Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế khó khăn chưa từng có. Nhiều người tiêu dùng Việt không còn băn khoăn về việc nên chọn hàng hóa từ đâu mà câu hỏi đã chuyển thành “Vì sao không chọn hàng Trung Quốc?” – với giá rẻ hơn, tiện lợi hơn và dịch vụ giao hàng nhanh hơn. Với chính sách miễn phí vận chuyển, giao hàng nhanh, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm theo chương trình khuyến mãi lên đến… 90%, Temu – một tân binh trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc – đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam. Trang web của Temu có tiếng Việt để phục vụ khách hàng người Việt. Chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, từ đồ gia dụng đến thời trang, từ đồ sành sứ đến đồ điện…với mức giá vô cùng rẻ, lại được các chương trình giảm giá lên đến 66% và thời gian giao hàng chỉ 4 – 7 ngày, miễn phí gao hàng.
Trước khi Temu gia nhập, thị trường TMĐT Việt Nam đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada, TikTok. Cuộc cạnh tranh giá khốc liệt kéo dài suốt năm năm qua giữa các nền tảng TMĐT đã đẩy các doanh nghiệp nội địa vào tình thế khó khăn. Doanh nghiệp Việt không chỉ đối mặt với sự chênh lệch giá, mà còn bị áp lực bởi hệ thống logistics mạnh và hệ thống phân phối vượt trội của Trung Quốc.
“Ngoài yếu tố giá rẻ, hàng Trung Quốc còn đánh trúng tâm lý “mua nhanh, tiện lợi và giá phải chăng“. Nhiều khách hàng thừa nhận họ lựa chọn hàng Trung Quốc “không chỉ vì giá thấp hơn mà còn vì sự tiện lợi trong mua sắm”, một doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng nói.
Temu có nguồn hàng giá rẻ lớn và thời gian giao hàng nhanh một phần do nền tảng này hoạt động theo mô hình ký gửi toàn bộ, tức là nhà cung cấp sẽ thỏa thuận giá bán sỉ và gửi hàng tới kho của Temu. Các bước còn lại như tiếp thị, vận chuyển và bán lẻ sẽ do công ty điều hành. Temu hợp tác với các đơn vị giao nhận lớn như ZTO, KYE (vận chuyển trong nước Trung Quốc) và DHL, FedEx, UPS (vận chuyển quốc tế). Mô hình này giúp giảm tối đa chi phí vận chuyển và tiếp thị, nhờ đó Temu có thể cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn nhưng vẫn bảo đảm nhà bán hàng giữ được lợi nhuận.
Nhiều nước đang có chánh sách chận các mạng như Temu và Shein do lo ngại cạnh tranh không lành mạnh. Chẳng hạn EU xem xét áp thuế cho hàng dưới 150 euro và điều tra trợ cấp vận chuyển từ Trung Quốc. Indonesia mới đây đã cấm Temu để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ trong nước. Theo chuyên gia TMĐT, nếu muốn bảo vệ sản xuất và bán lẻ trong nước, Việt Nam cũng cần có hành lang pháp lý tương tự.