Hòa ước Nhâm Tuất 1862: tường trình của Phan Thanh Giản & Lâm Duy Hiệp – kỳ 1

by Tim Bui
Hòa ước Nhâm Tuất 1862: tường trình của Phan Thanh Giản & Lâm Duy Hiệp - kỳ 1

HOÀI CHÂU (dịch)
TRẦN NHẬT VY (sao lục và chú giải)

Nghiên cứu lịch sử giống như trò chơi ghép hình (lego), không phải một lúc, một lần, một thời kỳ mà có thể kiếm đủ miếng ghép cho ra một hình thể. Muốn có được một vóc dáng lịch sử hoàn chỉnh cần có nhiều người, nhiều nhóm người và nhiều thời gian; thậm chí phải nhiều thế hệ; bỏ công sức tìm tòi từ các kho lưu trữ, từ các văn bản xưa… Không chỉ vậy, muốn lịch sử có hình hài đúng như đã diễn ra, đã có, cần phải có quan điểm và nhận định đúng đắn về lịch sử.
Lịch sử Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ khi Pháp vào nước ta, dù thời gian không dài so với lịch sử phát triển, song lại có rất nhiều biến động, chiến tranh, thay đổi và sự mất mát, hư hỏng các tài liệu. Đồng thời lại có nhiều cách nhìn về một vấn đề lịch sử nào đó theo thiên kiến riêng khiến chúng ta đi càng xa sự thật, khiến đời sau không biết sự thật nào là sự thật!
Một trong những nạn nhân của nhiều nhận định khác nhau là ông Phan Thanh Giản. Dựa vào chi tiết lịch sử, ông đã ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, gồm Biên Hòa, Gia Định và Định Tường [khu vực hiện nay gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Gò Công, Đồng Tháp] cho Pháp, nhiều sử gia ngày nay quy chụp cho ông cái mũ “bán nước”. Họ bỏ qua chi tiết ông ngồi vào bàn thương nghị với kẻ thù là “nhiệm vụ được triều đình giao”. Cùng trong một nước mà có một số người nặng lời cho rằng ông là người “bán nước”, một số khác lại muốn vinh danh, dựng tượng ông!
May mắn, chúng tôi tìm được bản dịch của bản Tường trình này. Đây là một sử liệu gốc [dù chúng tôi chưa thấy được bản gốc] được dịch và đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo ngày 13-6-1931 tại Hà Nội hơn 90 năm trước. Không rõ, bản dịch này từ bản tiếng Hán hay bản tiếng Pháp. Theo chi tiết trong bản tường trình, thì bản này được Phan Thanh Giản nhờ người Pháp giúp chuyển về Huế nên có thể họ đã sao lại và dịch ra tiếng Pháp. Đáng chú ý là trong nhiều chục năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đã lục lọi các kho tài liệu trong nước cũng như ở Pháp, nhưng văn bản này chưa từng thấy đề cập tới.
Thiển nghĩ, đây là văn bản lịch sử mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cần biết, và cũng là văn bản “trả lại” cho ông Phan Thanh Giản thanh danh mà ông đáng có.
Bản dịch này xử dụng tiếng miền Bắc cách nay gần 100 năm, chúng tôi xin được để nguyên và có chú thích những dữ kiện, những chữ khó hiểu hoặc quá lạ với thời nay.
TNV

Tờ biểu của hai sứ thần là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp gởi về triều trần tình về cuộc giao thiệp với hai phái bộ ngoại quốc là Bonard và Palanca tại Saigon

Ngày 15 tháng 5 năm Tự Đức thứ 15 (11-6-1862 tây lịch).
Thần là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp kính dâng bản biểu chương nầy lên bệ hạ xét soi.
Ngày 24 tháng 4 (22-5-1862) bắt đầu giờ dần [khoảng 5 giờ sáng] thì thuyền của thần đẳng cất [kéo] neo rồi đi qua lạch Thuận An. Giờ Thìn thì đến chỗ chiến thuyền của người Pháp tên là Sunior đậu. Lúc thần đẳng đến thì chúa tàu sai thả giây và ròng [kéo] theo một chiếc thuyền con ra tiếp; trên thuyền chúa tàu Sunior ngồi với một người thông ngôn là cụ Trương [1] và sáu tay thủy thủ. Sau khi làm lễ tương kiến, chúa tàu liền sai pha trà và rót rượu ra thiết [đãi]. Liền đó đại úy thủy quân lại ra lịnh cho nhân viên trong tàu lấy giây buộc vào cột buồm của chiếc thuyền thần đẳng mà ràng vào với chiến hạm. Xong đâu đấy, đại úy có hẹn ngày đăng trình rồi cáo lui về tàu.
Đến giờ Tị [khoảng 11 giờ sáng] thì chiến hạm Pháp nổi lửa, đốt máy [2] rồi khởi hành kéo cả chiếc thuyền của thần đẳng đi theo nữa. Đến giờ Mùi thì qua bến Tử Kiều, rồi đến núi Trà Sơn vào quãng giờ Thân [khoảng 1 giờ chiều], chiều hôm mới vào vũng Đại Chiêm. Sáng ngày 25 (23-5) đi quá bến Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi; chiều lại thì tàu đã đến giáp địa đầu tỉnh Khánh Hòa. Sáng sớm ngày 26 (24-5), thì tàu đã vào cửa bể [biển] Khánh Hòa, chiều lại thì tàu đi qua đỉnh đá Mỏ Diều. Trong đêm 26 rạng ngày 27, một tên lính thuộc đội thứ năm cơ thứ ba trong cánh hữu quân hải tàu tên là Nguyễn Văn Nghệ, trong lúc leo lên mạn thuyền để đi đại tiện, không ngờ sóng gió dữ dội, vô ý tuột tay ngã xuống bể, thử thời [lúc đó] gió thổi mạnh quá, tàu lại đi quá nhanh, vả lại giời [trời] tối đen như mực, cho nên không tài nào cứu lên được.
Sáng hôm 27 (25-5) tàu đi qua bến Mũi Né thuộc tỉnh Bình Thuận. Đến giờ Tuất thì tàu vào cửa Cần Giờ (cap Saint Jacques) [Vũng Tàu]. Chiến hạm liền đốt lửa lên làm hiệu, thuyền của thần đẳng theo như những điều đã dự định trong lúc hội đàm cỡi giây ở chiến hạm ra và thả neo xuống đỗ [đậu] riêng ra một mình. Gần chỗ tàu đỗ neo lại có một chiếc tàu chạy bằng buồm đỗ ở đấy; chúng tôi hỏi ra mới biết đó là một chiếc tuần dương hạm Âu châu đặt ra để phòng giữ cửa bể.
Sáng ngày 28 (26-5), chúng tôi cho người mang lên cho đại úy Sunior và các thủ hạ ở dưới tàu gọi là có cái quà mọn để tạ ơn đã dắt thuyền cho chúng tôi, (gồm) năm thanh quế Nghệ An và 100 chiếc ngân tiền, huy chương bằng bạc; kể ra như sau nầy: 10 đồng tiền to Triệu dân, 10 đồng Ngũ Phúc, 10 đồng Tứ Mỹ, 20 đồng Tam Thọ, 20 đồng bé Triệu dân và 30 đồng Bát Bửu. quế thì biếu quan Đại úy, còn ngân tiền thì phát cho thủy thủ. Ban đầu, Đại úy từ không nhận đồ lễ của chúng tôi, sau chúng tôi khẩn khoản mãi mới chịu nhận. Đến giờ thìn, Đại úy Sunior lại sai dìu chiếc thuyền của chúng tôi lại với chiến hạm rồi chở theo giòng sông đi ngược lên.
Từ cửa bể Cần Giờ đến đồn Giao Khẩu, chúng tôi thấy đậu rải rác ba chiếc tuần dương chạy bằng buồm. Chỗ ấy là địa phận tỉnh Biên Hòa nhiều dòng sông xuôi ngược. Những tàu bè Âu châu đi lại rất nhiều không thể kể hết. Còn những tàu bè đậu từ đồn Giao Khẩu [khoảng Nhơn Trạch hiện nay] đến bến Chợ Sỏi [3] thì vào quãng 25 chiếc; 13 chiếc chạy máy hơi, 12 chiếc đa sách, 5 chiếc tàu buôn Anh Cát Lợi, 12 chiếc thuyền buôn của Khách [người Hoa]. Còn thuyền bè thì ở bến Chợ Lớn rất nhiều. Đến giờ Thân thì chúng tôi vào sông Cố đô thành Gia Định [4], rồi thả neo cho thuyền đậu.
Sau đó một lúc, các quan Chánh soái Pháp và Bồ Đào Nha là Bô Na thủy sư đô đốc [5] và Palanca trung tá, đại biểu cho quan Phó súy, quan Tham tán và những người tùy tòng được tin chúng tôi đến thì ra đón chào. Chúng tôi đứng mà xem họ thì cữ chỉ rất là lễ phép hòa nhã.
Trong những vị võ quan xuống đấy thì chỉ có quan giám đốc Hà Ba Lý (Aubaret) [6] là biết được chữ tàu và nói tiếng ta mà thôi.
Bắt đầu quan giám đốc Hà Ba Lý nói với chúng tôi rằng “Pháp đình rất nhiệt thành dự định cuộc thảo luận về những khoản ước trong hòa ước tài giảm binh bị, nhưng đã nhiều phen bị ngăn trở bởi nhiều việc bất kỳ xảy đến. Chính phủ Pháp rất vui lòng được nghe tin hai quan sứ thần hoàng triều đến đấy. Chính phủ lại mong làm sao chóng tiếp được quốc thư của hai sứ thần mang lại”. Chúng tôi liền giã nhời [trả lời] hẹn đến hôm 29 (27-5) sẽ lại hội kiến. Quan giám đốc lại nói “Quan Chánh soái đã dự bị một hạm đội thủy sư để đón tiếp các ngài”.
Liền đó quan Chánh soái là Bô Na (Bonard) truyền lệnh mang xuống thuyền chúng tôi ba thùng rượu mùi Âu châu để thưởng quân sĩ giải lao. Ngày 29 quan Chánh soái ra lệnh cho cụ Trương (Le grand de la Liraye) cho 2 người thông ngôn Annam mang những thực phẩm cần dùng sang thuyền chúng tôi. Hai phái viên nói với chúng tôi rằng “Vâng lệnh quan Chánh soái, mỗi ngày chúng tôi trích công quỹ chánh phủ Pháp một món tiền là 40 quan phật lăng để chi dụng vào những món thực phẩm hảo hạng và tốt tươi cho binh sĩ sứ thần”. Chúng tôi liền trả lời hai phái viên đạt [chuyển] lời của chúng tôi với quan Thủy sư rằng “thuyền của chúng tôi mới đến được ít lâu chưa lấy gì làm thiếu thốn cho lắm, khi nào chúng tôi có cần dùng thứ gì chúng tôi sẽ có lời hỏi đến ngài”.
Quan Chánh soái lại sợ hai phái viên thông ngôn đó không chu tất được việc ấy, liền phái một quan Bố Chánh [chức vụ tương đương với tỉnh trưởng hay chủ tịch tỉnh] với một quan Án Sát trông nom về việc ấy và ra lịnh cho hai phái viên phải làm hết bổn phận đối với chúng tôi trong mỗi ngày, ngày nào cũng vậy. Đến đây thì chúng tôi không thể từ chối được nữa. Hôm ấy, hai phái viên mới là quan Bố Chánh và quan Án sát đến chào chúng tôi, có mang theo hai thùng thuốc lá. Quan Chánh soái lại có gởi theo cho chúng tôi một lá cờ Thụy Thiểu dặn chúng tôi nên khâu thêm một lá nữa để cắm lên thuyền trong khi chiến hạm cùng thuyền đỗ sát nhau để tỏ tình thân thiện của hai nước.
Đến giờ Thìn thì có một phái bộ của Pháp đình chở hai chiếc tàu rất rộng rãi đến và mời chúng tôi lên. Hai người chúng tôi với viên Hiệp lãnh thị vệ Phạm Văn Trung đều mặc triều phục. Còn các viên tùy tòng như Phạm Chuân, Hồ Văn Lang thì mặc y phục theo quan tước. Các võ quan thì mặc y phục giống nhau. Chúng tôi bước lên chiếc thuyền thứ hai, bởi vì chiếc thứ nhứt thì để mang cái hộp vuông đựng quốc thư đặt trên một cái bàn vuông sơn đỏ.
Lúc đến gần chiến hạm Thủy sư Đô đốc thì đã thấy quan Chánh soái và quan Tham tán ăn mặc đại trào chờ đón. Thoạt tiên, hai viên ấy xuống tiếp lấy bức quốc thư một cách kính cẩn rồi lần lượt dẫn chúng tôi đến chiến hạm. Chiếc chiến hạm nầy có bốn tầng lót toàn bằng ván, cả trên tàu có 200 lính thủy bồng súng đứng nghiêm trang như một hàng rào vậy. Quan Thống soái và quan Phó soái mời chúng tôi ngồi vào một cái ghế giữa còn hai vị thì ngồi vào một chiếc ghế vuông. Nhưng chúng tôi không dám ngồi mà giữ lễ cứ đứng mà bỏ không chiếc ghế. Họ thấy chúng tôi cứ đứng thế không tiện liền sai bắc hai cái ghế vuông cho chúng tôi ngồi. Cả chủ lẫn khách cả thảy bốn người ngồi đối diện. Bên chủ cạnh hai quan Chánh soái thì có quan Tham tán, quan Phó soái và quan Giám đốc. Ban đầu, viên Hiệp lãnh thị vệ là Phạm Văn Trung mang tờ quốc thư một cách rất nghi vệ giao lại cho tôi là Lâm Duy Hiệp, tôi liền giải [trải] ra trên một chiếc bàn đặt ở trước mặt chúng tôi. Lúc ấy, quan Chánh sứ Phan Thanh Giản liền đứng lên, hai quan Chánh soái cũng đều đứng dậy, rồi quan Giám đốc Hà Ba Lý đứng lên giở [mở] bức quốc thư ra tuyên đọc. Về phần hai quan Chánh soái cũng mang ra một bức tín thư của hai nước Pháp-Bồ để cho quan Giám đốc Hà Ba Lý tuyên đọc cho chúng tôi nghe.
Xong đâu đấy ai về chỗ nấy ngồi. Trên bàn đã thấy các thức rượu chè bày la liệt. Hai viên Chánh soái sai đặt thêm ghế cho quan Tham tán, quan Phó soái và quan Giám đốc ngồi. Mọi người đều nưng [nâng] cốc. Một đội thủy quân cử một khúc nhạc tiếp tân. Thực là một bữa tiệc rất trọng thể mà lại vui vẻ nữa. Đầu mũi tàu bắn 17 phát thần công. Mãn tiệc chúng tôi đứng lên kiếu về thì hai Chánh soái và các quan chức trong tiệc cũng đứng lên bắt tay chúng tôi. Những viên võ quan lúc đi đón chúng tôi, nay lại dẫn chúng tôi về. Lập tức lại bắn 17 phát đại bác nữa để mừng bữa tiệc và tiễn tống sứ thần.
(còn tiếp)

Chú thích:
Cụ Trương: có lẽ bản dịch này dịch từ tiếng Pháp nên thiếu dấu huyền. Đúng ra “Trường”. Thời điểm ấy, quân Pháp có một tu sĩ công giáo bỏ đạo đi lính làm phiên dịch. Ông này thông thạo tiếng Việt có tên Pháp là Le grand de la Liraye, tên thường gọi ở Nha Nội vụ Nam Kỳ là Cố Trường, là người phụ trách Phòng Thông ngôn. Có thể vì thiếu dấu huyền nên nhiều nhà nghiên cứu và cả một số sử gia sau này, đọc chữ Trường thiếu dấu huyền nên cho rằng thông ngôn của cuộc hội đàm này là ông Trương Vĩnh Ký! Đúng là oan ông địa!
Nổi lửa, đốt máy: tàu Pháp giữa thế kỷ 19 chạy bằng hơi nước nên phải đốt máy
Chở Sỏi: còn gọi là Bến Sạn, một ngôi chợ nằm ven rạch Bến Nghé trước Hội trường Diên Hồng, kế bên cầu Móng. Sau này nơi đây chuyển thành chợ chuyên bán thú vật nên được dân Sài Gòn gọi là chợ chim, chợ chó. Năm 1864, người Pháp đã cất một chợ mới gần đó và dời Chợ Sỏi về đó, ngày nay chợ mang tên Cầu Ông Lãnh
Sông cố đô thành Gia Định: Chúng tôi không rõ đích xác là chỗ nào. Phải chăng là kinh Lớn, đường nước từ sông Sài Gòn chạy vô cỗng thành Gia Định nay là đường Nguyễn Huệ? Hay là sông Thị Nghè, đoạn Sở Thú hiện nay? Theo miêu tả trong bản tường trình, dường như tàu của ông Phan Thanh Giản đậu ở gần đồn Cá Trê, khu vực ngày nay ở Tân Thuận gần ngã ba sông Sài Gòn và Kinh Tẻ.
Bô Na: Chuẩn đô đốc Louis Adolphe Bonard [1805-1867], Thống đốc Nam Kỳ đầu tiên, người đã quyết định dùng chữ quốc ngữ ở Việt Nam thay vì tiếng Pháp và là người chủ trương ra tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Sài Gòni, tờ Gia Định Báo.
Hà Ba Lý (Aubaret): Louis-Gabriel-Galdéric Aubaret (1825 – 1894) là một sĩ quan hải quân, nhà ngôn ngữ học, nhà ngoại giao, quản trị viên và lãnh đạo doanh nghiệp người Pháp, người đã nắm giữ nhiều chức vụ quân sự, chính trị và thương mại. Năm 1862, ông là trung úy quân đội Pháp, làm Giám đốc Nha Nội vụ Nam Kỳ đầu tiên, trợ lý của Thống đốc Nam Kỳ Bonard. Nha Nội vụ ngày ấy nhiệm vụ tương đương với văn phòng Thủ tướng ngày nay. Ông cũng là người đầu tiên thực hiện cuốn tự điển Pháp Việt-Việt Pháp in năm 1861.



Bài này layout 6 trang.  Có hai hình lớn

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights