PHẠM HIỀN MÂY
Hồ Dzếnh không phải là người Tàu một trăm phần trăm.
Tôi phải viết ngay từ đầu như thế, là bởi vì, nhiều bạn quá nặng tư tưởng kỳ thị, không thích Bắc phương, thế là cứ cái gì dính đến nó, là nô nô, là không không.
Mà giả sử, họ có là người Tàu một trăm phần trăm, nhưng họ hiểu chuyện, họ tử tế, biết ăn biết ở, thì vẫn hơn khối những kẻ chăm bẵm tàn hại, bòn rút, lũng đoạn người cùng màu da, người cùng dòng máu, cùng tổ cùng tông, cùng xứ cùng sở, với mình.
Cha của Hồ Dzếnh người Quảng Đông nhưng di cư sang Việt Nam rất sớm, lấy mẹ của Hồ Dzếnh là người Thanh Hóa, sinh ra ông tại đây. Ông lại sống cả đời ở đất nước này, nên, trong người ông, chắc chắn, dòng máu Việt Nam chảy nhiều hơn, tình yêu với quê hương Việt Nam cũng nồng nàn, tha thiết hơn.
Cái mà tôi yêu quý nhất nơi con người ông, tài thơ ông, tài văn ông, đó là sự hiền lành và khiêm tốn. Tôi cũng nể phục ông, khi giữa những ô uế, xú uế, xấu xa, hèn mạt và độc ác vây quanh, ông vẫn giữ cho mình được một tâm hồn sạch trong và lãng mạn.
Tôi biết những điều này, không chỉ do đọc các tài liệu xưa còn để lại, mà còn do, qua một tác phẩm viết về Hồ Dzếnh, nổi tiếng, của nhà văn Vũ Thư Hiên.
Hồ Dzếnh vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà văn, đặc biệt, ông đều hay, đều tài ở cả hai mảng này.
Ông có các bài thơ: “Mầu cây trong khói” được Dương Thiệu Tước (Chiều), “Ngập ngừng” được Anh Bằng (Anh cứ hẹn), “Hoàng Thanh Tâm” (Em cứ hẹn), và, “Hoa mẫu đơn” được Anh Bằng, phổ nhạc.
Dù không được phổ nhạc, nhưng tôi cũng thích một số bài thơ khác của ông, như “Rằm tháng Giêng”, “Mùa Thu năm ngoái.”
Dân gian, có câu “thương ai thương cả đường đi…’’ Bùi Giáng cũng thế, thiên tài mấy thì cũng chẳng thoát được những thường tình của con người. Nhận xét về bài “Rằm tháng Giêng” của Hồ Dzếnh, Bùi Giáng viết, người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh.
Bài thơ kia chính là bài thơ “Rằm tháng Giêng”:
ngày xưa còn nhỏ… ngày xưa
tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
lòng vui quần áo xênh xang
tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua
chị tôi vào lễ trong chùa
hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
“lòng thành lễ vật đầu niên
cầu cho tiểu được ngoài Giêng đắt chồng!”
chị tôi phụng phịu má hồng
vùng vằng xuýt nữa quên bồng cả tôi
tam quan, ngoài mái chị ngồi
chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
quả thần, thánh mách mà khôn
– số nàng chồng đắt mà con cũng nhiều!
chị tôi nay đã xế chiều
chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
hàng năm, tôi đi lễ chùa
chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
chỉ hơi thấy vắng trong hồn
ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
chân đi đếm tiếng chuông chùa
tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về
(1969)
Bài thơ đơn giản chỉ là sự hồi tưởng về cái không khí ngày Xuân của nhân vật tôi lúc vãng cảnh chùa.
Chính cái đơn giản ấy, cái không phức tạp ấy, cái nói đến chính nó và chỉ chính nó mà thôi, không kèm theo một ám chỉ nào, một xa xôi, một ẩn dụ, một ví von nào, chồng lên, xếp lên, bắt bài thơ phải oằn lưng cõng không biết bao nhiêu là ý được gửi gắm vào, nên, nó hay.
Hồ Dzếnh cho nữ chính xuất hiện là người chị của ông. Hai chị em, quần áo xênh xang. Chị thì tay bồng em, tay cầm hương, nến, giấy tiền vàng. Em thì khánh bạc cổ đeo. Vừa bước vào chùa, đã có hai chàng trai trẻ đứng chực chờ hai bên.
Chị chưa kịp thắp hương, chưa cả lễ Phật, chưa cả khấn những lời nguyện ước đầu năm, thì hai chàng ất ơ kia đã đọc to: lòng thành lễ vật đầu niên/cầu cho tiểu được ngoài Giêng đắt chồng.
Đầu niên là đầu năm đó. Còn tiểu đây, không phải là chú tiểu đâu, mà là tiểu nữ, tức người con gái còn nhỏ, là bà chị của ông Hồ Dzếnh đó.
Làm cô chị cổ mắc cỡ quá, cổ bỏ khấn luôn, vùng vằng cổ ra mái tam quan ngồi, xuýt nữa quên bồng cả tác giả theo.
Cổ ở ngoài đó làm chi nhỉ? Hóng gió ư? Có thể. Coi đoán thẻ ư? Có thể. Mà đợi hai cái chàng kia theo ra, thì có phần, chắc chắn hơn.
Ai cũng thích vui. Ai cũng thích được cười. Nhất là nhận được những dự báo tốt đẹp, vào ngày đầu năm mới: quả thần, thánh mách mà khôn/số nàng chồng đắt mà con cũng nhiều/chị tôi nay đã xế chiều/chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
Đơn giản thế thôi, phức tạp mà làm gì, bôn ba mà làm chi, kiếm tìm mấy thì cũng là, hữu hạn trăm năm.
Và, hương phấn ấy, mùi hương trầm đốt cùng mùi phấn nhẹ trên má cô chị, mùi non tơ của đứa em còn bế trên tay, ngày xưa cứ hoài, cứ hoài, đều đặn, quay về nhắc nhớ, mỗi năm, lúc đầu Xuân, tác giả đi chùa lễ Phật.
Nói, có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ Rằm Tháng Giêng của Hồ Dzếnh, là một kiểu nói quá lên của Bùi Giáng. Đồng bệnh thì tương lân. Bệnh đây xin hiểu là tài thơ gặp tài thơ. Thì tất nhiên rồi, người ta sung sướng, người ta hãnh diện vì bạn mình làm thơ hay.
Nên Bùi Giáng khen, nên Bùi Giáng ca ngợi – chẳng khác dải ngân hà lấp lánh nhớ nhung trên bầu trời văn học Việt Nam – nếu, Bùi Giáng có nói quá đi một chút, thậm chí, nhiều chút, thì cũng xin mở lòng ra mà hỉ xả, mà vui cùng với nhau.
Ngày đầu năm mới.
Không chỉ Bùi Giáng, mà ngay cả Mai Thảo, một trong những tiên phong của những người làm văn nghệ tại miền Nam suốt hai mươi năm trước biến cố một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, cũng từng hào phóng mà thốt lên, thơ Hồ Dzếnh tiền chiến, là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ, với chủ đề là tình yêu và ánh sáng.
Hãy thử đọc một ngu ngơ, ngu ngơ và trong suốt trong cái tình yêu ánh sáng ấy, các bạn nhé:
Ngập ngừng
em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
tôi nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế?
em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
thuở ân ái mong manh như nắng lụa
hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
hẹn ngày mai mùa sẽ đến vui tươi
chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ
nếu trót đi, em hãy gắng quay về
tình mất vui khi đã vẹn câu thề
đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
(1969)
Cái đợi chờ ấy mà, nhất là đợi chờ người tình, chèn ơi, thiệt là chỉ có vô cảnh, mới hiểu.
Không uống cà phê mà cũng nôn nao, không ăn cóc xanh mà cũng cồn cào. Trông đứng trông ngồi, bạn đã từng nghe thành ngữ này chưa. Là không yên. Là thấp thỏm. Là ngóng mong, từng giây từng phút.
Nhiều người nói, đợi chờ là một thú đau thương. Trời đất quỷ thần ơi, thú gì mà thú, sướng sung gì đâu khi phải ở trong cái cảnh mòn mỏi hết hơi.
Đợi quá, chờ quá, cũng bực chớ, cũng tức chớ. Không hẳn là bực tức người yêu, lại càng không phải là bực tức mình. Kiểu bực tức khơi khơi thôi. Bực khơi khơi xong thì nói lẫy: em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần… /tôi nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế?
Thay vì nói ngay từ đầu luôn, em biết giờ này tui ra sao không? Tui buồn vì không thấy em đâu, nên tui đang đi tới đi lui, không biết đã bao nhiêu vòng sân, tui hút không biết đã bao nhiêu là điếu thuốc.
Thì ảnh lại trớ sang là: em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?/nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?/thuở ân ái mong manh như nắng lụa/hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa/hẹn ngày mai mùa sẽ đến vui tươi/chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Thiệt là, lòng vòng ghê luôn.
Tình yêu ấy mà, nó thường không thích đi đường thẳng. Đi dích dắc, quẹo qua quẹo lại, lòng vòng tới lui, coi bộ như dzậy mà dzui hơn, nên thiên hạ mới xếp hàng, nối đuôi nhau, luẩn quẩn.
Tác giả, ổng cứ dzậy hoài, hờn mát: em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Rồi ổng lý giải, buổi ban đầu thì ít lưu luyến, tình cảm nếu có thì cũng mong manh như nắng lụa, như hoa bướm kia còn ngập ngừng, như cỏ cây kia còn lần lữa, muốn gì, chắc cũng phải đợi ngày mai, hy vọng sẽ ngày mai tươi đẹp.
Lý giải xong thì vẫn còn ấm ức, chịu không nổi, nén không xong, nên buột luôn: em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!/tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ/nếu trót đi, em hãy gắng quay về/tình mất vui khi đã vẹn câu thề/đời chỉ đẹp những khi còn dang dở/thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ / cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
Thiệt là khổ ghê!
Thậm chí, giờ, còn lẫy nhiều hơn. Em có đang trên đường đi đến chỗ hẹn với tôi, thì thôi, em quay về luôn đi. Quay về luôn cho trọn vẹn một phụ phàng. Quay về luôn cho tình ái dở dang. Quay về luôn cho câu thề không vẹn. Như thư viết xong đừng gửi. Như thuyền trôi qua đừng đậu. Như tôi với em, lơ lửng, xưa sau.
Đó, Ngập ngừng của Hồ Dzếnh là thế đó. Ngập ngừng yêu. Rụt rè giận. Do dự, e ngại khi nghĩ đến những bất trắc của tình, hôm nay và mai sau.
Ai yêu cũng đều phải trải qua những tâm trạng như thế.
Tâm trạng khi yêu.
Mầu cây trong khói
trên đường về nhớ đầy
chiều chậm đưa chân ngày
tiếng buồn vang trong mây…
chim rừng quên cất cánh
gió say tình ngây ngây
có phải sầu vạn cổ
chất trong hồn chiều nay?
tôi là người lữ khách
màu chiều khó làm khuây
ngỡ lòng mình là rừng
ngỡ hồn mình là mây
nhớ nhà châm điếu thuốc
khói huyền bay lên cây…
Tôi biết hát bài Chiều trước khi biết bài thơ “Mầu cây trong khói” của thi sĩ Hồ Dzếnh. Và khi tôi tìm đọc nguyên gốc bài thơ, tôi đã thất kinh hồn vía.
Thất kinh hồn vía khi chỉ mới đọc ba câu đầu, cụ thể là ở câu thứ ba: trên đường về nhớ đầy/chiều chậm đưa chân ngày tiếng buồn vang trong mây.
Thất kinh là vì bất ngờ. Thất kinh là vì khâm phục. Tôi chưa từng nghĩ đến chớ đừng nói là xếp thành câu và làm thành thơ, có hình ảnh, có âm thanh: tiếng buồn vang trong mây.
Trong một ca khúc của mình, Trịnh Công Sơn từng viết, mây che trên đầu và nắng trên vai. Muôn thuở là vậy, bất di bất dịch là vậy – mây, khi nào, cũng ở trên đầu.
Trên con đường về đầy nhớ, chợt tiếng buồn, tiếng buồn trong đám mây, dưng không, trên đầu, dội vang, dội vang, âm ỉ khắp đường rừng, trong bước chiều trôi chầm chậm.
Tiếng buồn của nỗi nhớ không nằm im, như mọi bận. Nhớ la lên, thất thanh tìm kiếm, kiểu như, lâu nay, người đã cố quên, người đã gắng quên, gắng đè nén, nhưng bỗng dưng, hôm nay, từ đâu, nhớ quay về, mang theo tiếng buồn, vang vọng trong mây.
Không chỉ mỗi tôi cảm ra điều này, mà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước khi soạn ca khúc, cũng đã để cho “tiếng buồn vang trong mây,” điệp lại, hai lần.
Mà nào chỉ vang vọng trong mây, tiếng buồn còn làm cho: chim rừng quên cất cánh/gió say tình ngây ngây.
Tất cả những diễn biến lạ kỳ ấy, đã khiến tác giả thảng thốt hỏi, nguyên do: có phải sầu vạn cổ/chất trong hồn chiều nay?
Chao ôi, không chỉ bao nhiêu từ đẹp, từ hay, ông Hồ Dzếnh ổng mang vô bài thơ của ổng, mà quan trọng hơn, là ổng biết sắp xếp, từ nào đứng trước, từ nào đứng sau, từ nào đứng trên, từ nào đứng dưới, từ nào phải cặp kè với từ nào, thì mới ra cho đặng, cái chất ngất đang ở không chỉ trong ông, mà còn hiện diện với tất cả những người tìm đến bài thơ, và đang đọc nó:
có phải sầu vạn cổ
chất trong hồn chiều nay?
Có phải thế không, mà “chất trong hồn chiều nay,” cũng hệt như “tiếng buồn vang trong mây,” khi vào ca khúc, được Dương Thiệu Tước cho điệp lại, hai lần.
Điệp là biện pháp tu từ. Điệp nhằm nhấn mạnh. Có hay mới nhấn mạnh. Có muốn làm cho thính giả tập trung vào điều đó, thì người biên soạn nhạc, làm nhạc mới áp dụng phép điệp này.
Nỗi buồn giờ đây đã trở thành nỗi sầu vạn cổ. Nó không ẩn tàng trong mây nữa, mà nó bao trùm, nó phủ lên, kín chiều, phủ kín khắp trời chiều, kín hồn người thương nhớ.
Như cuộc tình, nỗi buồn, à không, giờ đã là nỗi sầu, nó cũng biết lưu dấu mình, vào trong vạn cổ.
Rồi thì những giây phút rúng động, sững sờ ấy, cũng qua. Tâm trạng của tác giả, giờ đây: tôi là người lữ khách / màu chiều khó làm khuây / ngỡ lòng mình là rừng / ngỡ hồn mình là mây / nhớ nhà châm điếu thuốc / khói huyền bay lên cây…
Nếu Bùi Giáng được quyền nói quá, thì tôi, cũng mạn phép, xin, được theo chân ông, được noi theo ông, mà phát biểu thế này – chỉ có Hồ Dzếnh mới mô tả được cái nỗi buồn của người lữ khách trong Chiều, đẹp đến như vậy và thơ đến như vậy.
Hồ Dzếnh, một nhà thơ lãng mạn rất mực và tài hoa cũng rất mực, thế nên, mới được Mai Thảo không ngại ngần mà phóng bút: “Trong cái thế giới ngột ngạt, bít bưng, tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh, hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng, gõ vui từng nhịp nắng mênh mông đài tráng thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, hai mươi tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái Xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ.”
Tôi, hậu bối, đọc không đủ, cảm không tròn, cũng nhận ra, một Hồ Dzếnh khiêm tốn, hiền lành, kín kẽ, sâu xa, cùng thơ của ông, nhẹ nhàng thôi, mà vẫn vượt lên, hơn hẳn so với những giọng thơ khác cùng thời kỳ.
Vượt lên, và ở lại trong lòng người yêu thơ, theo kiểu như:
trời không nắng cũng không mưa
chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung
(Sáng nay mùa Thu)Cho vừa nhớ nhung!
PHM
Sài Gòn 15.12.2023