YẾN TUYẾT
Đón chào tháng Tư, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài kỷ niệm với Mỹ.
Tôi đặt chân đến Mỹ vào ngày 2/4/1982. Tính đến nay đúng 42 năm. Điều này mỗi đầu tháng Tư luôn khiến tôi bâng khuâng ôn lại quá khứ.
42 năm là một thời gian dài trong một đời người, và thời gian tôi sống ở Mỹ bây giờ dài hơn thời gian sống ở Việt Nam cả hơn 10 năm, kể từ khi rời quê hương từ tháng 9 năm 1981, khi tôi mới 30 tuổi.
42 năm, có biết bao nhiều điều để viết lại với nhiều xúc động, cho dù tôi cũng đã quên rất nhiều chi tiết.
Dĩ nhiên trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin ghi lại một cách rất tổng quát những kinh nghiệm mình đã trải qua, đã học hỏi, những cảm xúc vui buồn; và những kỷ niệm với môt số người Mỹ và Việt mà mình đã gặp và để lại những ấn tượng tốt trong đời sống riêng qua hơn 40 năm sống ở Hoa Kỳ.
Có thể nói mỗi người Việt chúng ta dù sống ở đất này chỉ trong một thời gian ngắn, hoăc đã vài chục năm đi nữa, đều có một số kỷ niệm đáng nhớ, bao gồm cả nước mắt và nụ cười ở nơi mà mình gọi là quê hương thứ hai này.
Đã có những cuộc thi viết như chương trình “Viết về nước Mỹ” của Việt báo Kinh Tế tổ chức hơn 10 năm nay để người Việt tị nạn có thể tham dự và chia sẻ những câu chuyện thật đặc biệt của đời mình.
Hiên tổ chức Viện Bảo tàng Di sản Việt Nam cũng đang thu thập những câu chuyện cảm động từ Việt Nam qua tới Mỹ của người Việt tị nạn Cộng sản, được trình chiếu trên website của họ.
Báo Người Việt và Saigon Nhỏ cũng có cuộc thi viết mới thành lập. Và biết đâu tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi cũng sẽ có cuộc thi viết tương tự.
Việc tổ chức những cuộc thi này là nỗ lực tốt đẹp và ý nghĩ rất đáng hoan nghênh và hỗ trợ của các tổ chức nói trên vì nhờ đó, các thế hệ Việt Nam trong tương lại có dịp hiểu rõ chặng đường cam go mà ông bà hay cha mẹ họ đã phải trải qua trong cuộc hành trình tìm tự do, cũng như khi hội nhập vào nước Mỹ.
Trở lại với câu chuyện của tôi, sau hơn 6 năm sống dưới chế độ Cộng sản và sống với những phương cách hà khắc và tàn ác mà bên thắng cuộc đã áp dụng với dân chúng miền Nam, cuối cùng tôi và gia đình đã vượt biện thành công sau 14 ngày lênh đênh trên biển. Vào tháng 9 năm 1981 chúng tôi may mắn được thương thuyền Na Uy vớt, nhân chuyến hải trình từ Nhật bản đến Thái Lan của họ.
Vì cứu vớt thuyền tị nạn của chúng tôi mà tàu Panama bị giữ thêm 14 ngày nữa ngoài khơi không được cập bến để Ủy cao Ủy Hiệp Quốc điều tra lý lịch và làm thủ tục giấy tờ cho mấy người vượt biên. Sau đó, chúng tôi được lên đất liền và được đưa đến trại Panat Nikhom ở Thái.
Gần 2 tháng sau, chúng tôi được chuyển sang trại tị nạn Bataan ở Phi Luật Tân.
Sau cùng thì được ông anh ruột, đã định cư ở Mỹ từ sau ngày 30/4/1975, bảo lãnh đến sống tại thành phố Downey, California.
Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy buồn là tuy chuyến vượt biên của chúng tôi thành công vì đến được bến bờ tự do nhưng gia đình tôi cũng trả giá khá đắt vì mất đứa cháu trai 15 tuổi trên biển Đông.
Trải qua cuộc vượt biên đầy cam go, tôi trân trọng những kỷ niệm do hai hoàn cảnh này đem lại vì nhờ đó tôi hiểu, biết và thông cảm với những người đồng cảnh ngộ hơn những người may mắn khác, không hề phải trải nghiệm các đau thương đó.
Tôi nhớ lại tháng Tư đầu tiên trên đất Mỹ, lúc ấy dù trời bắt đầu lập Xuân nhưng với những người mới “chân ướt chân ráo” đến xứ sở này từ một nước thuộc miền nhiệt đới như Việt Nam, khí hậu vẫn còn lạnh lắm.
Thế nhưng lòng tôi vui sướng và ấm áp vì thấy giấc mơ đi Mỹ của mình đã thành sự thực. Mình bỏ lại sau lưng một đời sống khốn khó đầy kỳ thị chèn ép ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản để từ nay, được hưởng không khí tự do.
Trên đường từ trại Phi Luật Tân đến Mỹ, hành trang của tôi ít ỏi với bộ đồ mặc trên người và một ít áo quần cũ do Cao Ủy Tị nạn cấp, cũng không khác những người di dân đầu tiên đến xứ sở này trên con tàu Mayflower, nhưng ít ra, tôi biết rằng mình đến Mỹ và có cơ hội để lập lại cuộc đời tại một đất nước có nền văn minh và dân chủ đứng đầu thế giới.
Nhớ lại những lúc khốn khó ấy, tôi có bao giờ ngờ được hôm nay mình dư giả áo quần để mặc, có chút tiền hưu sống tạm đủ. Cũng không ngờ trong hơn 20 năm nay, đạt được ước nguyện làm chủ một căn nhà nhỏ bé để gia đình không phải dời chỗ ở khá nhiều lần như trước đó vì hoàn cảnh riêng đưa đẩy.
Khi nghĩ về những nơi chốn mình từng cư ngụ, tôi thấy trong vòng 5 năm mình dọn nhà quá thường xuyên: chuyển từ thị xã Downey, Bellflower qua Norwalk thuộc Los Angeles County, rồi dọn về sống ở thành phố La Mesa và San Carlos thuộc San Diego County trong 9 năm. Cuối cùng Orange County là nơi dừng chân lâu nhất, những đến 28 năm, tính đến giờ tôi đã sống trong những căn apartments, những cái fourplex, những town house, nhà riêng cho thuê vừa túi tiền, không quá nghèo nàn nhưng an ninh. Hàng xóm tôi từng là Mỹ trắng, Mễ Tây cơ và Hy lạp, rất ít người Việt Nam.
Quận Los Angeles vào thập niên 1980 không có nhiều người Việt sống tập hợp như ở quận Cam sau này, nên lúc đó tôi không có nhiều hàng xóm Việt. Chỉ nhớ một lần thuê nhà ở Norwalk của hai chị em người Việt Nam còn trẻ nhưng 6 tháng sau phải dọn đi vì nhà bị ẩm mốc nặng mà hai cô ấy không chịu sửa.
Một lần kia tôi ở gần môt gia đình Việt Nam con đông lãnh welfare và kiếm thêm tiền mặt khi cả gia đình nhận hàng may ở nhà. Tôi cũng từng thử may thuê giúp họ nhưng một ngày được trả có $20 mà làm quên cả ăn nên sau một thời gian ngắn, ốm yếu quá phải bỏ.
Ở thuê nhiều nơi, hàng ngày tôi nghe nhạc Mỹ, nhạc Mễ, nghe trẻ con và người lớn ở sát nhà nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và quen với những âm thanh lạ và ồn ào ấy từ nhà của những người láng giềng cùng nhóm low income như mình.
Phần đông láng giềng của tôi là những công nhân lương thiện và tốt bụng làm việc trong các nhà hàng hay công ty, hãng xưởng nhỏ. Họ đã để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp và dễ thương trong đời sống, cho dù không cùng màu da, xuất xứ và tập quán.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên được ăn món Tamales rất ngon do cô hàng xóm người Mễ ở cạnh nhà tự tay làm. Sau đó, cô ấy tình nguyện làm người mẫu cho tôi đi thi làm móng tay. Khi biết tin tôi đậu, cả hai tụi tôi ôm nhau khóc vì mừng rỡ.
Tôi không bao giờ quên ơn cô láng giềng người Hy Lạp giữ dùm 3 đứa con còn rất nhỏ của tôi, cho chúng ăn uống, dẫn chúng đi học khi tôi phải đi nhà thương cấp cứu trong hai ngày.
Tôi thương cô Mễ 25 tuổi hàng xóm có hai con còn bé, hàng ngày phải đi xe buýt từ Los Angeles lúc 5 giờ sáng để đến dọn dẹp ở Sở Xã Hội của Orange County, 3 giờ chiều về trông con cho chồng đi làm ca đêm.
Nhờ sống nhiều nơi và làm nhiều nghề trên đất Mỹ nên tôi hiểu, thông cảm và học hỏi được tấm lòng bao dung của những người dù ở giai cấp thấp và ở những cảnh ngộ khác nhau trong xã hội Mỹ.
Nhìn lại quá khứ, tôi không ngờ mình đã làm nhiều nghề đến thế trong thời gian khá dài sống ở Mỹ. Người ta sẽ cho là số tôi vất vả vì “bôn ba không qua thời vận.”
Dù chỉ là một người bình thường không có gì đặc biệt, nhưng trên hết mọi điều, tôi tự hãnh diện vì trong hơn 40 năm qua, mình đã cố gắng vượt qua bao khó khăn bằng tất cả cố gắng và khả năng mà mình có được.
Và như thế tôi bằng lòng về những gì mình có được ngày hôm nay, không dám so sánh với ai khác.
Tôi phải cảm ơn nước Mỹ vì ở đất nước này có vô số việc làm để những người không lười biếng có thể dấn thân. Ăn thua mình phải chăm chỉ và đừng chê lương ít hay nghề khó học khi bị thất nghiệp.
Lúc đầu, tôi không được hướng dẫn nên nghĩ rằng mình đến Mỹ nhưng không có cơ hội đi học lại và có bằng cấp ở đây thì có lẽ chỉ quanh quẩn xin làm những nghề chân tay, không cần bằng cấp, và nhất là không cần nói tiếng Anh nhiều.
Thât ra, tôi không bị trở ngại cho lắm về Anh ngữ vì tôi có khiếu về ngoại ngữ từ khi chọn học ban C ở bậc Trung hoc. Trước tháng 4/1975, tôi hay ghé phòng triển lãm của ông anh rể ở phòng Thông tin góc đường Tự Do/Lê Lợi để giúp chị tôi bán tranh, nhân đó có dịp thực hành Anh ngữ.
Lên Đại học rồi làm đài Phát Thanh Sài Gòn, trình độ Anh văn của tôi vẫn viết, nói và nghe được. (sau tháng 4/1975, tôi có kèm Anh văn cho một số người được bảo lãnh qua Mỹ diện ODP – Orderly Departure Program).
Mặc dù nghề móng tay không cần giỏi Anh ngữ, tôi vẫn hay thích nói chuyện với khách hàng vì muốn tìm hiểu phong tục và suy nghĩ của đời sống Mỹ, nhờ đó rèn luyện vốn liếng Anh văn sẵn có của mình cho tốt hơn. Khi nào phát âm một chữ mà bà Mỹ không hiểu thì tôi viết xuống và học ngay cách phát âm cho đúng khi khách sửa cho mình.
Tôi cũng nghĩ tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nên khi nói thì cần nói chậm để có thể chú ý đến phát âm cho rõ. Và tôi học được tính tốt của người Mỹ khi rất lịch sự không hề cười nhạo báng khi tôi phát âm sai, mà còn kiên nhẫn giúp tôi phát âm lại nhiều lần cho đúng.
Tôi cảm động về lòng rộng lượng, sẵn sàng giúp đỡ của các bà ban Mỹ khi giúp tôi đưa đón ba đứa con ở ba trường học khác nhau ở San Diego khi tôi mổ lưng và nằm nhà dưỡng bệnh cả tháng trời.
Họ đã là những thiên thần có thật trong đời sống tôi khi ấy.
Khi thử đếm lại các nghề lao động chân tay mà mình đã can qua trong 10 năm đầu tiên sống ở Mỹ, tôi thấy danh sách ấy không ngắn tí nào: nào là may áo quần công nghiệp, làm móng tay, làm tóc, bán hàng ở shopping, làm bồi bàn, cắm hoa v.v…Nghề nào đến tay tôi cũng cứ chú tâm, miệt mài làm hết lòng.
Rồi phải đến hơn 15 năm sau khi đến Mỹ, nhờ có người mách bảo là tôi có thể xin lượng định bằng cử nhân báo chí ở Việt Nam để có chứng chỉ tương đương về hoc vấn, và nhờ đó, có thể kiếm những công việc bàn giấy hơn là vất vả với các việc lao động không cần suy nghĩ nhiều.
Sau khi nhận được chứng chỉ ấy, tôi thử thời vận bằng cách điền đơn xin việc và nhờ thế có cơ hội bước vào làm việc trong các văn phòng.
Nhưng không hiểu sao, tôi lại chỉ xin làm trong những cơ quan tư nhân vô vụ lợi như Hôi Á Châu Hiến Tủy A 3M, kêu gọi người ghi tên hiến tủy để cứu bệnh nhân bị ung thư máu; Cơ quan Children Home Society tìm người giữ trẻ có giấy phép hành nghề để bảo đảm cho trẻ con không bị hại, Chương trình HICAP cố vấn về Medicare của cơ quan Council On Aging, giúp người cao niên biết quyền lợi ý tế để không bị lạm dụng, lường gạt.
Nhưng cũng nhờ công tác với những cơ quan vô vụ lợi và được vây quanh bởi những người có tâm hồn vị tha nên tôi nghĩ có lẽ mình được trở nên một con người tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Khi đến làm việc với Hội Hiến Tủy tôi chứng kiến lòng thương người của các ân nhân hiến tủy khi họ chiu trải qua cuộc giải phẫu để lấy tủy bào của mình cho người bệnh. Trong cả 100.000 mẫu máu, người ta mới có thể tìm được một người hợp tủy với bệnh nhân, do đó, nếu việc hiến tủy xảy ra và thành công sẽ cứu sống một mạng người.
Nó như một phép lạ nên khi tôi được góp phần nhỏ của mình vào công việc đó, tôi thấy vui và vô cùng xúc động.
Qua làm việc với chương trình HICAP, tôi được gặp những người Mỹ trí thức nhưng hầu như họ không màng danh lợi. Họ là những luật sư, giáo sư đại học, vợ của bác sĩ này, thương gia nọ, có trình độ đại học và rất bình dị cũng như lễ độ trong cách cư xử khi giao tiếp với các đồng nghiệp như tôi và dĩ nhiên cả với các khách hàng.
Họ dùng trí thông minh và năng lực của mình cho một trách nhiệm khác mà họ thích: phụng sư vô vụ lợi cho xã hội, tranh đấu cho quyền lợi và bảo vệ người cao niên.
Hai cơ quan A 3M và COASC là nơi mỗi buổi sáng tôi háo hức đến làm việc việc vì ngoài những người cộng sự nhiệt tâm, tôi còn gặp không biết bao thiên nguyện viên, hy sinh những thì giờ riêng của mình, làm việc không công giúp đỡ người khác.
Những thiện nguyện viên này phần lớn đã về hưu từ những chức vụ và địa vị cao trong xã hội như hiệu trưởng, bác sĩ, y tá, giám đốc, kỹ sư… Nhưng khi tiếp xúc với khách hàng tôi nghe tiếng họ nhũn nhặn, “Yes sir, yes mam” kiên nhẫn giải thích về những vấn đề Medicare phức tạp khi bi khách hàng khó chịu hay gắt gỏng.
Họ là những tấm gương cho tôi về tinh thần trách nhiệm trong công việc và thói quen đúng giờ.
Vui nhất là tôi cũng gầy dựng được tình bạn lâu dài với một số đồng nghiệp và thiện nguyện viên người Mỹ từ hai cơ quan nói trên.
Bài viết này chỉ ghi lại những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ mà tôi có được từ người Mỹ và nước Mỹ trong hơn 40 năm qua.Còn những nhận xét không hay và không vui về một nước Mỹ và người Mỹ về quyền tự do thái quá, phung phí thái quá, cực đoan thái quá v.v… thì xin hẹn một dịp khác.