TRÙNG DƯƠNG
Đầu năm nay giới quan tâm tới truyền thông có cơ hội theo giõi hai vụ án, một sẽ định đoạt ít ra là túi tiền của một cơ quan truyền thông cực hữu, và một sẽ định đoạt số phận của một sắc luật lâu nay bao che các hãng Internet trong đó có cả các
diễn dàn xã hội (social media platform) đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của nhiều nhóm và cá nhân mà còn cả các thể chế chính trị không riêng tại Mỹ mà cả thế giới.
Đó là việc toà Tối Cao Pháp viện Mỹ xét duyệt Section 230, một điều luật được thêm vào luật Communications Decency Act vào năm 1996 nhằm bảo vệ sự phát triển của các công ty Internet lúc ấy còn phôi thai, và hệ thống Internet còn đang bước những bước chập chững từ sau khi Bộ Quốc phòng chuyển kỹ thuật này qua giới tư nhân xử dụng năm 1995, bốn năm sau khi chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh. Việc xét duyệt này diễn ra do vụ kiện Gonzalez v. Google, do thân nhân của cô Nohemi Gonzalez, một sinh viên California 23 tuổi bị thiệt mạng trong số 130 người chết tại Paris trong một loạt khủng bố diễn ra khắp thành phố năm 2015. Vụ Gonzalez tập trung vào việc Google xử dụng thuật toán (algorithm) tạo nên những phần tử bị cực đoan hóa theo quân khủng bố ISIS.
Và vụ hãng sản xuất máy đầu phiếu, Dominion Voting Systems, kiện cơ quan truyền thông Fox News và công ty mẹ là Fox Corporation về tội phỉ báng, và đòi bồi thường 1.6 tỉ Mỹ kim, cho là cơ quan này đã cố ý phát tán tin tức sai lạc về khả
năng của hệ thống đầu phiếu sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020, với mục đích cạnh tranh và tạo áp lực chính trị.
Điều luật 230
Như đã nói ở trên, Điều luật 230 (ĐL 230) ra đời khi kỹ thuật Internet còn phôi thai nhằm bảo vệ các Web sites khỏi bị trách nhiệm về nội dung của những bài bản đăng tải trên trang của họ bởi thành phần thứ ba, tức những người xử dụng. Nguyên văn
gồm 26 chữ của điều luật này là “Người cung cấp hay xử dụng dịch vụ điện toán tác động qua lại không thể coi là người xuất bản hay phát ngôn viên của thông tin do người khác cung cấp.” (Nguyên tác Anh ngữ: No provider or user of aninteractive computer service shall be treated as the publisher or speaker of any information provided by another information content provider.)
Nói cách khác, các nhà cung cấp dịch vụ e-mail, như Compuserve và America on Line hồi ấy (trước khi các dịch vụ diễn đàn xã hội như Facebook và Twitter ra đời) không thể bị liên hệ về nội dung của những gì mà người xử dụng dịch vụ của họ trao đổi với nhau. Cũng giống như các nhà bán sách không thể bị liên đới trách nhiệm đối với nội dung của những sách bầy bán trong tiệm. Nôm na là họ không phải là nhà xuất bản hay chủ nhiệm hay chủ bút mà phải trách nhiệm đối với nội dung trao đổi giữa những người xử dụng dịch vụ của họ. Tôi nhớ có lần một phóng viên hỏi Mark Zuckenberg, người đồng sáng lập ra diễn đàn xã hội Facebook, là anh ta có phải là chủ bút của diễn đàn này, thì anh ta khẳng định là không, và tiếp ngay là Facebook chỉ là một công ty kỹ nghệ cao, không phải là nhà xuất bản.
Ra đời khi kỹ thuật Internet còn đang chập chững phát triển các dịch vụ và tìm cách lôi cuốn người xử dụng, ĐL 230 thường được coi như là điều luật chính đã đóng góp tích cực vào việc giúp cho Internet vươn mình lớn dậy đi dần tới chỗ trưởng thành ngoài sức tưởng tượng trong vòng có ba thập niên như ta thấy. Luật này đã giúp che chở cho các hãng Internet khỏi những vụ kiện tụng vì các nội dung đăng tải có tính cách phỉ báng, bôi nhọ các đoàn thể, cá nhân của những người xử dụng dịch vụ diễn đàn. Từ vài ngàn hãng với một số Web sites giới hạn (tại Mỹ) của thập niên 1990, sau khi đã giết vô số các kỹ nghệ ngành nghề khác, Internet ngày nay hầu như nắm độc quyền sinh hoạt với hàng triệu, tỉ trang và vô số cùng đủ loại dịch vụ cần thiết tới đời sống không chỉ hàng ngày mà, đối với nhiều người, có khi cả hàng đêm, tóm lại là 24/7. Và toàn cầu. Cách đây vài năm tôi có viết một bài về những lợi hại của các diễn đàn xã hội, tựa là “Từ chiếc điện thoại thông minh” đăng trên tạp chí điện tử Da Mầu, damau.org.
Mặc dù đã có những hạn chế, như việc buộc các hãng cung cấp dịch vụ Internet phải gỡ bỏ những bài bản vi phạm luật tác quyền của liên bang, như vào năm 2018, ĐL 230 được điều chỉnh bởi Luật Chống Buôn bán Tình dục (Stop Enabling Sex Traffickers Act) buộc phải gỡ bỏ các bài viết có nội dung vi phạm tới luật này của liên bang. Từ vài năm trở lại đây, ĐL 230 càng bị chỉ trích liên quan đến các vấn đề như phổ biến những bài vở không cần dựa vào dữ kiện nhằm khích động thù
hận, gây chia rẽ, cả bạo lực trên các diễn đàn xã hội, đã trở thành một vấn nạn lớn như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 chúng đã được xử dụng để kêu gọi xách động các phần tử bạo động dẫn tới vụ tấn công chết người tại Toà nhà Quốc
Hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng.
Nhiều giới đã lên tiếng về việc đã tới lúc cần thay đổi và nếu cần, gỡ bỏ ĐL 230 mà các hãng Internet đã dùng như một cái khiên kiên cố để không phải đầu tư nhiều vào các chương trình nhằm thanh lọc nội dung xấu hầu làm giảm thiểu tác hại của những tin đồn hay các thuyết âm mưu gây hoang mang chia rẽ và cả bạo động chết người.
Tuy thế, ngay cả khi quảng cáo hay bài vở vi phạm các luật lệ liên bang được phát giác và có đơn than phiền của người xử dụng và lệnh gỡ bỏ của cơ quan hữu trách, diễn đàn xã hội cũng không chịu tuân thủ ngay hoặc chỉ tuân thủ một nửa. Đó là
trường hợp phóng viên Julia Angwin, chuyên về điều tra các sự lạm dụng của các hãng Internet, khi bà làm một cuộc thí nghiệm xem Facebook phản ứng ra sao về một phát giác vi phạm luật.
“Tôi còn nhớ cú sốc mà tôi đã cảm thấy khi tôi chỉ mất có vài phút để ghi danh mua một cái quảng cáo trên Facebook nhắm vào khách tìm mua nhà dành riêng cho người da trắng–một điều mà luật Fair Housing Act của liên bang ngăn cấm,” bà Angwin viết trong bài bình luận nhan đề “It’s Time to Tear Up Big Tech’s Get- Out-of-Jail-Free Card” (Đã tới lúc xé bỏ đặc quyền vô trách nhiệm của Big Tech).
“Thế nhưng tôi còn bị sốc hơn nữa khi phải mất tới sáu năm sau khi thử nghiệm [mua cái quảng cáo] này mà công ty Meta, tức hãng mẹ của Facebook, mới chịu giải quyết và tuân thủ luật này. Thế mà cho tới lúc này, công ty này vẫn chưa chỉnh
sửa lại cái hệ thống quảng cáo đầy kỳ thị này.”
Lý do chính của sự chậm trễ và cả không gỡ bỏ hệ thống quảng cáo đầy kỳ thị này của Meta là, bà Angwin tiếp, do ĐL 230 luôn bao che cho các công ty Internet đối với những tranh tụng pháp lý do những vi phạm của họ.
Thứ Ba ngày 21 tháng 2 năm này toà Tối Cao Pháp Viện liên bang bắt đầu nghe hai bên luật sư tranh biện trong một vụ mà kết quả có thể hạn chế việc các công ty Internet dùng ĐL 230 như cái khiên che chở khỏi một số các vụ kiện tụng. Thân nhân của một nạn nhân bị quân khủng bố ISIS sát hại trong vụ tàn sát ở Paris lý biện rằng thuật toán (algorithm) của Google (chủ nhân của YouTube đã được ISIS xử dụng để phát tán các thông điệp khủng bố của họ) phải chịu trách nhiệm vì đã giúp phát tán phim ảnh tuyên truyền của ISIS, giúp cực đoan hoá các thanh niên đẩy họ tới giết người vô tội. Google nói là họ được ĐL 230 che chở. [Thuật toán, theo định nghĩa nôm na, là nếu bạn đã kiếm một cái gì tại một Web site nào thì thuật toán của trang đó sẽ ghi nhớ và từ đấy sẽ đề nghị với bạn những thông tin tương tự. Cũng vậy, nếu bạn đã một lần mở YouTube xem một video chính trị có khuynh hướng bảo thủ, hay những phát biểu của giới chống thuốc chủng ngừa Covid-19 thì YouTube sẽ chỉ cung cấp cho bạn những clip tương tự vì đã được thuật toán sắp xếp như thế.]
Các hãng Internet lớn cãi là bất cứ hạn chế nào đối với tình trạng miễn trách nhiệm của họ sẽ phá vỡ vận hành của Internet và ảnh hưởng tiêu cực tới quyền tự do ngôn luận. Chưa kể, họ còn cho là nhờ ĐL 230 mà họ đã góp phần vào việc giúp cho nền kinh tế phát triển. Nhưng họ quên là chính Internet cũng đã giết chết nhiều ngành nghề khác trong ba thập niên qua, trong đó, với tôi, đáng kể nhất là hàng ngàn tờ báo địa phương vì bị mất thu hoạch quảng cáo, khiến nhiều thành phố nhỏ nay trở
thành sa mạc tin tức vì không còn báo chí theo giõi việc làm của chính quyền và học khu nơi mình ở.
Trong khi đó, giới vận động cho việc cải cách ĐL 230 nói là sự miễn trách nhiệm rộng rãi như hiện nay khiến các hãng Internet thấy không cần phải đầu tư thêm vào các chương trình nhằm giảm thiểu những tai hại. Họ cổ động cho việc hoặc gỡ bỏ luật này hoặc hạn chế bớt quyền miễn trách nhiệm pháp lý của các diễn đàn xã hội nói riêng và Internet nói chung.
Kết quả của vụ kiện liên quan đến ĐL 230 sẽ được công bố vào mùa hè. Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí về ngày đầu tiên của phiên toà xử vụ Gonzalez v. Google thì thấy khó mà toà TCPV sẽ nhận xét xử vụ án. Lý do đơn giản là sau ba giờ nghe hai bên luật sư trình bầy lý lẽ của mình, các vị thẩm phán chỉ thấy cái gọi là thuật toán nó rắc rối khó hiểu quá.
Theo một bản tường thuật của CNN thì có vị thẩm phán ngại là nếu gỡ bỏ hay hạn chế ĐL 230 thì có thể sẽ mở cửa cho một “cơn đại hồng thuỷ” các vụ kiện tụng đối với các Web sites như Google hay Twitter và đe dọa đến sự sinh tồn của các trang
Web nhỏ hơn.
“Có nhiều lúc các vị thẩm phán nói là họ bị rối trí trước những tranh biện [của hai bên luật sư]–một chỉ dấu cho thấy có thể họ sẽ tìm cách tránh không muốn cân nhắc lẽ phải trái của vụ kiện hoặc gửi trả lại cho các toà dưới để bàn cãi thêm,” CNN nhận định. “Có vẻ họ cũng không hiểu bao nhiêu vấn đề đang được trình bầy nên thận trọng [trong việc góp ý].”
“‘Tôi e là tôi hoàn toàn không hiểu bất cứ lý lẽ nào quý [luật sư] đang trình bầy lúc này,’ Thẩm phán Samuel Alito, 72 tuổi, nói. ‘Vậy thì tôi đoán là tôi hoàn toàn rối trí đấy,’ Thẩm phán Ketanji Brown Jackson, 53, thú nhận ở một điểm khác. ‘Tôi vẫn không hiểu,’ Thẩm phán Clarence Thomas, 76, nói nửa chừng các cuộc tranh biện.”
Trong khi đó, Thẩm phán Elena Kagan, 63, thì thẳng thắn đề nghị đây là việc của Quốc Hội. “Ý tôi muốn nói là chúng ta là một toà án. Chúng ta thực tình không biết gì về những thứ này. Quý vị biết đấy, chúng tôi không phải là chín nhà chuyên môn vĩ đại về Internet,” bà phát biểu, khiến cả toà cùng phì cười.
Tại sao cho tới giờ Quốc Hội vẫn chưa làm được việc cải tổ ĐL 230? Mặc dù cả hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ đều không thích thú gì với hiện trạng Internet. Cộng Hoà thì cho rằng các diễn đàn xã hội có khuynh hướng thiên tả, thường kiểm duyệt bỏ các nội dung có tính cách bảo thủ, hoặc treo giò những chủ chương mục của phe bảo thủ, điển hình nhất là trường hợp của Donald Trump sau vụ bạo động ngày 6 tháng Giêng, 2021. Trong khi đó, phe Dân Chủ thì cho là các diễn đàn xã hội đã thả lỏng cho những thông tin thất thiệt, nhiều khi có tính cách kích động lòng thù ghét và cả bạo lực chết người như đã xẩy ra trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng. Đấy lại là một đề tài không đơn giản và ở ngoài khuôn khổ của bài viết này.
Vụ Dominion kiện Fox News
Cuối tháng Hai một tin “nổ” đã khiến mọi người phải chú ý: đơn kiện hãng truyền hình Fox News và công ty mẹ là Fox Corporation của hãng Dominion Voting Systems được công bố, trong đó chứa đựng những trao đổi nội bộ chưa hề được
tiết lộ của những tên tuổi của đài này, như Sean Hannity, Tucker Carlson và Laura Ingraham vào những ngày kế tiếp cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Những trao đổi này, hoặc qua hình thức thông điệp, điện thư và lời chứng chứa trong đơn kiện dài 192 trang cho thấy các tay đầu sỏ của đài Fox và người dẫn chương trình đã tỏ ý hoài nghi việc nguyên Tổng thống Trump cho là ông thua vì có bầu cử gian lận. Họ còn lo ngại là những trang kiểm chứng dữ kiện đối với tuyên ngôn của ông Trump trên trực tuyến sẽ tới tai khán giả bảo thủ của đài khiến họ bất bình.
Hãng Dominion kiện Fox đòi bồi thường 1.6 triệu Mỹ kim thiệt hại, cho rằng đài này đã cố tình loan tin thất thiệt về khả năng của phần mềm của hệ thống đầu phiếu, vì áp lực cạnh tranh và chính trị. Đài Fox, trong đơn phản bác và các tuyên bố công khai là mình chỉ làm cái việc thông thường của bất cứ cơ quan truyền thông nào, đó là tường thuật lại các tuyên bố của ông Trump về việc có bầu cử gian lận nên ông mới bị thua. Và cho việc tường thuật [mặc dù không chịu, hay không muốn kiểm chứng như thông thường các phóng viên phải làm trước khi loan tin] của đài nằm trong khuôn khổ quyền tự do hiến định.
Sau đây là một số những tiết lộ trong đơn kiện của Dominion:
Trong đơn kiện của Dominion có kèm một số điện thư trao đổi giữa các chủ chương trình Tucker Carlson và Laura Ingraham nhìn nhận các luật sư của ông Trump là Sydney Powell “nói láo”, “khùng”, và luật sư Rudy Giuliani “cũng vậy”.
Hai luật sư này được ông Trump muớn và đã công khai trắng trợn tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng nào, là hệ thống đầu phiếu Dominion đã tráo số phiếu dẫn đến việc ông Trump thất cử.
Carlson còn bảo là đã có lần trực diện với Powell về luận điệu đó, nói: “Bà cứ tiếp tục bảo với khán giả của chúng tôi là hàng triệu lá phiếu đã bị hoán đổi bởi phần mềm của máy đầu phiếu. Tôi hy vọng là bà sẽ có bằng chứng về việc này. Bà đã thuyết phục khán giả của chúng tôi là ông Trump sẽ đắc cử. Nếu bà không có một bằng chứng xác quyết nào về sự gian trá ghê gớm đó thì đấy là một việc làm độc ác và vô trách niệm khi cứ tiếp tục đồn đại như vậy.”
Nhưng không vì thế mà các hosts của Fox ngưng việc loan tin thất thiệt về việc ông Trump thất cử vì máy đầu phiếu “gian lận” vì họ sợ làm khán giả thất vọng mà tắt truyền hình vì không còn được nghe những gì họ muốn nghe, rằng ông Trump lẽ ra thắng cử.
Khi thấy một phóng viên về bầu cử của Fox là Jacqui Heinrich kiểm tính xác thực một cái tweet của ông Trump về việc bị máy đầu phiếu của Dominion lường gạt làm ông thất cử, Carlson gửi thông điệp cho Hannity, bảo: “Phải sa thải cô này ngay lập tức. Thế là cái quái gì thế này? Tôi thực sự sốc… Phải chấm dứt cái trò [kiểm chứng] ngay lập tức, ngay tối nay. Cái này sẽ hại công ty ta ghê gớm đây. Giá chứng khoán xuống. Không phải chuyện đùa.”
Tóm lại, theo đơn kiện của Dominion và qua những trích dẫn từ các điện thư, thông điệp và lời chứng, các Fox hosts, như thể chính họ nằm trong một hệ thuật toán không thoát ra được, tiếp tục loan tin thất thiệt về việc ông Trump thất cử vì bị hệ thống máy đầu phiếu tráo phiếu, mặc dù chính họ biết là tin giả. Họ tiếp tục nói dối vì họ sợ khán giả bất mãn quay sang đài khác vì không được nghe những gì hạp lỗ tai, đó là ông Trump đang trên đường thắng cử. Và các hosts của Fox kinh hoàng khi thực tế là nhiều khán giả quả đã bỏ Fox sang theo giõi NewsMax, một đài truyền hình cực hữu nhỏ hơn đang phát tán những phát ngôn của tập đoàn MAGA hạp với khát vọng hỗ trợ ông Trump của họ.
Chính Rupert Murdoch, người sáng lập ra Fox Corporation, sau khi theo giõi hai luật sư Giuliani và Powell của ông Trump họp báo ngày 19 tháng 11, 2020 tuyên bố vô bằng cớ về bầu cử gian lận, đã gửi thông điệp cho giám đốc Fox News là Suzanne Scott, rằng “Điều ghê gớm này sẽ gây hại cho mọi người,” theo đơn kiện của Dominion.
Vào ngày 5 tháng Giêng, 2021, một ngày trước khi Điện Capitol bị nhóm hỗ trợ ông Trump tấn công nhằm cản trở việc Quốc Hội công nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử, ông Murdoch lại viết cho bà Scott, rằng: “Đã có đề nghị là ba vị dẫn chương trình chính [Hannity, Carlson và Ingraham] nên mỗi người tuyên bố đại khái như ‘Cuộc bầu cử đã chấm dứt và Joe Biden đã đắc cử’… [có vậy mới mong] chấm dứt đuợc chuyện hoang đường là chiến thắng của ông Trump bị đánh cắp.” Song chuyện đó đã không diễn ra. Và hàng triệu đảng viên Cộng Hoà vẫn tin là ông Trump bị lừa.
Được biết Fox News sẽ dùng Tu Chính Án thứ nhất, là quyền tự do ngôn luận, để biện hộ tại toà, và sẽ chất vấn động lực của Dominion.
Tuy nhiên, Dominion tin tưởng mình sẽ thắng vì tin rằng họ có thể chứng minh trước toà là Fox có ác ý thực sự (actual malice) khi vu khống và mạ lỵ đương đơn, qua các tấn công vào hệ thống đầu phiếu Dominion, gây tổn thương vật chất cho công ty của họ, mặc dù chính các vị dẫn chương trình đã biết rõ sự thực.
[TD2023-02]
Tài liệu tham khảo thêm bằng tiếng Anh:
Gonzalez v. Google LLC
https://www.law.cornell.edu/supct/cert/21-1333
US Dominion, Inc., Dominion Voting Systems, Inc., and Dominion Voting
Systems Corporation v. Fox News Network, LLC, and Fox News Network, LLC
https://www.washingtonpost.com/documents/59b93674-ba03-4bc1-94da-
5e15f776fc43.pdf?itid=lk_inline_manual_10&utm_source=newsletter&utm_mediu
m=email&utm_campaign=atlantic-daily-
newsletter&utm_content=20230217&utm_term=The%20Atlantic%20Daily