Lên rừng, nghe cây tâm sự

by Tim Bui
Lên rừng, nghe cây tâm sự

TRÙNG DƯƠNG

Cách nơi tôi ở độ hai tiếng lái xe có một cụm rừng gỗ đỏ, tức sequoia, tên là Calaveras Big Trees.

Tôi đã nhiều lần tới thăm, hoặc một mình, hoặc với thân hữu từ xa tới chơi. Tôi rất hãnh diện là nơi mình sống lại gần với một cụm rừng cổ thụ đến vậy, nên hay thích rủ bạn tới thăm rừng, cũng như… khoe nữa.

Tôi thích gọi cụm rừng này nằm ở ngay “sân sau nhà tôi” mặc dù phải lái xe gần 2 tiếng mới tới. Đó cũng là nơi tôi cũng thường tìm tới một mình để nghe tâm hồn mình lắng đọng, hòa cùng thiên nhiên, lắng nghe tâm sự của những cây cổ thụ, nhiều cây còn nhiều tuổi hơn cả những nền văn minh một-thời-hưng-thịnh-dài-nhất trong lịch sử nhân loại, trước khi bị con người đốn ngã hay khai thác cho những tham vọng thương mại hoặc niềm tự hãnh cá nhân.

Calaveras Big Trees là một trong một số cụm rừng cổ thụ gỗ đỏ nằm trong số năm phần trăm còn sót lại của loài sequoia chỉ mọc ở trung và bắc California. Big Trees nằm ở cao độ 4,000 feet, mùa Đông thường có tuyết phủ, cảnh đẹp làm thổn thức lòng người. 

Mặc dù được tìm thấy vào năm 1852 nhưng phải chờ tới năm 1931 cụm rừng này mới trở thành công viên tiểu bang để được che chở, bảo trì cho các thế hệ tương lai cùng chiêm ngưỡng. Trong khoảng thời gian hơn ba phần tư thế kỷ ấy, rừng đã phải chịu đựng nhiều tàn phá do tham vọng của loài người gây ra. 

Mời bạn hãy cùng tôi vào thăm khu rừng cổ thụ, và lắng nghe câu chuyện của cây, tạm quên chuyện thế sự trong giây lát nhé.

Big Stump

“Chào cụ Big Stump,” tôi thường thầm lên tiếng khi vừa bước qua cửa rừng nơi Big Stump, còn gọi là Discovery Tree, được đánh số 1 trên cuốn chỉ dẫn mỏng, nay chỉ còn là một cái gốc khô nhưng vẫn còn phô bầy được nét vạm vỡ một thời, cắm rễ xuống lòng đất đã cả gần 2,000 năm.

Vào năm 1852, một thợ săn tên Augustus T. Dowd đuổi theo một con gấu đã bị ông ta bắn bị thương, và thấy mình lạc vào một khu rừng lạ. Ông ta sững sờ đứng lại trước một cái cây khổng lồ, lớn gấp nhiều lần những cây ông đã thấy.

Về lại tỉnh dưới miền xuôi ông ta kể lại nhưng không ai tin. Cuối cùng Dowd cũng thuyết phục được một số người cùng lặn lội cuốc bộ cả 20 miles vượt rừng leo núi vào xem cây đại thụ. Liền đó, lời đồn đại không cánh mà bay xa. Người ta từ khắp nơi đổ xô nhau tới xem cây đại thụ. Chẳng bao lâu, có một nhóm người bàn tính hè nhau lại lột vỏ cây để sẽ ráp lại đem triển lãm khắp nơi thu tiền vào cửa kiếm lời. 

Chưa hết, họ còn hè nhau lại đốn cây xuống làm gỗ. Họ đốn bằng cưa tay, phải năm người thợ trải qua 22 ngày mới hạ xong. Nơi cây bị cưa, đường kính là 25 feet (8.3m), vòng cây cho thấy cây lúc ấy đã là 1,244 tuổi, với chiều cao ước tính hơn 280 feet (93.3m). Người ta mài sàn gốc cây cho nhẵn, dựng trên đó một phòng để khiêu vũ, tất nhiên là thu tiền vào cửa. Riêng đống vỏ cây dự tính đem đi ráp lại để triển lãm, được chứa trong một nhà kho, nhưng bị hoả hoạn thiêu rụi một năm sau đó.

Tôi nghe chuyện Big Stump đã nhiều lần, lần nào cũng nghe trong lòng dậy lên một mối thương tâm. Nhưng đấy vẫn chưa phải là chuyện thương tâm nhất của cụm rừng cổ thụ này.

Thấy Bà Mẹ Rừng Già đã nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng không khỏi dừng lại thật lâu, ngửa cổ nhìn ngọn cây còn lại trần trụi xù xì loang lổ những lỗ hổng xuyên tấm thân tàn, vươn mấy cánh tay cụt còn lại ra như kêu thương cùng trời đất. Có lần vào một buổi chiều trong khi ngắm cây, tôi được nghe một bà mẹ trẻ đang đọc lịch sử của Bà Mẹ Rừng Già từ cuốn sách hướng dẫn mỏng cho hai đứa con nhỏ, tiếng bà vang lên trong khu rừng tĩnh lặng về chiều, gây trong tôi một âm hưởng lạ lùng khó quên.

Bà Mẹ Rừng Già

Khoảng gần một mile về phía Đông Bắc của cụm rừng là trạm số 15, nơi Bà Mẹ Rừng Già – The Mother of the Forest đứng sừng sững mặc dù đã chết từ năm 1854 khi một người đàn ông tên George Gale phát giác ra cây, thuê người tước hết vỏ cây, nghe kể có chỗ dày tới 2 feet (?), để mang đi triển lãm.

Chính ông đặt tên cho cây này là Bà Mẹ Rừng Già khi tìm ra “bà” hai năm trước đó. Chiều cao của cây ước tính là 321 feet (98m), gốc có đường kính khoảng 90 feet (27m), coi như lớn nhất trong số 92 cây sequoia lớn nhất còn đứng trong vùng trung bộ California. Vì không còn vỏ bao bọc, Bà Mẹ Rừng Già coi như chỉ còn thoi thóp. Một trận cháy rừng vào năm 1908 đã lấy đi sức sống thoi thóp cuối cùng của “Mẹ”. Chính Gale gửi vỏ cây đi để định tuổi và được biết Mẹ lúc bắt đầu hấp hối đã 2,520 tuổi. (Tôi không nghĩ đây là con số chính xác, nếu so sánh với đường kính gốc cây của Big Stump.)

Thấy Bà Mẹ Rừng Già đã nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng không khỏi dừng lại thật lâu, ngửa cổ nhìn ngọn cây còn lại trần trụi xù xì loang lổ những lỗ hổng xuyên tấm thân tàn, vươn mấy cánh tay cụt còn lại ra như kêu thương cùng trời đất. Có lần vào một buổi chiều trong khi ngắm cây, tôi được nghe một bà mẹ trẻ đang đọc lịch sử của Bà Mẹ Rừng Già từ cuốn sách hướng dẫn mỏng cho hai đứa con nhỏ, tiếng bà vang lên trong khu rừng tĩnh lặng về chiều, gây trong tôi một âm hưởng lạ lùng khó quên.

Ông Bố Rừng Già

Không phải cây nào cũng có lịch sử đau buồn như của Cụ Big Stump hay Bà Mẹ Rừng Già. Ở trạm số 13 là Ông Bố của Rừng Già – The Father of the Forest, chết tự nhiên. Không ai biết cây đổ tự bao giờ, có lẽ nhiều thập niên hay hàng thế kỷ trước khi người Âu châu kéo sang khai thác. 

Theo bảng hướng dẫn, tiến trình hòa tan vào đất của loài gỗ đỏ rất chậm do chất tannin trong gỗ. Dài theo thời gian, thân cây trở thành giống như một hộp trồng cây khổng lồ, nơi các loài rêu, cây dại đủ loại mọc, cũng như các loài côn trùng muông thú tới làm tổ, sinh sôi nảy nở. Lòng cây rỗng, cho phép du khách bước vào đi thấu dọc chiều dài trong lòng cây. Đây cũng là nơi các nhiếp ảnh gia tới chụp hình nhiều nhất. 

The Hercules, một trong những cây cổ thụ lớn nhất trong cụm rừng Calaveras, bị bão lớn đánh đổ vào năm 1861. Trái, một bé gái đang đọc bản tiểu sử của cây cho cả gia đình của em nghe. Giữa, cũng cây đó nhìn từ phía bên kia. (Ảnh Trùng Dương) Phải, trong một chuyến đưa gia đình một chị bạn thăm rừng, vợ chồng con cái bốn người làm bộ cùng nhau đẩy hai khúc cây sang hai bên cho một bức hình kỷ niệm vui. (Ảnh Trùng Dương)

Góc rừng dành cho người khiếm thị: Three Senses Trail – Con đường tản bộ cho ba giác quan. Đây là một trong những góc rừng thú vị nhất đối với tôi vì nó phản ánh tính nhân bản của ban coi rừng, đó là không bỏ quên những người tàn tật. Khoảng gần chục tấm bảng được dựng trong lối đi có giây thừng giăng để hướng dẫn người khiếm thị, hình thứ hai từ trái; với một bên là chữ Braille nổi cho họ “đọc” bằng những ngón tay, và một bên là tiếng Anh. Phải, tấm bảng kết thúc Three Senses Trail, có nội dung: “The Three Senses Trail chấm dứt ở đây. Công viên Calaveras Big Trees sẵn lòng giải đáp thắc mắc của bạn và trợ giúp thêm. Chúng tôi có nhiều tài liệu bằng chữ Braille để bạn tìm hiểu và khám phá thêm. Xin cám ơn.” (Ảnh Trùng Dương)

Trái, trạm số 21, có tên là Pioneer Cabin Tree. Vào cuối thế kỷ 19, khi cụm rừng này còn do tư nhân sở hữu, vì nhu cầu cạnh tranh lôi kéo du khách, chủ nhân rừng chọn cây này, vì gốc rộng và có sẵn một vết sẹo lớn do cháy rừng để lại, đã cho khoét một lối đi cho xe hơi. Vì vết khoét rộng này, cây không còn sức để nuôi ngọn nên ngọn cây bị gãy đổ nằm gần đó. Giữa, trạm số 23, là một cụm ba cây mọc cùng một chỗ, được đặt tên là Three Graces of Greek – Ba Nữ thần của Thần thoại Hy Lạp, là Aglaia, Euphrosyne, và Thalia, tượng trưng của sắc đẹp, duyên dáng, và lạc thú. Phải, trạm số 26 và cuối cùng trong bảng hướng dẫn, với một sàn bằng gỗ dựng sát vào gốc của cụm mấy cây này, để du khách có thể đến sát cây quan sát cho tiện mà không gây hư hại tới rễ cây. (Ảnh Trùng Dương)

Chuyện cây cổ thụ đổ

Vào một ngày mùa Đông đầu tháng Giêng năm 2017, giữa cơn mưa bão bập bùng cây Pioneer Cabin Tree tại trạm số 21 (hình trên bên trái) bật rễ đổ. Tin cây cổ thụ cả 2,000 tuổi đổ nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.

Mới gần hai tháng trước đó tôi vào thăm rừng cổ thụ, mong tìm chút lắng đọng cho tâm hồn đang cơn bất ổn. Trong chuyến viếng thăm trước này, tôi đã tình nguyện chụp hình cho một gia đình trong vòm bụng của cây cổ thụ, và được một người trong gia đình đó đề nghị chụp lại cho bức hình tôi đứng gần cây. Tôi đã dùng hình đó để làm thiệp Giáng Sinh gửi đi cho thân hữu. Đâu ngờ rằng đó là bức hình cuối cùng của tôi với cây. 

“Chúng tôi vẫn còn thấy nổi da gà mỗi khi nghĩ tới cảnh cây đổ xuống cái rầm như vậy,” Giám thị kiểm lâm của tiểu bang, ông Tony Tealdi, nói với các phóng viên tại chỗ cây đổ một ngày sau biến cố trên. “Thế nhưng đó là lẽ tuần hoàn của đời sống đấy thôi. Giờ là lúc cây cổ thụ này bắt đầu cuộc đời kế của nó trên mặt đất – đó là trở thành nơi sinh cư của các loài thú và côn trùng. Nó vẫn sản xuất trong thiên nhiên đấy chứ — điều đó cũng giúp ích cho thán khí nhà kính nữa.” 

Calaveras Big Trees là một trong 49 công viên rừng gỗ đỏ (sequoia). Các công viên này chiếm một tổng diện tích khoảng 120,000 acres và nằm trong hệ thống công viên của Tiểu bang California. Big Trees chỉ là một phần của 5 phần trăm còn sót lại của loài gỗ đỏ sequoia duy nhất chỉ tồn tại ở trung và bắc California. Vì khả năng chống mọt của cây, vào thế kỷ 19 và đầu 20, di dân các nơi tới khai hoang Mỹ châu đã đốn đi tới 95 phần trăm của loài này để dùng vào các công trình xây cất. Trong khoảng 2.2 triệu acres gỗ đỏ còn sót lại, chỉ có 143,000 acres là đất công được tiểu bang che chở, và 227,000 acres thuộc sự che chở của các cơ quan công quyền khác trong đó có National Park Service. Có tới 1.26 triệu acres còn thuộc tư nhân, trong đó có các công ty khai thác lâm sản. Có một câu chuyện về loài cây nổi tiếng nhất thế giới này liên quan đến một cây sequoia có tên là Luna, mọc trong một khu rừng do hãng Pacific Lumber sở hữu dọc theo bờ biển trong Quận Humboldt ở cực bắc tiểu bang. 

Chuyện cô gái sống trên cây

Luna là tên được đặt cho cây cổ thụ cả ngàn tuổi, cao 200 feet (67m) này. Vào đầu thập niên 1990, hãng Pacific định đốn cây này để sẻ thành gỗ bán. Nghe tin, cô Julia Butterfly Hill, lúc ấy mới 23 tuổi, và một nhóm bảo vệ môi trường đột nhập vào khu rừng này, và cô Julia tình nguyện leo lên cây cổ thụ để bảo vệ cây. 

Cô Julia đã trấn thủ lưu đồn một mình trên Luna trước sau cả thảy 738 ngày bất kể giông bão, tạo nên một áp lực không chỉ trong nước Mỹ mà cả thế giới. Cuối cùng hãng Pacific đành nhượng bộ bằng cách bán lại cho nhóm bảo vệ môi trường của cô Julia cây cổ thụ với giá 50,000 Mỹ kim, là ước lượng trị giá thu nhập nếu họ chặt cây xuống để bán gỗ và các sản phẩm liên hệ. Ngoài ra, Pacific cũng đồng ý tạo một vòng an ninh đường kính 200 feet xung quanh để bảo vệ cây. 

Luna, tuy vậy, cũng bị người nào đó đem cưa máy vào cưa một vòng sâu quanh gốc cây vào một năm sau, nhưng may mắn đã được cứu chữa và tồn tại. Cô Julia đã viết một cuốn hồi ký, “The Legacy of Luna – The Story of a Tree Woman, and the Struggle to Save the Redwoods,” do HarperCollins Publishers xuất bản vào năm 2000. Một phim tài liệu tựa là “Butterfly” do Doug Wolens thực hiện cùng năm cho chương trình POV của đài truyền hình PBS. 

Chúng ta cần cây cối. Ngoài những lý do thực tiễn khác, còn vì lá cây giúp thanh lọc không khí qua việc thu nhập những khí độc như ozone, carbon monoxide và sulfur dioxide, và cây còn cho ta dưỡng khí oxygen. Nhiều cộng đồng coi việc trồng cây là một trong những biện pháp đối phó với tình trạng khí hậu thay đổi do hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu gây ra.

Cây sequoia là gia sản thiên nhiên đặc ân dành cho California vì chỉ có California mới có rừng cổ thụ này. Nhiều du khách từ các nơi tới đây để chiêm ngưỡng loài cây hùng vĩ này. Muốn tìm hiểu thêm và tiếp tay trong những nỗ lực nhằm duy trì những cụm rừng gỗ đỏ quý báu còn sót lại này, xin mời bạn vào Website: http://www.savetheredwoods.org/.  

[TD, 2024/10]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights