THANH PHONG
Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi tị nạn vì không thể chung sống dưới chế độ Cộng sản. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên đường vượt biển, vượt biên, số còn lại đến được nhiều nơi trên thế giới, đa số được định cư tại khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ và đông nhất tại Bắc, Nam California và Houston Texas.
Hầu hết người tị nạn ra đi với hai bàn tay trắng; khi đặt chân đến Hoa Kỳ họ được chính phủ và người dân Hoa Kỳ đón tiếp, nhiều gia đình Mỹ nhận bảo trợ gia đình người Việt, họ lo chỗ ở, ăn uống , thuốc men trong giai đoạn đầu, các gia đình khác được chính phủ trợ cấp tiền mua thực phẩm, nhiều gia đình được trợ cấp gia cư (housing) chỉ phải trả rất ít tiền thuê nhà. Con cái được đến trường công lập, học hành và đỗ đạt.
Nhiều gia đình khi còn ở Việt Nam chỉ làm ruộng, rẫy và ở những vùng thôn quê hẻo lánh, không có điều kiện cho con học đến nơi đến chốn vậy mà qua tị nạn tại Hoa Kỳ một thời gian, nay con cái đã trở thành những nha, y, dược sĩ, kỹ sư. Nhiều em theo cha mẹ đến Mỹ còn rất nhỏ nay có người đã trở thành tướng, tá chỉ huy trong Quân lực Hoa Kỳ; có người trở thành những dân cử nổi tiếng như giáo sư Đinh Đồng Phụng Việt từng giữ chức Phụ Tá Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Mỹ, như nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh chế tạo ra bom công phá chưa từng có; như giáo sư TS Nguyễn Lâm Kim Oanh rạng danh trong ngành giáo dục Hoa Kỳ, như bác sĩ Daniel Trương Dũng, một bác sĩ Việt Nam tại Nam California được Hội Nghị các bác sĩ Tâm Thần bầu làm chủ tịch Hội Các Bác Sĩ chuyên về bệnh Parkinson.
Ngày 19 tháng Năm vừa qua bác sĩ Trương Dũng được Hiệp Hội Parkinson Quốc Tế (IAPRD) trao Giải “Thành Tựu Trọn Đời” tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Hiện nay càng ngày càng có nhiều người Việt tỵ nạn tham gia vào dòng chính Hoa Kỳ, giữ các chức vụ Nghị Sĩ, Dân Biểu, Thị Trưởng. Nhiều người Việt tỵ nạn ở các quốc gia khác khi có dịp đến Hoa Kỳ đều công nhận “không đâu bằng Hoa Kỳ”.
Trên thế giới có lẽ không có nơi nào người dân ở các nước khác được quyền đổi tên đường của nước sở tại thành tên đường bằng ngôn ngữ của mình, không có nước nào cho phép người dân nước khác được xây dựng trên đất nước họ hình tượng những danh nhân của nước mình như người Việt đã và đang làm trên đất nước Hoa Kỳ, đặc biệt tại khu Little Saigon, Nam California và còn nhiều ưu đãi khác dành cho người Việt tỵ nạn.Tất cả những việc vừa nêu chứng tỏ chính phủ và người dân Hoa Kỳ rất hào phóng, chỉ một số nhỏ còn mang tính phân biệt chủng tộc nhưng đa số dân Mỹ đều có lòng nhân hậu, đối xử tử tế với người tị nạn mặc dù một số rất ít người Việt có những biểu hiện xấu như trộm cắp, bạo động, giết người v.v..
Hầu hết người Việt tỵ nạn đều hiểu rõ những điều vừa trình bày, và đa số đều nói “Chúng ta phải biết ơn chính phủ và người dân Hoa Kỳ đã cưu mang chúng ta”.
Thế nhưng! Thật đang buồn, có một việc nhỏ, đơn giản mà từ ngày được định cư tại miền Nam California này đến nay, trải qua nhiều đời chủ tịch cộng đồng, nhiều ông thị trưởng, nhiều ông bà dân cử vẫn chưa làm; đó là việc treo cờ mừng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ. Trong khi những ngày kỷ niệm của Việt Nam như ngày Tết Nguyên Đán, ngày Quân lực VNCH thì treo cờ cả tuần lễ. Thậm chí ngày Quốc Hận 30 tháng Tư cũng treo cờ Mỹ, Việt bay phất phới trên nhiều con đường tại Little Saigon. Việc treo cờ Mỹ, Việt bay phất phới trong tuần lễ Tưởng Niệm Quốc Hận là việc làm hết sức vô lý; đáng lý ra không nên làm, vì ngày Quốc Hận là ngày đau buồn cho cả nước, mà đã đau buồn thì tại sao không treo cờ rũ mà lại treo cờ bay phất phới? Có thể nghi là treo cờ để mừng ngày Quốc hận? Ý kiến phản bác việc treo cờ bay phất phới trong ngày Quốc Hận là của đa số đồng hương nên người viết đã nhiều lần nêu vấn đề này trong các buổi họp Cộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi ngày Quốc Khánh Mỹ, ngày vui mừng, ngày bày tỏ lòng biết ơn chính phủ và người dân Hoa Kỳ thì không thấy chúng ta treo quốc cờ Mỹ trên các đường phố?Trước năm 1975 chính phủ VNCH đã có quy định rõ ràng việc treo cờ: Lá cờ là biểu hiện cho quốc gia, là tượng trưng cho linh hồn dân tộc. Ngoài quy định về kích cỡ, về cách khi nào treo cờ theo chiều dọc, khi nào treo cờ theo chiều ngang còn có hai trường hợp: 1/Treo cờ bay phất phới để mừng kỷ niệm những ngày quan trọng của quốc gia, để đón tiếp nguyên thủ các quốc gia khác đến thăm chính thức Việt Nam. 2/ Treo cờ Rũ để tưởng niệm một nhân vật lịch sử của quốc gia vừa qua đời hay trong các buổi lễ Tưởng niệm các chiến sĩ trận vong hàng năm.
Hy vọng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ năm nay, ông Thị Trưởng Nguyễn Mạnh Chí đã làm được một việc không ai làm được là xây dựng trụ cờ và treo lá quốc kỳ VNCH trước thương xá Phước Lộc Thọ thì sẽ làm được việc thứ hai chưa ai làm được là treo quốc kỳ Hoa Kỳ và VNCH trên khắp các đường phố Little Saigon để chứng tỏ người Việt Nam không phải là những người vô ơn bội nghĩa với dân tộc Hoa Kỳ đã giang rộng vòng tay đón tiếp và cưu mang chúng ta.
Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn TYTNT