Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 9 Út Bạch Lan- Thành Được “Biệt kinh kỳ”

by Tim Bui
Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 9 Út Bạch Lan- Thành Được “Biệt kinh kỳ”

THANH HIỆP

Khoảng tháng 5/2012, Phượng Liên và Mai Thế Hiệp từ Mỹ điện thoại về xin phép tổ chức 2 suất hát tại miền Nam và Bắc California, Hoa Kỳ. Tôi hỏi nhân cớ gì mà làm? Phượng Liên nhắc: “Đã nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên của bác Bảy rồi, tụi con làm để cảm ơn bác Bảy đã viết cho đời, cho nghệ sĩ thể loại này”.

Sau đó ít lâu, Mai Thế Hiệp tìm đến nhà, trao đổi về chủ đề hai đêm diễn này và MC Thanh Tùng cũng đến gặp để hỏi thật kỹ những tư liệu cần cho 2 suất hát. Tôi mừng nhất khi hay tin Thành Được sẽ xuất hiện trong hai đêm hát này (11/5 tại San Jose và 13/5 tại Khu Bosla, Little Sài Gòn – Hoa Kỳ). 

Thành Được, người từng được coi là là “ông vua không ngai” của làng cải lương Sài Gòn, tên thật là Châu Văn Được, chào đời tại Sóc Trăng năm 1933, từng đi lính Bảo An lúc còn trai trẻ, sau đó giải ngũ và bước lên sân khấu năm 1954 trong một gánh hát của người chú là Thanh Cần, lúc đó chỉ đóng thế vai một nghệ sĩ bị bệnh. 

Nhưng hai năm sau, tên tuổi Thành Được đã nổi bật trong vai Tô Điền Sơn (tuồng Khi hoa anh đào nở) cùng cô đào thương sáng giá thời đó: Thúy Nga (đoàn Thúy Nga). Năm 1958, Thành Được về đoàn Kim Chưởng. Năm 1960 về đoàn Thanh Minh Thanh Nga, rồi năm 1961 trở lại đoàn Kim Chưởng. Lúc này tôi gặp Thành Được, viết tặng anh bài Biệt kinh kỳ (thu ở hãng dĩa Hồng Hoa). Và trong hai đêm hát ở Mỹ tôn vinh Nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên, Thành Được đã hát lại bài này dù đã 79 tuổi.  

Tôi nhớ, những nghệ sĩ trẻ thành danh từ năm 1956 đến 1968 gồm: Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Hiền, Thanh Hải, Út Nhị, Minh Tấn, Thanh Tú, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm… Về phía nữ nghệ sĩ tài danh thì có các cô: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Bích Sơn, Ngọc Bích, Bích Hạnh, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Trương Ánh Loan, Kiều Phượng Loan… v…v. Họ đều đã từng thu dĩa bài ca cổ của tôi. 

Tình duyên đưa đến, năm 1962 cặp tài danh Út Bạch Lan-Thành Được lập đoàn hát mang bảng hiệu Thành Được – Út Bạch Lan và đến năm 1967 Thành Được đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai diễn tướng cướp Thy Đằng (tuồng Tiếng hạc trong trăng).

Lúc mới quen, tôi đã dò hỏi vì sao mang nghệ danh Thành Được? Anh cười giải nghĩa: “Em lấy chữ Thành từ sự kính nể giọng ca của người đàn anh là Thành Công, ghép với chữ Được tên cúng cơm. Có một dạo em muốn lấy tên Út Được vì cũng thích danh ca Út Trà Ôn nhưng lại thôi”.

Về chất giọng của Thành Được mang hương vị ngọt hậu. Giọng thoại của anh nghe sang trọng, trí thức. Nhờ cách nói này mà những vai diễn trong các tuồng xã hội, anh diễn rất đạt như vai Lĩnh Nam trong tuồng Sân khấu về khuya. Tuy vậy  vai tướng cướp Thy Đằng vẫn là vai độc đáo nhất, là đỉnh cao trong sự nghiệp ca diễn cải lương của Thành Được. Sau này có thêm các vai tuồng ấn tượng: Tùng (Nửa đời hương phấn), Văn (Con gái chị Hằng), Diệp Băng Đình (Thuyền ra cửa biển), Dũng (Đoạn tuyệt), Điệp (Lan Và Điệp)…

Mùa vu lan báo hiếu lại đến, mùa mà những yêu thương dành cho cha mẹ được biểu lộ nồng nàn nhất, cũng là mùa sầu nữ Út Bạch Lan thực hiện nhiều Album về mẹ. Từ sau chuyến lưu diễn sang Hoa Kỳ theo lời mời của một tổ chức từ thiện yêu nước, cô Út đã nhận định thị trường cải lương video ở hải ngoại không còn “nóng” như trước. Phần là vì chất lượng video cải lương giảm sút rất nhiều. Nhưng có còn một yếu tố làm khán giả Việt Kiều yêu thích, đó là tính giao lưu, gặp gỡ nghệ sĩ trong nước mà họ ngưỡng mộ và cũng từ đây những CD, DVD về mẹ được đón nhận trân trọng. 

Trên đất Mỹ những chuyến biểu diễn theo đường du lịch của một số nghệ sĩ cải lương, đã mở ra một hướng đầu tư mới, đó là sự hấp dẫn của cái cũ, khi mà nghệ sĩ được yêu thích xuất hiện trước khán giả hâm mộ. Có thể nói cô Út được xem là người nghệ sĩ cải lương đầu tiên tham gia thăm dò thị trường này, nên rất vui mừng cho rằng, nếu biết cách tổ chức cải lương vẫn có thể sống được khi mở rộng thị phần biểu diễn ở Mỹ, Canada. Điều đầu tiên cô nhận định là khán giả kiều bào thích nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nghệ sĩ mà mình hâm mộ. Tôi đã viết bài ca cổ Hoa lan trắng kể về cuộc đời cô Út, để cô mang sang Mỹ biểu diễn cả thảy 5 đợt. Lần nào về cũng mang tiền đôla đến lì xì thầy, gọi là “trả bản quyền bằng ngoại tệ”. Thầy trò cười quá. Ngày tôi bệnh nặng, cô Út cũng vô thăm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, ca lại tôi nghe bản Hoa lan trắng, cố tình quên một vài chữ để coi tôi có nhớ và nhắc. 

Với Út Bạch Lan thì quá khứ của cô như một pho tiểu thuyết hấp dẫn người đọc qua từng chương, từng mục. Cô Út đã kể tôi nghe về đời mình không thiếu một chi tiết, mà dường như lúc nào cũng mới. Đó là cuộc đời của một cô bé lọ lem bước từ bóng tối âm u của nghèo khổ để thành một Sầu nữ Út Bạch Lan vang danh trong làng sân khấu.

“Sầu Nữ” Út Bạch Lan

Cô Út sinh năm 1953 tại ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 1945, má chị kết nghĩa chị em với má anh Văn Vỹ tại Chợ Lớn mới. Hai bà mẹ nghèo chọn chợ Bàu Sen làm nhà. Ban ngày đi phụ bán rau, bán cải với bạn hàng, đổi miếng cơm nuôi hai đứa con mồ côi cha. Bé Út và cậu thanh niên tên Vỹ hàng ngày cũng phụ hai mẹ lựa ớt, lựa tỏi. Thú vui của cả hai là nghe radio dạy ca cổ để học ca. Sau dịch đậu mùa Văn Vỹ bị sốt nặng rồi mù đôi mắt. Hai bà mẹ vay tiền chạy thuốc nhưng vẫn không lấy lại ánh sáng cho con mình. Bé Út ngày đó mới lên 6 nhưng cảm nhận tất cả nỗi đau của hai bà mẹ. Bé vẫn thường an ủi anh Vỹ. Biết anh mê học ca cổ, bé Út lượm được một cây đàn ghi ta cũ mà người ta bỏ ở bô rác, đem về cho anh Vỹ học đờn. Từ cây đờn cũ nối dây này, cậu bé mù lòa Văn Vỹ đã mò mẫm học tập. Chiều chiều sau giờ đi giao hành, ngò, tỏi, ớt cho bạn hàng, bé Út ngồi xếp bằng trên thớt thịt, ca theo nhịp đờn của anh Văn Vỹ. 

Cứ thế giọng ca bé Út và tiếng đờn của anh Văn Vỹ được lan truyền khắp chợ. Một hôm chợt nghĩ hai mẹ quá cơ cực, mỗi ngày chỉ dư được một đồng thì biết bao giờ ước mơ mua được một căn nhà lá thành hiện thực. Bé Út xin mẹ cho đi hát dạo xin tiền độ nhật. Ban đầu hai bà mẹ không cho nhưng anh Văn Vỹ nói thêm vô: “Tụi con chỉ ngồi đờn ca rồi ai cho thì cho, chứ đâu có xin.” Hai bà mẹ gạt nước mắt cho hai con được toại nguyện.

Hôm đầu tiên cả hai ngồi ca ở ngay cửa chợ Bến Thành, nay là công viên Quách Thị Trang, bà con thương hai anh em ca hay đã thưởng 9 đồng. Ngày thứ hai đang ca thì bị một cảnh sát người Pháp đến giải tán đám đông và bắt hai anh em bé Út về bót Nancy. Ông cò bót là người Việt hỏi hai đứa bé tội gì, gã lính Pháp nói: “Tụi nó hát Việt Minh hút máu Tây.” Bé Út liền trả lời: “tụi con ca Phạm Công- Cúc Hoa, đâu có hát như lời ông Tây vu khống.” Ông cò nghe xong thả hai anh em về, còn cho 3 đồng đi xe.

Nghe xong câu chuyện bị đánh giữa chợ, hai bà mẹ khuyên không nên đi hát dạo nữa. Bé Út buồn lắm nhưng một hôm tình cờ đang ngồi ca giữa đống hành ớt, một người phụ nữ ăn mặc sang trọng bước tới gần và hỏi: “Con ca hay quá, có muốn đi hát ở Đài phát thanh không?” Người đó là cô Năm Cần Thơ, một nghệ sĩ tài tử lừng danh của làng dĩa nhựa thuở ấy. Cô Năm Cần Thơ đã mời bé Út đi thử giọng, rồi thu ở Đài Phát Thanh Pháp Á các bài: Lan và Điệp, Mẹ dạy con, Trọng Thủy – Mỹ Châu…

Đối với khán giả Kiều bào ở Mỹ, họ rất rành những bài vọng cổ này, nên chuyến lưu diễn của cô vừa qua đã được đề nghị ca lại trước sự cổ vũ nồng nhiệt của người nghe. Lý giải cái tên Út Bạch Lan, tôi biết ngày đó ở Đài Quốc Gia có cô Bạch Huệ (cùng hát chung với bạn Thành Công, Sáu Thoàng, Hai Long, Ba Tình), nên cô Năm Cần Thơ muốn Đài Pháp Á cũng có một cô Bạch Lan là đối thủ. Nhưng trong khai sanh của cô Út tên thật là Nguyễn Thị Hai, má cô thường gọi là bé Út. Do vậy cô đã xin gắn thêm chữ Út vào hai chữ Bạch Lan để ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. 

Từ Đài Pháp Á cô Út được mời đi hát cho Đoàn Kim Khánh (bầu Ba Cang, con ông Nguyễn An Ninh), rồi về đoàn Tô Huệ học ca, diễn trước khi thành danh ở đoàn Kim Thanh. Có thể nói duyên may đã cho tôi gặp cô học trò nhỏ này. Tôi thích giọng ca với làn hơi nhẹ như chuông, nên đã đo ni đóng giày cho vai phụ đầu tiên trong vở Tình vương hoa thắm. Nhưng số cô Út lận đận lắm, mới bắt đầu nổi tiếng đã bị chèn ép, buộc phải ra quầy ngồi bán vé. Thấy vậy nghệ sĩ Hoàng Giang đã kéo cô Út về đoàn Thanh Minh, trên sân khấu này cô được chú Năm Nghĩa (ba của Bảo Quốc) chỉ dạy tận tình. Cô Út đã đi lên từ các vai: Cô lái đò (Tình tráng sĩ), Phàn Lan (Đồ Bàn di hận), Mai Bình (Nhớ rừng)… rồi được giao vai đào mùi trong các vở: Đứa con hai dòng máu, Cánh buồm lửa, Tình người nữ cứu thương… 

Đời cô Út như một con ong thợ chăm chỉ, sau bao sóng gió cơ cực của tuổi thơ, lúc thành danh lại được anh Năm Châu, chị Kim Cúc dạy nghề. Mà quan trọng hơn là các thầy cô đều là nghệ sĩ thượng thặng đã dạy cô học bài học làm người. Cuộc tình duyên với nghệ sĩ Thành Được không được trọn vẹn. Đường con cái cũng tắt lối sau lần hư thai đầu tiên. Cô Út nhận Phương Hồng Thủy làm con nuôi, hết lòng thương yêu, lo lắng. Và mấy đứa cháu con của người em nuôi đã chăm sóc cho cô khi bóng xế về chiều.

Út Bạch Lan

Một lần cô Út qua nhà khóc, đó là khi về đoàn Thanh Minh được bà bầu Thơ giao đóng vai già. Tối đến ngồi trước gương hóa trang những nếp nhăn mà nước mắt chảy dài. Còn bàn bên cạnh nghệ sĩ Thanh Nga, một cô đào chánh sắp đóng vai con của cô thì cười nói hồn nhiên.

Cô đã khóc vì cho rằng bà bầu xử ép mình. Tôi nghe tâm sự đó liền mắng một trận nên thân. “Phải vui vì nghề đã cho con thử thách. Tuổi này được giao đóng vai già là có cơ hội để khẳng định mình, mai mốt đâu sợ té ngựa!?” Hai chữ “té ngựa”, nói theo lời thuật lại của cô Út, nghệ sĩ Ba Vân cũng đã nói với cô về quãng đường gầy dựng sự nghiệp. Nó giúp cô ghi khắc trong tâm một nguyên lý: “Nghề hát mênh mông như biển rộng, người nghệ sĩ không nản tay chèo. Bao giờ cũng phải cảm thấy mình túng thiếu để nuôi lớn niềm tin được tiến xa hơn trong tình thương của công chúng.”

Vậy là cô Út hết khóc, đi theo nguyên lý đó để hành đạo. Bởi như lời Ba Vân nói, được đóng những vai góc cạnh, lệch với tuổi đời, tuổi nghề của mình là một cơ hội. Do vậy mà cô Út năm 17 tuổi đã đường bệ bước vào những vai đào mụ. Và cho tới hôm nay, Út Bạch Lan vẫn vững chãi, thong dong xuất hiện như một điểm tựa bên cạnh đàn con, đàn cháu thuộc thế hệ trẻ của sân khấu cải lương miền Nam. 

Cô Út sau khi làm trưởng đoàn cải lương Long An trong 10 năm, đã về Sài Gòn và lập ra hai câu lạc bộ, một bên là Hoa Lan Trắng chuyên đi diễn các chùa, làm từ thiện; một bên là Lạc Long Quân chuyên đi diễn tại các trường học, trại trẻ mồ côi, người già neo đơn tàn tật. Hai chiếc nôi này đều đào tạo nhiều mầm non cho sân khấu chuyên nghiệp.
(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights