Nếu Chúa Jesus không phục sinh

by Tim Bui
Nếu Chúa Jesus không phục sinh

NGUYỄN VIỆT NAM

LGT: Lễ Phục Sinh năm nay rơi vào ngày 20/4/2025. Tòa soạn tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi bất ngờ nhận được bài viết dưới đây của một độc giả, viết về Easter, một trong những ngày lễ quan trọng của tín đồ Thiên Chúa Giáo. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Nếu Chúa Jesus không sống lại, thì tất cả hệ thống tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo đã sụp đổ từ hơn 2000 năm trước, nghĩa là ngay sau khi Người bị treo trên thập giá và thở hơi cuối cùng từ thể xác con người. Nếu Chúa không sống lại, các lời tiên tri của các đấng được gọi là Ngôn Sứ, phát ngôn viên của Thiên Chúa, từ thời Cựu Ước đến Tân Ước đều biến thành sáng tác của những kẻ mê sảng. Lời của Chúa trước khi bị bắt: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, Ta sẽ xây lại trong ba ngày” trở thành một ngạo mạn, rất đáng bị dân Israel trừng phạt như Ngài đã bị trừng phạt.

Nếu Chúa Jesus không sống lại, những điều mà Cựu Ước gọi là “giao ước” của Thiên Chúa với loài người cũng trở thành huyền thoại. Có ba giao ước chính: giao ước của Thiên Chúa với Tổ phụ Abraham, “Ta sẽ cho dòng dõi của ngươi đông như sao trên trời, như cá dưới biển,” giao ước với ông Nô-e, “Ta sẽ lập một dân tộc mới,” giao ước với ông Moise, “nếu con người giữ đúng theo những lời của giao ước ấy, thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho con người; nếu con người không giữ đúng những lời của giao ước ấy, thì con người sẽ bị rủa sả”. Quan trọng nhất là giao ước thứ tư, của Chúa Jesus với nhân loại: “Đương lúc họ ăn, thì Đức Giêsu cầm lấy bánh và chúc tụng rồi bẻ ra và ban cho họ. Ngài nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta”. Đoạn cầm lấy chén và tạ ơn, Ngài ban cho họ mà rằng: “Hãy uống chén này hết thảy; vì này là máu ta, máu giao ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội” (Mt 26,26-29).

Thật sự, nếu Chúa không từ cõi chết mà sống lại, rồi thăng thiên vinh hiển, thì, nhất định, những lời nói trên còn giá trị gì không? Hay chỉ lời… hứa cuội của một người sắp chết?
Đạo của Chúa Jesus, nói chung, cả Công Giáo, Tin Lành, và tất cả các hệ phái thờ phượng Thiên Chúa khác, đều sống còn dựa trên sự Phục Sinh của Chúa. Và sự Phục Sinh của Chúa được diễn tả trong các thể văn gọi là “sách Tin Mừng”, tức là những điều vui mừng, hạnh phúc của Sự Sống Vĩnh Cửu mà Chúa đem đến cho nhân loại, thay thế cho Đau Khổ, Tan Nát, và Hủy Diệt của Sự Chết.

Những “sách Tin Mừng” này, được viết trong hai thời kỳ mà người ta gọi là “Cựu Ước” tức là những sách viết trước khi Chúa Jesus sinh ra, và “Tân Ước” được viết sau khi Chúa sinh ra, theo như định nghĩa viết ở trên, gồm những “lời hứa, giao ước” của Thiên Chúa theo từng thời đại. Nhưng cho dù là cựu hay tân, những điều mà các Tiên Tri sinh ra trước Chúa Jesus đã nói và được ghi chép lại trên giấy cói (papyrus) hay trên giấy da, và những điều mà các tông đồ ghi lại sau khi Chúa lên trời đều nhấn mạnh đến một điểm: Chúa sẽ đến ở giữa loài người, để tạo hạnh phúc cho con người rồi đưa những con người có tâm Thiện lên với Chúa. (Cựu Ước: Emanuel = Chúa ở cùng chúng ta!). Nhưng nếu Chúa đến mà không chết đi (vì là Đấng Tạo ra con người mà!), thì sẽ thành một ông tổ già khủng khiếp không ai tưởng tượng được! Mà nếu Chúa chết đi rồi chết luôn thì lấy gì làm bằng chứng chính người đã chết là Thiên Chúa?

Lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử Trung Hoa, đã biết bao lần nói đến những con người tự xưng mình là chúa tể, là thần thánh, “thọ tỷ thiên tề,” là đấng cầm sinh mạng của con người, nhưng rồi cũng chết thối rữa y như những sinh vật khác rồi không sống lại.

Thật ra, cũng có nhiều vụ người ta chết đi rồi sống lại, hoặc đang chuẩn bị đem chôn, thì giật mình ngồi lên. Có vài vụ, khi mở nắp quan tài ra, thấy xương tay chân vươn lên, thân người vặn vẹo, chứng tỏ là sau khi chết rồi, chợt tỉnh giấc thấy mình nằm trong hòm thì kinh hoảng cố vùng thoát mà không được. Những vụ này, được khoa học khám phá ra là người đó chưa hoàn toàn chết, nghĩa là óc chưa chết, vẫn còn máu lưu thông, tim còn đập nhưng quá yếu, nên người ngoài không thể bắt được nhịp tim và kết luận là đã chết. Nhưng sau đó, vì một yếu tố kích hoạt nào đó, mà tim từ từ đập trở lại.

Với Chúa, sự chết đã là thật, vì máu và nước đã chảy ra đến giọt cuối cùng từ nhát đâm vào cạnh sườn Ngài. Còn tim, đã thật sự suy sụp và ngừng đập vì bị hành hạ kinh hoàng, bị vác Thánh Giá lê trên đường đến kiệt lực. (Những sự hành hạ, đâm chọc này, có lẽ cũng do ý Chúa định như thế, để chứng minh rằng Chúa đã thật Chết, không phải chỉ bất tỉnh!)

Như thế, đỉnh cao của giáo lý Thiên Chúa, mấu chốt của đạo Chúa là ở sự việc Chúa chết, sống lại và lên trời, chứ không phải ở việc Giáng Sinh, có ngôi sao dẫn đường cho ba nhà khoa học, có Thiên Thần thổi kèn báo tin vui, và cũng không phải ở tất cả các phép lạ Ngài làm, cứu người sống lại, cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi.. mà là sự Phục Sinh và Thăng Thiên vinh hiển của Ngài…

Với người theo đạo công giáo, niềm tin vào việc chúa sống lại là một niềm tin tuyệt đối. Với người theo đạo công giáo, sự Phục Sinh hay sống lại từ cõi chết của Chúa Jesus là bằng chứng cho sự sáng tạo vũ trụ của Ngài vì đã thích hợp với lời các Tiên Tri nói trước cả ngàn năm; cũng là ngôi sao dẫn đường, là lời hứa cho những ai có tâm thành, để cố sống sao cho Thiện, sống theo lời răn của Chúa: Kính Chúa và Yêu Người, thì sẽ có ngày được lên với Chúa, hưởng sự bình an miên viễn và dĩ nhiên, cũng chiến thắng Sự Chết như Ngài.

Chúc mọi người một mùa Phục sinh an lành!

You may also like

Verified by MonsterInsights