Lò, đốt lò, vào lò

by Tim Bui
Cây bút…cong!

HẠO NHIÊN

Ngôn ngữ được sinh ra và phát triển theo thực tế đời sống, nên ngày càng có thêm những từ ngữ mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt, giao tiếp… Nhiều khi, cũng cùng những từ quen thuộc nào đó nhưng lại được khoác thêm lên một ý nghĩa mới, khác với nghĩa cũ thông thường của chúng.

 Mấy năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động chính trị tại Việt Nam, thấy xuất hiện cụm từ ‘đốt lò’, rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trong tiếng nói cửa miệng hàng ngày của người dân.

Lò hay bếp chẳng qua chỉ là dụng cụ thông thường dùng để nung nóng, nấu nướng hoặc sưởi ấm, như nói lò gạch, lò đúc, lò sưởi, lò rèn, lò thiêu, lò luyện kim, lò vi sóng, bếp lò, bánh mới ra lò… Theo nghĩa bóng, có cụm từ “lò lửa chiến tranh”, “lò nướng thịt người”…; còn nghĩa mở rộng chỉ nơi huấn luyện, đào tạo, nơi sản xuất như lò võ Thiếu Lâm, lò luyện thi, lò bún, lò thịt, lò bánh mì v.v…

Theo truyền thuyết thì thời xưa còn có một loại lò rất đặc biệt nữa gọi là Lò bát quái đốt bằng lửa tam muội. Lò này tương truyền của Thái Thượng Lão Quân, từng được dùng để trị một anh chàng “quậy tưng” là Tề Thiên Đại Thánh. Theo Tây du ký của Ngô Thừa Ân (1506-1581), Tề Thiên sau khi thua trận, thiên binh áp giải về trời trị tội. Trị cách gì cũng không giết được. Thái Thượng Lão Quân bèn tâu với Thượng Đế: “Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò bát quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn…”. Nhưng rồi lửa tam muội cũng bó tay chẳng những không trị được ông khỉ này mà còn bị phá banh chành khiến chủ lò là Thái Thượng lão quân phải…khóc!

Trở lại với hai chữ đốt lò, cụm từ này dùng theo nghĩa bóng gắn liền với một chiến dịch chống quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, được phát động và tiến hành mạnh mẽ từ khoảng 2016 đến nay, nhằm trừng trị các quan chức hối mại quyền thế dưới mọi hình thức: tham ô, hủ hóa, vi phạm luật pháp… Chủ lò được coi là người đứng đầu Đảng CSVN, còn được tôn xưng “người đốt lò vĩ đại”, một nhân vật năm nay 80 tuổi vừa mới qua đời ngày 19/72024 và đang được cử hành lễ quốc tang.

‘Đốt lò’, mới nghe qua thì có vẻ như tếu, nhưng dùng riết thành quen, được xã hội công nhận. Theo chiến dịch đốt lò thì dù củi tươi củi khô hay củi lớn củi nhỏ (ví quan lớn, quan nhỏ) gì cũng đều sẽ bị đốt sạch ráo, với phương châm chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh, không có ngoại lệ.

Tính ra, theo những con số liệu chính thức, từ khi đốt lò được tám năm đến nay, lửa cháy ngày một thêm mạnh, với nhiệt độ tăng dần, lò đã thiêu trụi khoảng 175.000 cán bộ đảng viên vi phạm, bằng nhiều hình thức kỷ luật khác nhau (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, cho thôi việc, khởi tố bắt tạm giam đưa ra tòa xét xử …), trong số có gần một chục nhân vật cấp rất cao thuộc hạng đại thần triều đình như chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng…

Người ta cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về thể chế chính trị, nên Việt Nam luôn tham khảo học tập (nếu không muốn nói rập khuôn) nước lớn Trung Quốc về nhiều cách làm, trong đó có việc chống tham nhũng mà Trung Quốc gọi là “đả hổ diệt ruồi”, với “hổ” là quan tham lớn, “ruồi” là quan tham nhỏ. Tiếng Trung Quốc gọi chống tham nhũng là phản hủ (反腐), nguyên cụm “đả hổ diệt ruồi” được dịch từ nguyên văn câu khẩu hiệu “Lão hổ, thương dăng, nhất khởi đả” (‘老虎’‘苍蝇’一起打), cùng đánh cả hổ (tham nhũng lớn) lẫn ruồi (tham nhũng nhỏ), rất trùng hợp với khái niệm “đốt lò” và khẩu hiệu “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh, không có ngoại lệ” của Việt Nam.

Về kết quả của việc đốt lò, hiện nay đang có nhiều ý kiến đánh giá khen chê trái chiều nhau, không thuộc phạm vi bình luận của bài viết này. Duy có điều, dư luận cho rằng, trên thực tế, vẫn còn không ít loại củi gộc chưa bị đưa vào lò, vì những lý do chính trị ngoắt ngoéo phức tạp, và nếu mang ra đốt thì phải có độ nóng cao cỡ chiếc lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân mới hy vọng đốt cháy nổi. Và một câu hỏi đã được giới quan tâm chính trị đặt ra: Sau khi vị chủ lò qua đời, sắp tới lò vẫn sẽ tiếp tục cháy nóng hay hạ nhiệt?

Từ khi xuất hiện hai chữ đốt lò, tiếng Việt đã cho ra một số cụm từ phái sinh khác, như “vào lò”, “cho vào lò”, có nghĩa ở tù, cho vào tù, khởi tố bắt giam (trong chiến dịch chống tham nhũng).

Nhân tiện đây, xin nói thêm về một số từ ngữ là những từ thông tục hoặc tiếng lóng dùng trong khẩu ngữ liên quan tới việc hình pháp, bắt bớ, tù tội. Các quan tham hiện “chưa bị lộ” cũng cần học sơ qua cho biết.

Như vào lò hay ở tù thì có một số từ tương đương như: ăn cơm tù, ủ tờ, nằm ấp, nhập ấp, nhập kho, coi kho, vô hộp, xộ khám, bóc lịch, gỡ lịch, xé lịch (số năm ở tù gọi là “cuốn lịch,” “quyển lịch;” ở tù nửa năm gọi là nửa cuốn lịch).

Tương đương nghĩa nhà tù hay trại giam thì có: hộp, nhà lao, nhà pha, nhà đá, xà lim (phòng biệt giam, do tiếng Pháp: cellule) “Trại áo đen” dùng để chỉ trại  tạm giam dành cho những người chưa thành án.  

Bị bắt còn gọi bị vịn, bị hốt, bị ốp, bị tó, quả tó, sờ gáy, tra tay vào còng. “Múm quả tớm” là bị bắt quả tang. Bị bắt sau khi gây án gọi “thua nguội.”

Ở tù trong thời hạn lâu hay lâu năm gọi là chơi lâu ra. Ra tù gọi là khỏi bịnh, xuất viện. “Phóng” có nghĩa (được) tha.

Chịu án tử hình gọi là dựa cột, câu sấu.

Lo lót để được ra tù gọi là chạy thuốc.

Đại bàng là tù nhân hung tợn làm trùm trong phòng giam, khiến các bạn tù của anh ta phải nể sợ.

Người coi tù còn gọi: cai tù, cai ngục, chúa ngục. Cai tù tàn ác còn được mệnh danh là “ác quỷ nơi địa ngục trần gian…”

Công an thường được gọi chung là “bò vàng”. Mật thám và đội xếp gọi là “cớm”; mật thám, công an mật gọi “cớm chim”, “cớm chùng.” Cảnh sát hình sự gọi là “giám đốc công ty dao thớt.”   Chữ nghĩa của tiếng Việt vô cùng phong phú có khi học cả đời không hết!        

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights