Làn sóng Temu

by Tim Bui
Làn sóng Temu

VŨ KIM MAI

Kỳ này, David Le xin nhường chỗ cho chuyên gia kinh tế ở Việt Nam bàn về chuyện buôn bán qua mạng thường gọi là Thương mại điện tử (TMĐT), ở Việt Nam: Đó là Temu, một mạng bán hàng giá rẻ không ngờ của Trung Quốc đang đại náo thị trường Việt ngay khi chưa được cấp phép. Người mua chỉ cần bấm trên smartphone coi giá, đặt hàng là vài ngày sau hàng tới tận nhà, coi hàng mới trả tiền, vô cùng thuận lợi! Thế nhưng cái sự rẻ và tiện này đang giết các nhà sản xuất nội địa tới mức phải…báo động!

Xin mời quý vị. (David Le)

Tôi có cô bạn là phó Tổng giám đốc Công ty Đồng Lợi ở Đồng Nai, chuyên bán và kinh doanh các loại xe nâng, xe công trình, hầm mỏ, vệ sinh công nghiệp. Cô bạn này sống và làm ăn ở hai nơi: Việt Nam và Úc (nhìn ảnh Hà, khó tưởng tượng cô ấy bán xe công trình, xe nâng nhỉ?). Hà vừa có bài viết kể chuyện vì sao cô mua hàng Temu ở Úc và đề xuất giải pháp đối phó của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam với Temu. 

Trưa, tôi đang ngồi ăn trưa ở một nơi xa lắm, nước ngoài, thì tức thì nhận được một tin nhắn có vẻ thảng thốt. Cô cháu gái của tôi nhắn gấp một tin nóng:

-Cháu vừa nhận được quyết định nghỉ việc. 70% nhân viên công ty nghỉ việc đồng loạt dì ơi.

Hả…, tôi hơi rùng mình, hỏi ngay: 

– Các nhân viên cũng bị nghỉ việc có phải cùng bộ phận commercial như cháu hay sao?

– Dạ xôn xao nhất là lực lượng nhân viên mảng công việc này. Dù được biết sẽ lãnh hai tháng lương. Hỏi các bạn ở team tech và supply chain thì họ chưa được thông báo gì cả. Là chưa hay không cũng chưa biết sẽ ra sao…

-Có thể họ giữ lại team tech và supply chain là có lý do, vì các team này thì công ty mua lại họ cần chứ commercial team thì có khi không hợp vì phương thức hoạt động hai bên có thể quá khác nhau.

Cô cháu tôi hỏi dồn:

-Nghĩa là sao dì? Công ty nào mua hả dì?

Tôi không khẳng định nhưng cũng hé lộ: Cháu có đọc bài của anh Phạm Trọng Chinh dự đoán là “khách lạ vừa đến” Temu sẽ mua một sàn Thương mại Điện tử đang hoạt động để đẩy nhanh hoạt động của họ ở Việt Nam không?

Nếu tin cô bé nhắn tôi là chính xác thì quả là họ rất quyết liệt, lạnh lùng có phần tàn nhẫn ?

Hầu hết mọi người đều cho rằng, chuyện hàng Việt Nam bầm dập vì hàng Trung Quốc  giá rẻ cho tới bây giờ là điều khó tránh né rồi, không có Temu này cũng đã có dạng Temu khác là các sàn thương mại điện tử đang có mặt ở Việt Nam. Vậy mà nghe một công ty đang khỏe bỗng đuổi việc 70% nhân viên vì bán cho công ty Trung quốc. Một câu hỏi thiết tha: Thôi chết rồi, làm sao bảo vệ việc làm cho người lao động Việt Nam? Làm sao chống nạn thất nghiệp tràn lan vì hàng Việt không cạnh tranh được với hàng Tàu?

Mời bạn đọc phân tích của Hà Lê.

“Tôi đang ở Úc. Nước này mấy chục năm nay đã đưa công nghiệp sản xuất hàng hóa ra khỏi nền kinh tế, chỉ còn khoáng sản, thực phẩm công nghiệp và vài thứ khác. Vì vậy Temu vào nước Úc thì bán được đủ thứ hàng. Nghe làn sóng hàng giá rẻ của Temu đang khuấy đảo thị trường Việt Nam, tôi lại muốn nói về nỗi bận tâm thường xuyên của tôi gần đây: khả năng ứng phó của doanh nghiệp sản xuất [DNSX] nhỏ của Việt Nam trước cơn lốc Temu này.

Theo tôi: điểm yếu chết người của doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ ở Việt Nam là: Ít chịu cải tiến sản phẩm, lúc mới ra mắt thì coi được nhưng càng về sau phẩm chất của đa số hàng hóa càng giảm đi. Nếu doanh nghiệp không nâng cấp năng lực sản xuất, sáng tạo, quản lý… thêm thì khó lòng bắt kịp đà tiến của doanh nghiệp nhỏ tương đương ở Trung Quốc. 

Tôi nhớ, mỗi lần mua các thứ hàng linh tinh ở Việt Nam thì rất khó chịu. Mua một cái dán chân ghế thì chỉ cần đẩy vài lần là miếng dán tróc ra ngay, phải dán keo 502. Lên Temu mua cái bọc chân ghế có silicon thì lại chắc nụi luôn mà giá cũng thấp. Tôi sơn lại màu phòng ăn nên muốn bọc lại ghế màu hợp màu tường, đặt may ở Việt Nam, họ tính 250k/cái mà chỉ bọc 1/3 lưng ghế trên, hơn nữa đặt chỉ 10 cái thì họ không làm vì chê ít. Lên Temu mua 70k/cái là có, bọc trọn lưng ghế, 10 ngày giao hàng tại Úc. 

Nhà có kẽ hở cửa bị gió lùa lạnh hay dễ bị gián bò vô thì lên Temu mua cái nẹp cao su cuộn rồi kéo dán cái rẹt là xong, vừa kín gió vừa đẹp mỹ thuật tường nhà nữa. 

Sáng tạo trong sản xuất và tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết hàng ngày, hãy suy nghĩ, doanh nghiệp Việt ơi.

Temu tiện vậy đó nhưng tôi cũng chỉ mua vài món, nhiều thứ khác tôi vẫn không muốn mua vì mua trên Temu cũng hên xui, vì vốn là hàng rẻ nên phẩm chất đa số cũng bèo thôi, dùng tàm tạm thì được. Vì vậy nhiều thứ khác tôi vẫn chọn mua của Amazon hay của các shop local.

Mà tôi cũng không thích cái kiểu mồi chài của Temu như: Lúc đầu free shipping, sau thì đơn 20$ mới free, giờ thì 40$, còn thưởng tiền chăng? Muốn được thưởng thì mua thêm đi, hoặc share mời bạn bè mua đi… 

Suy ra: Nếu doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ của Việt Nam nếu biết tìm tòi làm ra các sản phẩm đơn giản mà ứng dụng tốt cho đời sống, rồi cố gắng nâng cấp phẩm chất sản phẩm lên, chạy quảng cáo thêm vô… rồi dần dần chuyên môn hóa và sản xuất số lượng nhiều hơn thì bán được hàng.

Chớ giờ có muốn né hàng giá rẻ của Trung Quốc là khó rồi đó vì vốn dĩ không có Temu thì loại hàng kiểu Temu cũng vẫn đang tràn ngập ở Việt Nam. Chưa kể hàng giá rẻ, hàng sản xuất dư thừa của Trung Quốc hiện đang được chính phủ Trung Quốc tiếp tay đẩy ra nước khác với chính sách tầm “chiến lược cấp quốc gia” thì cả thế giới đều bị, nói gì Việt Nam. 

Trong khi đó thì nhà cầm quyền đang loay hoay chưa có giải pháp rõ ràng! 

Các báo đồng viết bài: “Temu đại náo (thao túng) thị trường Việt Nam khi chưa có phép.” Riêng, Tạp chí Công thương “kể công” cho bộ cùng tên bằng tựa “Sau phản ảnh, Temu xin cấp phép hoạt động ở Việt Nam,” ý nói: Chiều 23/10, trong cuộc họp báo thường kỳ, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết “Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, và Bộ giao cho Cục thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT &  KTS) và TC, QLTT đánh giá tác động của Temu.” Chỉ nửa ngày sau (24/10), Temu vội vàng đăng ký với Bộ!

Tôi xin viết lời ai điếu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng “made in VN”, xin coi lại năng lực ‘tiên liệu và ứng phó của Bộ Công thương với “cơn sóng thần TMĐT” nhấn chìm hàng hóa trong nước như thế nào?’. Về hình thức, Bộ Công thương thành lập rất sớm và kịp thời các cục: Xúc tiến TM, Phòng vệ TM, TMĐT & KTS; các Vụ: Chính sách Thương Mại đa biên, Thị trường trong nước và bốn châu Á, Âu, Mỹ, Phi; Thương vụ Việt Nam tại 47 nước, và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ban ngành chức năng nhiều cỡ đó, bộ trưởng Tuấn Anh chỉ nhờ đi rước vợ tận cầu thang máy bay, chứ không đưa hàng Việt Nam vào chợ Việt Nam ở nước ngoài được! Còn sàn TMĐT trong nước thì bán toàn hàng nước bạn! 

Riêng, “chợ” TMĐT có trách nhiệm liên đới của Bộ Thông tin & Truyền thông mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là nhà chuyên môn cao về công nghệ số. Ngày 8/11/2019, Bộ trưởng Hùng tuyên bố tại Quốc hội “90 triệu người sẽ dùng mạng xã hội Việt Nam vào năm 2020.” Ông khoe: “Sau khi nhậm chức bộ trưởng (24/10/2018, thay Trương Minh Tuấn bị cách chức vì tham nhũng) chưa đầy một tháng tôi thành lập Tổ công tác hỗ trợ phát triển Mạng xã hội Việt Nam – có nhiều Công ty công nghiệp thông tin đứng thứ Sáu thế giới về software technology.”

Ngày 9/11/2020, cũng tại nghị trường Quốc hội Bộ trưởng Hùng tuyên bố “Sàn giao dịch điện tử đã sẵn sàng để bà con bán nải chuối buồng cau với giá cao.” Các ông nghị vỗ tay khen, còn tôi đâm lo: Mấy bà ở 18 thôn vườn trầu phải mua smartphone 5G để giao buồng cau cho shipper; bà con vùng sâu liệu sóng có đủ mạnh để giao từng nải chuối? Hôm trước, tôi mới “sửa lưng” thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lầm lẫn “tải trọng” với “tỷ trọng.” Bây giờ, Bộ trưởng Hùng lại lầm lẫn nông sản là “hàng ship online.” Nếu thế giới học tập Bộ trưởng Hùng, thì siêu thị không phải đổ trái cây úng, héo do bán chậm.

Mạng xã hội Việt Nam tên gì, ở đâu, có đủ 100 triệu người sử dụng chưa?Lãnh đạo bộ Chính trị và Thông tin & Truyền thông miệng giỏi hơn tay, mà tay nhanh hơn não, thôi đành khóc cho phần số hẩm hiu của “hàng Việt Nam chất đống cao” vậy!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights