Năm mới nói chuyện năm cũ!

by Tim Bui
Năm mới nói chuyện năm cũ!

DAVID LE

Khi các bạn cầm tờ báo này trên tay thì năm cũ đã đi qua mà không có sức mạnh nào đủ sức níu kéo!

Sau đại dịch Covid 19, cả thế giới đều hy vọng tình hình sẽ đi lên, khá hơn cả những năm trước Covid và cuộc sống yên lành sẽ đến với con người “vốn yếu đuối” trên trái đất này. Thế nhưng, hầu như chưa bao giờ hy vọng và hiện thực luôn đi đôi với nhau, trái với mọi hy vọng, năm 2024 là một năm có rất nhiều biến động từ thiên nhiên cho tới rất nhiều quốc gia, từ xã hội cho tới khoa học…

Nói đâu xa, ngay trong tháng cuối cùng của năm 2024 đã có rất nhiều chuyện đáng để nói, để bàn. Đó là tình hình rối loạn ở Syria đã thay đổi. Đó là cái chết “tự chọn” của nữ văn sĩ Quỳnh Dao, người một thời lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người đọc “truyện diễm tình” trên khắp thế giới. Đó là những biến động trong chính trường Hàn quốc, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng ông Tổng thống “bị luận tội” và buộc phải ngưng chức. Đó là việc sư Minh Tuệ “phải” làm hành giả ở ngoại quốc thay vì quê hương của ông. Đó là những “náo động” về tổ chức cầm quyền ở Việt Nam. Đó là những tuyên bố rất “giựt gân” của Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Hoa Kỳ….

Cha chả là nhiều!

David chỉ xin “bàn gọn” chuyện ở trong nước, còn chuyện “huế tất” thì xin nhường lại cho “chiên gia” Chu Tất Tiến.

Trong tháng cuối năm, có thể nói ở Việt Nam diễn ra hai sự kiện rất đáng chú ý. Đó là “quyết tâm tinh gọn bộ máy” cầm quyền của Tổng bí thư Tô Lâm và sự ra đi khỏi đất nước của sư Minh Tuệ.

Ai cũng biết, bộ máy cầm quyền ở Việt Nam từ 49 năm qua “cực kỳ minh mông” và “cực kỳ chậm chạp.” Nó giống như một máy vi tính đời đầu rất phức tạp với dân chúng và vô cùng chậm chạp mỗi khi download! Một bộ máy gồm có “hai quản trị viên” có quyền lực gần như nhau, mà một bên “phải làm việc” trực tiếp với dân chúng, còn một bên thì có nhiệm vụ “theo dõi và chỉ đạo!” Tổ chức bộ máy từ trên xuống dưới đều có “chi nhánh” và mỗi chi nhánh đều bị cả bên trên lẫn bề ngang “chỉ đạo!” Ví dụ ngành giao thông ở một quận, luôn bị chi phối từ các quyết định của Bộ giao thông-vận tải, đồng thời phải thực hiện các quy định của Sở Giao thông của tỉnh thành, mà lắm khi những “chỉ đạo” của bề trên và bề ngang trái cẳng ngỗng với nhau! Chưa kể, có khi một vấn đề lại do hai ba Bộ có quyền quyết định! 

Với báo chí tình trạng “bị lãnh đạo” còn nặng nề hơn, một tờ báo có trụ sở và hoạt động ở Sài Gòn luôn nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin & truyền thông, Sở thông tin truyền thông, Ban tuyên giáo và cơ quan chủ quản. Việt Nam không có báo tư nhân. Nhà cầm quyền chỉ cấp giấy phép xuất bản báo cho các cơ quan!

Không chỉ trong hành chính mà ngay trong các Hội, Đoàn cũng một cách “mần việc” như vậy và mọi người đều quá rõ hiệu quả nó như thế nào! Bởi vậy trong dân gian mới có câu tóm lược tình hình bộ máy cầm quyền ở Việt Nam là “một thằng lính, chín thằng cai, mười hai thủ trưởng!” Với bộ máy như vậy thì sự chậm chạp là tất yếu. Không chỉ chậm chạp mà bộ máy này còn “nuốt” không biết bao nhiêu ngân sách, mà ngân sách là tiền thuế của dân, bởi đã có “tổ chức” thì phải chi tiền, mà chi nhiều chớ không ít!

Sở dĩ có như vậy là bởi nhà cầm quyền coi tất cả các cơ quan, các hội đoàn, các tờ báo đều là “cánh tay nối dài của đảng!” Và cũng vì vậy mà các cơ quan từ trên xuống dưới đều là nơi “ẩn thân” của các “thái tử đảng.” Những người này, phần lớn không nghề nghiệp rõ ràng ở chính nơi họ phải làm việc, bằng cấp họ có đôi khi được mua ở đâu đó, họ rong chơi không cần phải làm gì và lãnh lương hàng tháng để chờ cơ hội “thăng tiến” lên các cấp cao hơn!

Nay tình hình sắp thay đổi! Nay nhiều quan chức đang nháo nhào “chạy” để có chỗ ngồi trong bộ máy mới! Bởi sau khi sáp nhập, “tinh gọn bộ máy” sẽ dư ra rất nhiều “quan chức,” mà trong số đó đám thái tử đảng không ít!

Nói đâu xa, ngay trong làng báo chí cũng đang ráo riết chạy! Dư luận đương thời cho biết, sau khi tinh gọn bộ máy sẽ dư ra khoảng 2.000 nhà báo thuộc đủ thể loại báo giấy, báo mạng, đài phát thanh, đài truyền hình… từ trên xuống dưới. Dĩ nhiên trong số đó không ít các “thủ trưởng” một thời hét ra lửa, không biết số phận sẽ ra sao sau khi sáp nhập! Nếu tính sự đào tạo mỗi năm cho ra đời chừng 100 nhà báo, thì con số 2.000 nhà báo phải đào tạo trong vòng 20 năm! Song cái lo của họ chính là “sẽ đi về đâu” và “làm gì” khi mất cái ổ ấm áp kia!

Có nhà báo già, đã hưu trí khuyên các em rằng “Đừng lo! Nếu các em giỏi nghề thì không sợ thất nghiệp! Còn mấy em tay nghề lơ mơ thì tham gia vào nhiều hoạt động kiếm ăn trong xã hội. Trong đó các nghề xe ôm, bán vé số… luôn chào đón nhân sự mới và không bao giờ bị “tinh gọn!” Đã vậy lại không có về hưu, không bị kiểm điểm phê bình. Sướng quá mà!” 

Thiệt là đau… quá điiii!!!

Chuyện tinh gọn bộ máy hiện chỉ mới bắt đầu và còn rất nhiều tập phía sau. Chờ xem hồi sau sẽ rõ.

Còn sư Minh Tuệ ngày 12/12 đã được phép lên đường đi bộ sang xứ Phật. Cùng đi với ông là năm vị sư trẻ, ông Đoàn Văn Báu, một thượng tá công an đã nghỉ hưu và là người tài trợ chính cho đoàn, và facebooker Lê Khả Giáp, một người có nguyện vọng đi bộ khắp thế giới và có nhiều kinh nghiệm đi bộ ở các nước ngoài.

Sau sáu năm đi bộ lòng vòng trong nước, từ miền Trung ra miền Bắc rồi trở vào, sư Minh Tuệ được các Facebooker phát hiện và công bố trên mạng internet. Ngay sau khi ông xuất hiện trên mạng, đã trở thành một hiện tượng chưa từng có ở trong nước, và có lẽ ở cả ngoại quốc. Ông tu theo lối hành giả, chỉ khất thực và ăn mỗi ngày một bữa, chỉ đi bộ, ngủ ngồi ở hốc đá, nghĩa địa, nhà hoang, mặc áo vá chằng chịch và vải lượm từ các đống rác ghép lại. Ông không có giấy tờ tùy thân, không xài tiền, trong tay chỉ có một ruột nồi cơm điện [cái ruột nồi ban đầu ông đã cho một người và những cái nồi sau này thường bị các Phật tử đổi bằng cái nồi mới, và nồi cũ coi như một tín vật của Phật]. Ông không tuyên bố, không rao giảng, không kêu gọi, không thuyết pháp… Chỉ trong vòng vài tháng, tên tuổi ông vang lừng khắp năm châu và được tôn vinh là “Phật sống.” Khi đi từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên có hàng trăm tín đồ đi theo khiến nhà cầm quyền lo ngại. Và một đêm trong tháng Sáu, 2024 khi ở Thừa Thiên ông đã “tự nguyện” [theo cách nói của nhà cầm quyền] về nhà ở Gia Lai.

Áo bà ba Sa Đéc

Đêm lạnh, chợt nhớ về Sa Đéc
Nhớ dòng sông lụa uốn quanh đời
Giọng hò ngọt mát, trăng chênh chếch
Bờ ngực đôi mươi đẹp rợn người

Nhớ cây cầu khỉ mong manh lạ
Từng bước chân em nhẹ nắng chiều
Gót sen, áo mỏng, thơ ngây quá
Làm khách giang hồ chỉ muốn yêu

Nhớ vườn hoa cúc thơm mùi gió
Thu về, lá mỏng như tay em
Đôi mông thoăn thoắt đùa hoa nở
Ta muốn lăn quay, ngỡ đất mềm

Và thế, ta yêu thành phố nhỏ
Yêu người con gái chèo trên sông
Quần đen, áo trắng, lung linh hở
Một khoảng da ngà, trắng mênh mông

“Hò ơ…Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương
Thương em sao được mà thương
Quần em cột rút, như rương khóa rồi…

Chu Tất Tiến

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights