Mùa Xuân đầu tiên ở miền Nam 

by Tim Bui
Mùa Xuân đầu tiên ở miền Nam

NGUYỄN THỊ MẮT NÂU

Bảy mươi năm nắng Saigon vẫn thế
Vẫn sắc vàng, trong vắt y nguyên
Nắng ơi dừng lại trước thềm
Cho tôi nhặt lấy, vãi mềm trong tay…

                         (Di cư 1954 – 2024. Mắt Nâu)

Di cư vào Nam năm 1954. Đặt chân đến một miền đất mới, cảm giác và cảm xúc mênh mang có lẽ cũng giống như lúc Trời đất giao mùa, còn gọi là giao thừa,  khoảnh khắc thiêng liêng kết thúc năm cũ, bước sang ngày đầu tiên của năm âm lịch mới, người Việt gọi ngày đầu tiên âm lịch ấy, là Nguyên Đán.

Hai chữ “Nguyên Đán” gợi cảm, mang mang cảm giác mới mẻ trinh nguyên dịu dàng kỳ thú, mà người xưa còn danh xưng Hán Việt là  Lễ Nguyên Tiêu.

Cái gì đầu tiên cũng nhẹ nhàng, khởi sắc, thanh thoát, hồn nhiên, hồn hậu đến khó quên, tựa như hai câu thơ thất ngôn diễm tình, diễn tả  tình yêu trai gái đầu đời: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”  Hoặc trái ngược với cái nhẹ nhàng nâng niu gợi cảm, là nốt nhạc quay cuồng nhớ mãi khôn nguôi: “Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng…”

 Đó là cảm giác có thật, hay chỉ là do các nghệ sĩ thăng hoa… Không cần biết! Chỉ biết nó lột tả được hết nỗi xúc cảm lưu luyến luyến lưu tiềm ẩn trong châu thân của thể xác con người. Thân xác con người vốn là vật thể thiêng liêng quý giá tột cùng trong vũ trụ đất trời.
      
Tình yêu đầu tiên thiêng liêng và mùa Xuân đầu tiên nơi đất mới, cũng thiêng liêng kèm theo ngỡ ngàng trong hoang mang nắng ấm, cũng  hương vị lao xao, gọi nó là ngọt ngào hay gọi là bỡ ngỡ đều đúng cả.

Cái duyên của một người đã cao niên, nhưng vẫn là hậu bối so với cuộc di cư 1954, cuộc di tản vô tiền khoáng hậu cách đây 70 năm, đã diễn ra vào năm 1954,  tại dòng sông Bến Hải thuộc vĩ tuyến 17, nơi đã chia đôi hai miền đất nước sau hiệp định Geneve được ký giữa  Việt Nam và Pháp .
     
Dòng sông ấy là dòng sông ly biệt, để người dân miền Bắc phải gạt nước mắt ra đi, bỏ lại quê cha đất tổ, ruộng  vườn và cả tình thân huyết thống… 
   
Tất nhiên đó là hiện tượng nói lên cái chọn lựa trong trăn trở, nhưng quyết liệt của cuộc di cư có tổ chức, duy nhất chỉ xảy ra ở đất nước Việt Nam khốn khổ… mà tính từ 1954 đến nay 2024 đã 70 năm “ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”  như lời trong bản “Tình Ca” bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy.

Câu chuyện kể, từ một nhạc sĩ cổ thụ cùng thời với nhạc sĩ Phạm Duy, trong một trưa mùa Thu California êm ả, làm người nghe xao xuyến muộn màng.

Không gian như ngừng lại… Bóng nắng xuyên qua kẽ lá loang lổ trong sân. Người kể chuyện đã già, người nghe cũng không còn trẻ nữa.

Dù không hẳn là đồng điệu, nhưng cùng trầm ngâm thụ hưởng cái mênh mang im vắng của một dĩ vãng đã xa rồi… và cảm giác chơ vơ, khi hình dung bước chân người lữ khách bỏ miền Bắc vào miền Nam, với hai bàn tay trắng, để lại  sau lưng một mối u tình lãng mạn chớm nở nơi trái tim một lãng tử đa tình, hào hoa phong độ đương thời.

Trên cầu tàu chênh vênh, hệ thống kiểm duyệt của nhân viên kiểm soát giấy tờ hành chính, theo thủ tục bắt buộc trước khi rời khỏi để được bước lên con tàu vĩ đại đưa những người không chấp nhận chế độ ở miền Bắc vào Nam.

Người khách ly hương ngập ngừng trong dáng vẻ ưu tư lo lắng. Một nữ cán bộ tươi cười hiện ra, đón lấy giấy thông hành cá nhân và nhanh nhẹn hoàn tất thủ tục, kèm theo ánh mắt dịu dàng với nụ cười tươi tắn…

Không một lời chia tay, không một cử chỉ từ giã nhưng ghi dấu ngàn đời.

Và nụ cười tươi khó quên kỳ lạ ấy, đã ám ảnh và theo chân người khách ly hương suốt thời gian vào đến miền Nam nắng ấm, và cả khi những bước chân lại bôn ba đi tìm cơ hội dung thân nơi đất mới. Chốn dung thân sẽ là vĩnh viễn đến hết đời.
       
Ô hay, người nữ cán bộ không phải người yêu, chẳng phải người tình, chỉ là người hâm mộ tài năng qua những sáng tác trữ tình của một thời vương giả, sao lại vấn vương khó quên dường ấy… tim đập rộn ràng mà như ngừng thở, lòng bâng khuâng tự hỏi không biết cái Tết đầu tiên nơi xứ lạ thế nào?  Người ta đón Tết ra sao? – Thực phẩm, phong tục tập quán có giống hay khác biệt gì với người ngoài Bắc – Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng với hoa đào trong gió mơn man lành lạnh của Hà Nội có hay không? Hương cốm thơm thơm ngây ngây giờ cũng phiêu linh mơ hồ xa vắng. 

Đặt chân trên bến cảng Saigon, xô bồ chộn rộn…. Cái Tết đầu tiên ở miền Nam năm ấy, không có hương cốm thơm thơm Hà Nội, không có hoa đào nở hồng trong không gian se lạnh trữ tình Hà Nội… Chỉ có nắng ấm Sài Gòn rộn rã trong màu chói chang của những cánh mai vàng. Rất khác biệt.

Để Xuân năm ấy lặng người đi trong cảm giác u hoài.

Thế mà ai ngờ được…  Sáng ngày mùng Hai của mùa Xuân đầu tiên trên đất khách, tức cái Tết đầu tiên sau cuộc di cư trên “Chuyến tàu há mồm” đi từ Hải Phòng  đến bến cảng Sài Gòn… ngơ ngác phiêu linh  huyền diệu như một giấc mơ.

Nụ cười  thật tươi trong ký ức, tưởng chẳng bao giờ thấy lại để nói lời tri ân.

Bỗng hiện ra trước mắt như món quà tuyệt vời quý giá bất ngờ không gì hơn như thế. 

Thật hay là mơ? Mặc kệ. Sung sướng thánh thót nhảy nhót trong trái tim suốt    mùa Xuân đầu tiên sau cuộc hành trình, lênh đênh sóng nước hải hành,vô tiền khoáng hậu của cuộc di cư 1954.

Ôi mùa Xuân đầu tiên của  ngày xa lắc xa lơ ấy, bảy mươi năm qua rồi, vẫn mang mang trong tâm tưởng cơn sóng lao xao nồng nàn, để nhớ mãi một dư âm chẳng lụi tàn.

Bảy mươi năm nắng Sài Gòn vẫn thế
Vẫn sắc vàng trong vắt y nguyên
Nắng ơi dừng lại bên thềm
Cho tôi nhặt lấy, vãi mềm trong tay…    

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights