YẾN TUYẾT
YSA, người phụ nữ trẻ với khuôn mặt thuần hậu và giọng cười hồn nhiên của trẻ thơ, có cái tên đăc biệt ấy, đến thăm tôi vào môt buổi chiều nóng bức của mùa hè Cali.
Nhân dịp này, Ysa dành cho tôi hơn hai tiếng đồng hồ chuyện trò vui vẻ và thân mật khi chia sẻ đời sống và công việc của cô, một phụ nữ Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, dấn thân vào việc phục vụ cộng đồng trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật. Vào tháng 4/1975, Lê Đình Ysa chỉ mới 5 tuổi, nhưng sau đó không lâu, cô phải sống xa thân phụ là nhà báo Lê Đình Điểu, từng giữ chức vụ Cục Trưởng Cục Đối Nội thuộc bộ Thông Tin, Dân Vận và Chiêu Hồi trong chế độ VNCH khi ông bị cộng sản bắt đi cải tạo cho đến năm 1981 mới được thả.
Trong thời gian đó, thân mẫu Ysa phải vừa đi dạy Anh ngữ vừa bán chợ trời để có thể nuôi chồng trong tù và nuôi sống gia đình. Bà cũng từng tìm cách đem ba đứa con vượt biên nhưng không thành, bi bắt và mất tất cả vốn liếng.
Hai năm sau khi bố của Ysa ra khỏi tù, năm 1983, gia đình của cô được theo ông nội của YSa sang định cư tại Pháp vì ông của cô từng làm việc cho chính phủ Pháp.
Sau một thời gian so sánh và chọn một nơi định cư dài hạn, bố mẹ Ysa quyết định di chuyển sang Mỹ nhờ lý do thân mẫu của cô từng đi du học ở Mỹ về ngành Y tá trước 4/1975, giúp bà dễ dàng xin được việc làm ở một bệnh viện bên Hoa Kỳ vì nhu cầu cần y tá lúc đó rất cao.
Cùng lúc đó, bố của Ysa liên lạc được với các bạn bè cũ gồm ông Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Ngoc Tuệ…từng hoạt động với nhau lúc trẻ ở Viêt Nam trong đoàn Thanh Niên Thiện Chí và đang chủ trương nhật báo Người Việt tại Nam California. Nhận thấy cơ may có thể có việc làm ở một tờ báo do bằng hữu chủ trương nên năm 1985 bố Y Sa và gia đình rời Pháp sang định cư ở Hoa Kỳ cho đến bây giờ.
Cả hai vị thân sinh của Ysa đều qua đời.
Năm 1996, Ysa lập gia đình với Luật sư Vũ Quí Hạo Nhiên, hiện là giáo sư toán tại Đại Học Coastline College. Người anh trai của Ysa đang giữ việc dịch thuật cho nhiều cơ quan truyền thông, còn người em trai đã trở về đời sống dân sự sau khi phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ một thời gian dài.
Ysa nói cô chọn học ngành Dược vì hồi nhỏ thích không khí của nhà thuốc tây. Cô tốt nghiệp năm 1994 từ Đại học USC, sau đó ghi tên theo học tiếp ngành hậu Đại học ở Rhodes Island và tốt nghiệp năm 1995.
Hiện Ysa giữ chức Clinical Pharmacist, làm việc cho Hệ thống Y tế San Joseph Home Infusion Pharmacy ở thành phố Anaheim.
Khi được hỏi về cơ duyện đưa đẩy cô đến với hoạt động thiên về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, và gần đây là điện ảnh, Ysa nói:
“Có lẽ từ khi còn nhỏ, Ysa được lớn lên trong một mội trường tràn đầy sách vở chung quanh vì ông bà nội có một cửa tiệm cho thuệ sách tên là Lê Đình Thư Cát. Bố của Ysa lại là một người ưa chuông đọc sách nên ông hay dẫn anh em Ysa đi mua sách báo về đọc. Do đó, từ nhỏ ba anh em Y Sa rất thích đọc sách.
Sau tháng 4/1975, Ysa đã phải chứng kiến việc những người cộng sản xông vào nhà tịch thu và đốt sách báo của gia đình. May mắn thay, gia đình Ysa vẫn còn rất nhiều sách truyện khác, không bị cộng sản xếp hạng “nguy hiểm hay đồi trụy”, cho nên trong thời gian ở Việt Nam và đang ở tuổi vị thành niên, Ysa có dịp đọc đủ loại truyện từ truyện chưởng cho đến chuyện ma quái hay lịch sử, cổ tích, có lẽ một phần nhờ đó mà Việt Ngữ của Ysa được tiến bộ vì đã làm quen với tác phẩm của các nhà văn tên tuổi như Lê Tất Điều, Nhật Tiến v.v…
Qua đến Mỹ, với sự quen biết của thân phụ là Lê Đình Điểu trong giới cầm bút và giới nghệ sĩ, Ysa cho rằng cô rất may mắn được bố dẫn đi tham dự nhiều buổi hội luận văn hóa của những nhà văn lớn như Võ Phiến,Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng mà cô rất thích thú được gặp gỡ.
Cô cũng được tham dự những buổi nhạc vinh danh nghệ sĩ trong đó có Nhạc sĩ Phạm Duy là người cô rất ngưỡng mộ. Ysa cũng say sưa nghe nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang trình bày những bài hát ngợi ca tình yêu quê hương.
Nhờ những sinh hoạt nghệ thuật đa dạng này, Ysa có dịp gặp gỡ giới văn nghệ sĩ của thế hệ cha ông, học hỏi, và hòa mình vào nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật khác nhau trong cộng đồng Việt Nam tại quận Cam một cách thảnh thơi và tự nhiên.
Âm Nhạc
Ysa cho biết khi còn ở Viêt Nam, Bố Mẹ cô cũng tạo cơ hội cho cô được học đàn tranh. Ysa nhớ mãi cây đàn tranh cũ do chú Trần Đại Lộc, một người bạn của ông Lê Đình Điểu tặng, được bố cô hớn hở đem về cho cô tập đàn. Cho dù cây đàn tranh đứt giây gần hết nhưng sau đó đã được làm mới và giúp Ysa làm quen với đàn tranh và nhạc cổ truyền Việt Nam.
Trong thời gian ở Pháp, Ysa lại có cơ hội đào luyện thêm về nhạc cụ dân tộc này khi được thu huấn với cô Đỗ Phương Oanh, vốn là một nhạc sĩ tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Âm Nhạc về các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt. Ysa từng cùng các bạn trong nhóm đàn tranh do cô Phương Oanh hướng dẫn đi trình diễn ở nhiều lễ hội ở Pháp.
Khi qua Mỹ và ở gần cộng đồng Việt Nam, Ysa càng nhận thấy mình có khuynh hướng yêu thích nhạc dân tộc Viêt Nam và muốn trau đồi thêm sở thích âm nhạc khi ghi danh tiếp tục học đàn tranh với Giáo Sư Nguyễn văn Châu. Cũng nhờ đó, Ysa có cơ hội tham gia vào sinh hoạt của đoàn vũ dân tộc Lạc Hồng.
Làm MC
Vào một dịp tình cờ khi Đoàn Lạc Hồng thiếu người giới thiệu chương trình, Ysa đã được mời làm thử và từ đó, cô trở thành MC thường trực mỗi năm cho đoàn vũ dân tộc Lạc Hồng vì cô thấy sinh hoạt này gần gũi với niềm quí trọng nhạc dân tộc của mình.
Nhiều nhà tổ chức văn nghệ ở quận Cam sau đó đã mời Ysa làm MC và cô chỉ nhận làm người giới thiệu chương trình cho các chương trình như Nhạc Thính phòng hay Nhạc Dân tộc vì thấy thích hợp với mình hơn.
Ysa cho biết cô luôn soạn bài giới thiệu chương trình của mình rất kỹ lưỡng khi tìm đọc tiểu sử của tác giả và tác phẩm vì vậy cô thường chọn lọc chương trình nào phù hợp với sở thích thì mới cộng tác vì khá bận rộn với công việc chính trong ngành dược.
Radio
Y Sa kể lại:
Khi Đài Phát Thanh VietNam California Radio (VNCR) ra đời, Bố Lê Đình Điểu có lập một chương trình lấy tên là Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật và Ysa đã được cùng Bố cô phụ trách mục này trong vòng 15 năm, kể từ khi ông còn sống cho đến sau khi ông qua đời (1995-2010).
Chương trình VCTVHNT đã phỏng vấn vô số nghệ sĩ sinh hoạt trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau về điện ảnh, tiêu biểu như Đạo diễn Trần Anh Hùng của phim Green Papaya; về văn học như nhà phê bình/học giả Thụy Khuê của đài Radio France Internatinale RFI ở Pháp; Nhạc sĩ Pham Duy, Nhac sĩ dương cầm Đạng Thái Sơn, họa sĩ Ann Phong.
VAALA
Ysa nói:
“Năm 1991, các bác các chú trong nhóm Người Việt hợp cùng một số văn nghệ sĩ thành lập Hôi Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ ( Vietnamese American Arts and Letters Association-VAALA) với mục đích tạo các sinh hoạt văn học nghệ thuật cho cộng đồng di dân mới, cung cấp môi trường cho những nghệ sĩ có cơ hội trình bày suy nghĩ của họ, làm gạch nối giữa giới nghệ sĩ và đồng bào Việt Nam đang tị nạn và với người Mỹ bản xứ.
Có thể nói “bố Lê Đình Điểu” là linh hồn của Hội từ khi sáng lập, lo xây đưng từ định chế cho tới hội viên, lo từng đồng gậy quỹ cho đến lo nội dung của cho các buổi sinh hoạt.
Sau khi bố Ysa qua đời vào năm 1999, cùng với các bạn trẻ đồng trang lứa thuộc thế hệ người Việt di dân một rưỡi hoăc thứ hai, Ysa bắt đầu dấn thân vào sinh hoạt của VAALA nhiều hơn”, như là một mơ ước sẽ gìn giữ, tiếp nối và phát triển con đường bố cô đã vun bồi.
Ysa giữ chức President trong VAALA Board từ năm 2004-2008, và hiện đang giữ chức Executive Director từ năm 2008 đến nay.
Ysa nhớ lại năm 2001 là một năm ghi dấu nhiều sinh hoat nghệ thuật nhất mà VAALA góp phần tham dự.
Kỷ niệm Ysa cho là rất dễ thương khi đại diện VAALA cùng các bạn bè đồng lý tưởng gồm có Mimi Studio, công ty địên tử Kicon, World Wide Viet Public Affairs tổ chức Hội Chợ Sách Little Saigon Book Fair (8-2001) ở thành phố Westminster.
(Theo bài tường thuật của MiMi News thì hội chợ sách đã trưng dụng đến 25 chiếc bàn tràn ngập sách của các nhà xuất bản lớn ở Hoa Kỳ như Văn Nghệ, Xuân Thu, Đại Nam. Văn Khoa, An Tiêm, Thế Kỷ … và ngay cả sách của nhiều tác giả tự xuất bản).
Ysa cho biết thêm là vào tháng 9 cùng năm, sau vụ khủng bố 911, một sinh hoạt vỉa hè do nhóm chủ trương nói trên khởi xướng qua cuộc triển lãm tranh biếm họa về khủng bố của các họa sĩ Ecetera, VAL và Hù.
Không dừng ở sinh hoạt này, cuộc triển lãm “Vẽ Saigon” được sự tham gia của các họa sĩ thuộc nhiều thế hệ, từ Bé Ký, Phi Lộc, đến Ann Phong, Lê Thu Huệ, Nguyễn Thanh Văn…
VAALA còn phối hợp với một số nghệ sĩ mở cửa phòng triển lãm mang chủ đề “The Mix” của 8 nhà thiết kế đồ họa – Graphic Designers. Trong dịp này, khách thưởng ngoạn đã được xem những tác phẩm đa dạng thuộc lãnh vực graphic design từ business card, poster nhac, bìa băng CD cho đến bìa sách, mẫu quảng cáo xe hơi.
VAALA cũng đã bảo trợ tổ chức một buổi triển lãm có tên FOB: A Multi Art Show tại phòng sinh hoạt Người Việt vào giữa tháng 9/2002. Buổi triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa dạng gồm hội họa, điệu khắc, nhiếp ảnh, biếm họa, âm nhạc, kịch nghệ, thơ, phim và video của 40 nghệ sĩ Việt Nam.
Đây là một sự kiện đáng chú ý trong sinh hoạt nghệ thuật nhằm đề cao khả năng sáng tạ của thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên tại Mỹ, để qua đó, thế hệ này có thể minh định lại bản sắc văn hoa, hay “căn cước” của chính mình.
Viet Film Fest
Khi được hỏi về sự ra đời của Viet Film Fest, Ysa nói:
“Vào tháng 4 năm 2003, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA cùng phối hợp với Nhóm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam (Vietnamese Language and Culture-VNLC) của trường UCLA, tổ chức Cinema Symposium với mục đích tạo cơ hội cho khán giả biết thêm về điện ảnh Việt Nam qua nhiều góc cạnh khác nhau, cùng lúc tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ chia sẻ kinh nghiệm.
Sau buổi hội luận Cinema Symposium, ban tổ chức nhận thấy nhu cầu cần được hỗ trợ và quan tậm của cộng đồng từ các nhà làm phim nên dự định mở rộng và nối dài bằng một sinh hoạt khác.
Ysa là một trong những người đầu tiên sáng lập Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế- Vietnamese International Film Festival (VIFF).
Cô kể lại: “Vào mùa hè năm 2003, một đại hội điện ảnh quốc tế của các nhà làm phim gốc Việt được VAALA bảo trợ và tổ chức lần đầu tiên, ngay tại quận Cam, nơi có động người Việt cư ngụ nhất, để các tác phẩm điện ảnh có thể đến gần với cộng đồng hơn.
Từ khi thành lập vào năm 2003 với chỉ một số lượng khán giả khiêm nhường trong hội trường của Đại học UCLA và UCI, đến nay, Việt Film Fest đã phát triển một cách mạnh mẽ trong công đồng người Việt sống ngoài Việt Nam.
Được xem là một đại hội điện ảnh Việt Nam có tầm vóc quốc tế lớn nhất trên thế giới của người Việt hải ngoại, Viet Film Fest trình bày những tác phẩm đầy sáng tạo của các nhà làm phim người Việt nói về đời sống và sinh hoạt của người Việt.
Tất cả phim tham dự và được trình chiếu cũng như trao tặng giải được thực hiện bởi các nhà làm phim cùng nguồn cội Việt Nam, hay phim của họ có nội dung trình bày những kinh nghiệm trong đời sống của người Việt”.
Theo tin trích từ website của VAALA sau 20 năm hoạt động thành công, hàng năm Viet Film Fest (VFF) trung bình có khoảng 5,000 khán giả địa phương tham dự và hàng triệu người ái mộ trên thế giới, và đã tạo được sự chú ý của giới làm phim từ France and Canada, Israel, South Korea, Japan, Brazil, and Germany. Xuyên qua ngôn ngữ của điện ảnh quốc tế, Viet Film Fest đem lại những khía cạnh nhân sinh để mở rộng chân trời mới cho điện ảnh Việt Nam.
Ysa cho biết năm 2023, Viet Film Fest nhận được hơn 40 cuốn phim tham dự và sẽ được lần lượt trình chiếu trong hai ngày.6 và 7 tháng 10/2023 tại rạp hát Frida Cinema ở thành phố San Ana.
Đăc biệt năm nay có đến 800 học sinh thuộc các trường trung học ở thành phố Westminster ghi tên đi xem phim do các đạo diễn Việt Nam thực hiện.
Chỉ riêng trong năm 2023 không thôi, bên cạnh sinh hoạt bận rộn của Việt Film Fest, người ta có thể thấy thời khóa biểu của VAALA tràn đầy những sự kiện liên quan đến lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.
Tháng 2 và tháng 3/2023 có những buổi chia sẻ chuyện kể “Little Saigon Stories” được lần lượt tổ chức tại các thư viện ở quận Cam.
Tháng 4 và 5 /2023 nhân kỷ niệm tháng vinh danh Người Á Châu Thái Bình Dương mà Việt Nam là một, buổi Book Fair được tổ chức, và lần đầu tiên độc giả người Việt có thể gặp mặt một số tác giả Việt thuộc thế hệ trẻ để được ký tặng sách.
Cô cũng ghi nhận là càng ngày càng có nhiều em trong thế hệ trẻ đã chọn học về Khoa Học Nhân văn hơn trước, bằng chứng là các thành viên đồng chí hướng với cô trong VAALA đều là những người xuất thân từ những môn học liên quan đến văn chương hay ngôn ngữ.
Sau hơn 20 năm tham gia vào sinh hoạt của một tổ chức hoàn toàn phục vụ văn hóa và nghệ thuât cũng như nhìn thấy sự thành công của VAALA, Ysa mơ ước công đồng Việt Nam tại Orange County sẽ có được một Trung Tâm Văn hóa Dân tộc để chúng ta có thể thực hiện nhiều hơn nữa những chương trình hữu ích cho thế hệ mai sau.Muốn tìm hiểu thêm về VAALA và trở thành thiện nguyện viên hay người bảo trợ, quí độc giả có thể email cho VAALA tại địa chỉ info@vaala.org