HAI DỐT
Nhiều năm nay, đọc báo chí trong nước thiên hạ thấy việc tu từ có vẻ hơi “tầm phào”! Hổng rõ cái việc dạy dỗ và học hành của thanh niên đời nay nó ra răng, nhưng khá nhiều chữ không hiểu sao cứ bị dùng theo Tàu! Trong đó có chữ “Kỷ.”
Phải nói thiệt rằng, Việt ngữ của chúng ta xài rất nhiều Hán ngữ. Một ngàn năm đô hộ và một ngàn năm gần gũi mà! Người ta có câu “quen hơi” khi nằm gần nhau quá, nên chuyện “lai tạp” hay “mượn” lẫn nhau cũng là chuyện bình thường.
Nhưng bình thường cũng có mức độ. Từ hơn ngàn năm trước, tiền nhân chúng ta đã cố gắng “thoát Trung” bằng cách “Việt hóa” trong cách viết, tức tạo ra thứ chữ riêng “Việt trăm phần trăm.” Là con cháu, chúng ta phải ghi nhớ công ơn ấy và cũng phải cố gắng “viết tiếng Việt bằng chữ Việt” nếu có thể! Chứ lẽ nào càng ngày càng “Tàu hóa” tiếng Việt?
“Kỷ” là chữ Hán chăm phần chăm. Kỷ có nghĩa là “niên đại,” tuổi tác của một người hay một thời kỳ nào đó. Tỷ dụ khi nói về thời kỳ băng hà cách nay hàng triệu hay chục triệu năm người ta thường viết “kỷ băng hà.” Viết vậy cho gọn, chứ lẽ ra phải viết dài dòng “thời kỳ cách đây một triệu hay vài chục triệu năm, trái đất còn đóng băng khắp nơi và có nhiều sinh vật kỳ lạ sinh sống” nghe mệt muốn chết! Vậy nên cần phải viết gọn lại. Hoặc khi viết về một tổ chức, một nhóm người nắm quyền quản trị, điều hành một quốc gia thì chỉ viết “chính phủ” là đủ. Có lẽ đây cũng là cái hay của Việt ngữ.
Chữ kỷ còn được dùng trong cụm từ “kỷ nguyên,” được dùng để chỉ một thời kỳ lịch sử được mở đầu bằng một sự kiện quan trọng nào đó. Thí dụ, từ thế kỷ 21, con người bước vào kỷ nguyên của công nghệ thông tin, theo sau là Trí tuệ Nhân tạo AI, v.v…
Khi nói tới tuổi tác, năm tháng người ta cũng hay dùng chữ “kỷ.” Xin nhớ là chữ “kỷ” dấu hỏi chớ không phải chữ “kỹ” có dấu ngã. Kỹ dấu ngã có nghĩa là cẩn thận, kỹ càng. Còn kỷ dấu hỏi thuộc về năm tháng, tuổi tác của con người và sự vật.
Hễ nói tới “kỷ niệm” phải là dấu hỏi vì liên quan tới con người. Hai tui không biết các sinh vật khác có “kỷ niệm” không chứ con người thì chắc chắn là có. Ai không có kỷ niệm, không có quá khứ thì rất có thể là những người đang sống “lơ lửng” đâu đó ở một thế giới mà người ta hay gọi là “cõi trên!” Bởi kỷ niệm tuy không bức thiết như cơm ăn, nước uống mỗi ngày nhưng không có là không được nhen.
Viết tới đây, Hai tui chợt nhớ một chuyện tiếu lâm, mà nghe vừa cười lại vừa khóc. Xin các bà vợ hiền, vợ hiền ít, vợ hiền nhiều đại xá, nếu đọc được chuyện này.
Nửa đêm bà vợ giựt mình không thấy ông chồng đâu. Bà ra phòng khách thấy chồng đang uống trà, hút thuốc ngồi trầm tư. Ôm vai chồng, bà hỏi nhỏ:
- Có chuyện gì mà ông tư lự vậy?
Ông chồng nhìn vợ với cái nhìn “thương yêu” sâu thăm thẳm, rồi hỏi:
- Bà còn nhớ cái ngày tôi… ép bà vô bụi chuối không?
Bà vợ nghe xong cười nắc nẻ:
- Đồ quỷ nè! Vụ đó làm sao mà quên được! Á, sao tự nhiên ông lại nhớ mấy cái chuyện hai chục năm về trước. Bộ tính…
- Bà có nhớ ba của bà bắt được cảnh hai đứa…?
- Nhớ chớ!
- Bà có biết ba của bà nói gì với tôi không?
- Khi đó tôi bị ổng đuổi vô nhà rồi, đâu có nghe.
- Ba nói với vầy nè “Một là mày kêu ba má mầy đem trầu cau qua cưới con tao. Hai là tao đi thưa cho mầy ở tù 20 năm cho rục xương luôn!”
- Ổng nói vậy thiệt hả?
- Chớ sao!
- Vậy là ông chọn cưới tui? Chọn đúng rồi mà! Nhưng sao nhớ lại chiện này mặt ông lại buồn dữ vậy?
Ông chồng tư lự một chút rồi nói:
- Nói thiệt với bà, nếu hồi đó tui quyết định ở tù thì ngày nay là ngày tui ra tù rồi!
…
Cái kỷ niệm của ông chồng này chỉ liên quan đến bài này có hai chữ “kỷ niệm” thôi. Nếu có nhiều hơn chút là cái vụ “hai chục năm!” Mà hai chục năm là bao nhiêu “kỷ?”
Xin thưa, chẳng có kỷ nào hết.
Hai chục năm thường được người Việt lâu nay kêu là “hai thập niên,” cũng bằng tiếng Hán Việt nhưng đã được người Việt biến nó thành tiếng Việt tự lâu rồi.
Ngày nay, hổng hiểu các bạn trẻ được dạy dỗ ra sao mà cứ 10 năm là kêu bằng “thập kỷ.”
Chữ “kỷ” Tám tui được học không tính bằng chục năm đâu. Tỉ dụ một vòng tuổi đời của con người trong 60 năm thì kêu là một “kỷ.” Tức là khi trải qua năm con giáp được kêu là “kỷ.” Đây là cách tính của người xưa theo kiểu Tàu còn tồn tại. Xưa hệ thống đo lường của Tàu mà dân ta cũng xài đều lấy 60 làm mẫu. Tỉ dụ một tạ là 60kg… Cho nên một vòng đời được tính là 60 năm.
Kỷ còn được tính ở mức 100 theo cách của người Tây phương. Tỉ dụ một thế kỷ là 100 năm. Một thiên niên kỷ là 1000 năm. Không rõ ngày nay, các bạn trẻ viết báo ở Việt Nam được dạy dỗ thế nào mà thường viết “thập kỷ” khi muốn nói tới mười năm. Họ thường viết “thập kỷ 1990,” hay “cách nay một thập kỷ”… Đúng ra phải viết là “thập niên 1990” vì năm 1990 chỉ có 10 năm từ 1990 tới 1999 thôi làm sao có thể đếm thành “thập kỷ” tức 600 hoặc sáu ngàn năm được!
Thế nhưng…thời thế bây giờ nó vậy đó. Ngay cả số đếm cũng bị thay đổi huống gì là đất nước!