Lã Phi Khanh – Chủ nhân Lệnh Xé Xác

by Tim Bui
Lã Phi Khanh

LƯƠNG MINH

Theo nhận định của nhiều nhà báo thì truyện chưởng Lã Phi Khanh có thể thu hút nhiều độc giả như truyện Kim Dung ở Hong Kong, vì nó dễ hiểu không triết lý nhiều như truyện Kim Dung. Và ngày nay khi tìm về tác giả Lã Phi Khanh thì người ta thấy hàng loạt tác phẩm của ông. Thế nhưng ông là ai và tiểu sử thì dường như ít người biết.

Năm 1964, tôi về Chợ Lách, Vĩnh Long (bây giờ là Bến Tre) đi học. Năm đó học đệ Thất. Nhà ở gần đại lý báo nên hàng ngày khoảng 9 giờ là rề ra lại sạp báo để xếp báo dùm chủ sạp, mục đích là để đọc Lệnh Xé Xác của Lã Phi Khanh đăng ở báo Tia Sáng, của chủ nhiệm Nguyễn Trung Thành. Truyện chưởng lúc này nổi tiếng là Cô Gái Đồ Long của Kim Dung do Từ Khánh Phụng dịch, các báo khác cũng phải lựa một truyện để câu khách theo. Dân Chủ Mới thì có truyện Thần Đao Hồ Đại Đởm. Lúc đó, nhiều người mê Kim Dung nhưng trẻ con như tôi thì không thích vì võ công các truyện này không tàn bạo, vũ khí cũng không độc đáo bằng Tàn Chi Quái đao của Dương Chí Tôn, nhân vật chính trong Lệnh Xé Xác.

Tôi mê thân thủ và hành động của Hải Âu Sứ Giả, võ công thần kỳ và chưởng phong của Dương Chí Tôn. Ngón võ nào tôi cũng khoái và gần như thuộc lòng như Di ảnh Kỳ hình. Thiếu niên chưa lớn nhưng đọc thấy tác giả tả sự dâm dật của Ngọc Diện Diêm Bà thì khinh bỉ nhưng lại lén đọc nhiều lần hành tung của bà với các nam nhân cao thủ, thậm chí độc giả thuê truyện này ở các hiệu sách thường gặp những trang mê ly bị xé mất khi bộ Lệnh Xé Xác ra đời thành sách.

Tôi ra tiệm mướn sách đọc thì biết tác giả Lã Phi Khanh phóng tác quyển này theo cuốn Tàn Chi Lệnh của Hong Kong. Kế đó, không biết tác giả Lã Phi Khanh xích mích về bản quyền với báo Tia Sáng nên đã ngưng viết tiếp, chạy qua báo Thời Đại đăng tiếp Lệnh Xé Xác, ý muốn cho độc giả Tia Sáng phải chạy qua đọc ở báo Thời Đại.  Chủ nhiệm Tia Sáng lúc này phải nhờ ông Hoàng Nguyên viết tiếp và khi đó trên Giang hồ có đến 2 chủ nhân Lệnh Xé Xác cùng tên Dương Chí Tôn do hai người viết ở hai báo khác nhau. Hai phần cuối của cốt truyện hoàn toàn khác nhau, Lã Phi Khanh viết theo Lã Phi Khanh, Hoàng Nguyên viết theo Hoàng Nguyên, không ai giống ai vì toàn là truyện bịa chứ không phải cùng một bản gốc dịch ra!

Để công kích bên kia, trên báo Thời Đại đăng thêm phía trên của Lệnh Xé Xác một khung chữ. “Chỉ có Lệnh Xé Xác của Lã phi Khanh là chính bản, ngoài ra các truyện Lệnh Xé Xác khác là giả mạo, đạo tác.”

Trong xóm tôi có chú Tư Nhiều ông này là nhân viên góp tiền chợ ở Chợ Lách nhưng là bạn vong niên cùng ghiền Lệnh Xé Xác giống tôi, chú nói ông Lã Phi Khanh tức là nhà văn Vũ Bình Thư, trước đây chuyên viết tiểu thuyết tình diễm lệ như Dương Hà, Lê Xuyên, ông lấy nhiều bút hiệu như Vũ Thủy, Trúc Lệ Giang, Mặc Thủy với những truyện đồng quê đăng trên báo. Do thấy chưởng của Kim Dung (Hong Kong) dịch ăn khách nên chủ báo Tia Sáng đề nghị ông sang viết chưởng, ban đầu nói là dịch kỳ thực là sáng tác. Khi truyện bắt đầu ăn khách, chủ báo liền in thành sách nhưng lợi nhuận ăn chia không đều theo hợp đồng nên Lã Phi Khanh chia tay đi về đầu quân báo Thời Đại và vụ kiện tụng bản quyền này đem đến cho Lã Phi Khanh số tiền khá lớn, đến nỗi ông đứng ra làm tờ Bồ Câu, phải nhờ vợ đứng tên vì ông không có bằng cấp Tú Tài? Những năm 1973 ông bị tố cáo trốn quân dịch, bị đưa vô Trung tâm Huấn luyện và đưa ra miền Trung. Từ đó ông lội bộ trốn về Sài Gòn rồi tá túc tại Tòa Thánh Cao Đài Tiên Thiên vài tháng rồi về nhà ở Bến Tre tiếp tục lánh mặt.

Sau năm 1975, sách chưởng được xem là tác phẩm đồi trụy, tác giả không sống nổi ở Sài Gòn liền về quê Cái Mơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre sinh sống bằng nghề vô mực bút bi, bơm ga hộp quẹt, trẻ con ở Cái Mơn biết ông đặt cho biệt danh là Vũ Bình Bơm. Những lần về Cái Mơn trò chuyện với nhà thơ Phong Tâm, người biết rõ về gia tộc Lã Phi Khanh cho biết, ông tên thật là Võ Ngọc Thơ, người thứ tư trong gia đình có 11 anh em. Quê gốc của cha ông ở Ba Tri. Lã Phi Khanh còn có người chú bán báo ở bến Bắc Hàm Luông. Hai người em trai là Tám Khuê và Chín Tảng làm giáo viên ở tại thị tứ Cái Mơn.

Khoảng năm 1986, thời kỳ đổi mới, về văn xuôi có tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, bên truyện chưởng cũng rục rịch, các tay đầu nậu sách của Nhà Xuất Bản Quảng Ngãi, Lao Động lén in sách của ông bán chạy, họ sợ bị kiện tụng nên xuống Cái Mơn tìm Lã Phi Khanh trả cho khoản nhuận bút và  đặt viết tiếp các tác phẩm mới như Vọng Tình Cốc, Đại Hành Quyết, Thiếu Hiệp Hành  lúc đó Anh Tư Thơ có đất dụng võ lại lên đời, tiền nhuận bút hậu hĩ về cất nhà ở Cái Mơn gần cầu Cây Da. Cuối đời ông bệnh già mất tại Cái Mơn,và nằm ở nghĩa địa Triều Châu (Cái Mơn).Nếu so sánh Lã Phi Khanh với Kim Dung thì không thể, bởi một bên có nhiều kiến thức Phật học, võ học còn bên này chỉ hư cấu tối đa, pha chút tình cảm và khai thác tính dục để câu khách. Hơn nữa, đôc giả cần đọc nhiều loại, hai ba ngày là một pho, nhà văn có dịch truyện Hong Kong cũng không kịp nên sự có mặt của Lã Phi Khanh rất kịp thời cho phong trào mê chưởng.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights