Trương Vĩnh Ký – Một “lầm lẫn” cần đính chánh

by Vy Trần

TRẦN NHẬT VY

LTS: Sài Gòn hậu bán thế kỷ 19, có hai vị hiền tài họ Trương tên Ký.

Một là ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), là người thầy viết sách giáo khoa chữ quốc ngữ đầu tiên, người am hiểu nhiều thứ tiếng, người viết nhiều tự điển nhứt xưa nay, người Việt làm Chánh tổng tài (tương đương Chủ nhiệm, hoặc Tổng biên tập) Gia Định Báo đầu tiên (1869-1972).

Hai là ông Trương Minh Ký (1855-1900), học trò của ông Trương Vĩnh Ký, nhà báo lâu nhất thế kỷ 19 (từ 1881 đến 1899), thầy giáo dạy chữ Nho và quốc ngữ, người đầu tiên sáng tác truyện thơ, kịch và truyện văn xuôi bằng tiếng Việt.

Thế nhưng đời sau, các nhà nghiên cứu, nhất là những nhà nghiên cứu ngoài vĩ tuyến 17, thường coi hai ông là một và lẫn lộn giữa ông này với ông kia, khiến văn học sử Việt Nam bị lẫn lộn.

Ông Trương Vĩnh Ký bị một số nhà nghiên cứu cho rằng “theo Pháp” nên bị loại ra khỏi nhiều tài liệu văn sử. Còn ông Trương Minh Ký, lớn lên trong thời Pháp thuộc, cả đời làm báo, dạy học, viết sách vẫn bị coi là “phản động” là sao?

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến sự “lầm lẫn” giữa hai ông trong một sự kiện và chưa bàn sâu hơn về nhiều vấn đề khác.

Trong bài viết “Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện-thân sinh của Đạm Phương sử nữ” của Nguyễn Đắc Xuân trên trang web gactholoc.com ngày 23-8-2012 (http://www.gactholoc.com/c16/t16-95/hoang-hoa-quan-vuong-mien-trien–than-sinh-cua-dam-phuong-nu-su.html) có đăng một tấm hình của sứ đoàn triều Nguyễn đi Pháp tham dự hội chợ Paris năm 1889. Hình do cháu nội của Tham tá Nguyễn Trừng (một thành viên của sứ đoàn năm xưa) là bác sĩ Nguyễn Vinh lưu giữ và cung cấp. Chú thích tấm hình nầy ghi người số 4 là “Trương Vĩnh Ký”!

Trong báo Xưa & Nay số xuân 2020 Tôn Thất Thọ trong bài “những lần gia hội chợ đấu xảo tại Pháp dưới thời nhà Nguyễn” đăng ở trang 50, có đoạn “Về cuộc đấu xào này, học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã ghi chép chi tiết trong một tác phẩm thơ song thất lục bát dài 2000 câu có tên “Chư quấc thại hội” (Exposition Universelle de 1889, đăng trên Gia Định Báo nhiều kỳ năm 1890, sau in thành sách tại Sài Gòn năm 1891). Trong đó có phần mô tả gian hàng cùa người Việt, có đoạn (trích 36 câu trong Chư quấc thại hội, chúng tôi sẽ để cập tới ở phần dưới).

Cả hai bài viết của hai ông Nguyễn Đắc Xuân và Tôn Thất Thọ đều xác quyết “Trương Vĩnh Ký là người đi dự Hội chợ Paris năm 1889 cùng với phái đoàn của triều Nguyễn”. Ông Nguyễn Đắc Xuân thì chỉ ghi chú thích hình, còn ông Tôn Thất Thọ thì ghi chính xác cả năm sinh và mất của ông Trương Vĩnh Ký.

Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, cả hai ông Xuân và Thọ đều lầm! Một sự lầm lẫn rất cần được đính chánh, tránh sự lầm lẫn trong nghiên cứu về ông Trương Vĩnh Ký về sau. Xin nhắc nhở hai ông Xuân và Thọ, ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 có tới hai ông tên Ký họ Trương. Đó là ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và ông Trương Minh Ký (1855-1900), và cả hai đều là thầy giáo, nhà báo, viết văn, in sách…

Trong bài của ông Nguyễn Đắc Xuân, do tấm hình quá cũ nên nhân vật số 4 nầy không thể nhận ra là ai nên “đành chấp nhận” là ông Trương Vĩnh Ký như chú thích dù rất nghi ngờ! Gần đây, tôi may mắn có được tấm hình nguyên vẹn, rất rõ ràng và cả bản vẽ lại tấm hình nầy in trên báo ảnh Đông Dương năm 1889 và nhận thấy rằng nhân vật được chú thích số 4 chắc chắn không phải là Trương Vĩnh Ký.

Về ông Trương Vĩnh Ký, thì từ sau chuyến đi Pháp năm 1863, cho tới khi mất vào năm 1898 ông chưa hề trở lại Pháp lần nào nữa. Trong năm 1889 ông còn rất bận rộn với tờ Thông Loại Khóa Trình đang bước vào hồi phải đóng cửa nên không lòng dạ nào mà đi xa vài tháng. Tờ báo nầy vẫn ra đều đặn hàng tháng từ đầu năm 1889 đến tháng 10-1889 thì ra số cuối cùng cho thấy ông Trương Vĩnh Ký không thể đi xa được. Ngày xưa, làm báo không thể “làm việc từ xa” được nên người làm báo nhất là chủ nhiệm và chủ bút phải có mặt thường trực để giải quyết các vấn đề nội dung (biên tập và viết bài) và lo in ấn. Thứ nữa là khi ấy, ông không còn là người được chánh quyền Pháp trọng dụng nữa, nên việc cử ông đi Pháp là điều khó xảy ra.

Chuyến đi dự Hội chợ quốc tế Paris 1889 của phái đoàn triều đình Huế do hoàng thân Miên Triện dẫn đầu đi từ Sài Gòn ngày 27-5 và trở về ngày 12-9-1889 gồm có những nhân vật sau:

  1. Chánh sứ, Quỳnh quấc công Miên Triện
  2. Phó sứ, Hành lễ bộ thượng thơ Võ Văn Báo (có tài liệu ghi là Báu)
  3. Bồi sứ Cơ mật viện Tham tá, gia lễ Bộ hữu Thị lang hàm Nguyễn Trừng
  4. Thuộc như tây sứ bộ, tham biện sứ vụ, Cơ mật viện Ngoại lang Nguyễn Gia Thoại
  5. Tùy biện chủ sự Đoàn Văn Phương
  6. Hành nhơn ty chủ sự Nguyễn Hữu Mẫn
  7. Hàng lâm viện biên tu Hồng Minh
  8. Công tử Hồng Hậu
  9. Bác phẩm Võ Văn Ân, Võ Phụng Giai
  10. Tùy đinh suất đội  Nguyễn Khắc Huề
  11. Thông ngôn Nguyễn Tấn Lợi, Nguyễn Đình Hòe

Danh sách này chép đúng (cả chánh tả) theo tập Chư quấc thại hội của Trương Minh Ký, viết về chuyến đi dự Hội chợ quốc tế Paris 1889 trang đầu tiên của bản in năm 1896 tại Imprimerie commerciale Rey, Curiol et Cie, Sài Gòn in. Những thông tin của phái đoàn cũng được báo chí thời bấy giờ đưa tin rất rõ như tờ Saigon Courier chẳng hạn.

Năm Kỹ Sửu[1], Paris mở hội,

Đấu xảo chung đồ nội bầu trời[2].
Ông Landes tiến cử ta rồi,
Xin quan Tổng thống[3] y lời định sai.
Đưa sứ bộ ở ngoài kinh tới,
Ghé Saigon mà đợi kỳ tàu,

Họ đi từ Sài Gòn đến Marseille bằng chuyến tàu Calédonie do thuyền trưởng De Maubeuge điều hành.

Cùng đi có một số viên chức người Việt được Thống đốc Nam Kỳ “cho phép đi chơi” là các vị:

  1. Lê Văn Xủng, Mỹ Tho nhứt hạng tri huyện
  2. Trương Hỗ Long, Sốc Trăng nhì hạng tri phủ
  3. Lê Văn Lực, Vĩnh Long nhứt hạng thông phán
  4. Võ Văn Mẹo, Châu Đốc chánh thông ngôn
  5. Trần Bá Diệp, Long Xuyên chánh thông ngôn
  6. Thái Văn Bổn, Trà Vinh thơ ký
  7. Võ Văn Viết, Biên Hòa cựu ký lục
  8. Phan Dư Khánh, Cần Thơ phó cai tổng
  9. Nguyễn Văn Hùng, Chợ Lớn phó cai tổng
  10. Đặng Thanh Bình, Tân An hương sư.

Nhân vật đặc biệt cùng đi là Richaud, Toàn quyền Đông Dương. Khi tàu đi tới Malaca thuộc Malaysia, tối ngày 30-5-1889, ông Richaud bịnh nặng và từ trần. Sau đó, tàu lại bị bão dập trong suốt hải trình từ Mã Lai cho tới Ấn Độ Dương, từ ngày 1-6 cho tới 12-6.

Hình của phái đoàn triều Nguyễn đi Paris năm 1889. Nhân vật đứng ở bìa trái hình tay chống gậy là ông Trương Minh Ký.

Chuyến đi nầy, Toàn quyền Đông Dương cử một thông ngôn giỏi tiếng Pháp lẫn tiếng Việt là ông Trương Minh Ký, thầy giáo trường Thông Ngôn kiêm chủ bút tờ Gia Định Báo, làm thông ngôn cho phái đoàn. Lý do gì mà phải làm như thế thì tôi không biết, nhưng có thể là chánh quyền Đông Dương muốn chắc rằng những điều mà phái đoàn trao đổi với với các nhân vật trong chánh quyền Pháp ở chánh quốc, bao gồm cả Tổng thống Pháp, là họ phải  biết chắc và không có điều gì đáng lo!

Như vậy, trong số những người đi chánh thức không hề có ông Trương Vĩnh Ký mà chỉ có ông Trương Minh Ký.

Một trang báo có danh sách phái đoàn triều Nguyễn đi Paris (mục La Mission Annamite)

Ghi chép về chuyến đi này, Trương Minh Ký đã viết hẳn một cuốn sách văn vần mang tên Chư quấc thại hội dài 2000 câu. Đây là một bài báo dài hoặc một du ký bằng văn vần rất chi tiết về chuyến đi và miêu tả rất hấp dẫn. Về việc chụp hình cho cả đoàn Việt Nam chánh thức, ông viết trong Chư quấc thại hội, trang 12:

Đến mồng tám  cho làm hình ảnh,

Thợ Pirou chịu lãnh làm cho.

Người phận nhỏ, kẻ chức to,

Ngồi ra trước mặt, đứng vào phía sau.

Phần chú thích ở cuối trang 12 ông ghi rõ “Mồng tám tháng sáu, vendredi 5 juillet 1889, có lấy hình cả sứ bộ nước Đại Nam”. Nói là cả sứ bộ nhưng theo chú thích tấm hình trong bài ông Nguyễn Đắc Xuân thì thấy thiếu ông Nguyễn Khắc Huề!

Tấm hình này có lẽ được in nhiều bản và có thể con cháu các vị trong sứ đoàn còn lưu giữ như trường hợp bác sĩ Nguyễn Vinh. Song nó cũng được sao lại một bản in trên tờ báo thời bấy giờ là tờ L’Avenir du Tonkin. Do không có được nguyên tờ báo nên chúng tôi không rõ báo nói gì, nhưng tấm hình thì rất rõ. Trong đó, nhân vật số 4 là một chàng trai tuổi chừng ba mươi, tay phải chống một cây cây ba ton cho thấy chân trái người này có tật phải chống gậy! Tôi đã hỏi một người cũng có tật ở chân tương tự thì biết rằng, nếu chân bên trái yếu thì chống gậy bên phải! Như vậy hoàn toàn không phải là ông Trương Vĩnh Ký mà là ông Trương Minh Ký. Gần đây, tôi cũng đã tìm được bản rất rõ của tấm hình này có ghi cả người chụp hình, thì thấy rõ người “bị chú thích” là Trương Vĩnh Ký chính là ông Trương Minh Ký.

Tấm hình này rõ ràng người đứng ở bìa trái, tay chống gậy không phải là ông Trương Vĩnh Ký

Trong tiểu sử phổ biến lâu nay lẫn gia phả gia đình họ Trương ở Gò Vấp, chưa bao giờ nghe nói đến việc ông Trương Minh Ký tức Ngôn là người có tật ở chân. Song qua tấm hình này, chúng ta có biết thêm được hình thể thật sự của một nhân vật lịch sử liên quan khá lớn đến chữ quốc ngữ thuở ban đầu, liên quan đến nghề báo và nghề văn.

Tôi không rõ, ông Tôn Thất Thọ từ tư liệu nào mà “chắc chắn” ông Trương Vĩnh Ký từng đi dự Hội chợ Paris 1889 với phái đoàn triều Nguyễn? Và từ nguồn nào mà ông khẳng định Chư quấc thại hội dài 2000 câu thất ngôn bát cú là của ông Trương Vĩnh Ký.

Trong bài viết, ông trích 36 câu thơ thì có vài câu sai (có thể sai mo rát) như “thợ nào nghề ấy bày ra đó là” đúng ra là “làm”; “Đức ông thấy ta đam đến đó”, đúng ra là “đức ông dạy ta đam đến đó”…Và ông trích thiếu 4 câu. Từ câu Bề ngang mười tám, thân ngoài trồng hoa:

Có nhiều hạt không nhà riêng đó

Để đồ chung trong chỗ đền nầy

Có cơ lích tập canh đây

Là người thuộc hạt, khiến vầy vui chơi

Hạt ở đây là đơn vị hành chánh thời bấy giờ tương đương một tỉnh (trừ hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn).


[1] Năm 1889

[2] Hội chợ quốc tế

[3] Toàn quyền Đông Dương

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights