Năm rồng nói chuyện rồng

by Tim Bui
Năm rồng nói chuyện rồng

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Trong những buổi bình minh của sự sống trên trái đất, những loài động vật lớn như rồng mà (tiếng Hán gọi là long và trong tiếng Anh gọi là “dragon”), thằn lằn bay, các loại thú bốn chân với kích thước lớn khác mà tên gọi bằng tiếng Tây tiếng U khó dịch qua tiếng Việt từng là chủ nhân của trái đất. Những động vật nhỏ hơn dần dần cũng xuất hiện làm cho sinh hoạt trên trái đất trở nên náo nhiệt với những tiếng kêu rống mỗi ngày mà bạn có thể hình dung được như trong các phim Dinosaur của Hollywood.

Chỉ riêng về rồng thì cũng có nhiều loại khác nhau, có loại chỉ sống trên cạn, có loại chỉ sống dưới nước, có loại lưỡng thê, sống được cả trên bờ và dưới nước. Nhưng có một loại mà ngày nay con người gọi là khủng long. Căn cứ theo truyền thuyết, giống khủng long có thể sống trên cạn, có thể lặn hụp dưới nước, lại có thể cất cánh bay, và dữ dội hơn nữa là chúng có thể phun ra lửa để tiêu diệt địch thủ của mình.

Truyền thuyết này hư thật ra sao? Cuối cùng thì với sự tiến bộ của khoa học khảo cổ và phóng xạ đồng vị đã chứng minh câu chuyện tưởng như dã sử này hoàn toàn là có thật.

Cách đây mấy chục năm, sự phát hiện một hang động lạnh giá ở Bắc Âu đã tìm thấy nguyên một con khủng long bằng xương, bằng thịt, với chiều dài hơn 20 mét và sức nặng ước lượng cả vài chục tấn. Khi giải phẫu khảo cổ con rồng khủng này, các nhà khoa học tiết lộ rằng, sở dĩ nó có thể bay được là nhờ buồng phổi nó có hai ngăn, một ngăn dùng để thở như các chủng loài khác, còn một ngăn khác chứa chất Hydrogen, như ta biết là một loại khí nhẹ và dễ cháy, lấy từ không khí.

Tạo hóa thật kỳ diệu! Cũng giống như các loài cá có thể nhởn nhơ dưới nước nhờ bong bóng cá. Loài khủng long được thượng đế ban cho cái bầu đựng khí Hydrogen để có thể khống chế bầu trời. 

Trong quá trình tiến hóa qua hàng bao thế hệ, cũng giống như loài người của mình tiến hóa để trở thành chủng loài thống trị quả địa cầu, giống khủng long bay đã biết tận dụng tính bốc cháy của Hydrogen, nếu có một nẹt lửa. Qua khám nghiệm bộ răng của con khủng long này, các nhà khoa học đã tìm thấy có những mảnh đá lửa dính vào các kẽ răng. Họ đi đến kết luận như sau: trong quá trình sinh hoạt, giống khủng long bay vô tình phát hiện có nhiều đá lửa trên các vách đá ở các triền núi.

Chúng đã có dịp thử nghiệm bằng cách hà hơi Hydro và cùng lúc làm một sự ma sát vào các đá lửa và kết quả là nó đã tạo ra lửa. Năm tháng trôi qua, kỹ năng đánh lửa dần dần trở thành kỹ năng phun lửa. Khoa học đã chứng minh là giống khủng long đã ngoạm những cục đá lửa vào hàm răng của nó và khi tấn công kẻ địch, nó vừa phun khí ra đồng thời làm va chạm hai hàm răng có bọc đá lửa vào nhau để tạo ra tia nẹt làm khí Hydro bốc cháy.

Với kích thước tương đối lớn so với các chủng loài khác đang hiện diện trên mặt đất, với khả năng bơi lặn dưới nước, lại có thể bay lên trời, và khủng hơn nữa là có vũ khí cực kỳ lợi hại là súng phun lửa, khủng long đánh bại các địch thủ có mặt trên mặt đất kể cả giống thằn lằn bay và được xem là đối thủ có võ công cao nhất để trở thành bá chủ hành tinh vào thời kỳ đó.
Thời kỳ thống trị của khủng long kéo dài hàng triệu năm. Chức bá chủ võ lâm tưởng chừng không thể nào bị soán đoạt.

Nhưng sinh hoạt trên quả địa cầu, theo những nhà khảo cổ tiết lộ thì không có sự tiến hóa nào có tính đột phá, so với thời kỳ sau đó, khi vai trò minh chủ trái đất lọt về tay của loài người chúng ta ngày nay. Nguyên nhân vì sao thì trong phần kế sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Sinh hoạt trên trái đất lúc đó có thể tưởng tượng như sau: môi trường có nhiều oxy hơn bây giờ, các loại động vật trên mặt đất đều có kích thước lớn; thực vật cũng vậy, cây nào cây nấy đều có những chiếc lá thật to và chiều cao như những căn nhà chọc trời ngày nay. Và dĩ nhiên là những tiếng rống của động vật, dù chỉ nghe lại trong các phim Hollywood không thôi cũng đủ điếc cái lỗ tai.

Cuộc sống tưởng như êm đềm này kéo dài rất lâu, rất rất là lâu cho đến một ngày kia…

*****

Có lẽ Thượng Đế chưa hài lòng với bộ phim Dinosaur điếc tai với những cảnh tượng lập đi lập lại một cách nhàm chán đang trình chiếu trên trái đất. Có lẽ Ngài muốn xây dựng một bộ phim mới có tình tiết hấp dẫn hơn. 

Cho nên khoảng vài triệu năm về trước, Ngài đã đưa một cái sao chổi có đường kính vài trăm cây số bay vào quỹ đạo của trái đất. Sự ma sát vào tầng ozone đã làm sao chổi này phát cháy. Nhưng vì kích thước của nó quá lớn, sao chổi này không bị cháy rụi trước khi bay tới bề mặt của trái đất. Quả cầu lửa khổng lồ này đã tông vào trái đất ở địa điểm Yucatan thuộc Trung Mỹ ngày nay, gây ra một trận hỏa hoạn toàn cầu. Hầu hết những động vật cỡ lớn đã bị tiêu diệt. Khủng long bá chủ cũng không tránh khỏi tai kiếp.

Một số động vật cỡ nhỏ còn sống sót, có lẽ nhờ sống gần nguồn nước nên có thể vượt qua được thiên tai khủng khiếp này. 

Vượn tinh tinh

Có một loài vượn Tinh Tinh, vì toàn bộ cây cối đã bị hủy diệt, phải xuống mặt đất để sinh sống. Nhu cầu sinh tồn đã khiến loài vượn này phải dùng hai tay để đi lượm lặt bất cứ thứ gì có thể ăn được trên mặt đất, từ rau quả, ngũ cốc, thậm chí xác của những động vật chết. Và vì phải tự vệ, những con vượn này phải sống bầy đàn với nhau để chống lại những động vật to lớn hơn, và phải chui vào những hang động để tránh bị thú dữ ăn thịt. Khuynh hướng sống hợp đoàn, và kỹ năng dùng tay từ từ được phát triển và di truyền qua rất nhiều thế hệ. 

Có lẽ sự sống trong hang động đã làm hoạt động tình dục gia tăng và vì thế dân số tăng rất nhanh. nhanh đủ để trở thành một lực lượng khả dĩ chinh phục các chủng loài khác.

Những con vượn này bắt đầu biết dùng đá để tự vệ và tấn công. Thực phẩm đa dạng đã làm bộ óc của chúng phát triển có tính chất đột phá. Lịch sử bảo rằng, những con vượn này đang chuyển hóa thành một giống loài cao cấp hơn: đó là loài người.
Cũng giống như những giống loài trong thời kỳ bò sát. Loài người cũng phải mất hàng triệu năm để có được cái dóc váng, trí khôn, và tạo được nhiều thành tựu vật chất để cuối cùng đánh bại các chủng loài khác. Loài người thuần phục chúng để làm công cụ và thực phẩm phục vụ cho cuộc sống của mình. Nhưng khác với triều đại khủng long với một cuộc tiến hóa nhàm chán, triều đại loài người đạt được, qua mỗi thế hệ, nhiều sự sáng tạo đáng kể để làm cho cuộc sống trên quả địa cầu càng ngày càng phong phú hơn.

*****

Trong giai đoạn loài người tiến hóa với những kỹ năng ngày càng sáng tạo và tinh vi hơn để làm chủ hành tinh thì giống khủng long, tưởng chừng đã bị tuyệt chủng, vẫn còn rất nhiều con sống sót trong những nguồn nước lớn ở khắp nơi trên thế giới.

Ở phương Tây, khủng long là một sinh vật huyền thoại trong văn hóa dân gian và trong thần thoại của các nền văn hóa châu Âu. Nhà thơ La Mã Virgil, mô tả một người chăn cừu chiến đấu với một con rắn lớn, gọi nó là “serpens” và “draco,” cho thấy rằng vào thời của ông, hai từ này có thể có nghĩa giống nhau. 

Thời Trung cổ, khủng long thường được miêu tả là một sinh vật lớn, thở ra lửa, có vảy, có sừng, giống thằn lằn; sinh vật này cũng có đôi cánh giống như dơi, có bốn chân, một cái đuôi dài, cơ bắp có khả năng cầm nắm.

Trong truyện dân gian, hình dáng của khủng long thường thô kệch. Máu của chúng thường chứa đựng những sức mạnh độc nhất, giúp chúng sống lâu hơn hoặc mang lại cho chúng những đặc tính của độc, hoặc tính axit. Tương truyền chúng có lớp vảy cứng như sắt thép bao phủ cơ thể và đuôi gai. Đầu của chúng có thể có sừng, gạc hoặc mào. Con khủng long điển hình trong văn hóa Thiên chúa giáo thường sẽ bảo vệ một hang động hoặc lâu đài chứa kho báu. Hình tượng một con khủng long độc ác thường gắn liền với một anh hùng cố gắng tiêu diệt nó, và một con rồng tốt sẽ hỗ trợ hoặc đưa ra lời khuyên.

Mặc dù là một sinh vật có cánh nhưng khủng long thường được tìm thấy trong hang ổ dưới lòng đất. 

Trong khi ở phương Tây, khủng long có biểu tượng của một quái thú độc ác, thì ở phương Đông, cụ thể là Trung Quốc, người ta gọi chúng với một cái tên mỹ miều là long hay tiếng Việt là rồng. Những con rồng này, theo truyền thuyết, thì thường khi ẩn khi hiện ở những vùng biển rộng, hồ sâu, và những con sông lớn. 

Khi nền văn minh Hoàng Hà bắt đầu nở rộ ở Trung Nguyên. Những truyền thuyết, đồ họa, và những hình tượng mỹ thuật khác đều có sự tích mô tả về giống rồng. Những truyền thuyết này đều kể lại rồng là giống vật linh thiêng, nổi lên từ những nguồn nước lớn, với kích thước dị thường, hình dáng uy dũng và có sức mạnh, và dù không có cánh nhưng có thể bay bổng lên trời. Chính vì những đặc tính trên, các vị vua chúa từ thời xa xưa nhất đã chọn rồng làm biểu tượng của quyền lực. Giới thống trị dùng hình mẫu rồng trong những kiến trúc cung điện, đền đài, ngai vàng, quần áo hay còn gọi là long bào, đồ dùng, trang sức để phân biệt với giai cấp bị trị. Thậm chí gương mặt của nhà vua còn được gọi là “long nhan.”

Truyền thuyết về rồng ở phương Đông không bao giờ đề cập đến việc con người chinh phục giống rồng mà chỉ đề cao rồng là một loài linh thiêng đứng đầu trong 4 loài linh thiêng là “Long, Lân, Quy, Phụng.”

Vì được sự tôn sùng tối cao như vậy, hình tượng rồng (long) ngày càng được thần thánh hóa và tô điểm cho xứng với địa vị cao cả của nó. Một con rồng ở Trung Quốc thời xưa được miêu tả với hình dáng tuyệt đẹp bao gồm sự kết hợp của chín con vật khác nhau. Nó có sừng của hươu, đầu của ngựa, mắt của rùa, cổ của rắn, vảy của cá, vuốt của chim ưng, tai của bò, bàn chân của hổ và bụng của rắn biển.
Câu chuyện kể đến đây cho thấy rằng, mặc dù đã mất đi ngôi bá chủ về tay loài người, về phương diện tinh thần, giống rồng vẫn còn một địa vị đáng kể. Đó là biểu tượng của quyền lực trong thế giới loài người trước thời kỳ cận đại.

*****

Sau nhiều cuộc cách mạng về dân chủ dân quyền lần lượt diễn ra trên thế giới. Các chế độ phong kiến và quân chủ chuyên chế, nhất là ở phương Đông, từ từ đều bị sụp đổ. Ngôi vị thiên tử và hình tượng rồng tượng trưng cho quyền lực dần dần cũng chìm đi theo năm tháng. Ngày nay hình tượng rồng chỉ còn dùng để tô điểm trong kiến trúc của các chùa chiền đền miếu thuộc các tôn giáo Đông phương.

Năm mới Tết đến là dịp để chúng ta nghỉ ngơi và suy ngẫm lại chuyện đời. Câu chuyện rồng cũng cho chúng ta thấy: “Thế giới này thật vô thường. Không có gì là vĩnh cửu.” 

Từ vai trò thống trị quả địa cầu khi còn hét ra lửa; rồi đến khi phá sản, mất đi địa vị thống trị về vật chất, chỉ còn vai vế tinh thần khi loài người làm chủ quả địa cầu; ngày nay còn lác đác vài hình tượng nhỏ bé trang điểm sơn son thiếp vàng trên các nóc của nơi thờ cúng. 

Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights