YẾN TUYẾT
Mỗi gia đình đều có một cách nuôi dạy con cái theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận và học hỏi thêm từ đề nghị của các nhà giáo dục và tâm lý để giúp con cái trở nên những đứa trẻ lành mạnh hơn nữa trong xã hội phức tạp mà chúng sẽ phải đối diện.
Khi các em trong tuổi vị thành niên mới bước chân vào ngưỡng cửa trung học, sự liên hệ của chúng với xã hội là một vấn đề quan trọng không chỉ với nhóm tuổi này và còn cả với những người lớn có liên hệ như cha mẹ, ông bà hay anh chị.
Tình bạn và thái độ hay cách cư xử giữa các thành viên trong nhóm đôi khi có thể không phù hợp và tạo sự thoải mái cho những đứa trẻ ở tuổi con hay cháu của các bậc phụ huynh.
Một bài báo trên tờ Family Magazine của ký giả Sue Blaney sẽ hướng dẫn cho phụ huynh biết cách nhìn rõ vấn đề nói trên và đối phó một cách hữu hiệu hơn.
Dĩ nhiên, đa số trẻ con thường được bảo vệ và nuôi dạy kỹ lưỡng bởi gia đình nên chúng luôn luôn có cảm giác an toàn trong vòng thân thuộc. Thế nhưng, chúng ta cần phải nghĩ đến việc một ngày kia, con cái của chúng ta có thể ứng dụng các khả năng giao tế của chúng ở ngoài xã hội, sau khi chúng tốt nghiệp trung học: đó là lúc những người trẻ tuổi này cần có cơ hội phát triển và tranh đua trong thế giới của những đứa trẻ đồng trang lứa.
Để chuẩn bị những năng khiếu và tư tưởng cần thiết trong cuộc sống ngoài xã hội, khi đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên, sự chú ý của nó sẽ chuyển hướng, một cách tự nhiên, qua các sinh hoạt của các bạn cùng trang lứa.
Điều này không có nghĩa là gia đình không còn quan trọng nữa, nhưng khung cảnh đời sống của các em giờ đây phải có những thay đổi. Và sự thay đổi của con cái trong giai đoạn này cần được sự thông cảm và hỗ trợ của phụ huynh.
Những thái độ hay cách cư xử của nhóm là điều tự nhiên
Rất nhiều em, khi đang theo học các lớp Junior High (tạm dịch là Trung học đệ nhất cấp) cảm thấy thoải mái nếu gia nhập vào một nhóm nào đó trong trường học. Và nếu đó là một nhóm đặc biệt nữa thì chúng lại càng thích thú hơn vì chúng cảm giác an toàn khi được trở nên một thành viên.
Phụ huynh sẽ thấy một cách khá rõ ràng là con cái mình đang chuyển sự an toàn mà chúng thường có với gia đình qua nhóm bạn mà chúng vừa gia nhập.
Đôi khi, việc coi trọng các bạn cùng nhóm của các em lên đến mức quá cao đến nỗi rất khó cho người ngoài quan sát có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu cha mẹ hiểu được chuyện gì đang xảy ra cho con mình thì họ sẽ có thể giúp đỡ và hướng dẫn cho con sống vui và giữ được mối liên hệ cần thiết cho tuổi mới lớn. Đó là một tình bạn bền vững và lành mạnh.
Sau đây là 8 cách mà bà Sue Blaney đề nghị phụ huynh nên áp dụng để nuôi dạy con trong tuổi vị thành niên:
1/ Khung cảnh xã hội cung cấp cơ hội để học hỏi, hãy giúp con thấy giá trị của tình bạn
Tham dự và tìm hiểu về môi trường xã hội chính là dịp để trẻ vị thành niên phát triển kiến thức và kinh nghiệm. Chúng sẽ phân biệt được cách cư xử nào có giá trị và loại người nào mà chúng cần kính trọng. Chúng cũng học hỏi được việc người nào mình muốn làm bạn và loại bạn nào mà chúng muốn trở thành giống như.
Sự tự học hỏi này là những bài học quan trọng của đời sống.
Tuy nhiên, phụ huynh cần có mặt bên cạnh con để hỗ trợ, và trong nhiều trường hợp, nên tạo cơ hội để nhắc nhở con về vấn đề đạo đức, như đối xử với người khác bằng sự kính trọng và nhã nhặn. Khi có chuyện không hay xảy ra, nên lắng nghe lời giải thích của con trước khi buông lời khiển trách.
2/ Giúp các em tìm hiểu những cách giải quyết vấn đề
Nếu đứa con vị thành niên hỏi ý kiến bạn về việc giải quyết một xích mích với bạn, hãy suy nghĩ và cố giúp con tìm những giải pháp khác nhau. Việc giúp con cảm thấy mạnh mẽ để có thể đối phó với những trường hợp hay tình huống khác biệt sẽ tạo thêm kiến thức và kinh nghiệm cả cho tương lai khi con quý vị trưởng thành.
3/ Hãy sẵn sàng để con tâm sự nhưng đừng thúc ép
Nếu con bạn đang phải đối diện với một vài căng thẳng trong mối liên hệ xã hội, nó có thể tìm đến bạn để tâm sự khi nó thấy đã đến lúc. Thường thì trẻ em cần thời gian để lắng lòng trước khi nó có thể thảo luận về một sự việc làm nó đau buồn. Nếu bạn bắt con nói quá sớm, bạn sẽ làm cho con phải sống lại nỗi đau vẫn còn mới đó. Khi bạn cho con thời gian để nó bình tĩnh hơn, bạn chứng tỏ và nói được cho con biết là bạn thương và hỗ trợ nó với tình thương vô điều kiện.
4/ Giúp con phân tích những vấn đề liên quan đến sự giao thiệp với bạn cùng tuổi
Đứa con vị thành niên của bạn thường sẽ không đáp lại như ý bạn muốn nếu bạn ra lệnh cho nó phải làm một việc gì đó. Cho nên, bạn chỉ nên thảo luận về những thái độ hay phương cách xử sự khác nhau để đưa đến kết quả mà nó mong đợi. Đây cũng là cơ hội để nó học cách giải quyết những vấn đề rối rắm sau này khi trưởng thành.
5/ Hãy nhạy cảm với tính tình của trẻ vị thành niên
Tính tình giữ một vai trò quan trọng trong phản ứng của con người với môi trường sinh sống. Khi hướng dẫn, quan sát và lắng nghe thắc mắc của con trong tuổi vị thành niên về các vấn đề xã hội, phụ huynh nên có cái nhìn cởi mở về tính khí của nó.
Người bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài (extroverts) có thêm năng lực khi ở gần người khác. Trong khi đứa trẻ sống bằng nội tâm (introverts) thì muốn cách xa người khác và ở một mình.
Con bạn có thể có cá tính khác bạn và có những nhu cầu cũng như giá trị xã hội không giống bạn, tùy theo bản chất của nó. Do đó là bậc cha mẹ, chúng ta cần nhạy cảm để có thể thông cảm và hỗ trợ con.
6/ Hãy nhận biết những thái độ hay cách cư xử nhằm che dấu sự thiếu tự tin của con
Thông thường, những đứa trẻ ở tuổi 12, 13 hay bày tỏ sự tư tin của chúng một cách quá đáng với mục đích muốn che dấu sự yếu đuối trong lòng. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong thái độ bắt bẻ từng chút một của đứa con gái, hay cử chỉ vênh váo, tự cao của đứa con trai.
Phụ huynh cần biết rằng đôi khi những hành động đó chỉ nhằm che dấu sự thiếu tự tin của con trẻ, và nên tìm cách giúp con phát triển sự đồng cảm, lòng kính trọng và tử tế với người khác.
Và phương cách tốt nhất để dạy con chính là tự mình làm gương cho chúng bằng cách đối xử của mình với người khác.
7/ Đừng đi quá xa trong việc tìm cách tham dự vào liên hệ xã hội của con
Phụ huynh hãy theo dõi quan sát và chỉ nhúng tay vào khi nào tối cần thiết để trẻ con ở tuổi vị thành niên học hỏi được về các mối giao hảo trong xã hội và về tình bạn mà nó đang có. Sự cấm cản của phụ huynh sẽ chỉ làm cho trẻ con muốn chống đối. Cho nên, chúng ta chỉ nên hướng dẫn chứ không bắt buộc con trong việc học hỏi kinh nghiệm này.
Phụ huynh cũng nên kiểm điểm lại hành vị và thái độ của mình, và nên nhớ là trẻ con ở tuổi này cần bạn ở vị trí của một đấng sinh thành chứ không phải là một người bạn của nó.
8/ Là tấm gương tốt với quan niệm lạc quan về cuộc sống
Những đứa trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ nói xấu người khác hay trao đổi với nhau những lời lẽ hằn học, khiếm nhã sẽ, trong vô thức, học hỏi và bắt chước những hành động và thái độ đó.
Người lớn cần là tấm gương cho đứa con tuổi vị thành niên của mình bằng cách chứng tỏ rằng sự lạc quan, tinh thần hỗ trợ và vị tha là những điều cần có trong một tình bạn tốt. Và đó cũng chính là những nỗ lực để tạo dựng và hình thành một người bạn tốt cho kẻ khác.
Một gia đình có thể có những đứa con ngoan ngoãn, mạnh khỏe, hay khó dạy và nhiều bệnh tật. Nhưng tình yêu vô điều kiện và sự nhẫn nại của phụ huynh chúng ta có nhiều triển vọng sẽ giúp các trẻ em tuổi vị thành niên tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp cho chúng trong tương lai.