Mạng xã hội có đang trên đà ‘suy thoái’?

by Tim Bui
Mạng xã hội có đang trên đà ‘suy thoái’?

HÀ GIANG

Bạn có đang ngày càng ít vào Facebook, Instagram, Youtube,Twitter…, hay nếu vào thì cũng phần lớn là lướt xem chứ không post nhiều như xưa? Nếu câu trả lời là có, thì chắc bạn không phải là trường hợp cá biệt. 

Trong hai thập niên qua, những phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok, LinkedIn và Snapchat v.v… đã lần lượt xuất hiện, thay đổi cách chúng ta tương tác và giao tiếp.

Twitter từng được xem như một quảng trường toàn cầu, nơi mọi người bày tỏ suy nghĩ trên một sân chơi bình đẳng. Facebook, khởi đầu là một trang web kết nối sinh viên đại học, đã biến thành một cộng đồng trực tuyến để người dùng khắp nơi chia sẻ, cập nhật thông tin cá nhân và theo dõi sinh hoạt của người thân. LinkedIn đã tạo ra một không gian nơi các đồng nghiệp và chuyên gia có thể kết nối, chia sẻ hiểu biết hay giúp nhau tìm việc.

Tuy nhiên, gần đây, một làn sóng hoài nghi đã nổi lên, đặt ra câu hỏi là liệu truyền thông xã hội có đang trên đà suy thoái?

“Mạng xã hội vẫn là kênh hàng đầu cho mục đích kết nối online, nhưng người dùng đang tích cực tìm cách hạn chế việc sử dụng chúng,” Emily Weiss, nhà nghiên cứu chính cấp cao tại Gartner Marketing Practice nhận định.

“Một số lớn người dùng cho biết là giờ đây họ ít chia sẻ sinh hoạt cá nhân và những suy nghĩ của mình hơn trước.”

Một cuộc thăm dò ý kiến 263 người dùng của Gartner, thực hiện tháng 8 năm 2023,  cho thấy 53% tin rằng phương tiện truyền thông xã hội đã ‘xuống dốc’ so với cách đây năm năm, thậm chí so với chỉ một năm trước đây.

Nhiều người nghĩ rằng lý do hàng đầu cho sự xuống dốc của mạng xã hội là thông tin sai lệch (được cho là đến từ giới người dùng tiêu cực) cũng như sự phổ biến của “bot.” 70% người dùng nói họ e ngại là việc sử dụng GenAI trên mạng xã hội, dự kiến sẽ ngày càng tăng, sẽ làm cho việc “lướt mạng” không còn hứng thú như trước.

Phải nói là với một khởi đầu khiêm tốn, mạng xã hội đã trải qua một hành trình dài và kỳ thú. Hành trình này bắt đầu vào cuối thế kỷ 20, với những cách liên lạc rất đơn giản, rồi từng bước, từng bước thay đổi, cho đến khi trở thành mạng lưới mà hầu như ai cũng tham gia như ngày nay.

Nhiều khi nhìn cảnh mọi người, ngay cả trong những lúc họp mặt, cắm cúi nhìn vào màn hình để loay hoay với một app nào đó, tôi tự hỏi ngày xưa lúc chưa có mạng xã hội, thì chúng ta làm gì?

Cái “ngày xưa” đó thật ra không xa!

Từ bảng tin đến mạng lưới toàn cầu

Được cho là tiền thân của mạng xã hội, các hệ thống bảng tin (Bulletin Board Systems – BBS) ra đời cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Người dùng truy cập vào hệ thống BBS qua đường dây điện thoại, trao đổi tin nhắn và tài liệu. Tuy thô sơ, và mang tính địa phương, những cộng đồng kỹ thuật số thuở ban đầu này đã đặt nền móng cho lối tương tác trực tuyến sau này.

Thập niên 1990 đánh dấu sự xuất hiện của các nền tảng xã hội có lẽ quen thuộc hơn với nhiều độc giả. Năm 1997, SixDegrees.com xuất hiện, và là một trong những mạng xã hội đầu tiên cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân cũng như danh sách bạn bè. 

Đầu thập niên 2000 là một bước ngoặt quan trọng. Friendster, một nền tảng ra mắt năm 2002, nhanh chóng được người dùng hoan nghênh với chức năng kết nối bạn bè trên mạng. Không lâu sau, MySpace xuất hiện năm 2003, trở thành mạng xã hội hàng đầu với khả năng tùy chỉnh hồ sơ cá nhân, blog và tạo nội dung đa phương tiện.

Tuy nhiên, phải đến khi Facebook ra mắt năm 2004, bức tranh mạng xã hội mới hoàn toàn thay đổi. Ban đầu chỉ giới hạn cho sinh viên đại học, Facebook nhanh chóng mở rộng toàn cầu và trở thành mạng xã hội được nhiều người dùng nhất thời đó.

Thành công vượt bậc của Facebook kéo theo những cải tiến liên tục trong thập niên kế tiếp. LinkedIn, ra đời năm 2003, trở thành nền tảng quan trọng cho mạng lưới nghề nghiệp. YouTube, ra mắt cuối năm 2005, lập tức trở thành một nền tảng xã hội phổ biến. Twitter, ra đời năm 2006, được ưa chuộng với những bài đăng (post) ngắn, giới hạn trong vòng 140 ký tự. Instagram, ra mắt năm 2010, tập cho người dùng cách kể chuyện bằng hình ảnh, Snapchat, ra đời năm 2011, và TikTok năm 2016, đặc biệt thu hút giới trẻ với nội dung ngắn có tính cách sáng tạo và linh động. 

Mạng xã hội được dùng làm gì?

Biểu đồ dưới đây của Soax.com xếp hạng các nền tảng theo số người dùng.

Hàng tỷ người mở tài khoản với các mạng xã hội này dùng chúng ra sao?

Họ dùng Facebook để giữ liên lạc với bạn bè, thân hữu từ xa, LinkedIn cho công việc và Reddit dành cho việc hỏi và trả lời những điều họ cần nghiên cứu mà không cần lộ danh tính.

Họ dùng mạng xã hội như Snapchat để giao lưu, để xem bạn bè và người quen đang làm gì, vì Snapchat tạo cơ hội cho mọi người trao đổi hình ảnh và video rất tiện lợi. 

WhatsApp được dùng cho giao tiếp với gia đình và những mối tương quan trang trọng hơn một chút, ví dụ như giữa đồng nghiệp.

YouTube được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, gồm giải trí, giáo dục, hay tìm học một kỹ năng mới.

Twitter, trước khi bán cho Elon Musk và trở thành X, được nhiều người dùng như một nguồn tin đa chiều. Điều này dễ hiểu. 69% báo giới Hoa Kỳ cho biết đây là trang mạng xã hội họ sử dụng nhiều nhất, hoặc nhì, cho công việc liên quan đến báo chí.

Thế nào là ‘suy thoái’?

Đông người dùng như thế thì tại sao chúng ta lại lo là mạng xã hội có thể đang ‘suy thoái’? Vậy ‘suy thoái’ nghĩa là gì trong bối cảnh này?

‘Suy thoái’ trong ngữ cảnh này, đề cập đến việc đo lường mức độ tương tác của người dùng, sự tin tưởng vào nội dung của các mạng này, cũng như phẩm chất của sự tương tác, chứ không phải mức tăng trưởng của số người mở tài khoản.

Với định nghĩa này, giới phân tích cho rằng thời hoàng kim của các mạng xã hội không thể kéo dài. Những gì từng là không gian cho sự kết nối và xây dựng cộng đồng (tuy ảo mà rất thực) hiện đang bị cho là kém hấp dẫn hơn xưa nhiều.

Tác giả David Danto, chua chát trong một bài viết trên Ravepubs.com: “chúng ta hãy gọi [những nền tảng đó] là phương tiện truyền thông phản xã hội”:

“Mạng xã hội hứa hẹn với chúng ta một thế giới mà tiếng nói của mọi người được lắng nghe, các công ty phải chịu trách nhiệm và cộng đồng khắp nơi có thể phát triển mạnh. Thay vào đó, nó đã trở thành sân chơi cho những thành phần tồi tệ của xã hội, nơi người ta đưa thông tin sai lệch, deepfake và tràn lan những ngôn từ kích động sự thù địch. Các nền tảng từng đưa chúng ta lại gần với nhau giờ đây đang chia rẽ mọi người, và giấc mơ về một cộng đồng kỹ thuật số toàn cầu đã trở thành cơn ác mộng ở địa ngục. Một số tòa án đã bắt đầu buộc các nền tảng này phải chịu trách nhiệm, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng sụp đổ hoặc trở thành không liên quan gì đến chúng ta nữa.”

Có thể David Danto quá bi quan, nhưng nhiều dữ kiện cho thấy đánh giá của ông không vô căn cứ.

Theo công ty Gartner, gần 50% người tiêu dùng sẽ hạn chế đáng kể các tương tác của họ với mạng xã hội vào năm 2025 vì nhận thấy phẩm chất nội dung bị giảm sút. Dan Gutter, một nhà nghiên cứu tại Gartner, nhấn mạnh rằng chỉ khoảng 20% người dùng vẫn đều đặn chia sẻ những khoảnh khắc của cuộc đời trên Facebook vào năm 2024 so với hơn 60% trước đây.

Dữ liệu do công ty nghiên cứu Forrester thu thập trong bản tường trình ‘Dự đoán năm 2024’ cho thấy danh tiếng của mạng xã hội đang xấu đi trên toàn thế giới, điều này giải thích cho sự suy giảm trong tương tác trên mọi nền tảng.

Một bức tranh phức tạp

Tuy vậy, thống kê về các mạng xã hội cho thấy đo lường sự ‘suy thoái’ không phải là điều dễ.

Trước hết, trong khi mức tăng trưởng người dùng trên các nền tảng như Facebook và Twitter (nay gọi là X) đang bị chậm lại, số người dùng các nền tảng mới hơn lại tăng vọt. Sự bành trướng nhanh chóng của TikTok cho thấy trong khi phương tiện truyền thông xã hội nói chung có thể không ‘suy thoái,’ một số các nền tảng cụ thể đang bị người dùng rủ nhau di tản.

Người dùng trẻ hơn, đặc biệt là Thế hệ Z, đặc biệt ưa chuộng những nền tảng với nội dung hấp dẫn, ngắn gọn và có tính tương tác cao. Giới này từ lâu đã bỏ các trang mạng xã hội cũ được xem là lỗi thời hoặc không đáp ứng kịp thời nhu cầu đang thay đổi của họ.

Emily Carter, một sinh viên đại học 19 tuổi, chia sẻ kinh nghiệm trên diễn đàn Snapchat: “Tôi bỏ Facebook vì cảm thấy nó đầy nội dung không liên quan và gây phiền toái. Tôi thích nội dung trên TikTok và Discord hơn, nơi tôi tìm được những cộng đồng mang lại sự thoải mái.”

Ngoài vấn đề tuổi tác, ở một đất nước hiện đầy chia rẽ sâu sắc như Hoa Kỳ, bất cứ bày tỏ ý kiến nào cũng có thể vô tình gây tranh cãi hay bất hòa, người ta chỉ vì những post nghịch ý mình trên Facebook mà “block” nhau, unfriend nhau, mà tranh luận ỏm tỏi. Những xích mích trong thế giới được gọi là ảo nhiều khi ảnh hưởng cả tình thân ngoài đời.

Thêm vào đó, sự lan tràn của AI vào các mạng xã hội như đổ dầu vào lửa. Những nền tảng này ngày càng đầy nội dung do AI tạo ra, với nhiều bài đăng, hình ảnh, được AI cắt ghép theo “đơn đặt hàng,” khiến người dùng, vốn dĩ chưa hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ này, ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp về đạo đức và pháp lý. Họ lo ngại là một số các công ty, tổ chức, nhóm lợi ích, hoặc cơ quan chính phủ dùng có thể đã dùng AI cho mục đích không trong sáng hay để thao túng quần chúng.

Quan tâm về hậu quả của việc lạm dụng mạng xã hội cũng dẫn đến một cái nhìn bi quan cho tương lai. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những người suốt ngày dùng mạng xã hội thường hay lo lắng, thậm chí bị trầm cảm và có lòng tự trọng thấp. Việc liên tục nhìn thấy những hình ảnh, khúc phim, mô tả đời sống dường như hoàn hảo của những người khác góp phần tạo ra mặc cảm tự ti và gia tăng áp lực cho người dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Jessica Moore, một cố vấn sức khỏe tâm thần tại New York, cho biết bệnh nhân của bà đã thực hiện những bước quan trọng để bớt dùng mạng xã hội. “Giảm thời gian dán mắt vào điện thoại đã cải thiện đáng kể sức khỏe tâm thần của họ,” bà nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự điều độ.

Tóm lại, mạng xã hội không ‘suy thoái’ theo nghĩa đơn giản là số người dùng bị giảm, mà đúng hơn, nó đang trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc.

Thành viên khắp nơi của những nền tảng này đang trở nên sáng suốt hơn. Họ đặt  ưu tiên lên phẩm chất, quyền riêng tư và tính xác thực của nội dung hơn là khối lượng tương tác. Nền tảng nào đáp ứng được những kỳ vọng đang thay đổi này của người dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong khi nền tảng đi ngược lại sự thay đổi có nguy cơ sẽ trở nên lạc hậu.

Bước kế tiếp trong quá trình tiến hóa của mạng xã hội sẽ được xác định bởi các nền tảng cân bằng được sự tham gia của người dùng với nội dung có trách nhiệm và xác thực.

Điều này, theo tôi, không phải tình trạng ‘suy thoái’ mà là sự tái sinh và tái tạo cách tương tác trong thế giới xã hội kỹ thuật số.

Bạn có đồng ý không?

Tham khảo:

https://www.gartner.com/en/newsroom/press-releases/2023-12-14-gartner-predicts-fifty-percent-of-consumers-will-significantly-limit-their-interactions-with-social-media-by-2025
https://www.ravepubs.com/decline-of-social-media/
https://webinar.gartner.com/561781/agenda/session/1269234
https://www.forrester.com/predictions/predictions-2024/

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/ha-giang/

You may also like

Verified by MonsterInsights