LÝ THÀNH PHƯƠNG

Nhà Ngô
Năm 939, Ngô Quyền, sau khi đánh thắng quân Nam Hán, lên ngôi, đóng đô ở Cổ Loa, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục. Nhà Ngô là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, truyền được hai đời nhưng có tới ba vị vua, kéo dài từ năm 939 đến năm 965.
Khoảng thời gian xen giữa từ 944 đến 950 còn có Dương Bình Vương tức Dương Tam Kha. Hậu duệ nhà Ngô không đủ khả năng cai trị đất nước. Nước Việt non trẻ bước vào một thời kỳ hỗn loạn mà lịch sử gọi là loạn 12 sứ quân.
Loạn 12 sứ quân, là một giai đoạn các vùng cát cứ quân gây sự giao tranh với nhau và tạo ra loạn lạc trong lịch sử Việt Nam mà đỉnh cao của nó xen giữa thời kỳ nhà Ngô và nhà Đinh. Cuộc loạn lạc này có nguyên nhân sâu xa từ quá trình phân hóa xã hội thời Bắc thuộc, dẫn đến việc xuất hiện tầng lớp thổ hào, quan lại có thế lực mạnh về kinh tế, chính trị và tạo ra sự phân tán cát cứ. Thực chất của cuộc nội chiến này là việc đấu tranh giành quyền lực tối cao trên đất Văn Lang của các thủ lĩnh địa phương khi nhà Đường suy yếu, người Việt có cơ hội đứng lên tranh giành quyền lãnh đạo. Giai đoạn này có mầm mống từ đầu thế kỷ thứ 10 và có cơ hội phát triển mạnh từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng, thậm chí xưng Vương và đem quân đánh chiếm lẫn nhau.
Giai đoạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944 – 968) và kết thúc khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử.

Bối cảnh và lịch sử
Năm 905, nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ. Họ Khúc đã mở đầu thời kỳ tự chủ của người Việt sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Năm 906, tướng Nguyễn Nê theo lệnh vua Đường đem 7.000 quân sang nước Việt đòi họ Khúc triều cống. Nguyễn Nê dựng bản doanh ở Thành Quả lấy vợ Việt sinh ra ba con trai sau này là các sứ quân Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Siêu. Cũng trong thời kỳ nhà Đường suy yếu, nhiều thủ lĩnh Trung Hoa chạy loạn xuống Tĩnh Hải quân lập ấp mà con cháu họ sau này trở thành các sứ quân như Đỗ Cảnh Thạc và sứ quân Trần Lãm.
Năm 918, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ lên thay hèn yếu, bất lực dù đã có Đại La vẫn không khống chế nổi các hào trưởng địa phương, phải cầu viện ngoại viện nhà Lương. Quân Nam Hán tiến sang, bắt Khúc Thừa Mỹ và đem về Quảng Châu.
Năm 931, hào trưởng Dương Đình Nghệ từ Ái châu đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán, giải phóng thành Đại La. Lưu Cung sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đó ông tự lập làm Tiết độ sứ, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ (thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn làm nha tướng.
Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền đã giết hại Dương Đình Nghệ để cướp quyền với lý do Đình Nghệ là người gây ra cái chết của Khúc Thừa Mỹ, chúa cũ của Tĩnh Hải quân. Hai cháu nội Tiễn là Kiều Công Hãn và Kiều Thuận sau này trở thành các sứ quân ở gần khu vực Phong Châu.
Năm 938, Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ ra giết Kiều Công Tiễn rồi dẹp giặc Nam Hán ở sông Bạch Đằng, lên ngôi Vua, lập ra nhà Ngô, dựng lại quyền tự chủ. Trong số các tướng có sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, sứ quân Kiều Công Hãn và sứ quân Phạm Bạch Hổ. Tàn dư họ Kiều còn lại là sứ quân Kiều Thuận chạy về chiếm vùng núi Hồi Hồ và liên kết với Ma Xuân Trường thâu tóm các tộc trưởng miền núi.
Triều đình Cổ Loa dẹp loạn
Năm 944, Ngô Quyền mất, con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha, anh của Dương hoàng hậu, cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng – Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương (Hải Dương). Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được.
Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, thêm nhiều nơi không chịu thần phục. Đặc biệt là loạn ở hai thôn Đường – Nguyễn, nhiều thủ lĩnh nổi lên chống đối như sứ quân Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (thôn Đường) và sứ quân Nguyễn Khoan nổi dậy ở Tam Đái (thôn Nguyễn), sứ quân Phạm Bạch Hổ là con của Phạm Lệnh Công chiếm Đằng Châu, sứ quân Trần Lãm chiếm giữ ở Bố Hải Khẩu.
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh 2 thôn Đường Lâm và Nguyễn Gia Loan ở Thái Bình. Ngô Xương Văn cho rằng đây là các ấp vô tội và thuyết phục 2 tướng dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công. Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử sách gọi là Hậu Ngô Vương.
Năm 951, Hậu Ngô Vương tiến đánh Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư hơn một tháng không được đành bắt Đinh Liễn, con cả của Đinh Bộ Lĩnh về Cổ Loa làm con tin. Cũng từ đó Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Xương Văn tham dự chính sự nữa.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh thượng mã phong mà chết, chỉ còn một vua là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn.
Sau khi Thiên Sách vương mất, thủ lĩnh ở quận Thao Giang là Chu Thái quật cường không thần phục nhà Ngô. Nam Tấn vương thân chinh đi đánh, chém được Chu Thái. Cũng sau thời gian này, Ngô Xương Văn đi đánh giặc Lý Huy/Dương Huy ở châu Tây Long, đóng quân ở cửa Phù Lan, suốt tháng trời giặc tan mới rút quân trở về.
12 Sứ quân
Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường tức Đường Lâm của sứ quân Ngô Nhật Khánh và thôn Nguyễn Gia Loan của sứ quân Nguyễn Thái Bình bị phục binh bắn nỏ chết. Khi Ngô Xương Xí nối ngôi, Ngô Nhật Khánh là anh em cùng họ cũng kéo quân từ Đường Lâm về Cổ Loa tranh giành.
Cũng trong năm 965 thứ sử Phong Châu Kiều Công Hãn kéo quân về triều đình Cổ Loa cùng tranh ngôi vua với Lã Xử Bình. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí phải lui về giữ đất Bình Kiều, trở thành Ngô sứ quân. Theo sử gia Ngô Thì Sỹ thì lúc đó Nam Tấn Vương mới mất, trong nước rối ren, Đinh Liễn nhân lúc loạn lạc mà trốn về. Đinh Liễn sau 15 năm làm con tin ở Cổ Loa trở về Hoa Lư, cùng cha Đinh Bộ Lĩnh sang đầu quân cho sứ quân Trần Lãm ở Thái Bình.
Năm 966 thứ sử Dương Huy, thứ sử Kiều Công Hãn, tham mưu Lã Xử Bình và nha tướng Đỗ Cảnh Thạc tranh nhau làm vua. Đinh Bộ Lĩnh giết được Lã Xử Bình, kiểm soát được thành Cổ Loa. Các tướng Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc thua chạy về Phong Châu và Đỗ Động, nổi dậy thành sứ quân.
Tổng cộng có 12 sứ quân. Họ là:
1. Trần Lãm: là người gốc Hoa, sau trở thành một sứ quân mạnh, trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, có tiềm lực về kinh tế dựa vào lợi thế của nghề đánh cá biển. Lực lượng của Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu có sự liên kết, phối hợp với Đinh Bộ Lĩnh. Khi Tràn Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh hợp nhất lực lượng Bố Hải Khẩu về Hoa Lư để đánh dẹp các sứ quân khác.
2. Ngô Xương Xí: vốn là dòng dõi nhà Ngô. Khi Ngô Xương Văn mất, các tướng Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Huy tranh nhau làm vua. Ngô Xương Xí phải rời bỏ Kinh đô về chiếm vùng núi Bình Kiều, Thanh Hóa, trở thành một sứ quân. Ngô sứ quân chiếm đóng và xây dựng thành Bình Kiều. Sau ông cùng với Phạm Bạch Hổ và Ngô Nhật Khánh hàng phục nhà Đinh.
3. Đỗ Cảnh Thạc: vốn người gốc Hoa. Ông từng là tướng nhà Ngô, rồi Dương Tam Kha. Tham gia tranh ngôi vua khi Ngô Xương Văn mất. Đỗ Cảnh Thạc lập hành cung có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh, gồm 72 trại sở, tu tạo thuyền chiến, tích trữ lương thảo, binh sĩ trở và thành một sứ quân rất mạnh ở vùng Đỗ Động Giang. Lực lượng của ông giao tranh hơn một năm với lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh rồi bị giết năm 967.
4. Phạm Bạch Hổ: vốn là tướng nhà Ngô, trấn giữ Hải Đông (vùng Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay). Khi nhà Ngô mất, ông trở thành một sứ quân mạnh, được tôn xưng là Vua Mây. Sau một số lần giao tranh, ông hàng phục nhà Đinh. Hiện được nhiều nơi ở vùng châu thổ sông Hồng lập đền thờ.
5. Kiều Công Hãn: vốn là tướng nhà Ngô. Giữ chức thứ sử Phong Châu, từng tham gia tranh ngôi vua khi Ngô Xương Văn mất và trở thành một trong 12 sứ quân chiếm giữ 3 châu Hào, Thái, Phong. Kiều Công Hãn cho xây thành Tam Giang rồi thành Phù Lập ở Phong Châu và mở rộng căn cứ chiếm đóng. Năm 967 khi giao chiến với quân Hoa Lư, trên đường tháo chạy bị một hào trưởng là Nguyễn Tấn chặn đón chém chết ở khu vực đền Gin, Nam Định ngày nay.
6. Nguyễn Khoan: cùng với 2 sứ quân khác, Nguyễn Siêu và Nguyễn Thủ Tiệp, là con của một vị tướng Trung Hoa có công chiêu mộ và huấn luyện dân binh vùng chiếm đóng để xây dựng lực lượng và phát triển kinh tế. Nguyễn Khoan là sứ quân rất mạnh, được dân bản xứ tôn xưng là Quảng Trí Quân, nghĩa là vị vua có đức lớn tài cao, rộng hiểu biết và đầy tình bác ái, biết canh tân mỹ tục cai trị triều đình nhỏ ở Tam Đái. Sau ông bị lực lượng Hoa Lư tấn công, chống không nổi và bị giết.
7. Ngô Nhật Khánh: vốn là dòng dõi hoàng thân nhà Ngô. Sau cũng trở thành sứ quân mạnh chiếm đóng ở quê hương Đường Lâm. Khi Ngô Xương Xí nối ngôi, Ngô Nhật Khánh cũng kéo quân từ Đường Lâm về Cổ Loa tranh giành, tự xưng An Vương. Giữ Đường Lâm, mở rộng địa bàn sang Cổ Loa và Đỗ Động Giang, Bố Hải Khẩu… Sau hàng phục nhà Đinh, trở thành phò mã. Khi vua Đinh mất, Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành đem quân tấn công Hoa Lư bị bão dìm chết năm 979 ở cửa Thần Phù.
8. Nguyễn Siêu: cùng với 2 sứ quân khác, Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Tiệp, là con của một vị tướng Trung Hoa. Khi giàu mạnh, Nguyễn Siêu nuôi dưỡng môn đệ trên 8.000 người, binh mã có trên 10 vạn, không ngừng thu phục anh hào, thế lực ngày càng lớn. Nguyễn Siêu trở thành một sứ quân rất mạnh có thành hào vững chắc. Lực lượng của ông bị đánh bại sau lần tấn công thứ hai của Đinh Bộ Lĩnh.
9. Kiều Thuận: thuộc lực lượng của Kiều Công Tiễn. Gia tộc họ Kiều của ông vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu. Ông xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hoá, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng miền núi. Kiều Thuận trở thành một sứ quân mạnh, có địa bàn rộng lớn và vững chắc ở xa các sứ quân khác. Sau ông bị lực lượng Hoa Lư tấn công, chống không nổi và bị giết.
10. Nguyễn Thủ Tiệp: cùng với 2 sứ quân khác, Nguyễn Siêu và Nguyễn Khoan, là con của một vị tướng Trung Hoa. Ông kế thừa sự nghiệp của cha với nhiều của cải. Ông trở thành một sứ quân mạnh. Sau mở rộng thực ấp, lấy cả châu Vũ Ninh. Ông tự xưng là Vũ Ninh Vương. Khi bị quân Hoa Lư tấn công ông tháo chạy về Cần Hải (Nghệ An) giao tranh vài trận rồi chết ở đó.
11. Lý Khuê: là một thổ hào địa phương, sau trở thành một sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân. Ông vốn là một hào trưởng, chiếm đóng tại vùng Siêu Loại giáp ranh Bắc Ninh và Hưng Yên ngày nay. Năm 968 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp tan, một bước trong quá trình chấm dứt tình trạng cát cứ lập ra nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử.
12. Lã Đường: vốn là một thổ hào địa phương ở vùng Tế Giang. Khi nhà Ngô suy yếu, không còn khả năng kiểm soát địa phương, Lã Đường tự chiêu mộ và xây dựng lực lượng cát cứ, dựa vào địa thế hiểm yếu bùn lầy, lau sậy để cố thủ. Sau ông bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh tấn công, chống không nổi và bị giết.
Các sứ quân ra mặt đánh chiếm lẫn nhau: Lã Đường tấn công Đỗ Cảnh Thạc; Kiều Công Hãn tấn công Nguyễn Khoan; Nguyễn Thủ Tiệp giết Dương Huy chiếm Vũ Ninh và tự xưng là Vũ Ninh Vương.
Năm 967, sứ quân Trần Lãm mất, sứ quân Ngô Nhật Khánh từ Đường Lâm, Đỗ Động Giang tập hợp 500 con em Ngô tiên chúa đánh Bố Hải Khẩu, khi đến đất Ô Man thì bị Ngô phó sứ chặn đánh phải bỏ về. Đinh Bộ Lĩnh liền cất quân đi đánh, không bộ lạc nào ở đó không hàng phục. Các sứ quân Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí đem quân về hàng, lực lượng họ Đinh ngày càng lớn mạnh. Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Nguyễn Khoan, Kiều Công Hãn, Kiều Thuận.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đánh dẹp và đánh bại các sứ quân Lý Khuê, Lã Đường và thống nhất Tĩnh hải quân, lên ngôi Hoàng đế ở kinh đô Hoa Lư, chính thức lập ra triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam.
Giai thoại về Đinh Bộ Lĩnh – Cờ lau tập trận
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép::” Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ bé (cha là Đinh Công Trứ – bộ tướng của Dương Đình Nghệ), mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, ông thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng ông, bèn cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn.” Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập ông làm trưởng ở sách (huyện) Đào Áo. Người chú của ông giữ sách Bông chống đánh với ông. Bấy giờ, Đinh Bộ Lĩnh còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, ông rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ ông, nên sợ mà lui. Đinh Bộ Lĩnh thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng.

Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư dựa vào vùng núi khe hiểm yếu, không chịu tuân lệnh triều đình nhà Ngô. Hai vua Ngô là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Đinh Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Hai vua Ngô vương trách Bộ Lĩnh không tự mình đến chầu, rồi bắt giữ Đinh Liễn đem theo quân đi đánh Hoa Lư.
Quân Ngô tấn công hơn một tháng, không đánh nổi. Hai vua Ngô bèn treo Đinh Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Nhưng Bộ Lĩnh không vẫn thần phục, lại sai hơn mười tay nỏ nhắm con mình mà bắn. Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn kinh sợ nói rằng:”Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì”. Vì vậy hai anh em vua Ngô không giết Đinh Liễn mà đem quân về.
Sau này hai cha con Đinh Bộ Lĩnh đem quân bản bộ gia nhập vào lực lượng của sứ quân Trần Lãm. Khi Trần Lãm mất. Đinh Bộ Lĩnh kế thừa sự nghiệp. Với tài trí hơn người, ông đánh đâu thắng đó, được tướng sĩ suy tôn là Vạn Thắng Vương.” Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại các sứ quân khác và lên ngôi vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng.