LÝ THÀNH PHƯƠNG
Bối cảnh
Năm 226, Thái thú Sĩ Nhiếp, quan cai trị Giao Chỉ qua đời, vua Đông Ngô (Trung Quốc thời Tam Quốc) là Tôn Quyền bèn chia đất từ Hợp Phố về bắc thuộc Quảng Châu dùng Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố về nam là Giao Châu, sai Đại Lương làm thái thú; và sai Trần Thì làm thái thú quận Giao Chỉ. Lúc bấy giờ, con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tự nối ngôi và xưng là thái thú, liền đem binh chống lại.
Thứ sử Lữ Đại bèn xua quân sang đánh dẹp. Do nghe lời chiêu dụ, Sỹ Huy cùng năm anh em ra hàng. Lữ Đại giết chết Sĩ Huy, còn mấy anh em thì đem về đất Ngô làm tội. Dư đảng của Sỹ Huy tiếp tục chống lại, khiến Lữ Đại mang quân vào Cửu Chân giết hại một lúc hàng vạn người.
Cuộc đời và sự nghiệp
Bà Triệu hay còn được gọi là Triệu Ẩu (tiếng Hán có nghĩa là Bà Triệu), tên là Triệu Thị Trinh, sinh năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, tuy còn ít tuổi, bà đã rắn rỏi thưa: “lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Truyền thuyết kể rằng, bấy giờ ở quê bà có con voi trắng một ngà rất hung dữ phá phách ruộng nương, làng xóm, cây cối không ai trị nổi. Bà bèn họp các bạn bày mưu, dùng kế lừa voi xuống một bãi đầm lầy, rồi bà nhảy lên đầu voi, dùng búa khuất phục nó. Từ đó voi trở thành người bạn chiến đấu trung thành của bà.
Khi cha mẹ mất, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con, Bà Triệu nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.”
Đến năm 20 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết chị dâu rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc các xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn; xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh và xã Trung Thành huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ.
Năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô tàn ác, dân tình khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh việc khởi binh chống lại. Sau một thời gian chuẩn bị, anh em Bà Triệu dùng khu vực rừng núi Nưa để lập căn cứ, tập hợp thêm lực lượng, chuẩn bị lương thảo, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động xuống miền đồng bằng. Dưới ngọn cờ cứu nước của Bà Triệu, nhân dân khắp huyện Cửu Chân một lòng ủng hộ, nô nức tham gia.
Cuộc khởi nghĩa của bà và Triệu Quốc Đạt bùng nổ vào năm 248 và được dân trong quận Cửu Chân (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng lan tỏa ra quận Giao Chỉ (khu vực Hà Nội và các tỉnh chung quanh ngày nay). Bà làm hịch truyền đi khắp nơi, kể tội nhà Ngô và kêu gọi mọi người đứng dậy đánh đuổi quân Ngô. Từ núi rừng Ngàn Nưa, nghĩa quân Bà Triệu tấn công thành Tư Phố và thắng được nhiều trận lớn.
Bà Triệu cùng nghĩa quân vượt sông Mã xuống vùng Bồ Điền để xây dựng căn cứ địa. Về mặt quân sự, địa hình tự nhiên vùng Bồ Điền có đủ yếu tố để xây dựng một căn cứ thuận lợi cho cả “công” lẫn “thủ”. Từ đây có thể ngược sông Lèn, sông Âu ra sông Mã rút lên mạn Quân Yên (quê hương Bà Triệu), hoặc tới căn cứ núi Nưa lúc cần; lại có thể chủ động tấn công ra phía Bắc theo lối Thần Phù để khống chế địch ở mặt này.
Dựa vào địa hình hiểm yếu ở Bồ Điền, nghĩa quân xây dựng một hệ thống đồn lũy vững chắc. Thanh thế nghĩa quân ngày càng lớn, khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ nhân dân một lòng hưởng ứng công cuộc cứu nước của Bà Triệu. Các thành ấp của giặc Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị hạ.
Từ Cửu Chân, Giao Chỉ, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra tận Cửu Đức, Nhật Nam (khu vực miền Trung, phía nam của Thanh-Nghệ-Tĩnh). Thứ sử Giao Châu bị giết, bọn quan lại đô hộ ở Giao Châu hết sức hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của nghĩa quân. Sử nhà Ngô thú nhận: Năm 248 “toàn thể Châu Giao đều chấn động”.
Đang lúc ấy, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Với vai trò
Minh chủ, Bà Triệu tỏ ra rất có tài chỉ huy lúc chiến đấu thì vô cùng dũng mãnh. Khi ra trận, Bà mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà,
cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Bà Triệu lãnh đạo quân khởi nghĩa đã đánh cho quân Ngô nhiều
trận thất điên bát đảo.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Đạp luồng sóng dữ, đánh tan giặc thù
Quân Ngô ở miền Cửu Chân không đủ sức phá nổi nghĩa quân, vì vậy vua Ngô phải cử viên danh tướng Lục Dận làm thứ sử
Giao Châu kiêm chức An Nam Hiệu úy, đem thêm 8.000 quân tinh nhuệ sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa.
Lục Dận một mặt ra sức trấn áp nhân dân, mặt khác dùng thủ đoạn xảo quyệt, đem của cải, tiền bạc mua chuộc nhiều thủ lĩnh địa phương nhằm ổn định Giao Chỉ để tập trung lực lượng tấn công trọng điểm của quân khởi nghĩa ở Cửu Chân.
Quân Ngô hơn hẳn quân khởi nghĩa về mặt tổ chức cũng như về mặt vũ khí. Quân khởi nghĩa, mặc dù dũng mãnh, nhưng với thế cô, lực bạc không đủ cầm cự lâu dài với đạo binh với vũ khí hiện đại hơn và với quân số đông hơn mình gấp nhiều lần. Do đó, sau nhiều cuộc tấn công ráo riết của địch quân, Bà Triệu cùng với nghĩa quân phải rút về núi Tùng Sơn.
Theo Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, lực lượng khởi nghĩa của bà Triệu chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi. Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến năm 265.