Nạn homeless: Nguyên nhân và hiện tượng

by Tim Bui
Nạn homeless: Nguyên nhân và hiện tượng

CHU TẤT TIẾN

Tuần lễ thứ ba của tháng Chín, năm 2024 ghi nhận một sự kiện đáng ngạc nhiên: số người homeless ở San Francisco đã gần như biến đâu mất, đường phố quang đãng trở lại, sở vệ sinh cho xe máy quét rác, xe rửa đường chạy liên tục.

Trước đó, vào khoảng đầu năm, số người homeless nằm ngủ đầy đường ở đây đã giảm, còn khoảng 3,000 người. Thị trưởng London Breed, một người thuộc đảng Dân Chủ, theo lệnh của tòa án Tối Cao, đã bắt đầu các biện pháp giải tán người homeless để trả lại kinh tế cho San Francisco từ hai năm nay đã xuống dốc thảm hại. Con đường chính của San Francisco trước đó là trung tâm mua bán của người đến viếng San Francisco đã dần dần vắng vẻ, nhiều cửa hàng thương mại với các tên quen thuộc đã từ từ đóng cửa vì không có khách nào dám đặt chân đến một cửa hàng mà có những người rách rưới, bù xù trấn đóng ngay gần cửa ra vào.

Theo ước tính của sở Xã Hội, có khoảng 8,300 người homeless trấn thủ tại nơi gần thủ đô của tiểu bang California. Terry Asten Bennett, một chủ nhân một cửa hàng lớn nói: “Tôi muốn những lề đường sạch sẽ để buôn bán. Tôi không ưa những người homeless đi lăng quăng. Là một chủ nhân thương mại, tôi cần con đường sáng, hấp dẫn để người ta còn đến mua sắm và thăm viếng thành phố này.” 

Nhiều người quan tâm nói là quét sạch người homeless đi thì dễ, nhưng quét đi đâu. Lukas Illa, người điều khiển chương trình Liên Kết cho Người Không Nhà của San Francisco (San Francisco’s Coalition on Homelessness) nói: “Những nơi tạm trú rất cần cho việc dời chuyển chỗ cư ngụ của người không nhà. Chúng ta không thể kéo dài vấn đề này.”

Nhiều thành phố khác ở California cũng đang trở lại bộ mặt tươi đẹp. Bãi biển Santa Cruz đã giảm 49%, còn Los Angeles chỉ giảm 10%. San Francisco đã nâng số nhà tạm trú cho người không nhà khoảng 50% vào năm ngoái. Các chương trình dùng xe buýt để di chuyển người không nhà ra khỏi thành phố đã tấp nập ra vào, cùng với những chuyên viên cảnh sát đi di dời người homeless, làm cho thành phố dần dần có sinh khí trở lại. 

Một vấn đề rất quan trọng với đa số người Việt chúng ta là khi nói về homeless, thường thì người ta lập tức cho rằng: “Ối dào! Toàn là dân nghiện. Trộm cắp!” Một số người thì chữa lỗi cho mình khi không thả một đồng bạc nào cho người homeless: “Cho họ để làm gì? Có tiền là lại đi hút! Thà làm việc phước thiện khác!”

Nhận xét này chỉ đúng một phần. Thật sự, có một số người trẻ không nhà là do nghiện ngập mà ra. Một khi nghiện, thì mất học, mất việc làm, gia đình từ bỏ, thì đang là thanh niên, thiếu nữ tươi sáng bỗng thành kẻ không nhà, mà theo thói quen của người Việt khi còn ở quê nhà, gọi những người lang thang rách rưới là “ăn mày.” Nhưng thực tế, có rất nhiều lý do tạo ra vấn nạn homeless.

Trước hết, ngay khi còn ở Việt Nam, những Thập niên 1950 chưa có vụ nghiện “xì-ke” thì trẻ con hay ngâm nga câu vè: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta! Đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày!” Câu vè này đúng đa số các trường hợp homeless ở Mỹ. 

Nguyên nhân thứ nhất: thiếu nhà ở cho người có lợi tức thấp. Tại California, chính phủ tiểu bang đã chi ra hàng tỷ đô la để xây khu tạm trú, giải quyết nạn các lều rách nằm chung quanh thủ đô, nhưng số người lang thang vẫn cứ tăng.

Ở Los Angeles, ngay trước các đường số 3, số 4, cứ đến chiều chiều khoảng 6 giờ là người homeless ở đâu ra ùn ùn trước mặt tiền các căn phố, siêu thị, mang theo các miếng bìa vàng, trải xuống mặt đường, rồi bao quanh “cái giường giấy” đó bằng những miếng bìa khác, làm thành cái hộp cho vợ, chồng bước vào. Trên đầu giường là các bao, bị lùm xùm đủ màu sắc, có khi là cái xe đẩy ở chợ supermarket, có khi là xe kéo trẻ em, ba lô, gói lớn gói nhỏ. Những người này không có vẻ xì-ke, ma túy vì cả hai vợ chồng và có khi có cả trẻ em. Những người này thuộc diện lao động, việc làm lúc có, lúc không, nên không có thể trả tiền thuê nhà hàng tháng!

Giá thuê nhà trong thập niên qua đã tăng ngất ngưởng, khiến cho nhiều người phải ra đường ở. Một gia đình Việt Nam mà tác giả biết, chồng vẫn đi làm công việc giao hàng với lương tháng khoảng $2,000; vợ phụ ở chợ được $1,000 một tháng, trong khi giá tiền thuê nhà là $2,000 – $2,500, thì một trong hai vợ chồng phải nhịn đói mới thuê được nhà vì tiền xăng, tiền xe buýt đã chiếm một số lớn rồi. Đó là chưa có con nhỏ! Có những người chỉ kiếm được dưới $1,000 một tháng, thì coi như việc thuê nhà là giấc mơ Disneyland. 

Nguyên nhân thứ hai: Luật lệ về Zone làm cho chính phủ muốn xây nhà rẻ tiền cũng không được. Vấn đề địa ốc của nước Mỹ rất phức tạp. Từng khu vực có Zone Law riêng. Khu này được xây nhà riêng biệt, khu kia được nhà Apartment, khu này là thương mại, khu kia là gia cư loại 1, 2, 3. Trên hết là chính cư dân chung quanh không cho phép xây nhà cho người homeless. Họ nói: “Chúng tôi không muốn sống gần với người nghèo, vì khu gia cư của chúng tôi sẽ bị giảm giá trị!”

Nguyên nhân thứ ba: Tác hại của Covid-19. Những năm mà nước Mỹ bị dịch bệnh tàn phá, hàng chục triệu người thất nghiệp, hàng ngàn tư sở đóng cửa vì chính chủ nhân chết bệnh. Việc chính phủ trợ cấp cho người bị họa Covid, dần dần hết quỹ. Chính phủ không thể trợ cấp suốt đời. Cho nên rất nhiều công nhân lao động không có tiền để trả tiền thuê nhà, đành dắt díu con cái ra đường ở. Người viết đã nói chuyện một gia đình người Mỹ trắng, trông rất lịch sự, với hai đứa trẻ 5 và 7 tuổi rất xinh đẹp, đứng đầu đường xin tiền. Họ cho biết, vì sở họ đang làm bị Covid, đóng cửa, mà đi xin việc chỗ khác không được, không còn tiền trả “mortgage,” đành để nhà băng kéo, và dắt díu nhau đi về quê với số tiền còn lại đủ mua đồ ăn cho hai đứa bé, không có tiền đi xe lửa! 

Nguyên nhân thứ tư: Hiện tượng xã hội. Đây mới là vấn đề cực kỳ phức tạp mà người ta hay nói đến: Xì ke, ma túy, nghiện ngập, băng đảng hết thời. Một số là vì xì-ke, số khác là bị nghiện rượu, bị đuổi việc. Nhiều gái gọi về già, không còn khứa, tuổi trẻ lại phung phí vào rượu, khi hết thời thì không biết làm gì để sống. Một số cô gái bị bệnh, chủ đuổi ra đường, chỉ còn cái áo. Nhiều thanh niên tuổi trẻ đang lên, dính vào cờ bạc, nợ nần, bị đá văng ra đường. Nhiều người ở tù ra, không có chỗ trú chân. Tác giả bài này đã phỏng vấn một số thanh niên homeless, thì biết có chàng trai trẻ có nghề nghiệp đàng hoàng, nhưng mắc tật mê gái. Lấy cô này có hai con, lại bỏ, vớ cô kia, có con lại bỏ… Bị các cô vợ kiện đòi “child support,” nên đi làm bao nhiêu cũng hết vì tiền “child support,” đành ra đường! Lại có một trường hợp bi thảm hơn. Người chồng bị vợ bỏ, lấy mất nhà, có bao nhiêu tiền trong nhà băng, vợ chiếm hết, nên kéo chiếc xe mô tô to kềnh ra ngoài đường ở, ngủ ở thùng rác. Tác giả hỏi tại sao lại ngủ ở cạnh thùng rác, người chủ chiếc mô tô cho biết là bị vợ đá đít bất thình lình, không kịp đề phòng, không tiền thuê nhà, phải ôm chiếc mô tô ra gần thùng rác ngủ. Trường hợp khác: tự nguyện làm homeless! Ông chồng bị vợ phản, mà hận đời, không chấp nhận trả “child support” cho “con đĩ kia nó đi ngủ với các thằng khác,” nên bỏ việc, thành homeless cho vợ cũ không có cớ đòi tiền! 

Nhiều trường hợp rất đáng thương. Một thanh niên trẻ, đẹp trai, trắng trẻo, họ Nguyễn, làm phu khuân vác kiếm tiền ăn qua ngày, ngủ ngoài hè, cho biết là bố mẹ là hai bác sĩ, nhưng lục đục về tiền bạc, nên ly dị. Ở với bố, nhưng bố lại rinh một em trẻ khác về chỉ lớn hơn chàng thanh niên này vài tuổi, tính nết kênh kiệu, vòi tiền bố suốt ngày. Chàng bực, tát tai bà dì ghẻ, bị bố đánh một trận đau, chàng bỏ nhà đi homeless. Một thanh niên khác, họ Việt Nam, khoảng 25 tuổi, cũng bụi đời. Lý do tương tự ghét bố cưng dì ghẻ, bỏ nhà đi theo băng đảng, chúng rủ em đi vận chuyển ma túy lên miền Bắc, dọc đường, gặp băng khác định cướp hàng, em móc súng ra “bụp” đối phương chết ngắc, bị cảnh sát bắt tù bốn năm, ra tù không muốn về nhà bố, thành ra homeless, phải nhập băng ăn trộm.

Hồi đó, những năm 1990-95, còn nạn ăn cắp “cassette” trong xe. Một hôm, em nói với tác giả: “Chú muốn cháu trổ tài chôm cái “cassette” của chú không? chỉ năm phút là xong!” Người viết cười: “Thôi, cháu ơi, chú biết tài cháu rồi. Đừng thử, tội nghiệp chú!” Em cười hì hì rất dễ thương. Hôm khác, em mang đến cho người viết một bao cát chứa đủ thứ lụp cụp bên trong. Em bảo: “Nè, cháu cho chú cái cassette mới tinh, cháu mới chôm được!” Tác giả sợ quá, xua tay: “Cám ơn cháu, máy của chú còn tốt, chưa cần thay.”

Lại có một trường hợp lạ lùng. Hôm đó, người viết đang làm thiện nguyện, xin tín hữu thử máu để cứu người ung thư tại một nhà thờ Tin Lành, thấy một cô dáng vẻ như người Á Châu, mặc váy đen lịch sự, ngồi trên ghế đá đăm chiêu. Bên cạnh đó là một cái vali nhỏ có bánh xe. Sau khi hoàn tất công việc thiện nguyện, người viết tiến lại hỏi thì cô nói tiếng Mỹ bập bẹ cho hay từ Trung Hoa theo chồng cũng người Hoa ở Mỹ, được vài năm, chồng muốn lấy vợ khác, đuổi cô ra khỏi nhà, chỉ dúi cho ít tiền ăn. Cô không biết đi đâu, nên ngồi ở sân nhà thờ… 

Thỉnh thoảng, ở Bolsa, thấy có vài bà mẹ Việt, già lão, kéo theo chiếc va li nhỏ… không biết bà mẹ đi đâu? Chắc là con cháu mẹ đuổi ra đường? Mới vài hôm trước đây, đi bộ ngang đường Edinger, gần khu chợ Việt, thấy 2 người cảnh sát đang chiếu đèn pin vào mặt một người phụ nữ Á Châu, khoảng trên dưới 60, nằm dựa vào một đống túi vải lỉnh kỉnh. Theo ước đoán, thì cảnh sát đang đuổi người này đi, không cho nằm dựa tường chỗ đó. Người đàn bà nằm cong người, một ống quần đen xộc xệch hất lên, lộ ra cái cẳng chân vàng ệch, lúc đó đang dụi mắt ngơ ngác, không hiểu người cảnh sát nói gì, tại sao lại chiếu đèn pin vào mặt bà! Điều đau lòng làm muốn chẩy nước mắt là có một chú bé khoảng 13, 14 tuổi, có lẽ là con cháu bà, mặc quần đùi đen, áo sơ mi đỏ, ngồi xổm, xây lưng với cảnh sát mà nhìn vào mặt người đàn bà, có vẻ như muốn hỏi: “Bà (mẹ) ơi! Chuyện gì vậy? Sao người ta lại đuổi chúng ta đi?”

Khoảng hơn 10 năm trước đây, người viết nhận được một cú điện thoại từ một người quen, chủ một tiệm phở: “Anh ơi! Anh lại giúp cho bà cụ này! Bà bị con cháu đuổi đi, đứng ở cửa tiệm em từ nãy giờ!” Người viết vội phóng xe đến, gặp bà già Việt Nam khoảng bẩy, tám chục, nhà quê, xách một cái balô nhỏ. Hỏi bà đi đâu thế. Bà cho biết là con trai bảo lãnh sang Mỹ cũng được mười mấy năm rồi, bất ngờ con phải sang tiểu bang khác, không đưa bà đi được. Con trai mới gửi bà cho đứa cháu họ trông coi, và trả tiền hàng tháng cho người coi. Bà có một số tiền già, dành dụm mười mấy năm, vẫn dấu trong túi có kim băng. Thằng cháu lưu manh, dụ bà đưa tiền cho nó đi mua nhà mới để hai bác cháu ở. Bà nghe lời đưa cho nó khoảng hơn chục ngàn, nó cầm tiền xong, rồi nói với bà là “bác gói đồ đi, cháu trở bác đến nhà mới”. Bà nghe lời, lên xe, thằng khốn nạn chở bà đi một quãng rồi bảo bà xuống, chờ nó đi công chuyện rồi lại đón bà sau, rồi nó biến mất tăm. Người viết liền gọi cho Sở Xã Hội báo cáo sự việc, thì khoảng nửa tiếng sau, có một nữ nhân viên Sở Xã Hội đến hỏi chuyện bà rồi chở bà đi…

Đó là những câu chuyện thương tâm như thế trong muôn vạn người homeless. Do đó, chúng ta đừng vội phê phán những người lang thang này. Chẳng qua là vì hoàn cảnh của họ không được may mắn. Số phần của họ đen thui. Nên mỗi khi ra đường, nếu thấy người homeless đứng chờ đầu ngã tư, chúng ta không nên dè bỉu, mà nên mở rộng túi ra. Miếng khi đói bằng gói khi no. Biết đâu chúng ta chẳng cứu được một mạng người. Đã có một cô homeless, vì kiên trì đã đậu bằng đại học, rồi thành bác sĩ cứu người. 

Dân gian có câu: “Dù xây chín bệ phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.”

Chu Tất Tiến
Cuối tháng 9, 2024

Tham chiếu

https://www.npr.org/2023/07/12/1186856463/homelessness-rent-affordable-housing-encampments

https://apnews.com/article/san-francisco-homeless-encampments-c5dad968b8fafaab83b51433a204c9ea 

https://news.harvard.edu/gazette/story/2024/01/why-its-so-hard-to-end-homelessness-in-america/


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights