“Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Đó là một đoạn của bản Hịch Minh Thề tại đền Hoà Liễu (thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng) nơi diễn ra Lễ hội Minh thề diễn ra trong ngày 11-2 vừa qua. Sau khi chủ tế đọc lời thề, những người có mặt hô lớn “Xin thề”. Đây là lễ hội độc đáo, được coi là “Hội thề không tham nhũng” duy nhứt trong nước Việt được lưu truyền từ thế kỷ 16 đến nay.
Trước sân miếu thờ, Chủ tế dùng dao bầu vẽ một vòng tròn lớn làm Đài thề rồi cắm dao xuống chính tâm vòng tròn biểu hiện sự quyết tâm. Một bậc cao niên trong làng đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn, bô lão của làng bước lên Đài thề làm lễ khấn trời đất; đại diện tư văn đọc hịch Minh thề. Trước khi thề, chủ lễ cắt tiết gà, hòa vào rượu cùng mọi người tham dự lễ hội uống để biểu lộ sự đồng lòng. Theo quan niệm dân gian, gà là linh vật có thể liên thông giữa trời và đất, giữa ánh sáng và màn đêm bằng tiếng gáy. Ông Phạm Đăng Khoa, nghệ nhân ưu tú hiện sinh sống tại thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng cho rằng, những lời thề trong Lễ hội có giá trị mãi mãi hôm nay và mai sau: “Lời thề ở đây không phải là “thề cá trê chui ống” mà thề có tác dụng giáo dục con người, giáo dục đạo lý, giáo dục thế hệ trẻ”.
Đền nầy ghi ơn bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) người được dân chúng cho rằng có công đức ở làng nầy. Bà Thái hậu được thờ phượng chính tại chùa Trà Phương, Thái Thụy cách trung tâm Hài Phòng 20Km, ngôi chùa do chính bà và một số thân vương thời nhà Mạc bỏ tiền ra xây dựng. Chùa còn có tên là Chùa bà Đanh. Bà nổi tiếng về tính nghiêm minh, chính trực, sáng suốt lại nhân từ, cung nữ kính tin, mến phục; các hoàng thân quốc thích thảy đều ra sức phụng sự vương triều, thượng tôn pháp chế. Bà chỉ “chấp kỳ đại cương”, mà triều Mạc không hề xảy ra hiện tượng hoàng thân quốc thích cậy thế lộng hành, không có hiện tượng không tài kém đức mà được tuyển bổ, được lấy đỗ hương cống, tiến sĩ. Hiếm triều đại đế vương nào ở nước ta sánh được về điểm này. Đối chiếu, so sánh các triều đại phong kiến theo chính sử và dã sử cho thấy điều này, theo ghi nhận của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng.
Lễ hội nầy diễn ra thường niên kéo dài 3 ngày vào các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch.