YẾN TUYẾT
Tôi không nghĩ là tuổi tác làm cho mình không nhớ nhiều điều, vì có vô số người còn lớn tuổi hơn nữa, chẳng hạn như mẹ tôi lúc còn sinh tiền, dù đã 90 tuổi, bà cụ vẫn còn sáng suốt lắm. Như vậy, bây giờ mới ngoài 70, tôi nghĩ chắc mình cũng không đến nỗi “quên trước, quên sau”.
Thế nhưng, thời gian gần đây tôi bắt gặp mình quên hẳn tên một người quen lâu ngày không gặp, quên số điện thoại, quên chỗ đậu xe. Đôi khi tôi thấy mình dáo dác tìm kiếm cái xe trong cái bãi đậu xe gồm nhiều cái xe… giống cái xe của mình. Hay cứ xưng hô trống không vì không cách gì nhớ được tên người mình đang nói chuyện.
Khi những điều này xảy ra có vẻ hơi nhiều thì tôi bắt đầu lo rằng hoạt động của não bộ tôi chắc có vấn đề, thí dụ như đó là triệu chứng của bệnh Alzheimer chăng?
Thêm vào đó, biết đâu tuổi già cũng có thể là một lý do gây ra “sự cố” này?
Tôi gọi điện thoại tâm sự với cô bạn thân về nỗi lo âu cho trí nhớ kém cỏi của mình và mong học hỏi kinh nghiệm của nàng, vì nàng ta là một người sống rất có trật tự. Này nhé, khi nào xuống xe đi vào nhà, nàng cũng bỏ chìa khóa ở trong một cái hũ. Đi chợ thì nàng mang theo một danh sách những thứ cần phải mua nên không bao giờ cô nàng mua thừa hay thiếu cái gì cả…
Vậy mà trước sự ngạc nhiên của tôi, cô bạn tôi thú nhận chính nàng cũng quên như điên, và bảo tôi không nên buồn vì nàng biết có rất nhiều người đồng cảnh ngộ với tôi lắm!
Cô bạn tôi vẫn còn đang đi học nên đọc khá nhiều sách báo, và nàng chỉ cho tôi xem bài viết của bà Janet Bailey trên tờ Good Housekeeping về việc “quên và nhớ”. Tôi đọc thấy hay và hữu ích nên tóm lược để gửi tới bạn đọc sau đây.
Bà Bailey viết: “Chuyên viên về trí nhớ cho rằng việc chúng ta hay quên bị ảnh hưởng một phần vì sự hao mòn của mọi phần tử trong cơ thể xảy ra do tuổi tác, nhất là từ tuổi trung niên trở đi. Chính giáo sư Michael Rugg, giám đốc của trung tâm Neurobiology of Learning and Memory ở Đại học UCI cũng thú nhận là với số tuổi 50 ngoài và đang làm công việc nghiên cứu về trí nhớ (memory), thế nhưng ông vẫn không thể hoàn thành xuất sắc bài trắc nghiệm về trí nhớ dành cho các sinh viên bậc Cử nhân.
Người ta không biết chắc chắn tại sao trí nhớ lại bị mòn mỏi đi như vậy, nhưng một cách khoa học thì có lẽ theo thời gian, nhất là từ tuổi trung niên trở đi, những tế bào ở não bộ đã không còn liên lạc với nhau một cách bén nhạy như khi còn trẻ nữa. Và hậu quả của việc hay quên này đem đến cho một số người sự ngượng ngùng, cũng như không được tự nhiên, hay ngay cả sự tức bực với chính mình.
Một số những người hay quên như tôi có thể thấy hình ảnh của mình qua câu chuyện của bà Maureen Marshall, 42 tuổi, một phụ giáo ở Indianapolis.
Một buổi tối nọ, bà và thằng con trai 16 tuổi lái xe đi trong mưa để đến dự một buổi thuyết trình về sinh hoạt của một trường Đại học mà con bà muốn ghi tên theo học. Khi đến nơi thì hai mẹ con thấy trường vắng tanh, hóa ra, bà Marshall nhớ lầm ngày, thay vì thứ Ba, bà lại nhớ qua ngày thứ Năm!
Khi trí nhớ bị khô cằn đi
Các chuyên viên về trí nhớ cho rằng làm nhiều việc khác nhau trong cùng một thời gian là nguyên nhân đầu tiên đưa đến việc hay quên. Giáo sư Barry Gordon, dạy môn Neurology và Cognitive Science ở Johns Hopkins Medical Institutions ở Baltimore, nói: “Sự chú tâm là con đường dẫn đến việc ghi nhớ. Nếu chúng ta không ghi nhận tin tức ngay từ đầu thì não bộ sẽ cố ghi nhớ và truy cập nó sau này.”
Nếu một ngày của bạn bao gồm nhiều sinh hoạt thì không nên dựa vào khả năng ghi nhớ của mình.
Bác sĩ Gordon nói rằng câu tục ngữ: “Cây viết chì xấu vẫn có ích hơn là một trí nhớ tốt” lúc nào cũng đúng cả. Điều này có nghĩa là chúng ta nên lập danh sách và ghi chép những điều cần làm, cũng như đề nghị những người xung quanh làm giống như vậy.
Cô Debbie Minnick, 45 tuổi, đã áp dụng điều này khi bảo các con của mình là nếu chúng muốn cô nhớ một chuyện gì thì nên viết điều đó trên tấm giấy và bỏ vào ví của cô, vì nếu không, khi đến sở làm, chỉ cần 40 phút sau đó là cô quên béng đi ngay!
Ở những tiệm bán dụng cụ văn phòng, người ta vẫn còn tìm thấy vô số loại sổ tay có in sẵn thời khóa biểu để ghi chép những công việc cần làm hàng giờ, hay hàng ngày và ngay cả hàng tháng để giúp những người có những chương trình bận rộn không quên những buổi hẹn hay công việc mà họ phải thực hiện hay hoàn tất trong một ngày.
Trong thời đại điện tử, chiếc cellphone rất tiện lợi và hữu ích trong việc giúp con người ghi nhớ những buổi hẹn với bác sĩ, họp hành, party v.v…
Một điều khá buồn cười là người ta hay đổ lỗi cho tuổi tác khi quên một điều gì đó, chứ không chịu nhận là mình không nhớ vì quá bận rộn, rồi tự cho là trí nhớ của mình quá tồi tệ, trong khi nó đâu đã đến nỗi nào!
Việc quên tên một người nào đó mà mình đã gặp hay quen biết nhưng xa cách đã lâu, xảy ra cho bất cứ người nào dù trẻ tuổi hay già nua. Bác sĩ Gordon nói rằng tên của người ta không dễ nhớ vì nó trừu tượng. Khuôn mặt của một người và tên của họ không phải là một ý tưởng hợp lý để não bộ liên hệ chúng với nhau.
Dĩ nhiên, càng lớn tuổi thì chúng ta phải lọc lựa dữ kiện một cách mất công hơn vì não bộ chất chứa ngày một nhiều dữ kiện hơn theo thời gian.
Bác sĩ Gordon giải thích rằng đôi khi chúng ta quên là vì trí nhớ bị tắc nghẽn (mental congestion). Ông so sánh não bộ của người trung niên với một cây cầu xa lộ vào giờ cao điểm: “Xa lộ chỉ có một vài lanes trong khi có quá nhiều xe hơi chạy trên đó thì giao thông phải bị ứ đọng.” Một trong những lý do mà chúng ta quên tên một người nào là do việc chúng ta biết quá nhiều tên mà ra!
Ngoài ra, sự lo âu (anxiety) cũng làm cho trí nhớ trở nên tệ hơn và làm cho sự giao thông trong não bộ bị xáo trộn.
Bác sĩ Gordon nói rằng nếu sau đó, đầu óc thư giãn thì tự nhiên tên của người đó lại hiện ra!
Hay quên có phải là triệu chứng của bệnh tật?
Bác sĩ Martin Goldstein, giám đốc của trung tâm Cognitive Neurology thuộc trường y khoa Mount Sinai ở New York City nói rằng một vài bệnh tật có thể liên quan đến khả năng ghi nhớ sự việc của một số người nào đó.
Nếu bạn có những dấu hiệu trầm trọng về việc hay quên thì nên đến gặp bác sĩ để tìm ra những nguyên nhân, chẳng hạn như:
1/ Xuống tinh thần (Depression):
Việc xuống tinh thần có thể gây ảnh hưởng đến sự để ý hay chú tâm khiến bạn không thể tập trung tư tưởng để ghi nhớ sự việc được.
2/ Bệnh cao huyết áp: (High blood pressure)
Chứng tăng huyết áp sẽ làm ngăn cản lượng máu chảy lên óc não.
3/ Bướu cổ (Thyroid disease)
Bệnh “Hypothyroidism” (xảy ra do việc cơ thể thiếu chất hormone), sẽ làm cho tiến trình ghi nhận tin tức bị chậm lại. Trái lại, bệnh “Hyperthyroidism” (quá nhiều hormone) sẽ ngăn trở những xúc động về thể lý, khiến cho người ta không chú tâm được.
4/ Sự chấn động: (Concussion)
Dù chỉ bị một cú đụng mạnh vào đầu cũng có thể dẫn đến việc hay quên về sau.
5/ Bệnh tiểu đường (Diabetes)
Sự lên xuống bất thường của lượng đường trong máu cũng gây ảnh hưởng đến sự chú ý.
6/ Ảnh hưởng phụ của thuốc men (Drug Side Effects)
Thuốc ngủ, thuốc chống việc xuống tinh thần và thuốc gây nghiện cũng là thủ phạm của việc hay quên.
Tại sao chúng ta hay quên một số vấn đề
Có những loại kỷ niệm hay ký ức khác nhau được hình thành và được giữ ở những khu vực khác nhau trong não bộ. Chúng trả lời những câu hỏi khác nhau tùy trường hợp
1/ Episodic Memory:
Đây là lọai ký ức mà bạn dùng để nhớ tên của một nhà hàng ăn, hay một đoạn phim mà bạn mới xem vào tuần trước. Lọai ký ức này sẽ suy giảm khi bạn bắt đầu qua khỏi tuổi 40.
2/ Semantic Memory: Lọai ký ức này giúp bạn khả năng ghi nhận những khuôn mặt và những dữ kiện mới. Thường nó giúp bạn nhớ khá tốt về một sự việc nào đó như nhớ là ông nha sĩ đã nhổ cái răng cấm của mình nhưng lại không nhớ địa chỉ của ông ấy.
3/Procedural Memory: Loại ký ức giúp bạn làm được một việc gì đó ngay tức khắc như lái xe hơi hay chơi đàn. Nó lạ ở chỗ là ví dụ như cho dù bạn không nhớ số điện thoại của người bạn thân, thế mà tay bạn vẫn có thể bấm số của người bạn đó như thường!
Làm sao để có một trí nhớ tốt
Bác sĩ Gary Stoll, giám đốc của Memory Clinic ở UCLA’s Samael Institute for Neuroscience and Human Behavior cho biết là với sự huấn luyện, một người có thể phát triển khả năng ghi nhớ của họ chỉ trong vòng hai tuần lễ.
1/ Kéo giãn sự suy nghĩ của bạn ra
Ô chữ là một trò chơi giúp trí nhớ rất tốt nhưng nếu bạn không thích ô chữ thì có thể thử trò chơi lắp ráp chữ mới có tên Sudoku (sudoku.com), hay ghi tên vào một lớp học có đề tài mới lạ với mình.
2/ Di động
Tập thể dục sẽ làm cho máu luân chuyển và nuôi dưỡng những tế bào ở não. Nó cũng giúp ngăn ngừa và kiểm soát những bệnh tật gây nên việc mất trí nhớ.
3/ Ăn đúng cách.
Cá, đậu và dầu olive là những loại thức ăn rất tốt cho não vì có chứa chất acid béo Omega 3, có thể làm chậm lại sự lão hóa của não bộ. Chất Antioxidants, tìm thấy ở trong những trái cây và rau cải có màu sắc tươi và trà xanh cũng bảo vệ cho tế bào não.
Cà phê cũng có thể giúp sự chú ý và tỉnh táo khiến người ta có thể muốn học hỏi hơn (tuy nhiên, không nên uống quá nhiều cà phê, chỉ chừng một hay nhiều lắm là hai ly một ngày mà thôi. Bởi vì uống nhiều hơn thế thì lại có hại chứ không có lợi!)
4/ Tạo sự liên tưởng
Khi bạn cần nhớ một cái gì rõ ràng thí dụ như bạn đậu xe chỗ nào thì hãy chú ý đến những dấu hiệu chung quanh gần đó. Nếu đậu xe ở tầng 3 khu C thì tưởng tượng đến cái đèn chớp trên bảng quảng cáo có chữ 3C; hay ghi nhận tên một cửa tiệm gần đó, nếu đi vào một khu shopping (thí dụ như đậu xe trước khu Macy’s hay JC Pennys).
5/. Giảm thiểu mức căng thẳng
Cố tìm những phương pháp giảm thiểu căng thẳng khác nhau như tập yoga, ngồi thiền, làm vườn, nghe nhạc hay đi bộ. Những căng thẳng không những gây trở ngại cho việc ghi nhớ và học hỏi mà còn gây hại cho não bộ.
Những nghiên cứu và đề nghị của Bác sĩ Stoll khiến chúng ta phải kết luận là không nên để bị căng thẳng vì trí óc sẽ khó hấp thụ được kiến thức.
Đôi khi sự căng thẳng cũng khiến cho chúng ta không kiềm chế được những trạng thái tâm lý hay lời nói và hành vi khiến có thể gây ảnh hưởng đến việc vun bồi hay gìn giữ những liên hệ tình cảm với gia đình và bạn bè.