Hướng về tương lai Giải Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu

by Tim Bui
Hướng về tương lai Giải Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu

VŨ NGỌC MAI

Nhu cầu bảo tồn văn hóa, như thức ăn, tiếng nói, âm nhạc, chữ viết, là nhu cầu căn bản của một cộng đồng di dân. Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt chúng ta, nỗ lực này được thấy rõ không chỉ trong những ngày lễ như diễn hành Tết, hội chợ Tết, đốt pháo, múa lân, mà cả trong những sinh hoạt thường ngày như những lớp dạy tiếng Việt cho các em nhỏ sinh ra ở quê hương thứ hai.

Một người bạn ngoại quốc của chúng tôi, khi có dịp xuống khu Bolsa đã hết sức thích thú và ngạc nhiên trước điều mà cô ấy gọi là “sức sống” của khu này và thốt lên:

“Ồ, quả là một cộng đồng đầy sức sống. Nhìn những sinh hoạt nhiều sắc màu của các bạn tôi mê quá.”

Trong những nỗ lực bảo tồn văn hóa không ngừng nghỉ và rất đa dạng này, sinh hoạt của nhóm có tên “Giải Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu”, với tôi, nổi bật vì mục đích hướng về tương lai của họ, với hoài bão tạo chất xúc tác để thế hệ con em cùng mong ước một tương lai tốt đẹp cho quê hương Việt Nam.

Một đoạn trong trang nhà của website “Giải Gương Mẫu” (giaiguongmau.us) viết: “Tiến trình tham dự giải thưởng sẽ giúp các em tìm hiểu về con người của mình, tìm hiểu về sự liên hệ với cộng đồng của mình và giúp hun đúc khả năng của các em ngõ hầu tạo dựng các em thành những thế hệ lãnh đạo tốt đẹp cho xã hội ngày mai.”

Bài viết này giúp độc giả hiểu rõ hơn về sinh hoạt của tổ chức Giải Gương Mẫu.

Nguyên tắc chấm giải vào Kỳ I

Giải Gương Mẫu (GGM) được thành lập lần thứ nhất vào năm 2009 và đến năm 2023 đã bước vào kỳ thứ VII, trung bình cứ 2 năm lại có một cuộc thi. Vào kỳ I, thành viên sáng lập là Cô Nguyễn Phương Lê, Thầy Tô Tiến Dũng, Thầy Đặng Ngọc Sinh và Thầy Hà Việt Văn.  

Ban tổ chức gồm có:  Trưởng Ban Hành Chánh: Cô Trần Thị Lyly. Thay Mặt Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ: Thầy Nguyễn Văn Khoa, và Thay Mặt Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt: Thầy Nguyễn Song Thuận, người đã trong 6 kỳ liên tiếp đóng vai trò sáng lập viên và cố vấn. Thầy Thuận cũng từng thành lập và làm Hội trưởng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt trong nhiều năm, nhưng rất tiếc Thầy đã qua đời năm 2020, và từ năm 2018 đến nay, Tiến Sĩ Phạm Thị Huệ đang là Hội Trưởng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt.
Trong kỳ I, nhờ sự tiếp tay của nhiều nhân sự và hội đoàn, Ban Tổ Chức đã mở cuộc thi cho 3 bậc Tiểu Học, Trung Học và Đại Học.

Trước hết, việc chấm vòng loại được dựa trên 4 tiêu chuẩn: học lực giỏi với phiếu điểm của trường, thông thạo tiếng Việt (biết nói, đọc và viết), hạnh kiểm tốt, sinh hoạt học đường và cộng đồng. Trên đây là 4 tiêu chuẩn khá cao cho những nhà lãnh đạo tiềm năng tương lai mà Giải Gương Mẫu muốn nhắm đến.

Ban Tổ Chức xếp hạng cao thấp dựa trên tổng số điểm của thí sinh.

Mỗi bài của thí sinh đều được 2 giám khảo chấm, và nếu điểm số quá chênh lệch thì 2 vị sẽ hội ý với nhau để có một điểm số chung công bình. Những em dã đậu thi viết sẽ được thi vấn đáp tùy theo sự sắp xếp ngày giờ của ban tổ chức. 

Vài nét về ban tổ chức và ban giám khảo

Có thể nói GGM đã mang theo một không khí trường thi được thu hẹp. Đại khái, ban tổ chức gồm những vị trí sau: Trưởng ban, phó ban ngoại vụ, phó ban nội vụ, ban hành chánh/tổng thư ký, thủ quỹ, trưởng ban khảo thí, trưởng ban vận động tài chánh, trưởng và phó ban kỹ thuật, trưởng ban đặc trách kỷ yếu, cố vấn ban tổ chức…

Ban tổ chức cũng rất chu đáo trong việc phân chia nhân sự như: Ban ẩm thực lo thức ăn suốt ngày cho các ban ngành, một giám sát viên phụ giúp 2 giám khảo, một nhiếp ảnh gia chuyên lo hình ảnh cho các kỳ thi GGM.

Mặc dầu làm thiện nguyện nhưng ai cũng hết lòng để khuyến khích con em chăm lo học thêm tiếng Việt, vì học giỏi 2 ngôn ngữ sẽ giúp cho sự hiểu biết của các em thêm được mở rộng.

Trong thành phần giám khảo đứng tuổi, có thể kể các giáo sư Phạm Quân Hồng, GS Trần Huy Bích, GS Nguyễn Đức Thành, GS Đỗ Anh Tài, GS Vũ Ngọc Mai, GS Bùi Mỹ Dương, GS Nguyễn Ngọc Loan, GS Nguyễn Đình Cường, GS Đỗ Thị Huệ Mỹ, GS Nghiêm Thị Hiếu, GS GS Trần Chấn Trí, GS Cao Minh Hưng, Thầy Vũ Hoàng, GS Đặng Ngọc Sinh, TS Phạm Kim Long, BS Đỗ Trọng Thái v.v… 

Là một người trong ban giám khảo, người viết bài này mạn phép nói thay cho các thân hữu trong ban:

“Chúng tôi rất vui mừng khi được chấm những bài viết xuất sắc của thí sinh, với những ý tưởng phong phú, nét chữ đẹp, lời văn gọn và đúng văn phạm. Điều này cho thấy thí sinh GGM đã có công học hỏi tiếng Việt và văn hóa Việt bằng cả tâm hồn, với tinh thần cầu tiến và hiếu học, trong niềm yêu thương và tự hào về lịch sử và văn hóa Việt Nam.”

Những khuôn mặt nổi trội

Ngoài những vị đứng tuổi, ban tổ chức cũng mời được sự cộng tác của những nhà giáo trẻ. Họ vừa là một sự chuyển tiếp cần có, vừa là một sự dung hòa nhịp nhàng, mang theo nhiều tiến bộ cho tương lai của GGM. Chúng ta có thể kể Cô Phương Lê, một người đã đặc biệt cống hiến nhiều công sức kể từ kỳ thi thứ I cho đến kỳ thứ VII.  Khi thì cô làm giám khảo, lúc làm giám sát viên, liên lạc viên, tiếp xúc với phụ huynh và không nề hà trong nhiều việc không tên khác nữa.

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Giao, người làm chủ một trung tâm dạy kèm trên đường Westminster, đã từng giữ chức vụ trong ban khảo thí và là trưởng ban vận động tài chánh cho GGM. Cô Quỳnh Giao là phu nhân của GS Nghiêm Bảo Toàn, 2 trong 6 vị được ban tổ chức tri ân trong kỳ VII.

Cô Phạm Lan Phương với chức vụ tổng thư ký trong vài kỳ thi, đồng thời phụ trách giới thiệu văn nghệ trong ngày lễ phát thưởng và vận động tài chánh cho GGM.  Bên cạnh cô là GS nhiếp ảnh gia Phạm Quốc Việt, phu quân của cô. Hai vị luôn có mặt từ sáng sớm và chụp hình từ những nhân sự trong ban các ban tổ chức, giám khảo đến thí sinh, phụ huynh và những diễn biến trong kỳ thi và phòng thi trong hầu hết những kỳ thi của GGM.  GS Phạm Quốc Việt cũng được ban tổ chức tri ân vào kỳ VII này.

Ngoài ra, phần tri ân kỳ VII còn có Tiến sĩ Trần Huy Bích, TS Nguyễn Đức Thành, GS Đặng Ngọc Sinh, và vị tổng giám đốc công ty nhật báo Người Việt, bà Hoàng Vĩnh, nữa.

Một đôi bạn đời trẻ tuổi thứ 3 của GGM, luôn có mặt trong suốt 7 kỳ thi GGM, phải kể đến cô Trần Thị Lyly và thầy Tô Tiến Dũng.  Thường thì họ đến từ sáng sớm đến khi bế mạc trong mỗi ngày thi, và nắm những chức vụ trong ban tổ chức như trưởng ban hành chánh, tổng thư ký, ban kỹ thuật…

Ban tổ chức cũng mời được GS Phạm Vân Bằng, phu nhân Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, trong Ban Khảo Thí, GS Nguyễn Khoa Diệu Quyên làm Phó Ban Nội Vụ và bảo trợ Giải Đặc Biệt “Bên em đang có ta” cùng SBTN, Bác sĩ Trần Thúy Phương thường có mặt bên ban tổ chức. Một khuôn mặt trẻ nữa mới được mời làm giám khảo và tỏ ra rất tích cực là GS Huynh Kim Phượng.

Thay mặt Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ, nay được gọi là Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại, Thầy Nguyễn Văn Khoa cũng đã có mặt và yểm trợ thức uống trong suốt 6 kỳ GGM.   Vào kỳ VII này, Thầy Khoa đã làm MC một cách chuyên nghiệp và trang trọng trong suốt buổi phát thưởng.  Thầy nhận xét “Kết quả tìm được từ các em học sinh cho thấy một tiềm năng hiếm quý và là một sức sống tuyệt vời của giới trẻ Việt Nam hải ngoại.

Thí sinh các kỳ thi Giải Gương Mẫu

Nói về thí sinh GGM, đã có một số em dự thi nhiều lần theo độ tuổi từ cấp tiểu học, lên trung học và đại học. Đặc biệt chúng ta có thể kể em Lê Nguyên Vũ Billy đã dự thi 6 lần tất cả. Em đã thường đến giúp cho GGM ngay cả trước khi đậu hạng nhất bậc đại học vào năm 2013, và trong kỳ VI, Billy đã tham gia ban tổ chức với chức phó ban ngoại vụ. 

Được hỏi về GGM, thầy Tô Tiến Dũng nhận xét:

“GGM có những khó khăn riêng nhưng với đường dài, cũng đạt được kết quả, và chắc hẳn cũng có sự hậu thuẫn của cha mẹ các em.” 

Người viết cũng mong sao trong tương lai sẽ có nhiều thí sinh sẽ trở về cùng đóng góp công sức cho GGM vì tương lai của đàn em.

Em Nguyễn Phúc Josepth Lorero, giải Nhất Hùng Biện Giải Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu Kỳ VII


Được biết trong kỳ VII này chúng ta đã trao giải Nhất Hùng Biện cho một em hậu đại học rất xuất sắc, em Nguyễn Phúc Joseph Lorero.  Không những Joseph lý luận bằng tiếng Việt rất thông thạo mà còn say mê đọc rất nhiều tác giả thời tiền chiến như Võ Phiến, Nhã Ca, các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn v.v… Hiện Joseph đang dạy học về hội nhập song ngữ, phụ trách một lớp tiếng Việt và một lớp về lịch sử Hoa Kỳ.

Joseph không hề biết trước đề tài cho đến khi em được hỏi về vấn đề Thuận Xóa Nợ Sinh Viên.   Em đã có những lý luận sắc bén về xóa nợ mà theo em, khi vay mượn sinh viên phải ký giấy lúc còn trẻ, không hiểu được rằng 3, 4 và nhiều năm sau vẫn còn bị nợ nên họ không có khả năng đầu tư cho tương lai.

Tiến sĩ Trần Huy Bích đã không tiếc lời khen ngợi cách lý luận của Joseph mà cả khi được hỏi thêm về văn học Việt Nam, Joseph cũng trả lời một cách chính xác và minh bạch.  Vị Chánh Án Nguyễn Trọng Nho khi lên trao phần thưởng cho em cũng cho biết là ông “rất vui khi được thay mặt ban tổ chức trao giải nhất hùng biện cho Joseph. Em đã trở thành người gương mẫu trong hiện tại và cả trong tương lai nữa.”

Em Nguyễn Gia Hân đang học cấp 7 và đã chiếm giải nhất.
Em Trần Bảo Vy, 7 tuổi, lần đầu tiên dự thi và cũng đạt giải nhất.  Em cho biết đang học Việt Ngữ lớp 2 của trường Hồng Bàng, và lớp 3 trường Mỹ.  Dịu dàng trong chiếc áo dài trang nhã, bé Vy cho biết đã được cha mẹ dạy thêm ở nhà “một chút xíu.”
Đặc biệt em Keira K. đã tham gia nhiều kỳ, từng được giải khuyến khích, và vẫn tiếp tục dự thi, đến kỳ VII này vừa đạt được giải nhất cấp 7-9.

Tương lai Giải Gương Mẫu

Được biết từ kỳ I đến kỳ IV, mỗi kỳ có một vị trưởng ban. Sau kỳ I đã được nêu trên phần đầu của bài viết về GGM, kỳ II, vị trưởng ban kiêm ngoại vụ là GS Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, kỳ III do Tiến Sĩ Phạm Kim Long đảm trách, kỳ IV do LS kiêm Dược sĩ Nguyễn Michelle Thanh Mai đảm nhận.

Vị Trưởng Ban được tín nhiệm trong cả 3 kỳ V, VI và VII là Bác Sĩ Nguyễn Anh Hoàng, một vị trưởng Ban trẻ nhất của GGM.  Bác sĩ sinh ra ở Việt Nam, lớn lên được hấp thụ nền giáo dục Hoa Kỳ nên BS rất tinh thông về cả 2 nền văn hóa Việt và Mỹ.  Thêm vào đó, ông còn được học chữ nôm nữa.  Bác sĩ Hoàng cho tôi biết ông “có thể làm một nhịp cầu giữa các thầy cô và những học sinh học tại trường Mỹ.  Ông mong mỏi có thể giúp các em tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, ươm những hạt mầm tươi tốt cho các thế hệ mai sau.”  BS cũng nói ông coi đó là một công việc chung cho mọi người.

Kể từ kỳ VI, GGM đã bắt đầu “bước vào kỷ nguyên điện toán,” nghĩa là thí sinh không còn phải điền đơn bằng tay như cũ mà dùng máy điện toán cho được mau chóng và tiện lợi. Theo BS Hoàng, nhờ kỹ thuật mới mà số thí sinh cấp đại học và hậu đại học gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên số thí sinh cấp tiểu học của kỳ VII năm nay tương đối ít so với thí sinh các cấp cao.  BS trưởng ban đã thấy được điều đó nên cho biết sẽ đề nghị kỳ VIII dành ra một ngày cho những thí sinh không rành về điện toán có thể được giúp trong việc điền đơn dự thi.  Với sự chu đáo này, số thí sinh của các cấp sẽ được tương đối cân bằng hơn, và tổng số em dự thi còn đông vui hơn nữa.

BS Trưởng Ban Nguyễn Anh Hoàng cũng cho rằng vì kỳ thi dành cho Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu Việt Nam nên mặc dầu thí sinh học tại Hoa Kỳ rất rành tiếng Anh, chúng ta vẫn nên giữ lại 1 trong 4 điều kiện đầu tiên là thí sinh phải biết đọc, biết viết và nói tiếng Việt như một điều kiện không thể thiếu.

Tiến Sĩ Phạm Thị Huê cho biết từ 19/5/2023 GGM đã bắt đầu nhận đơn qua mạng.  Tuy nhiên vì thí sinh còn ít nên phải gia hạn thêm 2 tuần và sau cùng, ban tổ chức đã có được số thí sinh đầy đủ cho các cấp lớp và cho tất cả các giải đặc biệt.
Những giải đặc biệt này gồm có: “Em Yêu Nước Việt” do Hội Giáo Chức Nam Cali bảo trợ, “Giải Hùng Biện” do Chánh Án Nguyễn Trọng Nho và Tiến Sĩ Trần Huy Bích bảo trợ,  “Tinh thần Nguyễn Ngọc Phú” bảo trợ bởi Tổng Hội sinh viên Nam Cali, “Bên Em Đang Có Ta” do Cô Diệu Quyên và SBTN bảo trợ, “Honoring Character” do Tiến sĩ Trần Đức Thành bảo trợ, “Học Tiếng Việt Ở Nhà” do nhà văn Nhất Phương và TS Phạm Kim Long bảo trợ, “Danh Nhân Nước Việt” với chủ đề Hai Bà Trưng do Hội Trưng Vương bảo trợ.

Đây là 7 giải đặc biệt do những cá nhân và đoàn thể bảo trợ. Người viết hi vọng, trong tương lai sẽ còn nhiều mạnh thường quân tiếp tay hơn nữa cho tất cả những thí sinh đoạt giải nói chung.  Thật vậy, tuy ngân quỹ của GGM có giới hạn, nhưng GGM càng ngày càng có những cải thiện thích đáng để đáp lại nhu cầu học tiếng Việt và lịch sử cùng văn hóa Việt Nam trong tương lai.

Năm nay, kỳ VII, nhờ nộp đơn trên mạng mà GGM đã có được nhiều thí sinh bậc trung học, đại học và hậu đại học đông hơn các em bậc tiểu học. Do đó thành phần giám khảo cũng có nhiều sự thay đổi, vừa được trẻ trung hóa, vừa được sự cộng tác của một số thầy cô đang dạy học tại các học khu tại đại học Hoa Kỳ.

“Với nhiều cố gắng và sự hy sinh của các thầy cô trong ban giám khảo mà GGM kỳ thứ VII đã được hoàn thành tốt đẹp. Chúng tôi nối tiếp đốt đuốc đi tìm nhân tài tương lai, thành phần lãnh đạo cho cộng đồng. Tôi nghĩ đến lời nói của Ông Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Giáo Sư Huê công nhận, và nói bà mong rằng ban tổ chức của GGM luôn tiếp tục vượt qua sự “e dè, ngần ngại để rồi núi sông nào cũng cùng nhau vượt qua.”
Kỳ thi thứ VII quả là đã vượt qua được nhiều thử thách về nhân sự và tổ chức theo đúng với trào lưu tiến bộ của tuổi trẻ.

Lễ phát thưởng Giải Gương Mẫu kỳ VII

Toàn thể học sinh được lãnh giải Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu Kỳ thứ VII


Buổi Lễ Phát Thưởng kỳ VII đã được tổ chức đúng giờ, một điều rất đáng khen vì ngay từ trước giờ khai mạc, nhiều người đã phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ đậu xe.

Trong phần nghi thức khai mạc, sau lễ chào quốc kỳ Việt – Mỹ, phút mặc niệm và giới thiệu quan khách, bài đồng ca “Gương mẫu hành khúc” thơ Tường Vy, nhạc Cao Minh Hưng đã được toàn thể học sinh được lãnh thưởng hợp ca.  Cũng trong phần hợp ca, bài “Bên em đang có ta” của NS Trúc Hồ, phổ nhạc lời của NS Trầm Tử Thiêng.  Tên bài hát này mang đầy kỷ niệm vì cũng là tên của Giải Đặc Biệt mà SBTN và Trầm Tử Thiêng Foundations bảo trợ.  Kể từ nay, chúng ta sẽ rất hân hạnh được hợp ca hai bài trên trong phần khai mạc Giải Gương Mẫu.

Về phía quan khách, ban tổ chức đã mời rất nhiều vị dân biểu và đại diện dân cử cũng như 2 vị hiệu trưởng của 2 ngôi trường đã nhận dạy tiếng Việt cho học sinh.

Dân biểu Trí Tạ phát biểu:

“Rất hãnh diện khi thấy học sinh sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ mà biết hát quốc ca Việt Nam và quốc ca Mỹ.”

Ông cũng ngỏ lời cám ơn các thầy cô và phụ huynh đã “giúp con em giữ được bản sắc Việt Nam.”

Riêng BS trưởng ban thì cho biết rất vui với kết quả cuộc thi Giải Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu Kỳ VII năm 2023.
Xin được ghi lại 2 câu đối của BS dành cho GGM năm nay:

Bắc Mỹ đất mới tự do nhân bản góp muôn bàn tay vun trồng nhân tài mới
 Nam Việt quê xưa truyền thống can trường chung một tấm lòng bồi đắp phẩm giá xưa.”    

Mong rằng ban tổ chức và các ban ngành của GGM sẽ nắm tay nhau để cùng: “Vun trồng nhân tài mới” và “Bồi đắp phẩm giá xưa” cho tương lai của Giải Gương Mẫu và tuổi trẻ Việt Nam. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights