Trần Nhật Vy
Làm nhà văn, họa sĩ vẽ tranh, mỗi năm một người “sáng tạo” được bao nhiêu tác phẩm? Người giỏi thì một hai tác phẩm có chất lượng cao! Sáng tạo rồi thì bao lâu mới được ra thị trường? Không phải ngày một ngày hai, có khi phải đợi dài cổ. Trong những ngày tháng chờ đợi ấy các tác giả sống bằng gì?
“Chính feuilleton đã giúp các nhà văn, họa sĩ phổ biến tác phẩm, sống được cũng như được độc giả biết tới”, có lần nhà văn Sơn Nam đã nói với tôi như vậy.
Feuilleton thúc đẩy người sáng tạo phải làm việc mỗi ngày, phải đáp ứng cho được nhu cầu trước mắt của người đọc. Dù chỉ là thời vụ nhưng feuilleton đã giúp họ sống được với nghề và làm tròn chức trách của người cầm viết, cầm cọ.
Nói đến truyện chưởng, truyện kiếm hiệp, không thể không nhắc tới họa sĩ Lê Minh, người đã làm “hiện hình” những nhân vật trong truyện kiếm hiệp.
Chính ông đã thú nhận nhờ vẽ bìa truyện chưởng mà ông “có tiền nuôi vợ con”.
Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, sanh năm 1937 tại Sài Gòn, mê vẽ tranh từ nhỏ và thần tượng họa sĩ Lê Trung – bậc thầy vẽ chân dung thiếu nữ. Ngay từ năm 17 tuổi, chàng trai Lê Minh đã được độc giả biết đến với nét vẽ ấn tượng sống động qua loạt truyện tranh Hoa Lư động chúa đăng trên nhật báo Dân Ta (do thi sĩ Nguyễn Vỹ làm chủ bút), đến khi học năm thứ hai Trường Mỹ nghệ Gia Định, chàng sinh viên Lê Minh đã được rất nhiều nhật báo, tạp chí, tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai (của Nguyễn Đức Khiết – Kim Châu), Đẹp (của Kim Lệ), Tiếng Dội (của Trần Tấn Quốc), Tiếng Chuông (của Đinh Văn Khai)… tranh nhau mời cộng tác trình bày, vẽ truyện tranh và minh họa.
“Người Sài Gòn thời đó gọi là truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm theo tranh minh họa. Ngày xưa tôi phải vẽ trên giấy decal, người làm bản kẽm mới đặt giấy đó trên gỗ rồi dùng dao khắc từng chi tiết, rất kỳ công. Hôm nào tôi vẽ nhiều ô vuông nhỏ là bị mắng mỏ bởi thợ khắc gỗ làm quá khổ”, ông nhớ lại.
Mất cha năm 16 tuổi, Lê Minh và người chị gái sống với mẹ. Bà tảo tần nuôi con bằng gánh hàng bông mua từ chợ Gò Vấp đem về bán ở chợ Bà Chiểu. “Thương mẹ nên tôi biết lo thân từ tấm bé. Ngày tôi thi đậu vào trường mỹ thuật, ba mẹ đều rơi nước mắt. Tôi thường xuyên đi học trễ vì đêm nào cũng thức đến 2 giờ sáng vẽ tranh cho báo. Có lần, báo Sài Gòn mới đặt tôi vẽ gấp bức tranh vui cho số báo ra sáng mai. Tối đó, làm việc đến 3 giờ sáng tôi mệt quá ngủ gục, tay quơ đổ lọ mực tàu trên bàn ướt nhẹp bức vẽ. Hoảng hồn, sáng sớm tôi vội vã đạp xe đến tòa soạn báo tin cho chủ báo Bút Trà và bị la một trận nhớ đời. May mà tòa soạn thay bằng bản tin khác. Thời sinh viên, tôi ngập đầu trong công việc nhưng cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình khấm khá hẳn lên. Tôi còn sắm cho chị gái cái máy may để học nghề và sinh sống sau này”, ông kể.
Đầu thập niên 1960, Sài Gòn tràn ngập truyện chưởng Kim Dung. Nhiều tờ báo bắt đầu trích đăng lại với dạng feuilleton. Lúc đó, họa sĩ Lê Minh được biết đến sau rất nhiều tranh minh họa trên các báo Phụ nữ diễn đàn, Phụ nữ ngày mai, Đẹp…, đặc biệt qua các bức vẽ thiếu nữ. Nhiều nhà xuất bản như Thế Kỷ, An Hưng, Trung Thành, Hương Hoa, Sống Mới, Tấn Phát… phát hành truyện Kim Dung săn tìm ông đặt vẽ bìa. “Rất nhiều dịch giả truyện Kim Dung như Tiền Phong Từ Khánh Phụng, Đồ Mập, Vũ Tài Lục, Hải Âu Tử… nhưng chẳng hiểu sao phải là Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ còn tôi vẽ bìa, sách bán mới đắt hàng. Tôi được trả 2.000 đồng cho một bức vẽ bìa. Giá này là cao so với thời đó”, họa sĩ Lê Minh thú nhận.
Vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung theo họa sĩ Lê Minh cần tuân thủ một số nguyên tắc mà các NXB quy ước để thu hút độc giả : phải có hình thiếu nữ, vẽ tranh động, không đơn điệu. Giai đoạn này, Sài Gòn cũng có vài họa sĩ vẽ bìa truyện chưởng như Đỗ Phi, Cảnh Thế nhưng nét vẽ không thể so với Lê Minh.
Ngoài tài vẽ tranh truyện chưởng, họa sĩ Lê Minh còn vẽ tranh tứ bình (truyện 4 cột kèm tranh minh họa, rất được ưa chuộng vào những năm 1950-1960 ở Sài Gòn) kể về những điển tích như Sự tích trầu cau, Bao Công kỳ án, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương… Ông cũng minh họa nhiều tiểu thuyết của bà Tùng Long, Nguyễn Ngọc Mẫn, Dương Hà… Ông còn vẽ truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) Người lấy ma, Vợ chồn… của Bồ Tùng Linh trên nhật báo Thần Chung của chủ bút Nguyễn Kỳ Nam, vẽ tranh tứ bình các điển tích Trung Hoa và Việt Nam như Tấm Cám, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Trầu cau, Vườn đào kết nghĩa, Bao Công kỳ án, Bích câu kỳ ngộ… minh họa bìa và các truyện tranh Hoa Lư động chúa, Đêm biển lạnh lùng, Bên dòng sông Trẹm, Đứa con rơi, Tiếng suối Sau Leng, Hương rừng Cà Mau của nhà văn Dương Hà, Sơn Nam… Sau 1975, HS Lê Minh vẽ truyện tranh Tiết Nhơn Quý chinh đông, Kiếm khách đầu rồng…
“Từ số tiền dành dụm qua bao năm vẽ truyện tranh, đặc biệt là bìa truyện chưởng, tôi thành lập tờ báo Em, phát hành tại Sài Gòn những năm 1970. Báo bán chạy lắm, tôi sắm được chiếc xe hơi Simca. Thời đó vậy là bảnh lắm rồi”, ông khoe bằng giọng thật vui.
Hai kỷ niệm không quên qua 12 năm vẽ bìa “truyện chưởng” của HS Lê Minh. Một lần, đang vẽ gấp bìa Cô gái đồ long nhằm kịp mang ra nhà in “làm bảng kẽm” (cliché) thì đột ngột mất điện, phòng làm việc tối om, nóng bức, ngột ngạt, ông chủ NXB Đại Hưng tự tay thắp đèn cầy rồi cầm quạt phe phẩy liên tục cho HS Lê Minh thực hiện nốt hình trang bìa còn dang dở.
Một sáng nọ, ông chủ NXB Đại Hưng yêu cầu HS Lê Minh vẽ bìa Tiếu ngạo giang hồ cảnh một người bị treo cổ lơ lửng trên cành cây. Đọc sơ qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, HS Lê Minh chủ quan nghĩ kẻ bị treo cổ là nhân vật phản diện Điền Bá Quang vì thế đã vẽ một gã “râu ria lông ngực” mặt mũi dữ dằn hung tợn, mắt trợn trừng bị treo cổ tòng teng trên cây tùng. Hôm sau bìa truyện in ra, ông chủ NXB Đại Hưng ôm đầu “than trời” bởi Điền Bá Quang là nhân vật có vẻ ngoài trắng trẻo thư sinh, “mày râu nhẵn nhụi” chứ đâu có râu ria xồm xoàm dữ tợn như hình bìa của HS Lê Minh !
(còn tiếp)