Không chọn ngành theo ý bố có phải là bất hiếu?

by Tim Bui
RẮC RỐI TƠ LÒNG

MẮT NÂU

Hỏi: Cháu tên Quân, 24 tuổi, đang  học kỹ sư điện toán (computer science). Bố cháu cứ đem cháu so sánh với con của bạn ông đang theo học bác sĩ và tỏ ý cũng muốn cháu theo học ngành y khoa. Cháu khó chịu, nhưng không thể vì bị nói khích mà thay đổi sở thích của mình. Thấy cháu không đổi ý, bố cháu bảo đó là điều bất hiếu, vậy cô thấy bố cháu có đúng không? Mẹ cháu không đồng quan điểm với bố cháu, nhưng mẹ bất lực. Cháu thương mẹ. Bất hiếu là gì và có tội như thế nào vậy cô?
Thằng bạn cháu nó xúi cháu bỏ nhà đi cho khuất mắt ông già, khỏi phải nghe những lời khó chịu nhức đầu. Cô nghĩ sao?

Đáp: Xin phép cháu, cô không trả lời theo thứ tự câu hỏi. Trước hết  bất hiếu  nghĩa là con cái có những hành động, cư xử, hoặc lời nói làm buồn lòng đấng sinh thành, gây tổn thương cho cha mẹ.
Trong mọi tôn giáo, tội bất hiếu bị cho là tội lớn nhất trong đạo làm người. Nhiều người có quan điểm rằng những đứa con phạm tội bất hiếu phải nhận chịu hậu quả không tốt trong cuộc sống. Thử hỏi nếu cháu nghe lời  bạn bỏ nhà ra đi thì  giải quyết được gì?
Cháu đã biết hỏi về chữ hiếu, và biết thương mẹ, thì hãy khoan làm bất cứ điều gì trong lúc này để tránh mâu thuẫn gia đình, gây chia rẽ quan điểm giữa bố mẹ.
Bỏ nhà đi chẳng giải quyết được gì cho cháu, mà chỉ gây mâu thuẫn thêm cho gia đình, có thể đẩy đến chỗ bị tội bất hiếu, mà cũng tội nghiệp bản thân mình.       Người bạn cháu nghe cháu than thở thì xúi cháu bỏ nhà đi cho “khuất mắt ông già,” đó là suy nghĩ theo cảm tính, nông cạn nhất thời, của thanh niên tuổi trẻ.
Phần khác, có thể do bạn của bố cháu vô tình hay cố tình khoe khoang con cái của họ theo lối cường điệu, chủ quan, cổ hủ, mà trong quá khứ đã rất nhiều bậc cha mẹ mắc phải, khiến bố cháu trong phút tự ái, cho rằng con mình (theo cái nhìn cổ xưa đánh giá cao bác sĩ) có vẻ thua kém, trở thành bực dọc, nóng nảy mà tuyên bố rằng cháu là người con bất hiếu. Đây có thể cũng chỉ là phản ứng nhất thời, chứ bố cháu trong thâm tâm thực sự cũng không nghĩ như vậy.
Miệng đời bao giờ cũng là nguyên nhân tệ hại, gây bất hạnh trong xã hội. Thị phi, bình phẩm, so sánh, ganh tị chỉ xảy ra trong xã hội loài người, không có trong xã hội loài vật.
Con người chúng ta tự hào cao hơn con vật, nhờ có miệng biết nói và có ngôn ngữ để trao đổi trong giao tế. Nhưng chính khẩu nghiệp đã đem đến đau khổ triền miên cho đồng loại.  
Cô cho rằng bố cháu vì thương con, muốn con hơn người, trong cơn nóng giận đã quá lời.
Cháu cứ tạm gác lại mọi điều, cứ làm thinh và học. Từ từ bố cháu nghĩ lại, sẽ đâu vào đấy. Chẳng cha mẹ nào trách mắng con khi nó chịu học hành đến nơi đến chốn và biết im lặng khi cần.
Cháu may mắn còn có mẹ không cùng suy nghĩ như bố. Thái độ không chống đối, không trả treo, không thách thức của cháu sẽ giúp cháu bày tỏ tư cách một người con biết suy nghĩ chín chắn, không bất hiếu. Từ từ, với sự giúp đỡ của mẹ, cháu sẽ có dịp chứng minh rằng xã hội cần phải có người theo nhiều ngành nghề để phục vụ tha nhân. 
Cư xử ôn hòa, không tỏ sự bất mãn là cách tốt nhất để không từ bỏ sở thích của mình. Khi bố cháu thấy được là ngành kỹ sư cũng hữu dụng như ngành bác sĩ thì quan niệm cháu không chịu nghe lời ông để học y khoa là bất hiếu, sẽ không còn nữa.
Vì thương con, cha mẹ nào cũng mong con thành đạt, và trong xã hội chúng ta đang sống, quan niệm thành đạt là kiếm được nhiều tiền. Bố cháu có thể cũng có quan niệm như vậy. Ở thời đại nào, hai thế hệ khác nhau thường có những suy nghĩ không đồng điệu, đó là chuyện thường tình. Cháu hãy chịu khó bớt quan tâm đến những so sánh đó của bố để bớt khó chịu mà tập trung vào việc học của mình.
Ngày nay điện toán là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và chưa hẳn không kiếm nhiều tiền. Nghề nào cũng có thành quả và giá trị riêng của nó. Một giá trị rất quan trọng là đó là điều mà cháu thích. Ngành học cần phù hợp với sở thích sở trường, mà mục đích nào cũng để kiếm những đồng tiền lương thiện, cho nên mọi nghề đều đáng quý trọng đáng phục như nhau. Được làm công việc mình yêu thích là một trong những điều khiến chúng ta có cuộc sống đầy hứng khởi, hạnh phúc.
Người xưa nói: Muốn thành công phải thành nhân. Điều này cho thấy thành nhân, tức nên người, ở thời nào cũng là điều cần thiết và quan trọng nhất.
Chữ hiếu là một yếu tố quan trọng trong việc nên người, là ưu tiên lớn nhất của một người. Dù cháu có thành bác sĩ hay kỹ sư gì nữa thì nghề nghiệp vẫn đứng sau chữ hiếu.
Cháu đừng bỏ nhà đi lúc này. “Khuất mắt ông già” theo lời khuyên của bạn cháu,   không có nghĩa là sau khi cháu bỏ đi, thì sẽ yên chuyện, mà có thể tạo ra nhiều điều không tốt.
Cám ơn cháu đã gửi câu hỏi cho “Rắc Rối Tơ Lòng”, để chúng tôi có cơ hội góp  chút suy nghĩ cho những rắc rối đời thường mà nhiều gia đình có thể cũng gặp phải.Ngạn ngữ  có câu “Cùng tắc biến, biến tắc thông.” Cháu hãy tin là ông trời không bao giờ dồn ép  có quyết tâm, bền chí và có tấm lòng, đi vào nơi  bế tắc.

Nhịn nhục, hiếu thảo là con đường tất yếu để giúp cháu đạt thành công trong việc nên người. Sở thích là yếu tố cần thiết để thành công. Chiều theo bố để học mình không thích, rồi nếu bỏ học dở chừng, hay thất bại vì chán nản không hứng thú sẽ là một bất hạnh, là điều cần đấu tranh ngay với bản thân mình.

Tâm thành sẽ thấu đến trời
Làm con bất hiếu thì đời khổ đau
Công thành danh toại trước sau
Làm con hiếu hạnh, là câu trau mình

Chúc cháu may mắn và đạt được tâm nguyện. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights