Một kinh nghiệm thông tim (Cardiac Catheterization)

by Tim Bui
Một kinh nghiệm thông tim (Cardiac Catheterization)

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Những tưởng biết ăn uống đúng cách, biết năng vận động, và biết cách quản lý cái xì-trét thì bệnh tật sẽ xa lánh mình như các chuyên gia thường hay nói.

Nhưng lúc nào “đời cũng không như ước mơ lòng người.” Gần đây mình bị lên cơn tim xém chết, vì vậy mình viết bài này để chia sẻ chút kinh nghiệm đến các bạn hầu ai có lâm vào tình trạng tương tự, sẽ biết cách xử lý kịp thời và đúng mức.

Thứ Năm hôm đó, như thường lệ, mình cùng một số bạn hẹn nhau đi đánh bóng rổ. Thói quen này, mình đã giữ được mấy chục năm rồi. Cứ mỗi tuần hai lần, nhóm tụi mình cùng nhau ra sân chơi khoảng hai tiếng đồng hồ như một  sinh hoạt thể thao lành mạnh.

Lần này, mới chơi được khoảng 30 phút thì mình bỗng cảm thấy hai bắp tay nhức nhối khó chịu đến nổi không thể tiếp tục chơi được nữa. Bạn đồng đội của mình cho rằng có lẽ là do mình thiếu chất đường nên anh ấy cho mình ăn vài cái bánh chocolate, mình ăn vào thì hình như thấy đỡ một chút. Tuy nhiên bắp thịt hai bên bắp tay vẫn không hết nhức nhối. Mình quyết định không tiếp tục đánh nữa, ngồi trong sân nghỉ một lát, rồi lái xe về nhà.

Tối hôm đó, mình không ngủ được, vì hai bắp tay vẫn tiếp tục nhức nhối, dù rằng đã uống hai viên Tylenol. Ngoài ra, thì lúc đó tim mình đập rối loạn lên và mình cảm thấy khó thở. 

Lúc đó mình vẫn nghĩ là các triệu chứng trên là hậu quả của bệnh Covid-19 mà mình đã bị nhiễm vào đầu năm nay. Nhưng khi thử nhiệt độ, thử oxygen, và thậm chí dùng bộ thử nghiệm Covid-19 thì tất cả đều âm tính. Lúc đó thì mình đo lại huyết áp thì thấy chỉ số chỉ có 100/60 rất thấp so với chỉ số thường ngày 140/90.

Thấy tình hình không ổn, mình định gọi cấp cứu, thì lúc ấy lại cảm thấy muốn ói. Không cầm cơn ói được, mình đành phải ói ra hết các thứ trong bụng. Nhưng khi ói ra rồi, thì mình cảm thấy dễ chịu hơn và có thể đi ngủ được.

Sáng hôm sau khi thức dậy, cơn nhức bắp thịt lại lan qua thêm hai bên vùng ngực, tim thì vẫn tiếp tục đập bất bình thường, và mình vẫn cảm thấy khó thở như lúc tối hôm qua. Hôm đó là ngày thứ Sáu, phòng mạch của bác sĩ gia đình có mở cửa. Mình liền gọi vào kể lể tình hình và xin vào khám. Không gặp được bác sĩ, mình kể cho người y tá phụ tá, thì bà ấy nói đó là các triệu chứng của “heart attack” (nhồi máu cơ tim). Bà ấy lập tức bảo mình không được chậm trễ, phải đi cấp cứu ngay. Thế là gia đình mình gọi xe cứu thương đến đưa mình vào bệnh viện.

Ở bệnh viện, họ đo điện tâm đồ, đo huyết áp, thử máu, thử nước tiểu, và chụp X-ray. Kết quả ra, họ khẳng định là mình bị heart attack vì nồng độ chất Troponin trong máu rất cao, chứng tỏ tim đã đập rất dữ dội. 

Lúc đó thì vị bác sĩ chuyên môn về tim vào gặp mình để giải thích tình hình và đề nghị phương án chữa trị. Ông ấy nói là sẽ đưa một sợi cáp quang nhỏ qua động mạch ở cổ tay mình và từ từ lần lên theo đường cánh tay đi vào động mạch tim. Qua chất phát tán ở đầu cáp quang, ông ấy sẽ thấy vấn đề ở chỗ nào và sẽ chữa trị thích hợp. Lúc đó mình mới giỡn một chút với ông: “bác sĩ ơi ông làm ơn cứu tôi đi, ông muốn làm gì thì cứ việc làm.” Thế là họ lập tức đưa mình lên phòng Lab tiểu phẫu tim (Cardiac Catheterization Lab).

Ở phòng Lab, một nhóm chuyên viên khoảng 3-4 người cùng với vị bác sĩ tim lập tức hành sự. Trước hết họ truyền một liều thuốc ngủ nhẹ qua đường IV dẫn nước biển. Mình chỉ còn tỉnh táo trong vài phút đầu để cảm nhận hơi ấm của sợi cáp quang đang từ từ chạy xuyên qua cổ tay của mình.

Khi tỉnh dậy thì mình thấy trên màn hình TV những động mạch tim của mình đang chuyển động. Vị bác sĩ tim nói, hệ thống động mạch tim của mình bị nghẽn cỡ 70%. Ông ấy đã bỏ hơn ba tiếng đồng hồ, dùng thiết bị bong bóng trên dây cáp quang để thông xong và đặt hai cái Stents (Stent là một ống lưới làm bằng hợp kim với chiều dài 3cm và đường kính 3mm) cho phần bên phải. Sau này mình phải trở lại bệnh viện để làm thêm phần bên trái. Mặc dù việc chữa trị chưa hoàn tất nhưng xem như mình đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo.

***

Hai tháng sau, khi vết thương ở cổ tay, nơi họ thọc dây cáp quang lần trước vào, lành hẳn, thì mình lại nhập viện để làm nốt phần tim bên trái. Lần này, bác sĩ nói các động mạch tim ở đó bị chất vôi đóng cứng ngắc như xi măng, vì vậy họ sẽ dùng một kỹ thuật mới phát minh gần đây gọi là “Shockwave Medical Treatment” có nghĩa là dùng sóng microwave để làm bể lớp vôi đóng dọc theo vách các động mạch tim.

Mình lại vào phòng Lab lần trước, nhưng kỳ này bác sĩ nói sẽ đưa đường cáp quang từ động mạch dưới háng vì động mạch này lớn hơn nên sẽ tiện hơn cho việc thực hiện phẫu thuật. Và cũng một liều thuốc ngủ như lần trước, mình lại thiếp đi. Khi tỉnh dậy nghe mọi người cười nói vui vẻ với nhau, thì mình nghĩ có lẽ là mọi việc đã được thuận lợi. Lúc đó nhìn vào màn hình thì biết rằng họ đã làm hết hai tiếng đồng hồ rồi.

Khi thấy mọi người thu dọn dụng cụ, mình mới hỏi bác sĩ kết quả như thế nào, thì ông mới cho mình xem một đoạn video về động mạch tim của mình mà ông ấy vừa thông xong. Lúc trước khi làm thì máu chảy rỉ rỉ như ống cống bị nghẹt, còn bây giờ thì nó róc rách như dòng suối vậy.

Khi mình xem lại hình động mạch tim của mình thì thấy một lớp mỡ màu vàng đóng dọc theo thành mạch máu còn bên trong thì còn một lớp vôi cứng ngắt màu trắng bên trong nữa.

Nhớ khi mới định cư ở Mỹ, vì thời gian sống trong thời kỳ bao cấp ở Việt Nam đói khổ qua, thành thử khi qua đây thèm ăn những thứ có nhiều mỡ như vịt quay, heo quay, prime rib (thứ thịt bò có nhiều mỡ)… Có lẽ vì thói quen ăn mỡ đó nên sau nhiều năm như vậy chỉ số mỡ trong máu của mình có lúc lên khỏi 1,000 (chỉ số tối đa là 150).

Ông bác sĩ gia đình của mình nói ông chưa từng thấy ai có chỉ số cao như vậy. Ông tưởng tượng máu của mình có lẽ giống như bùn, không hiểu sao mà nó có thể chảy được trong huyết quản. Từ đó đến bây giờ, đã khoảng 20 năm rồi, mình rất hạn chế ăn thịt mỡ, chỉ dùng tối đa mỗi tuần hai ngày thôi. Mặc dù vậy, nó vẫn còn để lại một “tài sản mỡ” đáng kể trong thành mạch máu của tim mình.

Không được ăn thịt mỡ, mình đổi qua ăn các loại hải sản như tôm hùm, cua, và sò điệp. Các loại thức ăn này không có mỡ, nhưng có nhiều chất cholesterol, một thứ độc không kém gì mỡ. Mỗi lần đi thử máu, mình đều chú ý chỉ số cholesterol và lúc nào bác sĩ gia đình mình cũng khen là chỉ số mỡ đã giảm xuống dần dần, hiện nay chỉ còn khoảng 300, còn chỉ số cholesterol thì tuyệt đẹp.

Có một điều không ngờ là ngoài cholesterol, các loại hải sản có vỏ lại chứa một hàm lượng lớn chất vôi. Chất vôi cũng cần thiết cho cơ thể lắm, nhưng nếu cung cấp nhiều quá thì phần thặng dư sẽ trôi chảy khắp nơi. Kỳ này đến phiên lũ vôi bám vào vách các động mạch tim, phía bên trong hai lớp mỡ cũ chạy dọc theo hai bên trong của động mạch vành, làm cho các mạch máu này, lúc trước chỉ hẹp thôi, còn bây giờ thì tắc nghẽn luôn, khiến máu không lưu thông ra vào tim được nữa.

Người Mỹ có câu nói: “You are what you eat” có nghĩa là mình ăn cái gì thì con người mình sẽ ra như vậy. Họ khuyên mình nên có một chế độ ăn uống quân bình, mỗi thứ một chút: 30% chất đạm, 30% chất béo trong đó 20% cho các loại mỡ tốt như dầu thực vật, omega-3 và 10% mỡ xấu như mỡ động vật, 30% chất bột đường nhưng hạn chế dùng tinh bột, và cuối cùng là 10% chất xơ và chất khoáng. Không nên dùng một loại thực phẩm quá nhiều. Quá nhiều chất đạm sẽ gây ra bệnh Gout, quá nhiều chất mỡ sẽ gây ra các loại bệnh tim mạch như tai biến mạch máu và lên cơn tim như mình, quá nhiều chất bột-đường là nguyên nhân dẫn đến  bệnh tiểu đường…

Qua biến cố này, có người hỏi mình sao không có biện pháp ngăn ngừa trước. Mình có hỏi qua bác sĩ, thì được biết, muốn biết tim có bị nghẽn hay không thì chỉ có cách thọc dây cáp quang đi vào tim để xem, nhưng cách này rất nguy hiểm. Bệnh viện chỉ làm thủ thuật này cho những người bị lên cơn tim như mình mà thôi.

Bác sĩ tim còn nói, một người bị lên cơn tim, dù với những triệu chứng không thấy gì là nguy hiểm, nhưng có thể ngã gục bất cứ lúc nào. Vì vậy khi thấy mình có những triệu chứng sau đây thì không được chần chờ, phải lập tức gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện gấp.

Quan trọng nhất là nhức nhối ở vùng ngực (Chest pain).
Tim đập bất bình thường (Irregular heartbeat)
Khó thở (Short of breath).

Câu chuyện lên cơn tim của mình tưởng thế là hết, nhưng vẫn còn một khúc quanh ly kỳ nữa.

Theo lời dặn của bác sĩ tim, trong một năm kể từ ngày xong phẫu thuật, mỗi ngày mình phải uống hai viên Brilinta, sáng một lần và chiều một lần để chống máu bị đông ở đầu các Stent mới đặt vào van tim. Theo bác sĩ giải thích thì máu chảy đến các Stent thì phát hiện một vật thể lạ trong cơ thể, máu sẽ ngần ngại không chảy vào như thường lệ và gây ra hiện tượng đông máu (cloth) ở đầu cái Stent. Thuốc Brilinta có công dụng hóa giải hiện tượng này. 

Những tháng sau đó, mình qua giai đoạn rehab tức là tập lại các sinh hoạt bình thường như tập thể dục nhẹ, đi bộ, và từ từ đến chạy bộ và nếu có thể sẽ đánh bóng rổ trở lại. Nhưng mỗi lần chạy bộ, dù là chỉ chạy chậm (jogging), mới được có hai ba phút thì mình cảm thấy hai bên ngực bị mỏi và từ từ đau. Mình cố thử cách vài ngày thì chạy lại nhưng kết quả đều như nhau, không có gì tiến bộ. 

Mình trở lại bác sĩ tim để cho biết. Ban đầu ông ấy nghĩ có lẽ là do cơ thể mình bị phản ứng với thuốc Brilinta nên đổi qua một loại khác có tác dụng tương tự, nhưng sau vài tháng thì kết quả không có gì thay đổi.

Ông ấy lập luận là sỡ dĩ mình đau hai bên ngực khi chạy bộ là vì máu không bơm lên đủ nên không cung cấp đủ oxy cho vùng ngực, cho nên acid lactic tiết ra khiến cơ bắp mau bị mỏi. Cuối năm ấy, ông ấy làm một cái stress test cho mình. Hôm đó, mình đến phòng mạch sớm, ngồi vào một chiếc giường trang bị các thiết bị xem tim với hệ thống Ultrasound. Sau đó mình được đưa qua một treadmill kế bên bắt đầu bằng đi bộ, rồi chạy nhanh dần dần lên, rồi chạy hết sức mình có thể được. Cho đến khi mình cố hết sức mà không chịu nổi nữa thì bác sĩ và y tá dìu mình xuống giường thiết bị và xem tim mình cùng với các mạch máu chảy ra vô như thế nào trên màn ảnh Ultrasound. Kết luận là mặc dù các ống chánh có gắn 3 cái Stents năm ngoái hoạt động tốt, nhưng phần còn lại hai bên còn nhiều động mạch nhỏ máu chảy rất yếu ớt. Ông bác sĩ tim đề nghị mình nên làm thủ thuật thông tim một lần nữa để nong các mạch máu còn lại. Theo ông ấy nghĩ, nếu thông thêm được vài mạch máu, thì sẽ có thêm máu lưu thông thì mình sẽ chạy bộ tốt  hơn, thậm chí có thể chơi bóng rổ trở lại.

Khi trao đổi với ông bác sĩ tim, vì có nhiều từ ngữ y khoa mình không hiểu, cho nên trước khi quyết định, mình tìm đến một vị bác sĩ tim người Việt có tiếng trong cộng đồng để tư vấn như một second opinion. Ông bác sĩ Việt khuyên mình là không nên làm thủ thuật này, vì nó có tính rủi ro, mặc dù khá nhỏ. Ông ấy nói: “Anh đã khá lớn tuổi rồi, lúc này đi bộ là đủ, các mạch tim chánh lưu thông tốt là anh đủ máu cho đi bộ và vận động nhẹ. Các mạch nhỏ hai bên, dù bị nghẽn hết cũng chẳng hề hấn gì.” 

Nhưng trong lòng mình vẫn còn hăng lắm. Mĩnh vẫn muốn chạy bộ và thỉnh thoảng chạy hết tốc lực như ngày nào. Và mình vẫn còn muốn đánh bóng rổ lắm, vì nó rất vui, và giúp mình mất đi cái bụng, lại dễ ngủ và ngủ rất ngon giấc. Mình quyết định làm hẹn để thực hiện phẫu thuật.

***

Hôm đó cũng như lần trước. Cũng thuốc mê và cắt mạch máu dưới háng để đưa ống tube (catheter) vào và đẩy dần lên các động mạch tim.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, khi tỉnh dậy thì bác sĩ cho biết một cách tóm tắt là khi soi, ông ấy phát hiện một động mạch khá lớn, nằm khuất sau chùm động mạch lớn mà khi làm Ultrasound không thấy. Động mạch này bị calcium đóng nghẽn đến 99%. Ông ấy đã khoan bể các calcium và làm sạch các xơ vữa, cuối cùng là gắn một Stent vào động mạch này. Ông ấy chia sẻ là đã tìm ra nguyên nhân khiến mình không đủ máu và oxy khi chạy bộ. Ông ấy tiên đoán là sau khi hồi phục, mình có thể chạy được 20 phút mà không bị mỏi nữa.

Hai tuần sau, mình trở lại để kiểm tra vết cắt xem có biến chứng gì không. Bác sĩ phán là mọi chuyện ổn, vết thương đang trong quá trình lành lại, và chuyện vui nhất là ông ấy cho phép mình chạy bộ lại

Cuối tuần đó, mình ra công viên gần nhà chạy thử. Quả thật là thần diệu, mình có thể chạy liên tục 10 phút mà không bị đau hai bên vùng ngực nữa. Tuy nhiên, mình cảm thấy hai bắp chân bắt đầu bị mỏi nên không chạy nữa. Theo mình nghĩ, có lẽ là hơn một năm nay, mình chưa bao giờ chạy bộ đến 10 phút, nên các bắp thịt chân chưa được quen với hoạt động này.

Cuối tuần kế tiếp, mình lại chạy ra sân chạy bộ nữa. Kỳ này, mình chạy được 15 phút mà không đau hai bên ngực và bắp thịt đùi cũng cảm thấy ít mỏi hơn.

Tuần kế tiếp, mình cố gắng chạy 20 phút. Chạy được 15 phút thì vẫn còn tốt, không bị đau hai bên ngực, không bị mỏi hai bắp đùi. Mình cố gắng dùng ý chí, cố gắng chạy thêm cho đến phút thứ 20. Thật phải dùng chữ Amazing để diễn tả cái cảm giác của mình lúc đó! 

Cám ơn bác sĩ! Cám ơn khoa học thông tim là giúp mình hồi phục lại và có một chuỗi ngày đáng sống sắp tới!

Để kết thúc câu chuyện thông tim của mình. Mình xin mượn lời khuyên của ông bác sĩ để nhắn nhủ lại các bạn.

Đối với ai có vấn đề tim mạch thì bác sĩ bảo rằng cách đề phòng tốt nhất là ngoài việc hạn chế uống rượu và hút thuốc, thì nên năng vận động và có chế độ dinh dưỡng tốt. Nên theo chế độ dinh dưỡng của người vùng Địa Trung Hải (Mediterranean diet) trong đó:

* 10% các loại thịt và đồ ngọt
* 30% cá và đồ biển các loại.
* 50% tập trung vào, rau, trái, và hạt.
* Năng vận động

Chúc mọi người có một cuộc sống lành mạnh: sống khỏe, sống vui, không xì-trét, đem hết nghị lực ra làm việc.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights