Giáo sư Nguyễn văn Trung qua đời ở Canada

by Vy Trần

Theo tin từ Nguyễn Quốc Linh, con trai, giáo sư Nguyễn Văn Trung vừa qua đời ngày 19-10-2022 tại Canada sau một thời gian lâm bịnh, thọ 92 tuổi.

Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26/9/1930, là nhà giáo, nhà văn – triết Việt Nam, bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Sinh tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình công giáo đông con. Cha là Nguyễn Văn Tuynh, thầy thuốc Bắc và mẹ là bà Thiệu Thị Tốt. Thuở nhỏ học trường dòng Puginier ở Hà Nội.

Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tản cư về Hà Đông học ở chủng viện Hoàng Nguyên. Đến 1950, trở lại Hà Nội theo ban tú tài văn chương ở trường Chu Văn An. Năm 1951, đỗ tú tài I, được nhà dòng cấp học bổng du học ở Âu Châu. Đến Toulouse rồi sang Bỉ học đại học Louvain, đậu cử nhân triết học, theo ban tiến sĩ triết học phần I. Cuối năm 1955 về Sài gòn, dạy triết ở trường Chu văn An. 1956 kết hôn với cô Trần Thị Minh Chi. Từ 1957, dạy triết tại đại học Huế. 1961 trở lại đại học Louvain trình luận án tiến sĩ và lấy bằng Tiến sĩ triết học, về nước (1961) dạy triết và văn ở đại học Văn Khoa Sài gòn.

Khoảng 63-64, dạy đại học công giáo Đà Lạt. Một thời gian sau, ông bị “đuổi” khỏi đại học công giáo vì ảnh hưởng “độc hại” của cuốn Ca tụng thân xác trên sinh viên. Sau 1975, ông ở lại Đại học Văn khoa, nhưng các giáo sư miền Nam cũ không được dạy ba môn Văn, Triết, Sử nữa, ông chuyển sang nghiên cứu. Năm 1993, sang định cư ở Montréal, Canada.

 Sách giáo khoa: Luận lý học (tủ sách Á Châu, 1957). Đạo đức học (tủ sách Á Châu 1957). Luận triết học tập I (nhà xuất bản Nam Sơn). Phương pháp làm luận triết học (nxb Nam Sơn).

 Tiểu luận: Nhận định I (nxb Nguyễn Du, 1958). Nhận định II (nxb Đại học 1959). Nhận định III, (nxb Nam Sơn, 1963). Nhận định IV ( Nam Sơn, 1966). Nhận định V (Nam Sơn, 1969). Nhận định VI (Nam Sơn, 1972) .

 Lý luận văn học: Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Cơ sở xuất bản Tự Do, 1962). Lược khảo văn học tập I (Nam Sơn 1963). Lược khảo văn học II (Nam Sơn, 1965). Lược khảo văn học III (Nam Sơn 1968).

Văn học và chính trị: Chủ nghiã thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại (Nam Sơn 1963). Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nam Sơn, 1974). Trường hợp Phạm Quỳnh (phỏng vấn những người viết sách báo đương thời với Phạm QuỳnhNam Sơn 1974). Chủ đích Nam Phong (Trí Đăng, 1975). Vụ án truyện Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh năm 1924, in 1972).

Triết học: Triết học tổng quát (Vĩnh Bảo, 1957). Ca tụng thân xác (Nam Sơn 1967). Hành trình trí thức của Karl Marx (Nam Sơn 1969). Đưa vào triết học (Nam Sơn 1970). Góp phần phê phán giáo dục và đại học (Trình Bày, 1967). Ngôn ngữ và thân xác (Trình Bày, 1968). La conception bouddhique du Devenir (Xã Hội, 1962). Danh từ triết học (làm chung với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên, LM Xuân Corpet (nxb Đại học 1958).

Tôn giáo: Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (nxb Đại học Huế, 1958). Người công giáo trước thời đại (nhiều tác giả) (Đạo và Đời, 1961). Lương tâm công giáo và công bằng xã hội (Nam Sơn, 1963).

Sau 1975: Câu đố Việt Nam (nxb TP Hồ Chí Minh, 1986). Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, 1987; nxb Hội Nhà Văn tái bản). Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (nhiều tác giả, nxb TP Hồ Chí Minh 1993).

Bản thảo soạn sau 75, chưa in: Lục châu họcNgôn ngữ và văn học dân gianĂn mặc theo truyền thống Việt NamĐạo chúa vào Việt namHồ sơ về hàng giám mục Việt NamTrương Vĩnh Ký con người và tác phẩmNhận định VII, VIII.

Ở hải ngoại, viết thêm Nhận định IX và X.

Ngoài những tác phẩm liệt kê trên đây còn hàng trăm bài báo đủ mọi thể loại, in trên các báo hàng ngày như Tin sáng, Dân chủ mới, Hoà bình… hoặc các tạp chí như: Văn học, Bách khoa, Đại học, Sáng tạo, Thế kỷ XX, Đất nước, Nghiên cứu văn học, Văn, Sống đạo, Hành trình, Thái độ, v.v… chưa in thành sách.

Ông từng viết “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vẫn đề cuộc sống trước mặt đặt ra“.

VY TRẦN

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights