Một thời rạp Ciné Saigon

by Tim Bui
Một thời rạp Ciné Saigon

QUỐC ĐỊNH

Mới đây, cuối tháng Mười Một, 2024, trả lời chất vấn trước HĐND, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Sài Gòn đã “tỉnh rụi” cho biết, cơ sở vật chất ngành văn hóa, do Sở này quản lý có 12 rạp hát từ sau năm 1975, đến nay, chỉ có… 2 rạp hát là đủ điều kiện để… đỏ đèn! Nghĩa là sau 49 năm “gìn giữ và phát triển” có tới 10 rạp “sụm bà chè” hoặc đã biến thành cái gì đó! Mà tất cả các rạp cine đều nằm ở các mặt tiền đường và đều là những miếng đất vàng của thời kinh tế thị trường.

Một quá khứ vàng son

Nhớ mãi mùa Hè năm 1974, đó là lần đầu tiên một thằng nhóc tám tuổi là tôi được bố dẫn đi coi phim ở rạp Rex. Vụ được đi coi phim này, nó là quà thưởng cho mà bố dành tôi, khi tôi được bằng danh dự cuối năm lớp Nhì (lớp Tư bây giờ). Bộ phim cao bồi mà giờ tôi đã quên mất tên nhưng tôi nhớ mãi có nhân vật đeo mặt nạ, là người hùng có tên là Zoro.

Cái không khí trong rạp phim mà tôi in đậm trong tâm trí cho đến tận bây giờ là khán giả cả rạp gần như đứng lên hết thảy rồi tiếng vỗ tay, huýt sáo… lúc người hùng Zorro cưỡi ngựa xuất hiện mỗi khi có nạn nhân đang gặp nguy nan, thập tử nhất sinh cần có một phép màu, hoặc chàng ta hiện ra để cứu người đẹp khỏi những tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Từ đó, tôi đâm ghiền xem phim, hầu như tháng nào, tuần nào cũng mè nheo mấy người anh của tôi dẫn mình đi coi phim. Toàn phim cao bồi của Mỹ, rồi đến phim Hồng Kông của những Lý Tiểu Long, Địch Long, Khương Đại Vệ, Miêu Khả Tú… Tôi lê la hết rạp này đến rạp khác ở Sài Gòn là những: Rex, Eden, Casino, Vĩnh Lợi, Đại Nam, Lê Lợi, Tân Định, Minh Châu, Đại Đồng, Đại Lợi… 

Thời đó, trước năm 1975, Sài Gòn ê hề rạp cine, rạp hát (rạp cải lương, hát bội, kịch), với 60 rạp chỉ “phục vụ” cho trên dưới ba triệu dân. Sau năm 1975, số rạp cine, rạp hát này còn “y sì” và tiếp tục làm nhiệm vụ. Còn nhớ, đến cuối thập niên những năm 1980, tôi vẫn còn đi coi phim Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc ở rạp Bến Thành (Rex cũ), Vinh Quang (Casino cũ), Vĩnh Lợi (trên đường Lê Lợi, kế bệnh viện Sài Gòn), Thăng Long (góc ngã ba Cao Thắng – Trần Quý Cáp).

Rồi bẵng đi một thời gian khoảng năm, bảy năm, tôi “chán” coi những bộ phim Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) vì: tài tử không đẹp trai, xinh gái, phim có nội dung na ná nhau, ít phim màu phần nhiều là phim trắng đen, thuyết minh phim không lôi cuốn, dùng những “từ mới” mà tôi không hiểu… Và quan trọng nhất, từ những năm cuối thập niên 80, Sài Gòn đã có những tụ điểm “video đen” chuyên chiếu phim video lậu, phim võ thuật Hồng Kông rất hấp dẫn người mộ điệu sau hơn mười năm bị “bưng bít” xa cách với thế giới bên ngoài. Phải nói rằng, Sài Gòn từng là một trong những địa chỉ ở châu Á được coi những phim mới nhất của thế giới và cũng là nơi tiếp nhận những kỹ thuật tân tiến nhất của thế giới khi xuất hiện không lâu. Nhưng từ sau năm 1975, tất cả đều dừng lại và bắt đầu xếp hàng chiếu và coi phim “bằng với Hà Nội” những thập niên 1960!

Ở thập niên giữa và cuối những năm 1980, Sài Gòn nở bung ra hàng ngàn tiệm cho thuê băng video, cho thuê phần lớn là những loại phim bộ của Đài Loan, Hồng Kông. Mỗi phim dài hàng chục cuốn băng, có tình tiết sướt mướt phỏng hoặc dựa theo tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao, hay phim chưởng theo tiểu thuyết của Kim Dung, hoặc phim lịch sử Trung Hoa. Bộ phim video dài đầu tiên mà người Sài Gòn được thưởng thức là Võ Tắc Thiên.

Cả Sài Gòn, nhà nhà, người người đều mê đắm nằm nhà, thả hồn cuốn theo các loại phim bộ. Nhà nào không có máy thì mướn đầu máy video về để… tụng phim bộ. Còn rạp cine do hệ thống chiếu phim quốc doanh phụ trách không tài nào theo kịp thị hiếu, cái “gu” xem phim của dân Sài Gòn. Hoặc có hiểu được nhưng không đào đâu ra hoặc không dám công khai chiếu các phim đúng gu để “phục vụ” người coi. Hệ thống phát hành phim nhà nước chỉ nhập nhỏ giọt các phim của khối XHCN, chiếu cầm chừng có khi một phim nằm ở rạp cả tháng, nội dung cũ mèm, khán giả đến rạp lèo tèo vài ba người. Có khi nhiều người “dô” rạp chỉ để làm…  chuyện khác! Và điều đương nhiên là các rạp phim dần vắng khách, không có khán giả và mau xuống cấp một cách thảm hại. Cái chết của cả một hệ thống rạp chiếu phim, rạp hát như một định mệnh, đã được an bài?

Những cái chết đầy tiếc nuối, ngậm ngùi

Thật khó để liệt kê những cái chết của hệ thống rạp cine ở Sài Gòn. Đâu là cái chết đầu tiên? Đâu là là cái chết bi ai, đầy tiếc nuối? Đâu là cái chết hiển nhiên, rồi đâu là cái chết bị cưỡng bức?

Nhưng với tôi, cái chết của cụm rạp Rex là cái chết bi ai, tiếc nuối nhất. Bởi ngoài rạp Rex chính chuyên chiếu phim mới, màn ảnh đại vĩ tuyến, có ghế da, máy lạnh, thang cuốn… sang trọng, còn có rạp mini Rex, sau là rạp Rex A, Rex B. Tất cả đều nằm ở vị trí sang trọng, “trái tim” của Sài Gòn, nó “đập” ngay vào mắt, vào cảm nhận của nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.

Mặc cho nhiều rạp cine thoi thóp, đến tận những năm 2000, Rex vẫn còn là một rạp cine sang trọng nằm trong cụm khách sạn cùng tên, giữa Sài Gòn hoa lệ. Bỗng một ngày, dân chúng thấy ở đây quây kín lại, từ trên xuống dưới, mọi người cứ ngỡ là nơi này sẽ được sửa chữa, nâng cấp gì đó. Dòng đời, dòng người cứ thờ ơ qua lại nó, ngược xuôi rồi đùng một cái, khi hoàn thành, hệ thống rạp Rex đã biến mất. Nó trở thành một cụm khách sạn năm sao với mặt tiền hai phía là những shop hạng sang, chuyên trưng bày và bán những nhãn hiệu thời trang, đồng hồ cao cấp, đẳng cấp thế giới, như: Hesmès, Chanel, Gucci, Yves Saint Laurent, Louis Vuitton, Dior, Prada, Armani… Phía bên kia đường, một tòa nhà cũng có số phận không hề kém. 

Tòa chung cư Eden với bốn mặt tiền: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn và Tự Do, với rạp Eden sang trọng, xưa nhất nhì Sài Gòn có những cái tên đầy ắp những kỷ niệm với bao thế hệ, như: rạp Eden, tiệm bánh Givral, nhà sách Xuân Thu, cà phê La Pagode… cũng được quây lại và vài năm sau, biến thành tòa nhà Vincom, như một tủ kính thời thượng sáng choang.

Ông Nguyễn Thanh Cần, thầy giáo về hưu đã hơn 75 tuổi, một cư dân “lọt lòng” từ Sài Gòn, ngậm ngùi: “Hiếm có rạp xinê nào ở Sài Gòn có đến hai tầng lầu như Eden. Vào thời Pháp, hai tầng lầu đều được phân lô nên dấu tích còn lại là những đoạn ban-công nho nhỏ có lan can bằng gang, thiết kế rất hoa mỹ. Khoảng thập niên 60, ca sĩ nổi tiếng thế giới là Dalida đã đến Sài Gòn và biểu diễn ở rạp này.”

Thời sinh viên, vào những năm 1980, mỗi lần vào nhà sách Xuân Thu, tôi đều không cưỡng lại ý định sẽ rẽ qua hành lang dẫn vào rạp Eden. Cái hành lang có những cửa hàng lưu niệm, quầy bán báo và cả tiệm cà phê xinh xắn tạo nên một không gian cổ điển rất “Tây.” Tiếc thay, khoảng những năm 90 – 92, cả cụm Eden đã “bốc hơi,” nhường chỗ cho tòa nhà mới toanh và lạnh tanh. Ước chi chủ đầu tư có thể phục hồi quán Givral, cà phê La Pagode và cả rạp Eden nữa để bao người yêu quý chúng không phải… đắng lòng!”

Những cái chết mang tên… xã hội hóa

Rồi không biết từ khi nào, những cơ ngơi mặt tiền, tọa lạc trên những con đường “dát vàng” của những rạp hát, rạp cine rộng vài trăm mét vuông đó, lại trở thành những “con gà đẻ trứng vàng.” Từ thời kỳ “đổi mới” những năm cuối thập niên 80, đến giai đoạn “bỏ cấm vận” rồi… “mở cửa” vào thập niên 90, Hàng loạt rạp cine ở Sài Gòn, từ sang trọng, bề thế ở khu trung tâm đến những rạp tầm tầm ở những “xóm nhà lá,” ở quận 5, 6, 8, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp… âm thầm bị “hóa kiếp” chỉ trong một đêm. Nơi thì thành nhà hàng có karaoke, nơi thì thành vũ trường, phòng trà, có nơi thành khách sạn, cao ốc, rồi trung tâm thương mại, nhiều nhất thì hóa thành nhà sách… Cho đến nay, thì số rạp cine, rạp hát còn tồn tại, còn hoạt động như thuở ban đầu ở Sài Gòn chỉ loe hoe đếm chưa hết một bàn tay.

Được “nâng cấp” từ năm 2015, Nhà hát Trần Hữu Trang ngay khi được xây lại, (nguyên là rạp Hưng Đạo cũ) đã bị người làm nghề… la làng vì không đủ chuẩn cho một rạp hát, không đáp ứng yêu cầu biểu diễn. Thanh tra vào cuộc và có kết luận nhiều sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế… Chẳng hạn, sàn diễn của nhà hát bị thu hẹp nên rất khó tổ chức những vở diễn mang tính chất “hoành tráng.” Trong khi khán phòng cũ của rạp Hưng Đạo có sức chứa khoảng 1.000 ghế, khán phòng mới chỉ còn trên 500 ghế. Ghế ngồi nhỏ, không thoải mái, khoảng cách giữa hai hàng ghế hẹp khiến khán giả coi cải lương chừng ba tiếng là than đau lưng, mệt mỏi. Với một nhà hát không đủ chuẩn như thế nhưng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vẫn là lựa chọn hàng đầu để các đơn vị cải lương xã hội hóa thuê biểu diễn. Còn các đơn vị thường diễn các tuồng tích xưa phải đi xa hơn, ra rạp Hồng Liên (quận 6). 

Coi phim rạp ở Sài Gòn có một điều đặc biệt rất thú vị, là người xem đều có thể xem theo “gu” của mình với giá vé bèo đến bất ngờ. Sang trọng, đắt tiền thì có những Rex, Casino, Eden, Victory Lê Ngọc… với những phim mới nhất, được chiếu đầu tiên. Qua một vài tuần sau, giá vé “bèo” hơn, phim sẽ được chiếu ở những Vĩnh Lợi, Đại Nam, Lê Lợi, Capitol, Đại Quang… rồi tiếp đến là những rạp hạng Ba, hạng Tư… ở các quận xa trung tâm, chuyên chiếu phim cũ, hoặc phim Ấn Độ.

Trên đường Lê Lợi, rạp Casino Saigon (góc Lê Lợi – Pasteur) có con hẻm kế bên nổi tiếng từ thập niên 1960 với tiệm phở, bánh cuốn và các món ăn vặt, nay đã biến thành một tòa nhà thương mại lộng lẫy, bề thế. Rạp này hút khán giả nhiều nhất là các cặp uyên ương vào mỗi cuối tuần. Bởi nó nằm ở vị trí rất đắc địa, bên kia đường đối diện là tiệm kem Mai Hương (nay là Bạch Đằng), sát cạnh là tiệm nước mía Viễn Đông. Cả hai tiệm đều món hấp dẫn với những cô nàng… hảo ngọt. Rạp Vĩnh Lợi (kế bệnh viện Sài Gòn) thì thành một khách sạn, tòa nhà căn hộ cao cấp. Băng qua đường Lê Thánh Tôn, rạp Lê Lợi đã không còn từ kiếp nào. Từ nhiều năm nay, nó là địa chỉ của Phòng trà Không tên. Qua bên đường Trần Hưng Đạo, gần khu “ngã tư quốc tế” rạp Đại Nam lừng lẫy một thời đã biến thành nhà tù khét tiếng rồi nay là một khách sạn bốn sao.

Thậm chí, có một rạp phim được xây mới hoàn toàn (trên nền một rạp hát cũ) vào năm 1973, đó là rạp Văn Hoa, tọa lạc trên đường  Trần Quang Khải nên thường gọi là Văn Hoa Đakao. Đây là rạp mới nhất của Sài Gòn nên màn ảnh, âm thanh tuyệt hảo lại rất khang trang lịch sự, chiếu toàn phim mới. Sở dĩ nó có cái “đuôi” Đakao bởi nó nằm ở khu Đa Kao, Tân Định và để phân biệt với rạp Văn Hoa Sài Gòn (góc ngã ba Cao Thắng – Võ Văn Tần, lần lượt có tên là Việt Long, Capitol rồi Thăng Long). Rạp này là “đàn anh” có trước nó, sang trọng và bề thế hơn. Nay cả hai rạp Văn Hoa này đã không còn. Văn Hoa Sài Gòn nay đã thành tòa nhà phức hợp, căn hộ, nhà hàng, trung tâm thương mại. Văn Hoa Đakao thì thành cao ốc đa năng, bên trong có phòng chiếu phim thuộc hệ thống CGV.

Ở khu Đa Kao, Tân Định cũng có rạp “cùng hệ” Casino, gọi là Casino Đakao để khác với Casino Saigon. Casino Đa Kao nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần Cầu Bông, chỉ có quạt máy, thu hút khách bình dân. Sau 1975, rạp đổi tên thành rạp Cầu Bông, không được đầu tư thêm, lúc nào trông cũng xập xệ. Ngày nay, rạp này đã “bốc hơi” để thành một khu nhà chung cư bình dân. Riêng Casino Saigon thì “hoành tráng” hơn, thành một cao ốc thương mại, căn hộ lộng lẫy ngay giữa trung tâm. Cũng ở khu này, ngay trên đường Hai Bà Trưng là rạp Kinh Thành. Rạp này rất xưa, hút khán giả dạng bình dân nên dưới mức trung bình, nay nơi đây đã là nhà sách Tân Định rất khang trang, bề thế. 

Ngoài ra, còn có hàng loạt rạp khác như: Khải Hoàn, Hồng Bàng, Nam Việt, Long Thuận, Long Phụng, Kinh Đô, Thanh Bình, Quốc Thanh, Nam Quang, Đại Đồng, Minh Châu, Đại Quang, Đại Lợi, Phi Long, Hồng Liên, Văn Cầm, Cẩm Vân… những rạp hát này đều chuyển đổi công năng thành nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trung tâm thương mại, chung cư và nhà ở. Điển hình như khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp cine Lux được đổi tên là rạp Lao Động tại số 651 Trần Hưng Đạo, quận 5. Rạp này đã được đề xuất đầu tư thành khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng và chiếu phim theo hình thức hợp đồng BOT. Tuy nhiên, đến nay nơi này đã bị hoang hóa, xuống cấp, bên ngoài dán thông báo công trình có nguy cơ mất an toàn.

Rạp cine ngày xưa giờ chỉ còn trong ký ức

Sau cơn lốc xã hội hóa rồi bao đợt sóng thần mang trên cơn sốt nhà đất ở Sài Gòn, nơi “tấc đất, tấc vàng” những mặt bằng rạp cine, rạp hát đã bị cuốn phăng thành bọt nước. Để rồi, hạ tầng cho món ăn tinh thần của người dân đô thị, người dân Sài Gòn đã thành một tiếc nuối đầy hoài niệm. Bây giờ ngành văn hóa vẫn loay hoay dùng tiền tỷ mong hầu níu kéo, vun đắp lại những gì vốn dĩ đã có từ lâu. Nhưng xem ra thật quá khó, hầu như là vô vọng. Hãy xem cái cách mà Sài Gòn xây dựng một nhà hát giao hưởng, mang một bộ mặt văn hóa cho xứng tầm mà người trong cuộc cũng cảm thấy… oải. 

Dự án Nhà hát Giao hưởng – nhạc, vũ kịch TPHCM (HBSO) được lập hồ sơ từ năm 1993 và dự kiến triển khai công trình tại số 23 Lê Duẩn, tuy nhiên địa điểm này trước đó là rạp Thống Nhất dùng để xổ số do ngành tài chính quản và không chịu giao! Đến cuối năm 2012, nhà cầm quyền Sài Gòn chấp thuận việc xây nhà hát trong công viên 23/9 vốn là đất của ga xe lửa cũ. Tư vấn, thiết kế nhà hát do các Công ty Bussmann Haberer, Muller, Inros Lackner (Đức). Nhà hát tại công viên 23/9 được giới hạn bởi các con đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, mặt tiền nhìn ra chợ Bến Thành, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2015. Dự án này một lần nữa không được triển khai vì vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học. Tháng 11/2024, là dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch [HBSO] ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có quy mô 1.700 chỗ ngồi, bên hông cầu Ba Son, rộng 10.030m2 và công viên cây xanh xung quanh rộng hơn 10.000m2. Dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Theo thiết kế, đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến nay, dự án vẫn… án binh bất động! Trong khi đó, theo Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, thì gần 20 năm qua, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ của HBSO đã phải tập các bản giao hưởng, hợp xướng tại rạp Thanh Vân sau khi rạp được sửa sang lại. Mỗi lần có đoàn nước ngoài đến diễn hay dựng những vở lớn cần tập trung giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch thì hàng trăm nghệ sĩ lại chen chúc tập tành ở nơi chật chội này. Có lẽ không nơi nào các nhạc cụ cồng kềnh, đắt tiền, cần chỗ bảo quản đúng chuẩn nhưng lại cứ… khệ nệ vác đi, vác về chở trên xe tải sau mỗi đêm diễn như ở HBSO. Rạp Thanh Vân ở Hòa Hưng, đồng thời cũng là “kho” cất bộ nhạc cụ trị giá gần 50 tỷ đồng của HBSO.

Cuối năm rồi Xuân về Tết đến, thấy cái cảnh mà hàng chục đoàn, nhà hát kịch, cải lương của Sài Gòn ngược xuôi, bươn chải khắp nơi kiếm rạp, kiếm chỗ, kiếm tụ điểm để diễn các vở mới vào dịp Tết mới tiếc, cho hàng loạt cái chết của hệ thống rạp cine, rạp hát đã một đi không bao giờ trở lại. Vì, theo một cựu lãnh đạo ngành Phát hành phim và Chiếu phim thì: “Ở Sài Gòn bây giờ, có tiền cũng không đào đâu ra được một mặt bằng cả ngàn mét vuông “đất kim cương” để xây rạp cine.

Khách sạn Rex, nơi từng là cụm rạp cine, kỷ niệm của bao thanh niên Sài Gòn

Nhìn cao ốc này còn ai nhớ tới rạp cine Vĩnh Lợi?

Hình ảnh mới của rạp cine Lê Lợi, một rạp hát xưa nhất Sài Gòn còn lại. Tại rạp này với cái tên cũ là Modern, cuối năm 1922, tiền nhân ta đã ra mắt tuồng cải lương có bài vọng cổ đầu tiên Kim Vân Kiều

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights