ĐỖ DUY NGỌC
Ngày Tết với người dân Việt không chỉ có các món ăn đặc biệt mà còn có hoa trái. Hoa ngày Tết không chỉ giúp cho căn nhà có sắc màu rực rỡ, đầm ấm mà còn có ý nghĩa thịnh vượng, sung túc, an khang.
Tuỳ theo khí hậu, môi trường, quan niệm mà mỗi miền chuộng những loài hoa khác nhau.
Đào
Ở miền Bắc loài hoa ưa chuộng nhất trong ngày Tết là hoa đào nhờ hình dáng đẹp, màu hoa rực rỡ, lộc non xanh mắt, hoa lại nở đúng vào dịp Tết nên hoa đào trở thành biểu tượng của năm mới. Người ta quan niệm hoa đào sẽ mang đến may mắn, vượng khí và sung túc cho cả năm làm ăn phát đạt, thịnh vượng.
Hoa đào còn biểu tượng của sự phát triển, sinh sôi tài lộc qua những cánh hoa sum xuê và màu sắc tươi vui. Hoa đào còn tượng trưng cho sự hòa thuận, gắn kết. Trong Tam Quốc chí, có buổi kết nghĩa vườn đào giữa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Qua câu chuyện đó, hoa đào mang giá trị và gửi gắm mong muốn cho một năm mới đầy sự gắn kết và hòa thuận. Nó còn là biểu tượng của sự thịnh vượng bởi sắc hoa đào được xem là màu sắc may mắn, luôn mang lại sự ấm áp cho mỗi nhà, tạo niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp, mang đến những điều thịnh vượng, Hạnh phúc, bình an, ấm áp trong một năm mới.
Đào có nhiều loại tuỳ màu sắc và kết cấu của cây.
Đào phai có sắc hồng phơn phớt, quý phái, tinh tế và thanh lịch nên được mọi người ưa chuộng. Đào Nhật Tân có bông to, nhiều cánh dày, rất nhiều nụ. Khi hoa nở rộ màu sắc tươi sáng, bắt mắt đáp ứng thị hiếu của nhiều người. Giờ đây với quá trình đô thị hoá, Đào Nhật Tân chẳng còn bao nhiêu dù đây là loại đào được nhiều người ưa thích.
Bích đào gây ấn tượng bởi sắc hồng đậm, kiêu sa, gây ấn tượng thị giác khó quên. Nhờ màu sắc đậm đà nên Bích đào được trang trí ở phòng khách hay đặt trên bàn thờ gia tiên.
Bạch đào là loài hoa đào hiếm bởi sắc trắng tinh khôi, thuần khiết với những cánh hoa đan xe đầy tinh tế và sang trọng. Hiện nay, rất khó để kiếm được loại hoa này.
Ngoài ra, có một loại đào hiếm gặp nữa là Đào Thất Thốn. Ngày xưa là loại đào để tiến vua. Theo các nghệ nhân trồng đào, đào Thất Thốn là loại đào cổ, hiếm và giá rất cao. Để có một gốc đào Thất Thốn phải mất hơn chục năm chăm sóc. Người ta thường giải thích Đào Thất Thốn theo các nghĩa sau: Thứ nhất là mỗi cây đào Thất Thốn thì cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất. Thứ hai là, lá đào Thất Thốn dài 7 khoảng thốn, gấp 3 đến 4 lần so với lá đào thường. Thứ ba là 7 năm đào Thất Thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.
Hoa đào Thất Thốn có hương thơm phơn phớt lúc vào đêm. Khác với các loại bích đào hay đào phai khác, sắc hoa của đào Thất Thốn cũng đặc biệt hơn. Hoa đào đậm màu, không quá sẫm, nụ to, khi nở bông to, cánh kép tràn đầy sức sống. Lá, lộc của cây đào cũng dày, xanh thẫm, mọc chìa đều ra xung quanh cành. Điều đặc biệt nữa là trong mỗi thốn đào, có thể ra vài chục bông hoa cùng lúc. Những bông hoa đào kép, khi nở có thể đạt tới 30 đến 50 cánh. Khi hoa tàn, hoa không rụng cánh lả tả như các giống đào khác mà vẫn ở nguyên trên đài hoa. Cái lạ nữa là hoa đào Thất Thốn mọc thành chùm, nhưng nếu không nở cùng lúc mà có bông nở trước sẽ nở trùm lên những nụ khác, không cho những bông kia đẹp cùng. Đào Thất Thốn là loại đào có dáng Bonsai, chỉ cao chừng 1m, thân cây xù xì, rắn rỏi, mùa Đông chẳng khác chi gốc củi mục.
Nhiều năm gần đây, có thêm Đào má hồng hay còn được gọi là đào lông hay đào vạn trượng. Là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào…Đào lai cho hoa kép có khoảng 25 cánh chụm lại, hoa giữ được lâu, và có mùi thơm đặc trưng.
Đào cổ thụ là những cây đào có độ tuổi từ 40 năm trở lên với phần thân to, vỏ xù xì. Loài đào có nhiều năm tuổi, nở nhiều mùa hoa liên tiếp, người chơi hoa có thể sử dụng nhiều năm. Thế nên, đào cổ thụ ở miền Bắc luôn được người dân yêu thích mỗi độ tết đến Xuân về.
Ngoài các loại đào kể trên, còn một loại đào chỉ thấy ở rừng, gọi là Đào Đá. Đào Đá mọc chủ yếu trong rừng sâu, thân cây xù xì, cành to khỏe, sống và phát triển ở rừng sâu, do vậy trên thân Đào Đá có nhiều loại cây ký sinh khiến thân cây có hình dáng khác lạ.Đào đá có 5 cánh đơn rất đẹp mắt nhưng lại ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai.
Giờ đây, diện tích trồng đào bị thu hẹp vì đô thị phát triển nên cây đào trồng càng ngày càng ít đi, người chơi đào phải tìm lên vùng cao Tây Bắc để kiếm cho mình một gốc đào chuẩn, một cành đào đẹp. Từ đó mùa Xuân vùng cao thiếu mất những cánh rừng đào, những con đường với hàng cây đào trổ hoa càng ngày càng thưa thớt, mùa Xuân vùng cao lại mất đi một cảnh đẹp thu hút du khách và những nhà nhiếp ảnh.
Thủy Tiên
Ở miền Bắc, ngoài cây đào, các gia đình theo lối cổ còn ưa chuộng cây Thuỷ Tiên. Người chơi Thuỷ Tiên từ củ sẽ có một kỹ thuật cắt gọt thế nào để ngay đêm giao thừa, Thuỷ Tiên sẽ nở hoa. Đó cũng là một nghệ thuật càng ngày càng vắng bóng bởi sự cầu kỳ, tinh tế, tỉ mẩn không còn phù hợp với lối sống vội hôm nay. Hoa Thuỷ Tiên là loại hoa mang vẻ đẹp thanh thoát, quý phái, được xem là loài hoa đẹp nhất ở Việt Nam.
Thân cây Thủy Tiên thuộc loại cây dạng thân hành cứng, sống lâu năm, chiều cao khoảng 20-60cm. Củ hoa thủy tiên trông khá giống củ hành tây, ở giữa có các củ lớn và xung quanh là các củ con. Lá hình kiếm thuôn dài, đầu hơi nhọn, hơi dày và khá mềm, màu xanh đậm và bóng, khỏe mạnh đầy sức sống, trông khá giống lá tỏi. Cành cao, thanh mảnh và sang trọng. Những chiếc lá xoắn lại, bao quanh thân cây rồi vươn lên xen kẽ trong các bông hoa, đó chính là biểu tượng của việc phát triển, may mắn, giàu có và niềm hạnh phúc. Hoa nằm các đầu cành của thủy tiên sẽ mọc ra các hoa đơn với kích thước trung bình.
Thường cây mọc thành bụi nên khi nở hoa cũng có nhiều bông nhìn rất đẹp. Cây ra hoa vào mùa Xuân khoảng tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Một số loại thủy tiên khác có thể nở hoa vào mùa Thu. Khi nở, hoa thủy tiên có các cánh hoa sẽ xòe rộng ra bốn phía thành một hình tròn. Mỗi bông hoa thường có 6 cánh hoa hơi cong tạo một góc 90 độ so với thân cây.
Hoa thủy tiên có tuổi thọ thường kéo dài lâu năm, nên có thể trồng qua nhiều mùa Xuân mà vẫn còn hoa. Hoa Thuỷ Tiên có màu sắc sặc sỡ, hương thơm nhẹ, lá xanh căng cứng tạo được tính thẩm mỹ cao. Hoa Thuỷ Tiên cũng giúp cho căn phòng thêm sinh khí, do đó, loài hoa này mang đến nguồn năng lượng tươi mới, sức sống trẻ trung và sự may mắn đến cho người sở hữu. Hoa Thuỷ Tiên có màu sắc khác nhau và cũng mang ý nghĩa khác nhau tùy theo sắc màu.
Hoa thủy tiên trắng là biểu tượng cho sự quý trọng, chân thành. Màu trắng tinh khiết cũng có ý nghĩa trong trắng nên thường làm quà tặng cho mọi người trong những dịp đặc biệt. Màu trắng của hoa thủy tiên còn thể hiện sự nhẹ nhàng, bình an và quý phái. Thủy tiên đỏ có lẽ là loài hoa được ưa chuộng nhất bởi người ta tin màu đỏ là màu của may mắn và điềm lành. Ngày Tết có một giỏ Thuỷ Tiên đỏ với mong ước sẽ có một năm mới thêm nhiều tài lộc. Hoa thủy tiên vàng là biểu tượng cho sự vương giả, cao sang và quyền quý. Hơn nữa, hoa thủy tiên vàng còn thể hiện cho sự vui vẻ và có thể xua tan đi nỗi bực dọc, lo âu trong người. Hoa thủy tiên hồng giống như tình yêu đang thời vui và Hạnh phúc. Do vậy, ngày Tết có Hoa thủy tiên hồng như là thể hiện một tình yêu Hạnh phúc.
Hoa Thuỷ Tiên có nhiều màu, như hoa trắng, hoa vàng, hoa thủy tiên tím, Thủy tiên đỏ, xanh và tím. Mỗi màu hoa có ý nghĩa khác nhau. Thủy tiên đỏ hợp với người mệnh Hỏa. Thủy tiên hồng hợp với những người mệnh Hỏa và mệnh Thổ. Thủy tiên tím hợp với mệnh Hỏa, mệnh Thổ.
Tắc
Ngoài đào và Thuỷ Tiên, người Việt rất chuộng cây tắc, còn gọi là cây quất.
Cây tắc còn có tên gọi là cây Hạnh, cây quất. Tên khoa học của cây là Citrus japonica. Họ: Rutaceae. Cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới ở Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Cây tắc – cây quất có dạng thân gỗ nhưng nhỏ, cành và nhánh cây mềm dẻo dai. Lá hình bầu dục, hoa có màu trắng và mọc đơn độc . Quả hình cầu, quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu cam vàng rất đẹp.
Trang trí cây tắc trong nhà ngày Tết với ý nghĩa sum suê, trái từng chùm biểu tượng tài lộc, sung túc suốt cả năm. Bởi thế khi mua cây để chưng Tết nên chọn cây có dáng đẹp, tự nhiên, thân thẳng, gốc vững. Cành to, cành nhỏ hài hoà, quả xanh bóng và to xen lẫn quả xanh, quả vàng thể hiện sự trù phú, ăn nên làm ra.
Theo âm chữ Hán khi phát âm chữ Quất đọc gần với chữ Cát với nghĩa Cát tường, tức có nhiều may mắn, phúc lành, tình duyên Hạnh phúc, mỹ mãn.
Mai
Nếu miền Bắc chuộng cây đào, lấy cây đào làm biểu tượng cho ngày Tết thì ở miền Trung và miền Nam là cây mai vàng. Mai vàng được những lưu dân trên đường Nam tiến thuần hoá từ cây rừng trong quá trình khẩn hoang. Hoa mai thường nở vào mùa Xuân nên người ta trang trí cây mai vàng vào dịp Tết đến, Xuân về. Cây mai từ đó trở thành hình ảnh đặc trưng cho ngày Tết ở miền Trung và miền Nam. Mai vàng được mọc tự nhiên nhiều nhất ở các khu rừng trên dãy Trường Sơn và các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Định. Ở các tỉnh miền Tây và cao nguyên người ta cũng thấy mai vàng. Mai vàng là cây sống lâu năm. Có nhiều vườn cây ở miền Nam đã xuất hiện nhiều cây hơn trăm năm với giá hàng tỷ đồng. Mai có gốc to rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen. Mai vàng hoa vàng rực phù hợp với ngày Tết. Loài mai mọc hoang dã trong rừng có từ 5 đến 9 cánh, song đôi khi lên đến 12 – 18 cánh, gọi là “mai núi”. Ngoài ra còn có loại mai động là loại mai mọc trên cát ở những khu rừng ven biển. Loại hoa này hoa nở chi chít nếu hoa có năm cánh nhỏ được gọi là mai sẻ. Mai động và mai sẻ phân bổ rải rác ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở vào cho đến tận Đồng Nai, Tây Ninh.
Có một loại hoa mai rất sai hoa, gọi là Mai chùm gởi. Loại này thân rất cứng, cành nhiều khối u, quanh u ra nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc ra khá dày, hoa nở san sát vào nhau, tạo thành chùm. Người ta gọi loài này là Mai tỳ bà hay còn gọi là Mai vương.
Mai vàng mùi hương rất mỏng, khó nhận ra. Tuy vậy vẫn có loại mai vàng với hương đậm nên gọi là Mai hương. Ở Bến Tre trồng nhiều mai này, còn gọi là Mai thơm. Mai xứ Huế cũng thơm còn gọi là Mai ngự. Ở miền Trung người chơi hoa mai chuộng mai Huế và Mai Bình Định.
Trong tiếng Anh, hoa mai là Apricot Flowers và có tên khoa học là Ochna integerrima. Ngoài ra, cây mai còn có tên khác là cây hoàng mai. Cây thuộc họ Mai (Ochnaceae). Nguồn gốc của hoa mai là từ Trung Quốc, chúng xuất hiện trên đất nước này cách đây khoảng hơn 3000 năm trước. Theo ghi chép của Phí Cung Ấn đời Minh ở sách “Trân hương bảo ngự” nói rằng: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai. Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi”. Dịch ra có nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh. Trụ vương thường đội tuyết cùng ngắm.” Người Trung Quốc vốn yêu thích hoa mai, hoa mai cùng với Tùng, Cúc không chỉ được xem là nhóm “Tuế hàn tam hữu” mà còn được được trân trọng là quốc hoa của mình. Trong mỹ thuật Trung Quốc ta thấy nhiều tác phẩm của các danh hoạ vẽ mai. Theo tư liệu cũ ghi chép lại, hoa mai của Trung Quốc được phân thành 4 loại chính, đó là: Bạch mai, Thanh mai, Hồng mai và Mặc mai.
Ông cha ta quan niệm Mai ươm mầm, rễ bám sâu trong đất, dù gió bão, mưa sa, thời tiết khắc nghiệt vẫn bền bỉ sống và nở hoa đúng dịp Xuân về. Cho nên xem Mai là hình ảnh của cốt cách, sức sống trải qua sương gió. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết:” Mai cốt cách, tuyết tinh thần” Câu thơ nói về cốt cách thanh cao như cây mai, tinh thần trong trắng như tuyết.Mãn Giác Thiền sư trước khi viên tịch đã viết:
“Chớ tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.”
Câu thơ thể hiện sức sống bền bỉ của hoa mai, chỉ sau một đêm những nhành mai nở rộ những bông hoa. Chính sức bền bỉ đó nên ngày Xuân gia đình nào cũng có một chậu mai, một cành mai với mong muốn bước sang năm mới có nhiều niềm vui, Hạnh phúc. Bên cạnh đó sắc mai vàng còn tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang phú quý.
Ngoài hoa mai vàng còn có Bạch mai hoa màu trắng tinh khiết, gồm 6-8 cánh dày, hơi tròn, nhụy vàng và khá giống như hoa sứ. Mai tứ quý hoa đỏ, Hạnh mai hoa 5 cánh thường có 2 sắc màu nổi bật là trắng và hồng. Hồng mai cây màu xanh thẫm, mọc đơn lẻ và xẻ thùy. Hoa hồng mai 5 cánh, màu hồng xinh và nhị hoa vàng tươi. Song Mai, được gọi tên như vậy là vì loài mai này thường ra hoa kết trái từng đôi. Hoa có màu trắng muốt, trông thanh khiết và tinh khôi. Mai Chiếu Thủy là loài cây đa niên có tên khoa học là Wrightia Religiosa chỉ cao khoảng 1,5m có nhiều cành nhánh, gốc cây khá to. Lá cây nhỏ nhưng dài và mọc theo cặp. Hoa có màu trắng và mọc thành từng chùm nhỏ, gồm 5 cánh nhỏ và có mùi thơm nhẹ nhàng.
Nhất Chi Mai có gốc to xù xì, thân gỗ đen bóng. Lá nhỏ, có màu xanh non, hoa nhất chi mai nhỏ hơn so với các loại khác gồm nhiều cánh mỏng, ban đầu có màu trắng, đến gần khi hoa tàn thì chuyển dần sang màu đỏ. Mai cúc là loại cây thân gỗ, có nhiều nhánh và có nguồn gốc từ Bình Định. Hoa ra cánh nhiều hay cánh ít, hoa được chăm sóc tốt thì có thể đạt đến 150 cánh. Mai đại lộc được biết đến là dòng đọt đỏ quý hiếm được nhiều người yêu thích. Cánh khít, tròn, màu sắc sặc sỡ, nở rộ và chúng có số lượng cánh từ 24 đến 56 cánh. Mai xanh có tên gọi khác trong tiếng anh là Petrea Volubilis cây thuộc họ Mai và là một loại cây phổ biến và có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Mexico. Cây thân leo, phần thân cây sần sùi và có màu nâu xám, chiều dài thân cây có thể lên đến 10 – 12 mét. Phổ biến hai giống mai xanh, đó là giống hoa mai Thái và giống mai hoa xanh Đà Lạt.
Tuy có nhiều giống mai, nhưng trong ngày Tết, người miền Nam thường chọn mai vàng. Cành hoa mai vàng làm sáng cả ngôi nhà đầu Xuân và mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Cúc vạn thọ
Ngoài hoa mai vàng, người miền Trung và miền Nam còn thích loại hoa vạn thọ trong ngày Tết. Với cái tên này ta có thể đoán được tại sao người ta thích hoa vạn thọ vào đầu Xuân. Đây là loài hoa biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu và bất diệt. Vài chậu vạn thọ trong nhà như lời chúc ông bà, cha mẹ được trường thọ, sống lâu trăm tuổi. Hoa còn là biểu tượng của ánh mặt trời ấm áp, thể hiện khát khao một cuộc sống giàu sang, sung túc.
Chi cúc vạn thọ (danh pháp khoa học: Tagetes) là một chi của khoảng 60 loài cây thân thảo một năm và lâu năm trong họ cúc (Asteraceae). Hoa vạn thọ (cúc vạn thọ) là loài hoa có xuất xứ từ Mexico. Chúng thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng đứng và thường phân nhánh nhiều để tạo thành từng bụi có cành trải dài ra. Lá thì có dạng lá kép lông chim, mép hình răng cưa, thường mọc xen kẽ hoặc đối xứng nhau và ở mỗi nách lá sẽ mọc ra các nhánh phụ. Hoa của chúng sẽ mọc đơn lẻ trên đỉnh và có hai màu chính là vàng hoặc vàng cam. Chúng thường đơm hoa từ mùa Đông cho đến mùa Hạ và cây giữ hoa khá lâu. Hiện nay, chúng được trồng phổ biến ở mọi nơi để làm cảnh trang trí sân vườn, vỉa hè,…Ở nước ta có chủ yếu hai loại vạn thọ là hoa vạn thọ lùn và hoa cúc vạn thọ (còn gọi là hoa vạn thọ Pháp). Ở phương Tây: Cúc vạn thị biểu trưng cho cái chết, sự tiếc thương và tưởng niệm. Ở Mexico, hoa cúc dùng để tưởng nhớ đến người thân, bạn bè đã khuất vào dịp lễ “Dia de Muertos”. Ở Trung Mỹ, hoa cúc vạn thọ được dùng để rửa thi thể người chết.
Vào thời xưa, ở Châu Âu người ta xem hoa cúc vạn thọ là loài hoa tượng trưng cho sự đau khổ, tuyệt vọng trong tình yêu, là sự mất mát, thất vọng, một sự thật tàn nhẫn mà họ phải đối diện trong đời. Ở Châu Á, cúc vạn thọ tượng trưng cho những thứ thiêng liêng nên thường sử dụng cúng lên thần linh, người đã khuất. Đặc biệt, ở Thái Lan, người ta xem cúc vạn thọ là ngôi sao lấp lánh mang đến điều may mắn. Riêng Việt Nam cúc vạn thọ lại mang ý nghĩa trường thọ, là sự hiếu đạo với bậc cha mẹ nên nhiều lúc hoa vạn thọ được cắm trong bình trên bàn thờ gia tiên.
Bên cạnh những loài hoa vừa kể trên, trong ngày Tết người Việt còn có nhiều loại hoa khác như hoa hướng dương, hoa cúc, cúc mâm xôi, thược dược, hoa lan, hoa lay dơn…tuỳ thị hiếu của mỗi gia đình.
Ngày Tết ngồi ngắm hoa, thưởng thức hương hoa, nhìn hoa nở, uống một chung trà thơm, ăn một miếng mứt trong không khí của mùa Xuân. Đó cũng là điều hạnh phúc.
ĐDN
Tháng 12.2023
Hình ảnh: Nguyễn Văn Nghĩa