Miền Nam không có “con kênh”

by Tim Bui
Miền Nam không có “con kênh”

TÁM SAIGON

Người Miền Nam xưa nay khi nói về một đường nước nhân tạo [do người đào] không bao giờ nói là “con kênh” mà gọi là “con kinh”. 

Ở Sài Gòn trước năm 1975, thanh niên ra đường mà “kênh kênh”, cái mặt chỉ ngó lên trời dễ bị ăn đòn “xịt đỏ”, nghĩa là bị đánh chảy máu mũi theo kiểu nói của mấy ông bạn miền Trung. Nếu đường nước nhỏ để cho thoát nước, hoặc dẫn nước vô ruộng thì kêu là “con mương”. Còn đường nước lớn, ghe tàu có thể qua lại được thì kêu là “con kinh” như Kinh Tẻ nằm giữa quận Tư và Nhà Bè ở Sài Gòn được đào năm 1905. Còn những đường nước tự nhiên mà có thì phải kêu là “con rạch” tỉ như rạch Nhiêu Lộc, rạch Thị Nghè, rạch Cầu Bông, rạch Bến Nghé…không ai đào hết, trời ban cho mà. 

Nhưng bây giờ thì “văn hóa kênh” từ ngoài vĩ tuyến 17 tràn lan Sài Gòn. Nhiều lúc thấy tức cười, “cầu Kinh Thanh Đa” cái bảng ghi rõ vậy mà lên truyền thông bị biến thành “cầu Kênh Thanh Đa”, nghe phát mệt!

Tuồng “Bên dòng sông Trẹm” có đoạn:

Tới bên bờ kinh Tân Bằng, Cán Gáo
Ngồi trên đất giồng qua thương chiều lững lơ về
Tình yêu sông nước duyên quê
Nói sao cho vừa miếng trầu gửi bạn tình chung thủy chung

Kinh Cán Gáo ở Cà Mau là con kinh thẳng như cái cán gáo múc nước. Gáo là cái sọ dừa khô được cắt gọt thành đồ múc nước gia dụng. Kinh Cán Gáo nối sông Cái Lớn với rạch Cái Tàu.

Kinh Nước Mặn ở Cần Đước là con kinh dài 1,9 km, nối sông Vàm Cỏ (sông Bao Ngược) với sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát). Kinh Nước Mặn rút ngắn đáng kể thì giờ trên con thủy lộ độc đạo từ Sài Gòn về miệt dưới Nam Kỳ. Kinh Nước Mặn dài 1,9 km, cắt cái eo nhỏ của làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, ngày nay là Cần Đước -Long An, vô tình biến làng Long Hựu từ bán đảo thành ra một đảo nhỏ giữa sông. Bến đò Kinh Nước Mặn ra đời từ đó và “hoàn thành nhiệm vụ” thập niên 2010 khi có cầu thay thế.

Để kiểm soát thủy lộ về mặt quân sự, phòng thủ Sài Gòn, năm 1903 Pháp xây một pháo đài lớn nhất Việt Nam tên là Rạch Cát ở đầu làng Long Hựu, mặt nhìn ra 3 nhánh sông. Pháo đài này nay vẫn còn với những cây đại bác “khổng lồ” của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Long Hựu còn có ngôi nhà xưa cất cuối thế kỷ 19 được nhiều du khách thăm viếng.

Kinh Nước Mặn do ông Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương) trực tiếp chỉ huy đào. Trong “Lịch sử khẩn hoang Miền Nam” Sơn Nam viết: “Tổng đốc Đỗ Hữu Phương năm 1878, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu.” Người Nam Kỳ gọi là kinh Nước Mặn, bằng chứng là kế bên có ngôi chợ rất lớn tên là Chợ Kinh Nước Mặn, nhưng sau 1975 ghi trên bản đồ, bảng trên cầu là “Kênh Nước Mặn”. Ai ghi? Không biết nhưng chắc chắn không phải là người miền Nam!

Kinh xáng Xà No là con kinh đào dài gần 34 km nối Cần Thơ đến Hậu Giang rồi trổ qua Rạch Giá.

Dân gian có câu hò:

Hò ơ!
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em thì mua một con đò
Để em qua lại
Hò ơ! để em qua lại thăm dò ý anh

Kinh được Pháp cho xáng múc từ 1901 – 1903, mặt rộng 60 m, đáy rộng 40 m, kinh phí 3,6 triệu francs.

Xà No là từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển. Xáng thời này chạy máy hơi nước, đốt bằng củi, tạo ra hơi nước. Kinh xáng Xà No là đường thủy lớn nhứt Nam Kỳ, quan trọng ngang với đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Từ kinh Xà No, Pháp đào những con kinh nhỏ chạy ngang dẫn nước vô các điền, cứ vài trăm thước lại đào một con kinh, các địa danh Một Ngàn, Ngàn Rưỡi, Bảy Ngàn, Tám Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưởi… có từ đó. Các địa danh này được đặt tên theo độ dài của các con kinh.

Trong văn minh lục tỉnh thì chữ “Xáng” đã trở nên quen thuộc, có một vị trí thân thuộc.

Ở Long Định Tiền Giang có con kinh Xáng và cây cầu Kinh Xáng rất lớn. Ở Tri Tôn An Giang cũng có kinh xáng. Cà Mau có kinh xáng Đội Cường, kinh xáng Bà Kẹo…

Tỉnh Gia Định cũng có một con kinh xáng nổi tiếng, đó là kinh Cầu An Hạ từ Rạch Tra, con rạch chảy từ sông Sài Gòn về Hốc Môn, nối sông Vàm Cỏ. Đây là thủy lộ rút ngắn đường đi từ Bình Dương, vùng đất sản xuất đồ mỹ nghệ từ cây gỗ và đồ sành sứ, về miền Tây Nam Kỳ. Cầu An Hạ là một địa danh, tên của một Tổng. Phía trên là Tổng Cầu An Thượng nay là vùng đất các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Hậu Nghĩa của tỉnh Long An. Thập niên 1950, khi chánh quyền xây lại cây cầu bắc qua kinh này nối liền Hốc Môn và Củ Chi trên quốc lộ 1 và đổi tên Cầu Bông thành “cầu Cầu An Hạ”, thì dân tình làm rớt mất chữ “cầu” vì tưởng chánh quyền ghi lầm hai chữ “cầu” nên chỉ còn hai chữ “An Hạ”. Vì vậy nhiều người sau này lầm tưởng con kinh này có tên là An Hạ.

Trèo lên cây cám mà coi
Ngó về An Hạ nhiều cô chưa chồng…

Xáng do chữ Pháp chaland (xà lan) mà ra. Do người Pháp đặt cái máy đào có cái hàm cạp đất trên một cái xà lan trên sông nên dân Nam gọi là xáng. Người miệt Sài Gòn, Long An, Gò Công gọi là xáng cạp, Hậu Giang gọi xáng múc, và sau này có thêm xáng thổi.

Ăn như xáng múc làm như lục bình trôi” 

Một câu tục ngữ đã ra đời từ đó!

Có đường đi lại là có chợ. Vì vậy dọc các con kinh xáng đều có chợ lớn nhỏ khác nhau. Dọc kinh xáng Xà No có các chợ như sau : chợ Vàm Xáng, chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Cái Nhum, chợ Hỏa Lựu, Cầu Xáng, Xáng Mới, Xáng Chìm, Xáng Nổ, Xáng Bộ, xáng Lái Hiếu, xáng Nàng Mau (một địa danh thuộc tỉnh Vị Thanh cũ nay thuộc tỉnh Hậu Giang)…

Ở Cần Thơ có hồ Xáng Thổi và Búng Xáng Búng (không phải bún) là cái hồ có con rạch thông với sông. Búng Bình Thiên ở An Phú là nó, còn chợ Búng ở Lái Thiêu cũng là nó, ai nói chợ Búng Lái Thiêu xưa làm bún là sai bét.

Nhờ kinh xáng, văn minh đã về miệt thứ, chợ búa, trường học, nhà máy xay lúa, chành chứa lúa gạo… hình thành và đã mở ra văn minh sông nước.

Củ năn ngăn trong lòng son đỏ
Mấy lời to nhỏ: bạn bỏ sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy, anh mới đành bỏ em

Tân Hiệp, Kiên Giang có những con kinh mang số. Nhưng tại sao có chợ Kinh 8 mà lại có chợ Kênh 5? Có Bến Đò Kinh 3A lại có Bến Đò Kênh 4? Vì bị lây con kênh ở vùng khác đem vô.

Nam Kỳ Lục Tỉnh mình miệt nào cũng là miền sông rạch chằng chịt.

Sông thuộc loại lớn có Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn… Những sông lớn mở ra vô số kinh rạch nhỏ xen kẽ nhau không làm sao kể xiết.

Rạch Giá là tên Việt hoàn toàn do ông bà mình đặt. Rạch là con sông nhỏ, Giá là cây giá chớ không phải loại giá làm từ đậu xanh để ăn bình thường… Rồi Rạch Nhum, Rạch Đỉa, Rạch Gầm, Rạch Rích, Rạch Thầy Phó, Rạch Sung… cũng hoàn toàn Việt.
Khém là cái lạch, cái xẻo hẹp, có cầu Vàm Khém, có khém Rạch Già, sông Khém, cầu Khém Dưới, cầu Khém Trên, kinh Khém Lớn, rạch Khém Vườn…

Vàm là từ gốc Khmer “péam”. Vàm là đầu con rạch ăn thông với sông lớn.

Vàm Láng Gò Công xưa thuộc làng Kiểng Phước, nằm mé bên sông Soài Rạp đổ ra cửa Soài Rạp. Soài Rạp tức Lôi Lạp xuất xứ từ tiếng Khmer vì đất Gò Công xưa thuộc vương quốc Phù Nam, sau đó bị nhập vào Thuỷ Chân Lạp. Vàm Láng là một làng mà dân sống bằng nghề đi ghe, đi biển.

Anh đi ghe lúa Gò Công
Vô vàm Bao Ngược, bị dông đứt buồm

Lung có gốc từ tiếng Khmer là chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng. Có Lung Tràm, Rạch Lung, cầu Lung Âm, rạch Lung Ấu, Lung Chà Ngo, Lung Ngọc Hoàng…nhiều lắm nói hoài chưa hết, khi khác nói nữa.

Nghỉ nha!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights