Với các nhà vườn, vị của trái sầu riêng đã không còn ngọt như cách nay vài tháng sau khi giá sầu riêng bán tại vườn đã giảm tới một nửa do sầu triêng ở các nước như Thái Lan, Malaysia bắt đầu vào mùa thu hoạch chính vụ. Đây không chỉ là lời cảnh báo cho ngành sầu riêng Việt Nam ở ngay sân nhà, mà cả ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn mà ngành sầu riêng đang hy vọng sẽ mang lại sung túc cho người trồng, cũng là nguồn cơn đang tạo ra làn sóng chặt bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang sầu riêng.
Lợi thế của trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là thu hoạch trái vụ. Nhưng liệu lợi thế này sẽ duy trì được bao lâu khi mà Thái Lan, nước xuất khẩu trái cây hàng đầu ở Đông Nam Á, không dễ dàng chấp nhận thua Việt Nam ở thị trường sầu riêng Trung Quốc, nơi ngành xuất khẩu trái cây của nước này đã củng cố được vị thế từ hàng chục năm nay.
Trong khi nhà vườn ở Việt Nam vẫn còn đang say sưa với viễn cảnh tươi sáng của trái sầu riêng thì những mối nguy đã bắt đầu lấp ló ở cuối chân trời.
Cuối tháng 3 vừa qua, truyền thông Trung Quốc loan tin, tháng 6-2023 nước này sẽ thu hoạch mùa sầu riêng đầu tiên trồng trên đảo Hải Nam với sản lượng khoảng 2.450 tấn. Một khu trồng sầu riêng công nghiệp với diện tích 3.333 héc ta ở Tam Á sẽ được xây dựng, dự đoán sẽ thu hoạch vào năm 2028 với giá trị doanh thu khoảng 727 triệu đô la Mỹ.
Chất lượng sầu riêng Trung Quốc trồng vẫn đang là một dấu hỏi, nhưng với thực lực về tài chính và công nghệ gen, công nghệ sinh học, việc trồng ra loại sầu riêng có chất lượng đối với người Trung Quốc không phải khó.
Thị trường sầu riêng Trung Quốc ước tính có trị giá khoảng 4 tỉ đô la và sầu riêng Việt Nam chiếm được chưa tới 4% thị phần. Về mặt lý thuyết, cơ hội cho loại trái cây này của Việt Nam vẫn khá khả quan.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là cơ hội và chẳng có gì chắc chắn cơ hội đó sẽ sớm được chuyển hóa thành những hợp đồng xuất khẩu. Nhưng có một điều rất chắc chắn và cũng có thể là mối nguy với người trồng sầu riêng, đó là sản lượng trái sầu riêng.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới cuối năm 2020, diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam vào khoảng 110.000 héc ta, vượt 35.000 héc ta so với định hướng; sản lượng sầu riêng thu hoạch năm 2021 là 642.600 tấn, dự kiến năm 2023 tăng vọt lên 1 triệu tấn và con số này chắc chắn sẽ tăng rất mạnh trong những năm tới, khi mà hàng chục ngàn héc ta sầu riêng mới trồng bắt đầu cho thu hoạch. Trong tình cảnh đó, nếu trong vòng 5-6 năm tới thị phần sầu riêng của Việt Nam ở Trung Quốc không tăng được gấp 2-3 lần so với hiện nay thì sẽ là thảm họa đối với ngành sầu riêng Việt Nam.
Thực tế đang được ghi nhận là trái sầu riêng Việt Nam đang bị lép vế trên chính sân nhà trước sầu riêng Thái Lan, dù giá rẻ hơn. Điều đó cho thấy chất lượng sầu riêng Việt Nam không thể bằng được của người Thái. Đây có thể là chỉ dấu cho thấy sầu riêng Việt Nam có nhiều khả năng thất thế ở thị trường Trung Quốc một khi người Thái cũng trồng được sầu riêng trái vụ.
Khao khát của người nông dân, được giàu lên từ những loại cây trái họ đã đổ mồ hôi công sức chăm bón hàng ngày là chính đáng. Nhưng ước mơ này sẽ rất khó thành hiện thực nếu để nông dân tự bơi một mình.
Thành công nhờ trồng sầu riêng trái vụ là cái tài cũng như sự nhanh nhạy của người nông dân. Nhưng nó cũng cho thấy một mối lo, đó là ngành sầu riêng Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Malaysia.
Bí quyết thành công của họ chắc chắn không chỉ nằm ở việc gia tăng diện tích, sản lượng mà còn nằm ở chất lượng ngày càng được nâng cao và ngày càng có nhiều mẫu mã cho khách hàng lựa chọn. Không phải ngẫu nhiên mà người Thái lai tạo ra rất nhiều giống sầu riêng chất lượng, để chính những sản phẩm của họ cạnh tranh với nhau. Thương hiệu Musang King giúp sầu riêng Malaysia chinh phục nhiều thị trường và là đòn bẩy cho việc xuất khẩu những giống sầu riêng khác. Các nhà nông học Việt Nam cần tạo ra được giống sầu riêng của riêng mình, nếu chúng ta thực sự coi đây là loại trái cây xuất khẩu chủ lực.
Hoàng Hạnh
(theo Thesaigontimes)