Làm báo ở đất Mỹ

by Tim Bui

KIỀU MỸ DUYÊN

Ở Việt Nam, tôi viết báo từ lúc 11 tuổi, cô giáo đem bài của tôi đăng báo thiếu nhi, tôi được lãnh nhuận bút. Từ đó, tôi tiếp tục viết báo. Những bài luận văn nào hay nhất được đọc trong lớp, những học trò xuất sắc của trường được chọn đi Vũng Tàu. Mỗi lần có những chuyến đi như vậy, chúng tôi về viết bài. Bài nào được đăng báo, được lãnh nhuận bút. Từ tiểu học lên trung học, học trung học đệ nhất cấp ở trường trung học Lý Thường Kiệt chuyển về Sài Gòn, học trung học Trưng Vương, lên lớp đệ Tam, tôi chọn ban C, là ban văn chương.

Sau này, lên đại học, học Văn khoa và Luật khoa, làm việc cho nhật báo Công Luận, chủ nhiệm là Trung Tướng, thượng nghị sĩ Tôn Thất Đính, tôi giữ mục “Người Yêu Của Lính“, và từ đó viết mãi như một sự đam mê. Sau đó, tôi làm cho nhật báo Hòa Bình, du học với học bổng Columbo, trở về tiếp tục làm cho báo Hòa Bình. Lúc đó, đại học Văn khoa không có khoa báo chí, sau này đại học Vạn Hạnh có phân khoa báo chí, thì tôi đã làm báo gần 15 năm rồi.

Năm 1976, tôi vượt biên đến trại tị nạn Phi Luật Tân, vì được tàu của Mỹ vớt nên được định cư ở Mỹ. Trong trại tị nạn, tôi viết về cuộc vượt biển và viết về những sinh hoạt trong trại tị nạn. Lúc đó tôi viết cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương, là chủ báo ở Glendale, Los Angeles County. Ở Việt Nam, trước năm 1975, khi nhật báo Hòa Bình bị đóng cửa, tôi làm cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương. Khi ở trại tị nạn Phi Luật Tân, tôi liên lạc được với ông bà Việt Định Phương, ông bà bảo lãnh cho tôi về Glendale. Vừa đến Mỹ 2 giờ sáng, 8 giờ sáng đến làm việc tại tòa soạn của tuần báo Trắng Đen. 

Nhật báo Trắng Đen- chủ báo Việt Định Phương. Trước năm 1975, miền nam có Nhật Báo Trắng Đen do ông bà Việt Định Phương sáng lập, nhiều năm sau đó con trai trưởng của ông là cố nhà báo Thế Phương cũng đã cố gắng gìn giữ hai chữ “Trắng Đen” ở Hải Ngoại. Tuy nhiên, về sau do nhiều yếu tố mà “Trắng Đen” đã không còn đến với người đọc, gia đình của tiền bối Việt Định Phương sau khi ông bà qua đời và Thế Phương cũng không còn, không ai theo nghề báo chí nữa.

Hàng ngày, tôi trả lời điện thoại, viết bài về những gì tôi nghe, thấy, và những người tôi gặp gỡ ở Việt Nam. Báo Trắng Đen là tuần báo in rất đẹp, bài vở rất chọn lọc. Ở tòa báo, có ông Tô Văn và ông Văn Lang, nhà tử vi tướng số, có xuất bản sách về tử vi, ngày xưa làm cho báo Hòa Bình, cộng tác với báo này. Ở tòa soạn rất vui, ngày nào cũng có đồng hương đến thăm. Độc giả mua báo ở khắp nơi, họ trả tiền trước hàng năm, cứ mỗi số báo phát hành xong là gửi bưu điện ngay cho độc giả. Khi nào báo đến trễ, chúng tôi trả lời điện thoại không ngừng nghỉ. Tôi làm việc ở tòa soạn từ 8 giờ sáng đến 12 giờ, sau đó đi học cho đến 10 giờ đêm mới trở về nhà. Nhà ông bà Việt Định Phương rất nhỏ, nhưng ấm cúng. Cô Trang, vợ của Thế Phương – con trai trưởng của ông bà Việt Định Phương- nấu ăn rất ngon, sau này mở nhà hàng ở thành phố Westminster, nhà hàng ở Huntington rất thành công. Tôi ở chung với 2 cô con gái của ông bà Việt Định Phương trong một căn phòng nhỏ. Các cô rất chăm chỉ học hành. Ở Việt Nam, tất cả các con của ông bà Việt Định Phương học chương trình Pháp cho nên tiếng Anh không có gì trở ngại với những người trẻ này định cư ở Mỹ.

Tôi học nhiều lớp một lúc nên đi học về còn học bài, làm bài tới khuya mới đi ngủ. Không đêm nào ngủ trước 12 giờ đêm. Ở nhà này, người nào cũng học. Tôi vừa học vừa viết báo, vừa trả lời thư độc giả. Độc giả lúc đó rất dễ thương, có lẽ xa quê hương, cho nên báo là nhu cầu của độc giả, dù độc giả có giỏi tiếng Anh hay du học mới về thì báo tiếng Việt vẫn là nhu cầu của mọi người.

Ở Glendale mấy tháng đầu, mỗi lần đi học ra đường đợi xe buýt gần cả giờ mới có một chuyến. Lúc đó, nhiều bạn học Trưng Vương ngày xưa mời tôi đến Orange County chơi, thăm các trường đại học ở đây. Nếu so sánh đường xá lưu thông thì ở Orange County thuận lợi hơn ở Glendale, Los Angeles County. Sau khi thăm Fullerton College, tôi quyết định chuyển về trường này, học khoa báo chí. Sau một năm học ở trường, tôi được bầu vào làm chủ tịch hội sinh viên Việt Nam, làm biên tập viên cho tờ báo Hornet, tờ báo đã thành lập gần 50 năm. Báo ra hàng tuần, cứ mỗi thứ Sáu thì chủ bút và ban biên tập họp lại bàn luận ưu và khuyết điểm của số báo vừa rồi.

Suốt ngày tôi ở trong trường, tối thì ở nhà. Tôi ở nhà ông bà Pat Ducray, chồng là người Pháp, vợ là người Anh. Ông bà giúp sinh viên tị nạn. Bà Pat rất giàu lòng hảo tâm, thương người, bà là người mộ đạo, bà thường xuyên đi nhà thờ và giúp nhà thờ. Là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam, sinh viên nào ở các trại tị nạn mới sang, tôi tìm cách khuyến khích họ nên đi học toàn thời gian, xin học bổng. Đến được bến bờ tự do, quan trọng nhất là phải học. Sau khi rời Fullerton College, tôi chuyển lên Cal State Fullerton. Ở đây, tôi cũng là biên tập viên của nhật báo Titans. Mỗi tuần, phải có ít nhất từ 3 đến 4 bài, nếu không có bài thường xuyên cho báo này thì khỏi ra trường.

Sinh viên báo chí rất vất vả, thức dậy từ 6 giờ sáng, giờ của California, theo dõi tin tức xem có việc gì gây cấn xảy ra hay không? Tôi vừa viết cho nhật báo Titans, vừa viết cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương về những tin tức sinh hoạt cộng đồng người Việt tị nạn. Thời sinh viên sao mà vui thế!

Vừa viết cho tuần báo Trắng Đen, báo Hornet, vừa là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam ở trường, chúng tôi tổ chức hội chợ đầu tiên của tổng hội sinh viên gồm 19 trường đại học ở sân trường Fullerton College. Đồng hương người Á Châu thăm viếng hội chợ rất đông. Đây là hội chợ đầu tiên quy tụ người Á Châu đông đảo chưa bao giờ có, đó là nhận xét của giáo sư Henderson của trường. Hội chợ mở cửa từ sáng đến chiều vào thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật.

Định cư ở Hoa Kỳ, mọi người đều có nhiều năng lượng làm việc không ngừng nghỉ, đi học, đi làm, viết báo, làm việc xã hội. Người mới định cư ở Hoa Kỳ được nhiều người đến thăm, ai giúp gì được cho những gia đình này thì giúp ngay. Ngày xưa, chưa có Internet, chưa có email, viết bài xong, phải tận tay đem đến tòa báo. Tòa soạn báo Trắng Đen ở Glendale, hàng tuần chúng tôi phải đem bài đến tận nơi. Nhân viên của tòa soạn gồm có ông bà chủ nhiệm, con trai, con dâu, con gái của ông bà, bằng hữu, người nào cũng tích cực lo cho tờ báo. Tôi còn nhớ ông Tô Văn, ông Văn Lang, nhà tử vi tướng số, viết thường trực cho báo Trắng Đen, và có mặt thường xuyên ở tòa báo. Tòa báo lúc nào cũng có người ra, người vào rất vui. Tiếng cười, tiếng nói vui như ngày hội, ngày Tết vì được gặp nhau. Người ở xa về cũng đến thăm báo Trắng Đen, người mới định cư đi xe buýt cũng đến thăm tòa soạn báo Trắng Đen. Sau này, tôi cũng biết có một tờ báo Hồn Việt ở San Diego của ông Ngọc Hoài Phương, cũng là tuần báo.

Một hôm, chúng tôi đi biểu tình chống các quốc gia Đông Nam Á (trừ Phi Luật Tân) không nhận người tị nạn, hễ tàu nào vào gần đất đai của họ thì họ cho cảnh sát đuổi ra. Chúng tôi đi biểu tình trước các tòa đại sứ đuổi người tị nạn. Trước tòa đại sứ có công viên, buổi trưa chúng tôi ra công viên ăn trưa, rồi tiếp tục biểu tình. 

Lúc đó, chúng tôi gặp ông Đỗ Ngọc Yến, ông tặng cho chúng tôi tờ Người Việt chừng 4 trang. Ông học đại học Văn khoa cùng với chúng tôi thuở nào cùng với thi sĩ Phạm Quốc Bảo. Bích Loan và Phạm Quốc Bảo cũng có phần hùn trong báo Người Việt.

Ông Đỗ Ngọc Yến mới định cư ở Texas rồi về San Diego làm báo và hôm nay lên đây biểu tình có đem theo báo tặng cho đồng hương. Tôi hỏi ông:

– Có bao nhiêu người làm tờ báo này với anh?

Ông Yến trả lời:

– Ông Kim Dung.

Tôi lật tờ báo từng trang thì thấy thấy có tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, vì lúc đó ai cũng lo đi học, lo đi làm, để có tiền gửi về giúp cho bà con ở Việt Nam, người viết báo không nhiều.

Ông Yến mời tôi viết cho tờ báo Người Việt. Bài đầu tiên tôi viết cho Người Việt đăng trên báo số 3. Sau đó, ông Yến dời về Santa Ana, ở trong chung cư nhỏ xíu. Sau này mướn nhà ở, cũng ở thành phố Santa Ana. Người ra, người vào vui như ngày hội, ngày Tết. Ông Yến cười nhiều hơn nói, khi nói thì giọng nói rất nhỏ nhẹ. Nhà nhỏ nhưng đất rộng, nhà chỉ có 3 cái ghế nên bằng hữu đến thì trải giấy báo dưới đất, ngồi dưới đất, ăn cơm dưới đất. Tội nghiệp vợ ông Yến là chị Loan, suốt ngày nấu cơm, nấu nước cho khách khắp nơi tìm đến thăm. Nồi cơm nhỏ xíu, nhưng bằng hữu thì nhiều, cho nên ăn một chén cơm đầu dù bụng còn đói cũng phải ngừng để dành cho người đến sau.

Mỗi tuần, tôi đem bài đến ông Yến, lúc đó tôi đang ở Fullerton, tôi đến muộn hơn mọi người. Chị Loan để dành cho tôi một chén cơm và một chút thức ăn mặn. Cái thuở nhường cơm nhau sau mà vui thế!

Các cô con gái của anh chị Yến xếp báo, mặt mày lem luốc vì hai bàn tay đầy mực giấy bôi lên mặt, nên trông các cô bé dễ thương. Sau này, cô con gái lớn là Bảo Anh làm cho báo Register, rồi báo Los Angeles Times. Cô con gái thứ nhì làm luật sư. Con trai cũng thành công với ngành đã học.

Báo Người Việt- nhật báo lớn nhất của người Việt hải ngoại

Hai ông Tống Hoằng, Tống Nhiệm rất có công với tờ báo. Ông Tống Hoằng mỗi tuần xin anh em kẻ ít lòng nhiều, có người đóng góp $5- $10 để đủ $280 để ra trả tiền nhà in, chỉ có Kiều Mỹ Duyên và ông nhà văn có 8 đứa con nhỏ nên không bị xin tiền để in báo. Ông Tống Hoằng lúc đó đã đi làm, Tống Nhiệm đã đi làm, cho nên cuộc sống của những người đi làm toàn thời gian thoải mái hơn những người đi làm bán thời gian như chúng tôi.

Thường thường, anh chị em về nhà ông Yến vào cuối tuần.

Một hôm, ông Tống Nhiệm xách đến một giỏ trái cây từ vườn nhà. Ông chia cho mỗi người một trái táo. Tôi vừa ăn, vừa hỏi ông:

– Ủa sao ông không ăn?

– Tôi chia cho mọi người hết rồi.

– Sao ông không nói. Trái táo cuối cùng ông đưa cho tôi, nếu ông nói thì tôi sẽ chia ra, lấy phân nửa thôi.

Đó cũng là kỷ niệm đẹp tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay.


Tờ báo Người Việt càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chủ báo, ông Đỗ Ngọc Yến, không bao giờ viết bài. Bằng hữu văn khoa ngày xưa tìm đến, số người cộng tác ngày càng đông, quảng cáo càng ngày càng nhiều. Ngày xưa, chỉ có một chợ Hòa Bình ở đường Bolsa, đâu có quảng cáo. Sau này, tờ báo Người Việt khá lên nên mướn tòa soạn ở đường Bolsa, có thư ký. Sau đó, dời tòa soạn về đường Moran.

Có một hôm, tôi vào bệnh viện Fountain Valley thăm ông Đỗ Ngọc Yến. Ông bình tĩnh, vui vẻ, không tỏ vẻ lo âu hay sợ hãi, không rên rỉ như những bệnh nhân khác. Tôi hỏi ông:

– Anh nói anh viết về giấc mơ của anh, anh có viết chưa?

Ông nhìn xuống dưới chân và nói:

– Bác sĩ cắt gân của tôi dưới chân và nối lên trên này (ông chỉ lên ngực). Anh em sẽ viết thay cho tôi.

Chị Loan, vợ ông Yến, đứng gần cửa sổ, bên kia cánh cửa là rừng cây xanh mướt. Tôi không ngờ đó là lần thăm cuối cùng của tôi, vì sau đó 1 tuần thì tôi hay tin ông Đỗ Ngọc Yến qua đời. Ông Đỗ Ngọc Yến qua đời, nhưng tờ báo vẫn đứng vững vì có nhiều bằng hữu vẫn còn, vẫn tiếp tục điều hành tờ báo này.

Chụp trước tòa soạn Người Việt năm 1989. Từ trái sang; Phạm Quốc Bảo – Lương văn Tỷ (đặc trách đài Việt Nam truyền hình) mẹ con bà Talovitch (đặc trách trang Anh ngữ)- Đỗ Ngọc Yến – Nguyễn Hoàng Nam (phóng viên)- Hoàng Mai Đạt (biên tập)

Lúc đầu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang làm giám đốc điều hành, cô Bích làm thư ký. Nhạc sĩ rất hiền lành, ai cũng thương mến, nhưng cô Bích thường nói, sau khi phát lương, nhạc sĩ Quang dặn:

– Đừng lấy tiền vội, khi nào tôi nói trong nhà băng có tiền rồi hẵng đi lấy nhé!

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ngày xưa hay đem đoàn du ca hát ở đại học xá Trần Quý Cáp, Sài Gòn, nơi mà chúng tôi ở rất lâu. Tình cờ gặp nhạc sĩ Quang ở Bolsa, ông nói:

– Bà Duyên à, tôi sắp trình diễn nhạc của tôi ở San Jose. Tôi nghĩ đây là lần trình diễn cuối cùng trong cuộc đời của tôi.
Không ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Đức Quang ở Bolsa, chưa trình diễn nhạc ở San Jose thì ông qua đời.

Tôi còn nhớ vợ chồng Quang và Thông thường mời bằng hữu về nhà ăn cơm. Nhà ở đường Hazard, thành phố Garden Grove, sau nhà có cả một vườn cây ăn trái, rau cải đủ loại. Mỗi lần khách đến thứ gì cũng có. Vợ chồng Quang học ở trường đại học Đà Lạt và quen nhau ở đó. Nhiều bằng hữu thường khen:

– Thông không ghen cũng lạ, vì lúc là sinh viên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang làm thơ, phổ nhạc cho Nông Kim Ấn, là con gái của dân biểu Nông Quốc Long ở Đà Lạt, chứ không phải làm nhạc cho cô Thông.

Mỗi lần nghe bằng hữu nói thế, Thông vẫn mỉm cười và không quan tâm đến chuyện quá khứ. Hay thật!

Cho đến một thời gian sau, khi ông Tống Hoằng làm giám đốc điều hành thì tờ báo khá hơn, nhân viên nhiều hơn, quảng cáo nhiều hơn, thân chủ nhiều hơn, độc giả nhiều hơn. Có thể nói báo Người Việt là tờ báo lớn nhất của người Việt tị nạn. Nhưng người còn, người mất, tôi giữ một mục “Người di tản buồn“, mục này do ông Tống Hoằng đặt tựa.

Tôi cộng tác thường xuyên với báo Người Việt. Tôi còn nhớ năm 1993, trước khi họp báo, diễn giả gồm có Tổng Thống Gerald Ford, Tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich Gorbachyov.

Tòa báo ghi danh cho tôi tham dự, nhưng tôi không có thẻ báo chí. 9 giờ tối, tôi đến tòa báo, ông Nguyễn Thiện Cơ chụp hình cho tôi tại tòa soạn và làm cho tôi thẻ báo chí, để sáng hôm sau khi vào cửa, tôi đưa thẻ báo chí có tên của tôi cho Cảnh Sát gác cửa, dù trong danh sách ký giả tham dự có tên tôi, nhưng phải có thẻ báo chí mới vào cửa được. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ.

Nói về báo Người Việt, nhiều người cộng tác với báo ngay từ lúc đầu. Tôi bắt đầu cộng tác với báo này từ báo số 3.
Chị Nhã Ca, anh Trần Dạ Từ cũng đã từng cộng tác với báo Người Việt. Nhiều bằng hữu lắm, tôi không nhớ hết. Người cộng tác với báo Người Việt cùng thời với tôi qua đời cũng nhiều lắm. Hy vọng các anh chị có linh thiêng phù hộ cho tờ báo trường tồn. Đây cũng là mồ hôi, nước mắt của nhiều người đã bỏ công sức cho tờ báo như ông Đỗ Ngọc Yến, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, và một số anh em đã từng ngồi dưới đất ăn cơm cũng đã già hết rồi như ông Tống Hoằng, Tống Nhiệm, Kha Lộc, v.v.
Tờ báo đông người cộng tác thế mà giờ chỉ Du Miên, Phạm Quốc Bảo, Kha Lộc, Tống Hoằng, Tống Nhiệm là còn hiện hữu và một số bằng hữu ở xa cũng cộng tác với báo Người Việt.

Về sau này, ông Tống Hoằng thành lập tờ báo Viễn Đông, vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận giúp chồng một cách tích cực. Nhật báo Viễn Đông ra một tuần 7 ngày, có báo Xuân, sau này còn lại 2 số một tuần, nhưng vẫn được người đọc yểm trợ. Các thùng báo hay xấp báo trong các chợ được độc giả hưởng ứng một cách nhiệt liệt. Chủ nhiệm báo Viễn Đông là bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận, chủ bút là ông Hoàng Mai Đạt.

Nhật báo Việt Báo của của nhà văn Nhã Ca và Trần Dạ Từ, cũng xuất bản một tuần 7 số. Sau này, còn lại một tuần 1 số ra ngày thứ Sáu, bài vở cũng xuất sắc. Chủ bút là nhà văn Phan Tấn Hải, kế tiếp là cư sĩ Huỳnh Kim Quang, bây giờ chủ bút là nhà văn Trịnh Y Thư, du học ở Hoa Kỳ trước năm 1975 nhưng tiếng Việt vẫn còn thông thạo, đã viết sách và in sách bằng tiếng Việt.


Một số tuần báo cũng được độc giả yêu chuộng như báo Chí Linh của ông Trọng Viên, em ruột của bà Việt Định Phương, chủ báo Trắng Đen. Ông Trọng Viên qua đời nhưng tờ báo vẫn được tiếp tục. Báo Phụ Nữ, báo Saigon Times của ông bà Thái Tú Hạp cũng được yêu chuộng. Báo Thằng Mõ có 3 ấn bản: báo Thằng Mõ ở San Francisco, chủ báo là kỹ sư Huỳnh Lương Thiện, báo Thằng Mõ ở San Jose của Không Quân Lê Văn Hải, chủ tịch hiệp hội báo chí truyền thông ở San Jose, một tuần 3 số rất dày, in ấn đẹp, bài vở xuất sắc và quảng cáo rất nhiều, báo Thằng Mõ ở Los Angeles của bác sĩ Đỗ Văn Học, ra đều đặn và đúng ngày, đúng giờ được độc giả rất yêu chuộng. Hai vợ chồng bác sĩ Học làm không phải vì thương mại nhưng muốn phổ biến tin tức sinh hoạt cộng đồng nơi ông đang ở. Báo Sài Gòn của ca sĩ Diễm Chi và ông Nguyễn Hữu Chương cũng tồn tại một thời gian, nội dung cũng rất phong phú. Xin lỗi có những vị làm báo mà tôi không nhớ hết mà bài viết này tôi phải viết thật nhanh (cô chủ bút đòi bài nhanh để kịp in báo Xuân, nên bài viết này thiếu nhiều tên của nhiều phóng viên, ký giả hay tên tờ báo, nếu có dịp sẽ viết tiếp).

Rất nhiều đồng hương làm báo ở Mỹ cũng như các quốc gia khác mà tôi không nhớ hết, như ở miền Đông Hoa Kỳ có báo Văn Nghệ Tiền Phong, cũng được độc giả yêu chuộng, ở miền Bắc California có nhiều nhật báo, tuần báo. Cái nghề là cái nghiệp, vào nghề làm báo rồi say mê, nhưng thường thì chủ báo không viết báo, chủ báo chi tiền, và làm sao có đủ tiền để in báo, để trả tiền cho nhân viên, chủ bút cũng ít viết báo, chỉ lo bài vở, làm sao cho báo ra đúng ngày, đúng giờ, đừng để độc giả mong đợi.

Làm báo vui nhưng vất vả, phải để hết tim óc vào công việc làm hàng ngày, có cơ hội để được gặp những vị lãnh đạo tinh thần, gặp các nguyên thủ quốc gia, gặp gỡ từ người lính đến tướng lãnh, từ người dân đến Tổng Thống, Thủ Tướng.
Làm báo vui lắm, nhưng luật báo chí cũng rất gắt gao. Học ngành báo chí phải học miệt mài 4 năm, trong lúc học cũng phải viết báo, viết về tin tức của thành phố, sinh hoạt hàng tuần, hàng ngày. Có lúc 5, 6 sinh viên được tòa báo cử đi viết một đề tài, rồi sau đó được chọn một bài, bài đó phải có điều gì đặc biệt. Không học về ngành báo chí, không biết luật lệ về truyền thông, dễ bị kiện tụng, mà không có chủ báo nào muốn bị ra hầu tòa. Báo nào cũng có luật sư cố vấn, bài nào thấy không ổn, trước khi đăng phải hỏi ý kiến luật sư chuyên nghiệp về ngành đó.

Làm báo cũng vất vả lắm, lại không giàu như những ngành nghề khác, nhưng được quen những người có địa vị trong xã hội. Nếu không làm báo thì tôi đâu có cơ hội tham dự Đại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nếu không làm báo chúng tôi đâu có cơ hội gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt   Ma. Nếu không làm báo chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ các Tổng Thống Hoa Kỳ như Tổng Thống Jimmy Carter, Tổng Thống Gerald Ford, Tổng Thống Ron Reagan, Tổng Thống George Bush, Tổng Thống Nga- Mikhail Sergeyevich Gorbachyov, v.v.

Làm báo cũng có cơ hội đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng học ngành báo chí rất vất vả, phải thực tập nhiều, phải đọc sách nhiều, phải theo dõi tin tức thế giới hàng ngày, nghĩa là về chính trị, kinh tế, xã hội… ngành nào cũng phải biết, phải học.
Làm báo cũng phải trung thực, phải nói lên sự thật, và phóng viên lúc nào cũng nói lên sự thật và sự thật, không thiên kiến, không đảng phái chính trị, viết về người thật, việc thật sẽ có nhiều độc giả, sẽ được nhiều người thương mến, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc.

Nghề là cái nghiệp, ở xứ nào cũng vậy. Làm báo không thể giàu chỉ trừ làm chủ báo, có nhà in, có cơ sở thương mại thì mới giàu. Mỗi người chúng ta đều có sự chọn lựa, một là giàu về tinh thần, hai là giàu về tiền bạc, người nào thích làm việc gì thì làm việc đó. Hạnh phúc là trong công việc làm, hạnh phúc ở trong tầm tay của chính mình, hạnh phúc là do mình chọn lựa.
Hy vọng giới trẻ tiếp tục làm báo và mong cho tất cả các báo tiếng Việt ở hải ngoại vẫn tiếp tục duy trì hết đời này đến đời khác.

Hy vọng lắm thay!

Orange County, 1/2024
(kieumyduyen1@yahoo.com)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights