Kamala Harris là ai?

by Tim Bui
Kamala Harris là ai?

KALYNH NGÔ

Kể từ chiều Chủ Nhật 21 Tháng Bảy, người Mỹ, nước Mỹ, truyền thông Mỹ gần như quên khuấy những chủ đề về sức khỏe, tuổi tác, buổi tranh luận không mấy thành công của Tổng Thống Biden, mà họ đã khai thác trong suốt hai tuần liên. Tất cả bút lực chỉ nhắm vào một cái tên: Kamala Harris.

Phó Tổng Thống Kamala Harris, nữ phó tướng “trầm lặng” của ông Biden trong gần bốn năm qua bỗng chốc trở thành “tấm vé nặng ký nhất” để ông Biden trao lại ngọn đuốc trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc 2024.

Chỉ trong vòng vài giờ sau khi Tổng Thống Biden loan tin ủng hộ bà Harris, số tiền quyên góp vào ban vận động tranh cử của bà Harris từ giới thường dân là khoảng $60 triệu.

Trong vòng một ngày, số tiền tăng lên $231, trong đó đến từ nhiều tổ chức, mức gây quỹ nhanh nhất và nhiều nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Một phụ nữ da màu, một gia đình di dân
Đáng chú ý hơn tất cả, trong ý thức hệ chính trị của một xã hội vẫn mang rào cản cố hữu về giới tính như Hoa Kỳ, Kamala Harris là một phụ nữ, lại là một phụ nữ da màu. Tuy nhiên, có vẻ như đây lại chính là chất xúc tác đang làm cho ngọn lửa “Freedom” (tên ca khúc mà ca sĩ Beyonce trao quyền sử dụng cho ban vận động tranh cử của bà Harris) bùng cháy ngoạn mục trong những ngày qua, đặc biệt là trong giới trẻ.

Bà Kamala Harris sinh ra ở Oakland, California ngày 20/10/1964. Nghĩa là ngày toàn dân Hoa Kỳ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, bà vừa tròn 60 tuổi. 

Kamala Harris là con của một gia đình di dân. Trong cuốn hồi ký của bà – “The truths we hold, an American journey” – bà nhấn mạnh tên mình được phát âm là “comma-la” và nó có nghĩa là “hoa sen,”  để tỏ sự tôn kính dành cho một biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Ấn Độ.

Cha của bà Kamala là ông Donald Harris, một di dân từ Jamaica đến Hoa Kỳ để học kinh tế tại University of California, Berkeley. Hiện ông là giáo sư danh dự về kinh tế học của Stanford.

Mẹ của Kamala là bà Shyamala Gopala Harris, một di dân đến từ miền Nam Ấn Độ vào cuối những năm 1950. Bà Shyamala lấy bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết tại Berkeley và trở thành nhà nghiên cứu ung thư ngực nổi tiếng trước khi qua đời năm 2009.

Trong “The truths we hold, an American journey”, bà Kamala viết rằng cha mẹ của bà đã gặp và yêu nhau tại Berkeley khi cả hai tham gia phong trào dân quyền. Cuộc hôn nhân tan vỡ khi Kamala và em gái là Maya còn nhỏ.

Mang hai dòng máu trong người, Kamala Harris trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên gốc Phi hoặc Nam Á.

Emhoff và Harris kết hôn vào năm 2014, và Harris trở thành mẹ kế của hai đứa con của ông từ cuộc hôn nhân trước: Cole Emhoff, 30 tuổi và Ella Emhoff, 25 tuổi. 

Hình tượng người mẹ di dân gốc Ấn ảnh hưởng vô cùng to lớn trong cuộc đời Kamala. “Chính mẹ đã hình thành nên tính cách vốn có một phụ nữ trong chị em chúng tôi. Bà dạy chúng tôi tự hào về di sản của người da đỏ và người da đen,” Kamala viết trong cuốn hồi ký. 

“Những cái tên Ấn Độ cổ điển của chị em chúng tôi gợi nhớ đến di sản của dân tộc mình, và chúng tôi đã lớn lên với nhận thức sâu sắc cũng như sự tôn kính về văn hóa Ấn Độ.”

“Mẹ tôi hiểu rất rõ rằng bà đang nuôi hai cô con gái da đen. Bà biết rằng quê hương đón nhận bà ấy sẽ coi Maya và tôi là những cô gái da đen, và bà quyết tâm bảo đảm chúng tôi sẽ lớn lên thành những phụ nữ da đen tự tin và hãnh diện.”

Con đường sự nghiệp
Chính ý thức sâu sắc về cội nguồn mà bà Kamala Harris được giáo dục từ nhỏ đã cho bà những bước đi độc lập, những cuộc phấn đấu đầy nghị lực để vươn lên trong một xã hội còn quá nhiều khắt khe, định kiến về sắc tộc, giới tính.

Năm 1982, Kamala ghi danh vào trường Howard University, trường đại học lịch sử của người da màu ở trung tâm Washington, DC.

Tại đây, bà gia nhập Alpha Kappa Alpha, hội nữ sinh da đen lâu đời nhất và lấy bằng cử nhân về khoa học chính trị và kinh tế. Sau này bà là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp HBCU được bầu làm phó chủ tịch.  

Sau tấm bằng cử nhân, Kamala quay về California học ngành luật ở University of California Hastings. Trong một buổi phỏng vấn cách đây vài năm với truyền thông, Kamala nói bà quyết định theo đuổi sự nghiệp công tố viên, bà biết mình phải thuyết phục và bảo vệ lựa chọn này với bạn bè và gia đình.

Cũng trong cuốn hồi ký, Kamala viết: “Nước Mỹ có một lịch sử sâu sắc và đen tối về việc sử dụng quyền lực của công tố viên như một vũ khí gây ra sự bất công. Nhưng tôi cũng biết hệ thống đó không phải là bất di bất dịch. Và tôi muốn trở thành một phần trong việc thay đổi điều đó.”

Đúng với lời hứa, sau khi tốt nghiệp trường luật, trong ba thập niên sự nghiệp của mình, Kamala có khá nhiều những “cái đầu tiên” để nhắc đến: Bà là người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Phi đầu tiên đầu tiên trở thành công tố viên của San Francisco năm 2010. Năm 2011, bà là nữ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của tiểu bang California. Năm 2017, bà là người Mỹ gốc Á đầu tiên trở thành Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California. Năm 2021, Kamala Harris đi vào lịch khi trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Một trong những thành tựu nổi bật của bà với tư cách là bộ trưởng tư pháp là tạo ra Open Justice, một nền tảng trực tuyến để cung cấp dữ liệu tư pháp hình sự cho công chúng. Cơ sở dữ liệu đã giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của cảnh sát bằng cách thu thập thông tin về số người chết và bị thương của những người bị cảnh sát giam giữ.

Và bây giờ, một lịch sử khác lớn hơn của nước Mỹ cũng do chính bà vẽ lên: ứng cử viên nặng ký nhất sắp đứng ra đại diện Đảng Dân Chủ tranh cử tổng thống 2024.

Người mẹ kế
Một điểm “đầu tiên” nữa, liên quan đến đời sống riêng tư của bà Kamala Harris là việc  bà là nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ là mẹ kế của hai người con riêng của chồng, Cole Emhoff, 30 tuổi và Ella Emhoff, 25 tuổi. Kamala kết hôn với Doug Emhoff, một người gốc Do Thái năm 2014. Hai người gặp nhau trong một bữa tiệc nhỏ, thân mật do em gái của bà tổ chức. Kamala và Emhoff “yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên,” sau này bà kể lại như thế với truyền thông.

Buổi tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng Thống Kamala Harris năm 2021 có sự tham dự của bà Kerstin Emhoff, vợ trước của Đệ Nhị Quý Ông Doug Emhoff. Hai người con của Emhoff gọi Kamala là “Momala” và nói rằng mối quan hệ giữa mẹ ruột của họ và gia đình hiện tại của họ rất gắn bó và yêu thương nhau. 

“Chúng tôi như có một tiểu đội cha mẹ ba người. Rất thú vị.” Ella nói với The New York Times.

Kamala từng viết một bài đầy cảm xúc về gia đình của bà cho tờ Elle Magazine. Trong đó có đoạn: “Biết Cole và Ella là biết về người mẹ đã sinh ra các cháu, Kerstin là một người mẹ tuyệt vời. Kerstin và tôi là những người bạn thân thiết. Cô ấy và tôi đã trở thành một đôi hoạt náo viên trên khán đài tại các trận đấu bơi lội và bóng rổ của Ella, thường khiến con bé bối rối.”

Tờ Politico tiết lộ một ngày của Kamala Harris bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Bà dành nửa tiếng để tập thể dục. Bà dùng một chén Raisin Bran cùng sữa hạnh nhân, trà mật ong với chanh trước khi làm việc.

‘Tôi có di sản của riêng tôi’
Khi một phóng viên hỏi Kamala Harris về việc liệu bà có đặt những di sản của cựu Tổng Thống Obama vào cuộc vận động tranh cử của mình hay không. Câu trả lời của Kamala là “Tôi có di sản của riêng tôi.”

Có thể nói, cả đương kim Tổng Thống Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris đều lên án phán quyết Dobbs năm 2022 của Tối Cao Pháp Viện, lật ngược Roe v. Wade, và ít nhiều sẽ ủng hộ bảo toàn quyền lựa chọn của thai phụ. Bà đã nhắc lại nhiều lần về điều này trong những lần xuất hiện gần đây.

Về môi trường, khí hậu, khi còn là thượng nghị sĩ, Kamala đồng bảo trợ quyết nghị định hình “Green New Deal” – một kế hoạch lớn nhằm đưa nước Mỹ tiến tới nhiên liệu sạch 100% trong vòng một thập niên trong khi tạo công ăn việc làm và “chăm sóc sức khỏe phẩm chất cao.”

Bà Kamala Harris là người lên tiếng ủng hộ xóa nợ sinh viên từ sớm. Có thể hiểu vì sao Kamala được sự ủng hộ rất lớn của thành phần là cử tri trẻ trên mạng xã hội trong mấy ngày qua. Những cử tri này xem việc xóa nợ sinh viên là quan trọng. Bà cũng từng ủng hộ chương trình miễn phí đại học của Thượng Nghị Sĩ Độc Lập Bernie Sanders, nhắm tới việc hủy bỏ học phí cho tất cả sinh viên đại học hai năm và sinh viên giới trung lưu tại đại học bốn năm. Dự Luật Không Nợ Đại Học được tái đệ trình lên Quốc Hội năm 2023. 

Hiện nay, không ai khác, giới trẻ chính là làn sóng cử tri ủng hộ Kamala Harris nhiều nhất. Nền tảng mạng xã hội X, TikTok, Instagram ngập tràn những “meme” – tức hình ảnh hoặc video sáng tạo dựa theo một chủ thể hoặc sự việc trước đó. Câu chuyện về “Kamala and coconut trees” là một trong những “meme” đó.

Tất cả bắt đầu từ hơn một năm trước, trong buổi lễ tuyên thệ do Harris chủ trì vào Tháng Năm năm 2023 tại tòa nhà Eisenhower Executive Office Building. Khi nữ phó tổng thống kể lại lời nói của người mẹ quá cố của mình, là bà đang kể lại một bài học về tầm quan trọng của lịch sử.

“Mẹ của tôi rất nghiêm khắc với chúng tôi, và bà hay nói thế này, ‘Mẹ không biết những người trẻ như các con nghĩ gì. Con nghĩ rằng con chỉ đơn giản rơi xuống từ cây dừa thôi sao?’” bà Kamala kể lại trong buổi lễ tuyên thệ đó.

Buổi nói chuyện đó có những người được chính phủ bổ nhiệm, những người sẽ làm việc về quyền bình đẳng kinh tế và giáo dục cho người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, bà Kamala nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của họ không chỉ là hỗ trợ những người trẻ tuổi mà còn cả cha mẹ, ông bà, giáo viên và cộng đồng của họ.

“Chúng ta tồn tại trong một quần thể có tất cả những gì liên đới với cuộc sống của chúng ta và những gì hiện diện trước khi chúng ta đến,” Kamala nói.

Phó Tổng Thống Kamala Harris muốn gửi đến giới trẻ một thông điệp cụ thể: Không ai trong chúng ta là một hòn đảo cô lập.

Một thông điệp sâu sắc và đầy nhân sinh quan đã được Kamala Harris truyền đến người trẻ bằng câu chuyện sinh động, đáng nhớ, với câu hỏi đầy ngụ ý của người mẹ quá cố.

Phó Tổng Thống Kamala Harris đang bước vào cuộc đua với phương châm mà chính người mẹ quá cố của bà đã truyền dạy: “Con có thể là người đầu tiên, nhưng phải bảo đảm con không là người cuối cùng.”

Tháng 11 chưa tới. Chưa ai biết liên danh nào sẽ thắng. Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống da màu hay chưa? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên mạng xã hội thì có thể thấy, người Mỹ không thờ ơ với cuộc bầu cử 2024.


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights