TRẦN HỮU NGƯ
LTS: Nhắc đến Ban hợp ca Thăng Long, nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người yêu nhạc Việt không thể không nhớ tới hai bài ca sống mãi trong lòng người nghe Mưa Sài Gòn – Mưa Hà Nội và Ly Rượu Mừng.
Ra mắt công chúng Sài Gòn vào mùa Xuân 1953 do Ban hợp ca Thăng Long của anh em nhà họ Phạm trình diễn, tới nay Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Phương đã tròn 70 tuổi. Ở tuổi 70 với một đời người thì đã gần đất xa trời nhưng
với thời gian thì khúc Xuân ca nầy vẫn chưa già, thậm chí gần như trẻ lại! Dù nghe qua bản thu thanh xưa với tiếng hát của anh em nhà họ Phạm hay bản thu thanh mới do các tốp ca trẻ trình bày, Ly Rượu Mừng nghe vẫn sống động, rộn rã, phơi
phới và mang đến cho người nghe sự ấm áp, vui tin vào ngày mai! Bởi Ly Rượu Mừng không chỉ có mùa Xuân, tình Xuân mà còn mang khao khát ngàn đời của người Việt “Bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông, hòa bình hòa bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi”.
—
Nhạc Xuân Việt Nam có rất nhiều, riêng nhạc viết về Tết thì có chừng mươi bài trở lại, đó là tính những bài nhạc Tết hay, đã đi vào lòng công chúng từ xưa cho đến nay. Một đất nước mà sau 1975 nhìn đâu, đi ở đâu cũng thấy nhạc sĩ, nhưng từ ngày
“bỗng dưng hòa bình” cho đến nay không viết được một bài nhạc Tết nào để “Chúc mừng năm mới” cho ra hồn?
Nhạc Tết “cà rỡn” thì có, nhưng nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa, nhân văn, nhân bản… thì không! Có lẽ vì không có nhạc “Mừng năm mới” của riêng đất nước Việt Nam, nên mỗi dịp Xuân về Tết đến, dân chúng nhất là những người yêu nhạc phải đón chào năm mới bằng bài ca Happy New Year? Thế thì “mất mặt anh hùng” quá!
Xin hỏi thật lòng rằng: Có nhạc phẩm nào hay hơn “Ly Rượu Mừng” không? Và nếu có trả lời, cũng xin trả lời thật lòng.
Chừng bốn mươi năm qua nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” không được phép hát trên sàn diễn Việt Nam vì nó dính đến… lính! Mà tại sao lại sợ?
“… Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình…”
Nhưng, đến năm 2016, người ta tra lại lý lịch và được biết rằng nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác “Ly Rượu Mừng” từ 1953, nghĩa là trước ngày đình chiến 1954, và được Ban hợp ca Thăng Long trình bày bài này từ cái Tết sau khi nó ra đời. Vậy thì nỗi oan khuất vì bị “cấm túc” 40 năm qua đã được giải tỏa! Tiếc rằng phải chi cái barie ấy dỡ bỏ sớm hơn ngay sau năm 1975 thì hay hơn, để người nghe khỏi phải ngóng cổ tiếc hoài, vì phải nghe những bài hát Tết nghe rất “lạ” nhưng lại rất “kỳ”!
Ly Rượu Mừng mang giai điệu valse và những ca từ rất nhân văn, phác họa chấm phá rõ nét chân dung sĩ, nông, công, thương, binh, trong một bài ca chúc mừng năm mới được hát lên mỗi độ Xuân về. Người nghe không quên nó cũng vì lẽ đó? Và dù giai điệu valse “hát dễ trật nhịp”, nhưng người không phải là ca sĩ, chỉ cần biết bài đó hay, dễ thuộc, dễ hát, lại là bài hát “đinh” mỗi dịp Xuân về Tết đến, trật nhịp chỉ là chuyện nhỏ “hay hát hơn hát hay” mà?
“Ly Rượu Mừng” chỉ có Ban hợp ca Thăng-Long mới làm người nghe thỏa mãn. Ban hợp ca Thăng Long, gồm anh
chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Khánh Ngọc (vợ cũ Phạm Đình Chương), Phạm Duy và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) hợp thành.
Có lẽ cùng là anh em trong nhà với nhau, hiểu nhau nên họ hát Ly Rượu Mừng đạt hơn những người khác! Hay cũng có thể họ là những người hát đầu tiên tạo nên dấu ấn mặc định khiến người nghe khó chấp nhận những giọng ca khác! Không thể biết được, song ngày nay nghe lại Ly Rượu Mừng trong những băng dĩa cũ dù đã đi qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn thấy hay và mới như ngày nào! Thế mới biết, bài hát hay dù thời gian có đi xa, dù thời cuộc có biến đổi, dù con người có đôi khi vô tình, nhưng thật khó quên mỗi khi có dịp nhắc đến.
“… Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”
Ngày nay với lớp ca sĩ có chất giọng tốt, học hành bài bản, hát với một dàn nhạc hòa âm phối khí trang bị tận răng, nhưng hát Ly Rượu Mừng không hay. Tại sao?
Vì Ly Rượu Mừng phải hát cho ra được… valse, cần phải dứt tiếng, rõ lời (có không ít ca sĩ hát không rõ lời) và nhạc sĩ Phạm Đình Chương chọn valse cũng vì lẽ đó, và valse cũng đã làm người nghe nhớ nhạc phẩm này.
“… Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời
mới…”
Năm ba ngày Tết, nghe nhạc Xuân là thú vui của mọi gia đình. Trước đây, “Ly Rượu Mừng” đứng đầu danh sách những
bài hát trong dịp Tết. Hầu như gia đình nào có máy cassette là có “Ly Rượu Mừng”:
“… A… A… A… A…
Nhấp chén đâỳ vơi chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời…
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương…”
Phong tục ngày Tết bao giờ cũng có rượu. Rượu là nét văn hóa bao đời, ngày nay tiếc rằng người ta lạm dụng rượu nên không ít người nghĩ xấu về rượu. Ngày Tết, ngồi lại với nhau, nâng ly rượu và chúc:
“… Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa…”
Nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” đã đi qua một chặng đường ngút ngàn biển dâu. Đó là một bài hát hay mà không có đối thủ.
Và may mắn thay nó được hát lại khi thị trường nhạc Xuân đã thiếu vắng những ca khúc Tết làm lay động lòng người.
Nhưng cũng thật lòng mà nói rằng, bây giờ các ca sĩ diva hợp ca cùng các chàng ca sĩ “nhân-dân”, đờn địch, kèn trống,
được dàn-dựng chỉ huy với những nhạc sĩ tốt nghiệp trường lớp nội ngoại…nhưng nghe không hay bằng ban hợp ca
Thăng-Long?
TRẦN HỮU NGƯ
Bài trích trong Giai phẩm Xuân Quý Mão 2023 của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi