên mới Hiệp Phố Châu Hườn! Cũng trên tờ báo nầy, khá nhiều tác phẩm hay của Phú Đức ra đời như Tiểu Anh Hùng Võ Kiết (được đoàn cải lương Phước Cương, cha của nữ nghệ sĩ Kim Cương, dựng thành tuồng cải lương), Lửa Lòng, Cái Nhà Bí Mật…
Sau khi rời Công Luận Báo, Phú Đức vẫn tiếp tục viết và tiếp tục ăn khách. Có thời gian nhiều cây viết feuilleton ở Sài Gòn sống khổ sở, thất nghiệp thì Phú Đức lại sống một cách vương giả, chơi phong lan, nuôi ngựa đua, chơi xe hơi đời mới…
Năm 1947, nhiều tờ báo xin Phú Đức cho đăng lại những tác phẩm cũ và vẫn rất ăn khách. Thấy vậy, chủ báo Tiếng Chuông là ông Đinh Văn Khai đã đề nghị Phú Đức viết riêng cho Tiếng Chuông một feuilleton mới. Và bộ Bách Si Ma ra đời, đây cũng là tiểu thuyết cuối cùng của Phú Đức.
Sau đó, nhơn thấy feuilleton của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân. Nhà báo Ngọa Long, người coi Phú Đức là thầy, hay tin liền ghé “tòa soạn”, là một căn phòng nhỏ Phú Đức mướn trên đường Boresse (nay là Yersin quận 1) và hỏi “Có cần giúp sức gì không?”. Phú Đức trả lời không, “vì báo moa không làm chánh trị, chỉ đăng lại những feuilleton cũ mà thôi”. Ngọa Long nghĩ “Báo mà đăng toàn là feuilleton thì…chết chắc!”.
Ba tháng sau, Ngọa Long trở lại “tòa soạn” thì chủ nhà nói “Ủa, cậu không hay gì sao? Ổng dọn đi cả tuần rồi”. Chủ nhà cũng là người Ngọa Long quen biết nên hỏi tiếp “Bộ xuống độc giả rồi sao?”. Bà chủ nhà cười “Đúng là từ đầu tới cuối, toa nghĩ trật lất về Phú Đức và tiểu thuyết của ông. Chẳng những không xuống độc giả mà còn…lên lầu. Ổng mới mua căn phố ở đường Lacotte, dọn tòa soạn Bình Dân về đó rồi!”. Đường Lacotte nay là đường Phạm Hồng Thái. Chỉ làm báo đăng toàn feuilleton có ba tháng mà mua nhà lầu thì chỉ có mỗi Phú Đức!
(còn tiếp)
Tác giả Phú Đức
Ông Bút Trà