Giữ gìn bản sắc Việt trên đất Mỹ: Hy vọng và nỗi băn khoăn

by Tim Bui
Giữ gìn bản sắc Việt trên đất Mỹ: Hy vọng và nỗi băn khoăn

HÀ GIANG

Tiếng rao lảnh lót của gánh hàng rong, tà áo dài trắng thướt tha trong gió chiều…

Những ký ức ấy, tưởng chừng đã ngủ yên sau nửa vòng trái đất, vẫn thỉnh thoảng ùa về trong lòng những người đang sống trên quê hương thứ hai.

Làm sao để văn hóa Việt không ngừng luân lưu, làm sao để thế hệ mai sau vẫn nhận diện được cội nguồn giữa bao sắc màu văn hóa? Đó không chỉ là trăn trở của riêng ai, mà là nỗi niềm chung của hàng triệu trái tim mang trong mình hồn Việt.

Giữa lòng Little Saigon náo nhiệt, văn hóa không phải là một khái niệm mơ hồ. Nó hiện hữu, sống động trong từng chiếc bánh chưng xanh, quyện trong hương vị đậm đà của bát phở nóng, ẩn hiện trong từng đường kim mũi chỉ trên tà áo dài, ngân vang qua tiếng hát Khánh Ly da diết trong những tình khúc Trịnh Công Sơn. Nó còn lẩn khuất trong những bức ảnh cũ kỹ, cố níu giữ những dấu vết mà thời gian muốn xóa nhòa.

Năm nay, dấu mốc 50 năm khép lại những đau thương của cuộc chiến Việt Nam cũng là khởi đầu cho hành trình gian nan mà kiên cường của cộng đồng người Việt tị nạn. Ký ức về một quê hương nằm lại phía sau Thái Bình Dương không chỉ là trang sử buồn, mà còn là động lực thầm lặng để mỗi người con đất Việt nơi đây nỗ lực giữ gìn và giao truyền bản sắc.

Trong những lần trò chuyện cùng Nguyễn Lập Hậu và Jimmy Nhựt Hà, hai người trẻ luôn hiện diện trong những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, tôi nhận ra một chân lý giản dị: văn hóa không phải là một di sản ta cất giữ trong tủ kính, mà là hơi thở của cuộc sống, là từng nhịp đập của trái tim.

Nguyễn Lập Hậu, đặt chân đến Mỹ năm 1993, đã âm thầm ghi lại những sinh hoạt văn hóa bằng nét cọ tài hoa. Từ những poster cộng đồng đậm dấu ấn Việt, đến những bức tranh hay tấm ảnh ghi lại chân dung các nhạc sĩ tiền chiến, những nhà văn, Hậu đã biến ký ức thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Jimmy Nhựt Hà, linh hồn của The Jimmy Show và The Jimmy TV thì dùng tiếng nói và tình yêu âm nhạc trước 1975 để khơi gợi những cảm xúc tưởng chừng đã ngủ quên. Qua những buổi trò chuyện chân tình, những chương trình tưởng niệm đầy xúc động, Jimmy không chỉ tái hiện âm thanh của một thời đã qua mà còn đánh thức ký ức và kết nối những tâm hồn đồng điệu.

Họ, những người trẻ đầy nhiệt huyết, là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh lớn về sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần tiếp nối giữa các thế hệ, giúp cộng đồng người Việt nơi xứ người giữ được bản sắc sau những mất mát của chiến tranh, của bứt rời nơi chôn nhau cắt rốn.

Tha hương và nỗi lo nhạt phai di sản

Sau 30/4/1975, những dòng người Việt bắt đầu hành trình đến Mỹ, mang theo vết thương lòng và niềm hy vọng mong manh về một tương lai mớmới. Tôi là một phần của dòng người ấy, rời xa cha mẹ, quê hương khi còn là một thiếu niên, mang theo nỗi chơi vơi tận cùng đến một thế giới cực kỳ xa lạ.

Những đợt di tản đầu tiên đưa đến Mỹ những quân nhân, trí thức, viên chức chính quyền cũ. Tiếp sau đó là hành trình vượt biên đầy gian khổ, qua những trại tị nạn ở Đông Nam Á, trước khi đặt chân đến những vùng đất mới như California, Texas hay Virginia.

Nước Mỹ đón nhận người Việt tị nạn với sự dè dặt. Đa số đến đây với hai bàn tay trắng, rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa là những thách thức lớn. Tương lai mịt mờ, còn ngày trở về quê hương thì là một điều không tưởng.

Nhưng trong hành trang khiêm nhường ấy, mọi người mang theo một báu vật vô giá: văn hóa Việt. Ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, những nghi lễ truyền thống, những giá trị đạo đức… Có lẽ trong những ngày đầu vất vả kiếm sống nơi xứ người, chúng ta có lẽ chưa nhận ra mình không chỉ là người di cư, mà còn là người sau này giữ lửa cho di sản dân tộc.


Little Saigon: Trái tim Việt giữa lòng đất Mỹ

Vào những năm 1980, sự gia tăng số lượng người Việt định cư tại Westminster và Garden Grove đã tạo nên một Little Saigon sầm uất, một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cộng đồng.

Little Saigon không được quy hoạch bởi bất kỳ chính phủ nào. Nó lớn lên từ nhu cầu, từ nỗi nhớ quê hương da diết. Khi hương vị Việt thân quen vắng bóng trong siêu thị Mỹ, những chợ Việt như Hòa Bình, Quê Hương ra đời. Khi cơ hội việc làm ổn định còn hạn chế, những người thợ may Việt tự tạo ra không gian mưu sinh trong ga-ra hay tiệm may nhỏ bé. Nỗi khát khao đọc sách Việt sinh ra tiệm sách Tú Quỳnh. Báo chí, truyền hình, radio tiếng Việt trở thành cầu nối thông tin và văn hóa. Nhà thờ và chùa chiền là những mái nhà tinh thần, nơi cho mọi người cảm giác thuộc về, sự an ủi và chia sẻ.

Đến giữa thập niên 1990, Little Saigon trở thành một “Việt Nam thu nhỏ” với hàng chục quán phở nức tiếng như Phở 79, Phở Hòa; những chương trình Paris By Night lộng lẫy; nhà hàng Brodard trứ danh với món nem nướng; và trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ, nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Radio Little Saigon và Saigon TV trở thành người bạn đồng hành, cập nhật tin tức và giữ kết nối cho những người con xa xứ.

Tôi đến với nghề báo bằng khát vọng thấu hiểu những gì mình chứng kiến trong một cộng đồng hừng hực sức sống. Tôi nhớ những cuộc biểu tình lớn kéo dài trước tiệm Hi-Tek Video khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, cho thấy vết thương chiến tranh chưa hề nguôi trong lòng cộng đồng. Tôi nhớ những đoàn diễn hành Tết rộn ràng sắc màu, với múa lân uyển chuyển và tà áo dài phấp phới trong tiếng nhạc Xuân tươi vui cho thấy khao khát quê hương là một nhu cầu có thật. Tôi nhớ cảm giác bình yên khi hít hà mùi thịt nướng thơm lừng, khi nghe tiếng ồn ào thân thương giữa chợ Việt đông đúc, đắm mình trong không khí ấm áp của những đêm văn nghệ và niềm tự hào khi ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của người đồng hương.

Tiếp nối và hồi sinh

Rất may, ngày nay ngọn đuốc bảo tồn văn hóa đang được thế hệ đầu tiên trao lại cho những người con, người cháu, sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, hoặc đến đây từ thuở ấu thơ. Họ không chỉ thừa hưởng những công thức nấu ăn gia truyền hay tiếng Việt lơ lớ pha âm Mỹ, mà còn gánh trên vai một sứ mệnh thiêng liêng: giữ gìn bản sắc Việt.

Và họ không chỉ giữ gìn, mà còn đang thổi vào đó một sức sống mới! Giới trẻ người Mỹ gốc Việt đang hòa quyện truyền thống và hiện đại theo những cách mà thế hệ cha mẹ có lẽ chưa từng hình dung. Một thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ, đầu bếp và nhà sáng tạo nội dung mới đang dần khẳng định bản sắc riêng, sau những năm dài chịu áp lực đồng hóa.

Có những bạn trẻ tìm đến tiếng Việt qua các lớp học ở đại học, tình nguyện đóng góp trong các hội chợ Tết, say sưa với những điệu múa lân truyền thống, hay sáng tạo những video giải thích phong tục Việt Nam trên TikTok. Có những ban nhạc tài năng kết hợp nhạc cụ dân tộc với hip-hop hiện đại, có những quán cà phê mang hơi thở đương đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt.

Như quán cà phê Phin Smith trên đường Main ở Garden Grove, một điểm đến mà tôi tình cờ ghé thăm. Thành lập năm 2018, Phin Smith mang đến một làn gió mới cho văn hóa cà phê Việt. Họ nhập cảncảng trực tiếp hạt cà phê xanh từ Tây Nguyên, tự rang xay để giữ trọn vẹn hương vị nguyên bản. Thực đơn không chỉ có những món kinh điển như cà phê sữa đá mà còn có những sáng tạo độc đáo như cà phê dừa xay và latte vị hoa hồng. Thiết kế tối giản, thương hiệu hiện đại thể hiện gu thẩm mỹ đương thời, nhưng tình yêu dành cho bản sắc Việt thì không thể lẫn vào đâu được.

Văn hóa, suy cho cùng, không phải là một bảo tàng tĩnh lặng. Nó là một cuộc đối thoại không ngừng qua thời gian. Và lớp trẻ, dù ý thức hay không, đang tiếp nối nhịp điệu của cuộc đối thoại ấy.

Chúng ta chọn điều để nhớ

Tuy nhiên, giữa niềm vui chứng kiến sự tiếp tay giữ gìn văn hóa của thế hệ trẻ, tôi vẫn không khỏi âu lo. Không phải ai cũng có cơ hội gắn bó sâu sắc với văn hóa Việt. Nhiều bạn trẻ lớn lên giữa hai thế giới, và đôi khi, cảm thấy lạc lõng ở cả hai. Với một số em, tiếng Việt là một rào cản. Với những người khác, âm nhạc, lễ nghi hay lịch sử Việt Nam dường như “không liên quan” đến cuộc sống hiện tại của họ.

Tôi nhớ có lúc đã lo sợ văn hóa Việt sẽ dần tan biến trên đất Mỹ. Tôi lo con cháu mình chỉ biết đến Netflix mà quên Paris By Night, chỉ quen hamburger mà xa lạ với hương vị bún riêu, bánh cuốn, nói tiếng Anh lưu loát mà tiếng mẹ đẻ ngày càng ngọng nghịu. Nhưng giờ đây, tôi cảm nhận được một điều sâu sắc hơn. Bản sắc không phải là một khối đá bất động, mà là một dòng chảy không ngừng, chuyển động và ngày càng nở rộng.

Giữa những âu lo, tôi cũng có nhiều phấn khởi. Con trai tôi, sinh ra và lớn lên ở California, dù không đọc thông thạo tiếng Việt nhưng vẫn có thể trò chuyện và hiểu tiếng mẹ đẻ. Cháu nhận ra hương vị đặc trưng của nước mắm, thích ăn những món ăn thuần túy Việt Nam. Cách đây vài tuần, cháu đưa cô vợ mới cưới về thăm mẹ và háo hức học cách nấu món phở gà truyền thống. Dưới sự chỉ dẫn của mẹ, hai vợ chồng kéo  nhau xuống bếp, tận tay rửa rau, xé thịt gà, nêm nếm, và tỉ mỉ ghi chép từng công đoạn. Cháu còn khuyến khích tôi viết hồi ký bằng tiếng Anh, “cho thế hệ sau,” cháu nói. Với tôi, đó là một khởi đầu đầy hy vọng.

Nhìn lại hành trình từ Sài Gòn đến Little Saigon, tôi nhận ra rằng chúng ta không chỉ mang theo thức ăn, âm nhạc và ngôn ngữ. Chúng ta mang theo cả một cách nhìn thế giới, một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, sức chịu đựng phi thường và lòng biết ơn sâu sắc với quá khứ để xây dựng tương lai.

Tinh thần ấy vẫn sống động. Bạn có thể cảm nhận nó trong tiếng chạm đũa rộn ràng ở những quán phở đông khách, trong những bức tranh đầy màu sắc của các nghệ sĩ trẻ, trong cái cúi đầu chào nhau kính cẩn của những bậc cao niên tại chợ Tết, nhà thờ hay ngôi chùa.

Việc giữ gìn văn hóa Việt tại Mỹ không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là kết quả của hàng triệu lựa chọn có ý thức, dù nhỏ bé hay lớn lao. Một Nguyễn Lập Hậu vẽ lại ngôi chùa cổ kính từ ký ức. Một Jimmy Nhựt Hà tỉ mỉ sưu tầm và số hóa những cuộn băng cassette từ năm 1972. Một đứa trẻ tò mò hỏi ông bà về cuộc sống trước chiến tranh. Một người mẹ gói xôi gấc cho con mang đến trường, bất chấp những ánh mắt tò mò của những bạn cùng trường với con. Một nhà thiết kế trẻ in câu thơ “quê hương là chùm khế ngọt” lên chiếc áo hoodie thời thượng.

Những lựa chọn ấy nói lên rằng văn hóa Việt tại Mỹ không chỉ là một di sản để bảo tồn, mà là một dòng sống vẫn không ngừng chảy. Mỗi món ăn ta nấu, mỗi câu chuyện ta kể, mỗi khúc nhạc xưa ta ngân nga là một lời nhắc nhở về cội nguồn.

Văn hóa không chỉ là điều ta thừa hưởng, mà là điều ta chọn mang theo, mỗi ngày. Và khi vẫn còn những người tiếp tục vẽ như Nguyễn Lập Hậu, tiếp tục kể chuyện như Jimmy Nhựt Hà, những người trẻ tiếp tục hỏi, nghe, tái hiện và ghi nhớ, văn hóa Việt sẽ không biến mất. Nhưng nó cũng cần sự tiếp sức từ mỗi chúng ta.

Giữ gìn văn hóa Việt và giao truyền nó cho đời sau cũng chính là lý do mà tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi ra đời, và tại sao tôi đã chọn đi cùng hành trình với nhóm chủ trương bán nguyệt san này.

Tôi hy vọng nhưng vẫn băn khoăn. Tương lai của văn hóa Việt trên đất Mỹ vẫn đang chờ chúng ta cùng viết tiếp những trang sử mới.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/ha-giang/


You may also like

Verified by MonsterInsights