YẾN TUYẾT
Mùa Thu ở Cali đã không có được những cảnh đẹp của rừng phong lá vàng hay đỏ ối, không có được thời tiết êm ả và lãng mạn của miền Đông mà còn bị đe dọa bởi những cơn cháy rừng thường xảy ra trong tháng Mười với các cơn gió Santa Anna cuồng nộ và dễ ghét.
Thế nhưng khí hậu mấy ngày chớm Thu của tiểu bang miền Tây này vẫn dễ chịu hơn so với mùa Hạ với những buổi sáng sương mù giăng ngang thành phố. Sự thay đổi của thiên nhiên không hiểu sao lại khiến tôi liên tưởng đến đời sống của một con người.
Và tôi biết mình không phải là người duy nhất, có cái cảm giác hụt hẫng khi nhìn lại những năm tháng đã qua, bỗng như bay vụt đi, nhanh đến không ngờ!
Hôm nay tôi muốn viết về chuyện tuổi già, bởi vì ai trong chúng ta rồi cũng bước đến giai đoạn cuối cùng này của đời người.
Dù khoa học vẫn đang miệt mài tìm ra những phương pháp cải lão hoàn đồng qua việc kéo dài tuổi thọ bằng thuốc men hay giải phẫu thẩm mỹ, nhưng đa số chúng ta khi càng lớn tuổi thì sức khỏe bên trong thân thể càng xuống dốc.
Một người xấu hay đẹp, giàu có hay nghèo nàn, danh tiếng hay không, khi về già cũng có thể bị bệnh này hay bệnh nọ.
Cho nên, tôi nghĩ những người già ngoài việc nhắc nhở nhau cố sống lành mạnh, bớt chấp nhất, giân hờn, thù nghịch để may ra tránh được bệnh tật, lắm lúc cũng cần tìm những công việc có ý nghĩa để làm trước khi “ra đi”.
Rất tiếc, nói thì dễ mà thực hành lại hơi khó, như trường hợp cá nhân người viết, kể từ khi về hưu đến giờ, hơn hai năm trôi qua rồi, mà sao tự thấy mình chẳng làm được điều gì ra hồn cả.
Cuốn hồi ký vẫn dậm chân tại chỗ, cái garage vẫn còn bừa bộn đồ đạc của mấy đứa con từ thời tiểu học đến giờ, dù tụi nó đã ra ở riêng cả từ 20 năm trước. Áo quần, giày dép của thời diện đi làm cần đem tặng Goodwill vẫn chưa sắp xếp xong. Sách báo chồng chất dùng dằng không biết vất đi hay giữ lại vì có những bài viết của chồng và của mình.
Chia xẻ nhân xét hơi bi quan này với cô bạn thân, biết nhau từ lúc 11 tuổi đến giờ này, khi hai đứa đã bước vài bước qua tuổi 70, cùng về hưu và sống một mình cả, thì nó cười và bảo tôi “cù lần” vừa thôi vì bây giờ chúng tôi là “triệu phú của thời gian”, chẳng cần phải có chương trình, mục đích gì cả cho cuộc đời còn lại.
Nó nói: “Tụi mình làm việc từ hồi 20 tuổi đến khi về hưu cả thảy là 50 năm. Bây giờ nghỉ hưu vì già, thích nhất là tụi mình có tự do muốn làm gì thì làm. Chúng ta nên cho phép mình được nghỉ ngơi.
Buổi sáng hay buổi tối muốn ngủ trễ hay dây sớm theo thói quen cũng được, muốn nằm nướng thêm trên giường cũng ok. Này nhé, tụi mình không phải vừa lái xe vừa uống cà phê khi đi trên mấy con đường động đúc xe cộ buổi sáng, trái lại, ngồi nhâm nhi cà phê và châm rãi đọc báo hay xem tin tức trên TV. Chúng ta không sợ trễ giờ vào sở. Không sợ công việc bị dồn đống, không sợ khách hàng khen chê vì làm giỏi hay dở. Ngày nào không muốn làm gì hay đi đâu thì ở nhà nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch trên thế giới miễn phí qua chương trình You Tube.”
Cô bạn cho biết mỗi ngày đều gọi điện thoại nói chuyện với hai bà chị bên Úc qua FB Messenger, nhờ đó học thêm những món ăn ngon hồi xưa má hay nấu cho cả nhà ăn. Cũng vì có thì giờ nên tìm tòi học hỏi thêm để nấu thức ăn giản dị nhưng đầy đủ dinh dưỡng để đừng phải dùng thuốc Tây nhiều, trong khi hồi còn đi làm chỉ ăn cho xong bữa, ‘chỉ cần no thôi’.
Tôi rất đồng ý với lời góp ý của bạn mình nhưng dĩ nhiên, suy nghĩ và sinh hoạt nhàn nhã của cô ấy cũng chỉ là một trong hàng trăm phương cách khác nhau mà những người cao niên Việt Nam ở trên đất Mỹ chọn khi bước vào tuổi già.
Và có thể nói là người cao niên Việt Nam sống ở Mỹ hình như tuổi thọ dài hơn người ở nơi khác vì ở đây sinh hoạt dành cho những người lớn tuổi thật đầy màu sắc và rất phong phú.
Thêm vào đó, thuốc men dành chữa bệnh cho người cao niên đầy đủ và các dịch vụ y tế và xã hội thì quá là đầy đủ, nếu không muốn nói là dư thừa và phí phạm. (Những ai chê đời sống Mỹ không như ý của họ thì tôi xin chào thua, no comments).
Khi tình cờ nhìn vào tuổi của người già xuất hiện trên các bảng Cáo Phó của báo Người Việt, chúng ta thấy số người sống đến hơn 90 tuổi khá nhiều (trong đó có cả một số cựu sĩ quan Quân lực VNCH từng bị đày đọa trong các lao tù Cộng sản).
Tôi cho rằng người cao niên ở quận Cam nói riêng thật may mắn vì đi đến đâu cũng có nhân viên nói tiếng Việt phục vụ, từ công cho đến tư sở.
Về sinh hoạt tôn giáo, góc đường nào cũng có chùa Việt Nam. Và các nhà thờ luôn có Thánh lễ bằng tiếng Việt.
Nói đến việc tập thể dục để giữ gìn sức khỏe, trong cộng đồng có vô số những lớp được tổ chức dành cho người cao niên tại những Trung tâm Cao Niên Senior Centers của từng County, hay do tư nhân thành lập với lệ phí tượng trưng.
Thí dụ như muốn tập môn Tài Chi do hội Từ bi Phụng sự với sự hướng dẫn của Thầy Hằng Trường thì đến một cơ sở rất lớn ở thành phố Anaheim. Chương trình này có tên “Thân khỏe tâm an” với hàng trăm môn sinh theo học. Hay theo học lớp khí công Thái Cực Quyền, được dạy hàng tuần ở Miles Square Park, thành phố Fountain Valley.
Ngoài ra, có những lớp square dance rất được các người lớn tuổi ưa chuộng.
Và một sinh hoạt âm nhạc đang rất thịnh hành, rất phổ thông, đã và đang lan tràn khắp nơi, khắp chốn là các chương trình “hát cho nhau nghe” của người cao niên.
Có dịp được mời đến nhà một người quen nhân dịp sinh nhật, hay chẳng cần lý do nào cả, mà chỉ vì chủ nhân và bạn bè muốn gặp nhau cho vui thôi. Mở đầu chương trình dĩ nhiên sẽ là màn ăn uống với các thức ăn khá ngon miệng do mọi người mang đến đóng góp. Tiếp đó sẽ là màn văn nghệ hát hò. Có người hát hay như ca sĩ thứ thiệt, người khác hát làm khổ lỗ tai người nghe. Thế nhưng, người tham dự ai nấy đều có vẻ vui và hạnh phúc. (Trong số những người lớn tuổi ấy, thế nào cũng có người nhớ về “thuở mơ làm ca sĩ” nhưng chưa có dịp thực hiện ước mơ thì bây giờ cơ hội đã đến, dù trễ còn hơn không). Đã có không thiếu những người cao niên lấy lớp luyên giọng, thanh nhạc và ra CD hay post lên trên FB và được nhiều người Like.
Mới đây, chương trình TV của SBTN cũng tổ chức hai buổi thi Tiếng Hạc vàng tạo cơ hội cho những người cao niên có dịp lên sân khấu. Nhiều người rất cảm động khi tham dự. Câu chuyện của một thí sinh 81 tuổi bị bịnh ung thư và cho biết dịp thi hát đó mang đến cho ông niềm tin khiến ông hy vọng dễ dàng vượt qua khỏi cơn bệnh.
Về thể dục thể thao, tôi biết được một số động những người bạn của tôi trong lớp tuổi được gọi là U70, U80 hàng tuần tham gia đều đặn những buổi leo núi, đạp xe đạp đường trường. Người khác mê đánh Pickleball, một loại thể thao đang cạnh tranh với Tennis trên nhiều sân banh công cộng và được nhiều người yệu thích.
Bên cạnh những sinh hoạt mà người cao niên có thể tham dự ở ngoài xã hội, cũng đang có bao nhiêu ông bà nội ngoại xem việc giữ cháu là niềm hạnh phúc.
Và dĩ nhiên cũng có bao nhiêu người cao niên khác có những tâm sự hay hoàn cảnh bất hạnh hoặc đau buồn.
Vì vây, khi tình cờ mở website của Cơ quan Orange County Association for Vietnamese Mental Health Awareness and Support (OCAVMHAS) tôi đọc được một bài dịch, không đề tên tác giả, mang nhiều ý tưởng và đề nghị rất hữu lý dành cho những người cao niên như tôi và một số quí độc giả cũng già như mình.
Thấy hay hay và hợp với đề tài mình muốn viết hôm nay nên tôi xin trích một đoạn trong đó để chia xẻ với bạn đọc:
“Từ tuổi 60 trở đi, bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa và bạn nên chấp nhận việc mình sẽ không thể mang đi những gì đã có được khi nhắm mắt. Thât là không cần thiết, nếu không muốn nói là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến việc kiếm tiền và dành dụm. Bởi thế, bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ, tiết kiệm từ bao lâu nay để đi du lịch, tiêu xài cho những thứ bạn thích, và quan trọng hơn cả là nên cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến việc nhận lại.
Bạn cũng không cần lo lắng sẽ bị đánh giá giàu,nghèo, đẹp hay xấu, tiếng tăm hay quyền lực bởi vì khi đã trở về với cát bụi rồi, ta sẽ không còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa. Cũng đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được hay dành dụm được cho con cháu, cũng như không nên và không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn.
Nhất là bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái, bởi chúng có số phận riêng của chúng, và chắc chắn con cái sẽ tìm được con đường của chúng trong cuộc đời này. Bạn không bao giờ nên trở thành nô lệ cho con cái bạn. Hãy giữ mối quan hệ với con cái, yêu thương và giúp đỡ khi chúng cần, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho con cái. Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Thời gian mà bạn sống vui vẻ trên đời, thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ phải chấm dứt. Hãy nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm nhất khi có thể và bằng lòng với cuộc sống. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn. Phần đông con cái đều yêu quý cha mẹ, nhưng con bạn quá bận với công việc và những ràng buộc khác cần chúng quan tâm nhiều hơn.
Cũng có những đứa con bất cẩn, chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả khi bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn ra đi sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của cha mẹ. Nói chung, con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của con cái. Vì thế, sau tuổi 60-70 bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ. Tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết cả!
Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền? Bao nhiêu tiền là đủ? Một trăm ngàn đôla? Một triệu? Mười triệu? Từ hàng ngàn héc ta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì hay một,hai chén cơm mỗi ngày.
Từ vài ba căn nhà bạn đã xây, đang sở hữu, thật ra bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn gồm một chỗ ngủ. một chỗ nghỉ ngơi, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp mà thôi.
Với thời gian ngắn ngủi còn lại của một đời người mà bạn có được một chỗ ở, một số tiền nhỏ vừa đủ để ăn, để mặc và một số vật dụng cần thiết khác, thế là bạn đầy đủ lắm rồi. Bạn chỉ cần sống vui vẻ, hạnh phúc là được.
Gia đình nào cũng có vấn đề, bất luận là ở chế độ xã hội nào. Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính, Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn, hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất, mà hãy đi chơi nhiều hơn, đến các quán ăn ngon, găp bạn bè thân, đi du lịch nước ngoài.
Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn ai, hạnh phúc hơn, ai khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Hãy đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi. Nó chẳng giúp gì cho bạn vì trạng thái tinh thần không tốt dễ dẫn đến bệnh tật.
Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định và hãy xác định xem điều gì làm bạn hạnh phúc?
Bạn phải được sống khỏe mạnh và vui vẻ, hãy lập cho mình một kế hoạch và chờ đợi những ngày tiếp theo. Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày bị mất đi một cách uổng phí. Một ngày dù chỉ có một giây phút vui vẻ cũng là một ngày được lợi. Một tâm hồn lạc quan giúp chữa lành bệnh tật nhanh chóng. Một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa cả, bởi nó giúp bạn đẩy lui bệnh tật…
Hãy giữ cho bạn một tinh thần lạc quan bằng cách đi ra ngoài thường xuyên.
Hãy đi dưới ánh mặt trời, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamins và khoáng chất, tập thể dục và hãy vượt qua mọi trở ngại nếu có thể sống thêm nhiều năm, nhưng với thể lực và sức khỏe dồi dào.
Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn.
Và đừng bao giờ quên bạn bè. Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn.
Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài, hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản: chịu khó nghe và đừng ngắt lời; hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng; hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại; hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối; hãy tha thứ chứ đừng trách cứ, và đã hứa thì không được quên. Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn.”
Tôi đọc những ý kiến trên đây nhiều lần và thấy rằng chân lý cuộc đời thật giản dị. Chỉ có điều mình có áp dụng được vào đời sống hay không mà thôi.
Tôi chỉ mong khi đối diện với tuổi già, mình không trở nên một người vừa già, vừa khó tính, vừa cay đắng vì đó là tổng hợp một hình ảnh đáng sợ.
Chúng ta nên sửa soạn cho tâm hồn mình được nhẹ nhàng trước khi ra đi, và cố gắng chấp nhận tuổi già và cái chết, như một việc tất nhiên phải đến.
Hãy cùng tôi cười vui với cuộc đời, cho dù tuổi già đến rất nhanh!