Mẹ, trong hoàn cảnh của đời sống

by Tim Bui
Mẹ, trong hoàn cảnh của đời sống

YẾN TUYẾT

Chúng ta có thể tìm thấy vai trò đặc biệt của người mẹ trong đời sống, ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Chẳng hạn như sự có mặt của các người mẹ trẻ, những vận động viên tại Thế vận Hội Olympic năm nay.

Một bài báo trên website của hệ thống truyền thông CNN đã trình bày một đề tài mang đầy tính nhân bản về sự có mặt của những vận động viên có con nhỏ – những bà mẹ trẻ tham dự mọi môn thể thao trong các Thế vận hội Olympic, đặc biệt là trong thời gian từ 7/26 đến 8/11/2024 tại thủ đô Paris của nước Pháp.

Olympic đem đến niềm vui và sự hào hứng cho khán giả mọi lứa tuổi trên thế giới, dù có yêu chuộng thể thao hay không.

Về phía các vận động viên tham dự Olympic, họ là những người mang mơ ước được tranh tài và thắng giải đem lại vinh dự cho cá nhân mình và đồng lúc, tạo được niềm hãnh diện cho đất nước mà mình đại diện.

Tuy nhiên, người ta có thể không để ý đến sự hy sinh có tính cách riêng tư và tình cảm của nhiều vận động viên trẻ có con nhỏ, khi họ không được ở gần con trong thời gian tranh tài.

Trong nhiều năm qua, giới vận động viên có con nhỏ đã liên tục tranh đấu và đòi hỏi sự hỗ trợ về nhu cầu tinh thần và tâm lý này của họ với Ban Tổ chức Thế Vận Hội họ có thể quân bình việc tham dự vào các cuộc tranh tài đầy hào hứng và việc hoàn thành vai trò làm mẹ bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Cuối cùng mơ ước của họ đã được đáp ứng khi cơ quan Patroni, Polychronidis and Müller cho biết vào tháng Ba năm nay, tổ chức International Olympic Committee Athletes’ Commission -IOC đã thông báo về sự ra đời của Trung tâm giữ trẻ dành cho các vận động viên có con nhỏ. 

Polychronidis nói: “Chúng tôi luôn nói lên nguyện vọng về nhu cầu của các nữ vận động viên và và rất xúc động vì ban điều hành Thế vận Hội Olympic đã thông cảm khi biết rằng các nhà thể thao trẻ này cần được ở gần những đứa con bé bỏng của mình trong suốt thời gian tranh tài. Họ sẽ cảm thấy không được hưởng quyền làm người khi có người nói rằng: “Nếu muốn ở gần con thì ở nhà đi, đừng tham dự Olympic nữa!”

Một người có vai trò quan trọng trong nỗ lực đẩy mạnh việc hỗ trợ cho những vận động viên có con nhỏ là Alyssa Felix, người có hai đứa con còn tấm bé. Alyssa Felix là một vận động viên đại diện cho Hoa Kỳ từng đoạt 11 giải chạy đua việt dã (Track) từ Thế vận Hội Olympic. 

Vào năm 2018, Felix bị mắc bệnh preeclampsia khi đang mang thai 32 tuần lễ khiến cô phải trải qua cuộc giải phẫu C-section và sinh con sớm hơn thường lệ. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho CNN, Felix kể lại thời gian khó khăn vừa nuôi con đầu lòng, vừa trở lại thi đua môn việt dã. Chính những kinh nghiệm khó khăn của bản thân đã thúc đẩy cô trở thành một người tranh đấu cho sức khỏe của những thể tháo viên là những bà mẹ trẻ, và chú trọng đến việc chăm sóc và chữa trị đặc biệt cho họ.

Năm 2021, Felix thành lập một quỹ chăm sóc trẻ em để hỗ trợ những vận động viên có con nhỏ và vào mùa Hè năm đó. Tổ chức Melinda French Gates Foundation đã tài trợ cho quỹ chăm sóc trẻ em của Felix 20 triệu Mỹ kim chú trọng đến việc hỗ trợ sức khỏe cho các phụ nữ gốc Phi Châu có con nhỏ.

Trong tháng Bảy năm nay, Felix làm việc chung với công ty Pampers để tặng một triệu tã lót cho trẻ sơ sinh đang nằm trong các phòng chăm sóc đặc biệt (neonatal intensive care units) trên toàn quốc, cũng như trong việc xây dựng một trung tâm giữ trẻ tại Thế vận Hội Olympic.

Nguyện vọng của các thể thao viên có con nhỏ đã được đáp ứng khi một Trung tâm giữ trẻ tên là Village Nursery chính thức được xây dựng tại địa điểm tổ chức Olympics 2024. Đây là nơi giữ trẻ đầu tiên của Thế vận Hội Olympic dành cho các tham dự viên Olympic và Paralympic.

Village Nursery và hai tổ chức đồng hỗ trợ là International Olympic Committee Athletes’ Commission và Paris 2024 Organizing Committee đã chính thức mở cửa hoạt động ngay trước khi Thế vận Hội 2024 mở màn.

Ở trung tâm giữ trẻ nói trên, các thể thao viên có thể giữ một nơi riêng tư hay chung với người khác ngay giữa Village Plaza, nơi có thể dùng cho sáu thành viên trong gia đình. Tại đây, họ có thể dùng một khu vực riêng để cho con bú, có phòng chơi trẻ em, hay phòng thay quần áo cho các em bé.

Emma Terho, đại diên cho Ban tổ chức Thế vận Hội Olympic IOC và từng là thể tháo gia đại diện cho Phần Lan (Finland) trong môn Ice hockey ở 2014 Olympic Winter Games, khi đó cũng có một đứa con nhỏ, nói: “Chúng tôi ghi nhận việc càng ngày càng có nhiều vận động viên tiếp tục con đường của mình sau khi lập gia đình. Dĩ nhiên, ai cũng biết là chúng tôi phải đối diện với những khó khăn khi vừa muốn thực hiện mơ ước của mình vừa muốn làm chu toàn bổn phận của người mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể vừa làm mẹ vừa là thể tháo gia”.

Một hoàn cảnh nữa cho thấy sự hy sinh của người mẹ là việc nữ quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở những xứ sở xa xôi, bỏ lại sau lưng bao nhiêu đứa con thơ dại ở nhà.

Tôi nhớ mình đã khóc rất nhiều lần khi xem những đoạn phim cảm động của chương trình Coming Home chiếu trên kênh Truyền hình Lifetime suốt năm 2011-2012 và chứng kiến cảnh đoàn tụ của các nữ chiến binh – những người mẹ – trở về từ chiến trường, được dang vòng tay ôm lấy những đứa con bé dại thiếu vắng tình mẫu tử trong một thời gian dài.

Ít ra được sống trong thời đại điện tử hiện nay, những người mẹ và các đứa con còn được nhìn thấy nhau qua Facetime. So với thời chiến tranh ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới ngày xưa thì một khi con giã từ mẹ ra đi thì mẹ chỉ biết hy vọng chờ mong ngày trở về vô định vì không biết thời gian phải chờ đợi sẽ là bao lâu.

Và nếu mẹ có còn sống thì có khi chỉ gặp lại con như cảnh tượng được diễn tả trong bài “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy:

Mẹ lần mò ra trước ao,
nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ.” 

Trên đây, tôi chỉ viết ra một sự kiện có tính cách thời sự trong đó Ban tổ chức Thế vận Hội Olympic 2024 đã thiết lập một trung tâm giữ trẻ để hỗ trợ những nữ lực sĩ trẻ có con còn nhỏ.

Điều này là một bước tiến đáng khích lệ cho thấy thế giới ngày càng thấu hiểu và trân trọng liên hệ cần thiết giữa mẹ và con.

Thế nhưng, bạn biết rồi “Mẹ” là đề tài không bao giờ mới, cũng không bao giờ cũ, không bao giờ nhàm chán để viết, để ca ngợi, với tình yêu thương chan hòa trong trái tim của mỗi chúng ta.

Mỗi ngày, chúng ta đều nhìn thấy hình ảnh người mẹ ở bất cứ nơi đâu và nhớ đến mẹ.

Từ khi còn ở Việt Nam hay bây giờ sống trên đất Mỹ, nhiều cộng đồng người Việt tiếp tục vinh danh và tưởng nhớ đến mẹ nhân dịp lễ Vu Lan diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch. 

Bây giờ ở Mỹ, chúng ta còn có thêm được một phong tục dễ thương, đáng gìn giữ nữa, đó là việc ăn mừng Ngày của Mẹ – Mother’s Day vào mỗi tháng Năm Dương Lịch.

Và như thế, chúng ta có tới hai cơ hội để trải bày những tình cảm, những xúc động của mình dành cho mẹ.

Dù mẹ tôi qua đời đến nay đã 20 năm, nhưng ngày bà giã từ dương thế lại gần dịp Lễ Vu Lan.

Mỗi lần giỗ mẹ, tôi hồi tưởng lại rất rõ cảm giác hạnh phúc khi có thể ôm mẹ, ngả đầu vào vai bà để tìm một nơi nương tựa, lúc có những niềm vui hay nỗi buồn. 

Tôi đã may mắn được nghe những lời khuyên nhủ dịu dàng, nhìn thấy nụ cười đẹp của mẹ sau những đường nhăn của tuổi tác. Tôi từng được mẹ hôn lên trán như những ngày còn thơ, mặc dù tôi cũng đã trở thành mẹ của những đứa con và đã sống gần hết một đời người. 

Dù có lớn khôn hay già nua đi vì tuổi tác, chúng ta mãi mãi là đứa con luôn cần được tình yêu của mẹ.

Mẹ lúc nào cũng ban phát cho chúng ta một tình yêu bền vững nhất như một câu trong bài hát Phạm Duy đã viết: “Sóng vỗ miên man như đôi tay ôm của Mẹ dịu dàng…

Cho đến ngày rời xa quê hương, tôi hoàn toàn sống ở Sài Gòn nhưng khi viết về thành phố ấy, tôi chỉ nhớ tới những người mẹ đi chân đất, với những gánh hàng kĩu kịt buổi sáng tinh sương đi nhóm chợ. 

Tôi nhớ tiếng rao hàng của những người phụ nữ, những người mẹ vào những đêm mùa Hạ, những buổi tối mưa tầm tã, tảo tần sương gió làm việc để nuôi đàn con nheo nhóc đang chờ mẹ về trong mái nhà xiêu vẹo, ở một vùng ngoại ô hẻo lánh nào đó.

Tôi muốn trân trọng nhắc lại những chuyến đi từ Nam ra Bắc thăm con bị cộng sản giam giữ trong các trại cải tạo của những bà mẹ miền Nam sau ngày quê hương của chúng ta không còn chiến tranh.

Khi một số người vợ, người yêu bỏ cuộc vì sự chờ đợi mỏi mòn ngày trở về có thể không bao giờ đến của người đàn ông trong đời họ, những bà mẹ đã lặn lội biết bao nhiêu là dặm đường gập ghềnh và nguy hiểm để đến thăm những đứa con kém may mắn ở những vùng đồi núi mịt mùng và xa lạ của miền Bắc lạnh giá. 

Họ đã đem đến cho con niềm an ủi vô biên và tình yêu vô bờ của mẹ dành cho con.

Tôi nhớ đến những người mẹ mất con trên biển Đông trong cuộc hành trình đi tìm miền đất hứa. Có hình ảnh nào bi thương hơn hình ảnh của người mẹ ôm xác con lạnh giá, than khóc cho dù đã đến được bến bờ tự do. Người mẹ đó đã nhường những giọt nước uống hiếm hoi cuối cùng cho con, đã cố đem những hơi ấm còn sót lại từ thân người gầy còm vì đói khát của mình sưởi ấm con. Thế nhưng, rồi bà cũng đành bó tay trước tử thần. 

Nếu đã là mẹ, tôi chắc bạn thông cảm hơn ai hết nỗi đau mất con của những người mẹ đó.

Dĩ nhiên, trong dịp lễ Vu Lan tôi muốn cùng bạn vinh danh tất cả những bà mẹ, nhưng bao giờ tôi cũng muốn dành những lời thật thiết tha để viết về những bà mẹ với các hoàn cảnh đặc biệt như góa bụa, hay ly lị- Những người mẹ độc thân trên đất Mỹ.

Họ có thể không gặp phải những khó khăn về tài chính như những người mẹ ở Việt Nam nhờ có trợ cấp về xã hội của chính phủ Mỹ. Hay nhờ họ chịu khó học hỏi, làm lụng siêng năng, cộng với khả năng thích hợp với đời sống mới về nhiều mặt nên đã tạo cho mình một đời sống vật chất ổn định, công ăn việc làm vững chắc. 

Tuy nhiên, về mặt tinh thần, họ là những người mẹ đã và đang một mình, cùng lúc đóng cả hai vai trò: vừa làm cha, vừa làm mẹ, để dìu dắt, dạy dỗ, hướng dẫn con vượt qua những chông gai của đời sống. 

Những phụ nữ này đã hy sinh các cuộc vui của tuổi trẻ, phấn đấu với sự cô đơn và vượt lên trên những lời than thở cho số phận, để có thể vươn vai đứng dậy, bắt buộc mình làm dũng sĩ bước ra chiến trận cuộc đời để bảo vệ, để tranh đấu, cố gắng làm sao cho những đứa con có được mọi thứ, như những đứa trẻ may mắn khác, có đầy đủ cả cha lẫn mẹ.

Tuy nhiên không phải tất cả các bà mẹ độc thân đều may mắn có được con cái thành công, hiếu đễ, chăm nom thăm viếng thường xuyên; mà trái lại, có một số bà mẹ bất hạnh, con cái hư đốn, nghiện ngập hay bị tù tội. 

Hay buồn thay, có trường hợp con cái dù thành công, có địa vị trong xã hội nhưng lại bỏ rơi, không ngó ngàng, thăm viếng mẹ mình. 

Thật tội nghiệp cho những bà mẹ ở trường hợp thứ hai này và chúng ta hy vọng mấy đứa con bất hiếu hay lầm đường sẽ biết hối cải, ăn năn để trở về xin mẹ tha thứ và chuộc lỗi với mẹ.

Cho dù ở tuổi nào đi nữa, dù là nam hay nữ, như Thiền sư Nhất Hạnh viết trong cuốn “Bông hồng cài áo”, lúc nào bạn cũng có thể nói với Mẹ: “Mẹ ơi, Mẹ có biết là con yêu Mẹ lắm không?

Yến Tuyết
Lễ Vu Lan 2024

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights