Khổ qua mẹ nấu, khổ qua đường đời

by Tim Bui
Khổ qua mẹ nấu, khổ qua đường đời

VŨ THẾ THÀNH

Hồi nhỏ tôi không thích ăn khổ qua, nhìn trái khổ qua cũng không ưa, sần sùi như khuôn mặt bị lồi thịt lổm chổm. Không thích chỉ vì vị đắng của khổ qua. Mẹ tôi cho rằng, rau trái nào có vị đắng đều là tốt lành, “thuốc đắng dã tật.”

Bà đã vài lần làm món canh khổ qua nhồi thịt, dụ tôi ăn. Tôi không khen chê, nhưng ngấm ngầm phản ứng, chỉ húp vài muỗng nước, mà không ăn cái. Con nít ưa đồ ngọt chứ có đứa nào thích món cay, món đắng.

Niềm tin “thuốc đắng dã tật” của mẹ tôi không phải là không có lý. Khổ qua được xem là vị thuốc dân gian trị bá bệnh ở các nước châu Á và châu Phi cả vài trăm năm nay. Còn thời buổi hiện đại, gán cho khổ qua nhiều lợi ích sức khỏe, diệt khuẩn, kháng viêm, hạ mỡ máu, phòng chống ung thư… Nhưng đáng kể nhất là khổ qua làm hạ đường huyết.

Thằng bạn tôi bị tiểu đường, lúc nào cũng kè kè chai nước khổ qua vợ nấu, khát thì uống “trà khổ qua” thay cho nước.

Đã có nhiều nghiên cứu về lợi ích hạ đường huyết của khổ qua, cả trên súc vật lẫn trên người. Kết quả xem ra cũng tương đối, nhưng số mẫu thử nghiệm còn nhỏ, chưa thể kết luận gì được.

Các ông bà thực phẩm chức năng dĩ nhiên cũng nhảy vào cuộc với những viên “bitter melon” quảng cáo là “ổn định đường huyết.” Cơ chế làm hạ đường huyết của khổ qua đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng, nó ức chế hấp thu glucose từ ruột, thúc đẩy việc tiết insulin. Chất nào trong khổ qua đem lại lợi ích này cũng chưa được xác định.

Bệnh tiểu đường không phải chuyện giỡn chơi, nhất là với người lớn tuổi. Khổ qua chỉ là thực phẩm, có thể hỗ trợ cho thuốc điều trị, chứ không thể điều trị. Cho đến nay, y học vẫn chưa xem khổ qua, kể cả các viên thực phẩm năng “bitter melon” là liệu pháp thay thế insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác.

Thế còn vị đắng, chất nào tạo ra vị đắng cho khổ qua? Khoa học xác định đó là chất momordicin, một loại alkaloid. Chất này có “dã tật” như niềm tin của mẹ tôi hay không thì khoa học chưa xác nhận được. Tất cả lợi ích của trái khổ qua, cũng như các loại rau củ khác khác đều quy cho các chất chống oxy hóa có trong chúng.

Niềm tin “thuốc đắng dã tật” của mẹ tôi vẫn không thay đổi, nhưng tôi thì thay đổi với vị đắng. Khẩu vị con người dường như “tiến hóa” theo năm tháng. Khi lớn, tôi biết thưởng thức vị đắng của khổ qua. Tôi thích vị đắng hơn vị chua, thích vị mặn hơn vị ngọt. Tuy nhiên, vị đắng cũng năm bảy đường. Vị đắng của khổ qua dễ chịu hơn nhiều so với vị đắng của rau cải đắng.

Khổ qua đắng nhiều hay ít còn tùy thuộc nhiều thứ: trái chín đắng hơn trái non, trái sậm màu đắng hơn trái nhạt màu. Ngâm nước muối hay làm lạnh làm giảm vị đắng của khổ qua. Khổ qua thái lát đông lạnh chẳng còn chút gì vị đắng, ăn chán!

Tôi không biết vì sao lại gọi là “khổ qua,” có lẽ gốc gác từ chữ Hán, tôi đoán mò thế. Tôi thích cái tên “khổ qua” hơn là mướp đắng, dù cái tên “khổ” cũng làm khổ nó. Dân miền Nam chẳng ai dám đưa trái khổ qua lên bàn thờ, sợ khổ cả năm.

Tôi thích hai món khổ qua xào trứng, và khổ qua nhồi thịt mà khi sống mẹ tôi thường làm. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn ăn hai món đó. Có khi chỉ cần tô canh hai trái khổ qua nhỏ nhồi thịt là xong bữa tối.

Khổ qua mẹ nấu và khổ qua đường đời, tôi không biết vị đắng của hai loại khổ qua này có liên quan gì đến nhau không, nhưng tôi biết câu ca: “Canh khổ qua mẹ nấu chê đắng/Ra đường đời ngậm đắng nuốt cay.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights