Ban biên tập TYTNT
LGT: Bài viết này được sưu tập từ những nguồn khác nhau trong Internet để trả lời câu hỏi của một độc giả về liên quan giữa bà Phùng Há và ông Nguyễn Khánh – Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa).
Nghệ sĩ Phùng Há sinh ngày 30/4/1911 và mất ngày 5/7/2009. Bà là người Việt gốc Hoa, và là một trong những nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp trong lĩnh vực cải lương, một phần không thể thiếu được trong nền văn hóa Việt Nam.
Nghệ sĩ Phùng Há được xem là một trong những vị tổ của bộ môn cải lương của miền Nam. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc để lại cho sân khấu đời sau.
Xuất thân
Phùng Há tên khai sinh là Trương Phụng Hảo, sinh tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang). Cha của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn mẹ bà là Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho.
Bà là người con thứ 6, và cái tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy bà còn được gọi là Bảy Phùng Há (theo thứ bậc gia đình của người miền Nam).
Năm bà lên 9 tuổi thì cha bà qua đời. Cả gia đình bà đưa ông về Hạc Sơn để chôn cất. Khi gia đình bà trở về Việt Nam thì gia sản đã bị người khác chiếm đoạt. Tuy có đi học tiểu học một thời ngắn, vì hoàn cảnh gia đình nên bà sớm nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình.
Năm 13 tuổi, bà đã phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền. Nhưng cô bé người Việt gốc Hoa này lại có một giọng ca thiên phú. Từ thuở nhỏ bà đã tập hát những câu cải lương làm rung động các bậc trưởng lão trong vùng. Giọng ca mùi mẫn của bà khi đó lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và đó là bước ngoặc cuộc đời bà để trở thành một nghệ sĩ tài danh.
Con đường đến với nghệ thuật
Phát hiện được nhân tài có thể làm nổi danh đoàn hát của mình. Không bỏ lỡ cơ hội, năm 1924, ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát mới lớn hơn và đặt tên là Tái Đồng Ban. Phùng Há được mời tham gia với vai đào chính để đóng cặp với vai chính Năm Châu, lúc đó là kép nam đã có chút tiếng tăm.
Bầu Hai Cu là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh. Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, nghệ sĩ Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (tức là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung) là những người thầy đầu tiên của bà trong cuộc đời nghệ thuật. Cũng chính nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi là 2 người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà về sau này.
Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà là vai Giả Thị trong vở cải lương “Hoàng Phi Hổ quy Châu” của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở “Thôi Tử thí Tề Quân”, “Tỷ Can hoàng thúc”, “Anh hùng náo Tam Môn Nhai” của soạn giả Nguyễn Châu Thành. “Khúc oan vô lượng”, “Tội của ai” của soạn giả Tư Chơi. Đóng cặp với đào Phùng Há làm tên tuổi của kép Năm Châu ngày càng nổi bật và rất được công chúng yêu thích. Cặp “Năm Châu – Phùng Há” đã trở thành một huyền thoại của dân chúng của miền sông nước miền Nam.
Năm 1926, sau khi rời đoàn Tái Đồng Ban, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát lớn hơn là Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cùng năm này, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi. Không lâu sau thì nghệ sĩ Năm Châu rời gánh Trần Đắc. Có lẽ là Năm Châu đã thất tình vì thầm yêu Phùng Há trong cuộc tình tay ba này.
Năm 1929, với những bất đồng không thể hàn gắn được, bà ly dị với nghệ sĩ Tư Chơi và sau đó kết hôn với nhà phú hộ Bạch công tử Lê Công Phước.
Thời kỳ vàng son
Vốn là người rất mê cải lương. Ông phú hộ chịu chơi này thành lập ngay đoàn Huỳnh Kỳ (Lá Cờ vàng) và cho Phùng Há làm bầu khi đó bà mới có 18 tuổi.
Gánh hát này quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng nhất thời bấy giờ, như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne… Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có tầm vóc lớn ở vùng Nam Kỳ Lục tỉnh thời bấy giờ. Bạch công tử cũng cho xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên.
Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền, mô phỏng theo du thuyền của các vị vua chúa thời xưa. Theo mô tả thì chiếc đi đầu chở Bạch công tử và Phùng Há, có lầu, treo đèn kết hoa, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh, Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng đá.
Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bài Đoàn ca Huỳnh Kỳ, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát.
Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát. Và cho dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời xem hát. Khi gánh hát dời đi nơi khác, Bạch công tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả thì đứng chen trên bờ vẫy tay chào.
Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi đều có gánh hát tới. Được biết trong hồi ký của nghệ sĩ Ba Vân cũng có nhắc tới thời kỳ vàng son này.
Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là “Giọt máu chung tình”, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Đây là tuồng cải lương dựa trên Sử Việt. Một bước tiến bộ trong văn hóa độc lập của nước ta, so với các vở tuồng trước đó đều dựa theo dã sử Tàu.
Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn. Trong hồi ký “Nổi trôi trong ánh đèn màu”, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: “Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai“.
Vở cải lương: “Giọt máu chung tình”
Dưới đây là một số tình tiết liên quan đến tuồng hát nổi tiếng này mà ban biên tập muốn chia sẻ cùng quý vị.
Giọt máu chung tình là tiểu thuyết của tác giả Tân Dân Tử, ấn hành lần đầu năm 1926 tại Sài Gòn.
Trong lời tựa cho truyện này, tác giả viết: “Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra quốc văn của ta… và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân rõ biết. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bản quốc…”
Sơ lược cốt truyện
Câu chuyện xảy ra trong thời kỳ Nhà Nguyễn.
Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du.
Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công (Hà Nội).
Sau khi Võ Tánh tuẫn tiết và Nhà Nguyễn đánh bại Nhà Tây Sơn lập nên nước Việt Nam, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định ôn văn, luyện võ chờ có ngày lập công giúp nước. Lúc bấy giờ có giặc Tàu Ô (chỉ những toán cướp biển từ Trung Quốc) đang hoành hành ở Biển Đông. Triều đình lúc ấy mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc. Võ Đông Sơ ra kinh ứng thí. Trong thời gian lưu lại ở kinh kỳ, chàng làm quen với Triệu Dõng – một người con có hiếu “bán kiếm báu” nuôi mẹ. Cũng tại đây Võ Đông Sơ gặp phải sự đố kỵ tài năng của Bạch Xuân Phương – anh ruột của tiểu thư Bạch Thu Hà, là một công tử rất độc ác, bất tài, hãm hại Võ Đông Sơ nhiều lần suýt mất mạng.
Trong một lần Võ Đông Sơ ra tay đánh bọn cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa, đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau. Dưới ánh trăng rằm, bên ngôi cổ tự, hai người đã thề nguyện chuyện trăm năm. Sau đó, Võ Đông Sơ thi đỗ võ quan được phong làm Đô úy lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà, Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy một tên vô lại – bạn của anh trai Bạch Xuân Phương tên là Trần Xuân.
Bạch Thu Hà bỏ trốn khỏi nhà, thân gái dặm trường phiêu bạt đi tìm người yêu Võ Đông Sơ. Trong cơn hoạn nạn, Bạch Thu Hà được Triệu Dõng và em gái Triệu Dõng là Triệu Nương cứu giúp thoát khỏi tay chủ sơn trại Nhứt Lang ép làm vợ.
Sau cùng, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà lại được trùng phùng nhưng không lâu sau, biên ải có giặc xâm phạm, vua ban chiếu cử Võ Đông Sơ cầm binh lên Lạng Sơn đánh đuổi giặc xâm phạm bờ cõi. Nhiều trận đánh nhau ác liệt, Võ Đông Sơ bị tử trận. Trong phút giây hấp hối chàng không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà và nhắn gửi ba quân báo hung tin cho nàng hay. Bạch Thu Hà đã khóc thảm thiết bên linh cữu Võ Đông Sơ và dùng gươm báu quyên sinh để giữ trọn chung thủy với người tình.
Những tuồng tích dựa trên tác phẩm:
Năm 1928, soạn giả Mộc Quán soạn vở “Giọt máu chung tình” cho gánh hát Huỳnh Kỳ cho vợ chồng Bạch Công Tử Lê Công Phước và Phùng Há nhân ngày ra mắt gánh hát năm đó. Người đóng vai đào chánh Bạch Thu Hà trong tuồng chính là cô đào nức tiếng thời đó là Phùng Há.
Ngoài ra, còn có soạn giả Viễn Châu đã viết hai bài ca cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” (nghệ sĩ Minh Cảnh ca) và “Bạch Thu Hà” (nghệ sĩ Lệ Thủy ca). Đây là bài tân cổ giao duyên nổi tiếng nhất được nhiều người biết đến câu chuyện tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Trong bài có câu nói tuyệt mệnh của Võ Đông Sơ:
“Ta cảm thấy máu ngừng trong nhịp thở.
Rút gươm Thiêng mà dòng lệ tuôn sa.
Khắc vào cây ba chữ “Bạch Thu Hà.”
Để kỷ niệm ngày ta không gặp nữa.”
Giai đoạn cuối đời
Những thăng trầm trong cuộc đời người nghệ sĩ tài danh, đáng bậc tổ sư của ngành cải lương này, thật kể ra không hết. Trên đây, chúng tôi chỉ ghi lại một vài giai thoại có tính nổi bật.
Sau nhiều năm trình diễn trong sân khấu, bà Phùng Há cũng tạo cho mình một chút cơ ngơi. Nhưng cái khác người của bà là lúc nào cũng mở rộng trái tim giúp đỡ những người chung quanh, nhất là giới văn nghệ sĩ.
Năm 1958, bà đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ Sĩ tại Sài Gòn để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Bà cũng tự xuất tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho các nghệ sĩ nghèo.
Bà không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, mà bà còn bỏ công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi khác. Thời Việt Nam Cộng Hòa, bà là giảng viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Với những đóng góp cho nghệ thuật, bà cùng với nghệ sĩ Năm Châu đã tạo nên một nền móng cho nền cải lương của miền Nam Việt Nam.
Qua đời
Ngày 5 tháng 7 năm 2009, bà qua đời tại bệnh viện Nguyễn Trãi (Sài Gòn) hưởng thọ 98 tuổi. Và được an táng trong nghĩa trang nghệ sĩ do bà lập nên trong phần đất của Chùa Nghệ sĩ.
Đời tư
Mối tình đầu đồng thời là người chồng đầu tiên của Phùng Há là nghệ sĩ Tư Chơi (1907–1964; tên thật là Huỳnh Thủ Trung). Hai người kết hôn vào năm 1926, có với nhau một người con gái tên Bửu Trân (1926–1959). Năm 1929, Phùng Há và Tư Chơi ly hôn, một thời gian sau thì Tư Chơi kết hôn với nữ nghệ sĩ Kim Thoa.
Người chồng thứ hai của bà là Bạch công tử Lê Công Phước, người đã lập một gánh hát và để bà làm chủ. Cả 2 có với nhau 2 người con, một con trai và một con gái: con trai đầu tên Paul Lộc, qua đời do chứng bệnh ban trắng khi mới 2 tuổi, con gái út là Suzanne Lý cũng mất sớm vì bệnh. Sau khi con gái qua đời, cuộc hôn nhân giữa bà và Lê Công Phước cũng chấm dứt.
Sau khi ly hôn với Phùng Há, Bạch công tử kết hôn với nghệ sĩ cải lương Ngọc Sương và sinh được một người con gái tên Ngọc Tuyết (Liliane). Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng nhanh chóng tan vỡ, Ngọc Sương để con gái lại cho Phước và trở về Phan Thiết. Sau khi biết tin ông Lê Công Phước khó khăn trong việc nuôi con nhỏ, Phùng Há đã xin đưa Liliane về nuôi dưỡng.
Năm 1940, 4 năm sau khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ 2, Phùng Há kết hôn với Nguyễn Hữu Bửu, người đã lập ra gánh hát Phùng Hảo cho bà quản lý. Trước khi kết hôn với Phùng Há, Nguyễn Bửu đã từng lập gia đình và có con, trong đó có 2 con trai là Nguyễn Long và Nguyễn Khánh – Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1950, bà nhận Nghệ sĩ Nam Hùng làm con nuôi. Sau khi gánh hát Phùng Hảo tan rã, cuộc hôn nhân thứ 3 của bà cũng kết thúc.
Về sau, Phùng Há kết hôn với Châu Văn Sáu (còn gọi là Bầu Nhơn), nhưng cuộc hôn nhân cuối cùng này cũng chấm dứt sau năm 1959.
Các vai diễn để đời
Phụng Nghi Đình
Đời Cô Lựu
Giọt máu chung tình