CHU TẤT TIẾN
Ngày thứ Năm 21 tháng Mười Một năm 2024, Vladimir Putin thông báo rằng Nga đã phóng đi một hỏa tiễn siêu thanh tầm trung, tấn công vào một cơ sở quân sự của Ukraine, và cảnh cáo rằng, nếu Phương Tây mà yểm trợ cho Ukraine những loại vũ khí tầm xa để tấn công Nga thì Phương Tây coi như đã gây chiến với Nga.
Loại hỏa tiễn siêu thanh tầm trung này có tên là Oreshnik, có nghĩa là “cây hạt dẻ” (the Hazel), có mục đích để trả đũa các hành động gây hấn của NATO.
Putin nói: “Để trả lời cho việc sử dụng các loại vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh, vào ngày 21 tháng Mười Một vừa qua, quân lực Nga đã phóng một loạt tấn công vào các địa điểm quân sự và kỹ nghệ của Ukraine. Trong tình trạng chiến tranh, một trong những loại hỏa tiễn siêu thanh tầm trung đã được thử nghiệm, loại này có thể mang đầu đạn nguyên tử nhưng trong trường hợp này, chiếc hỏa tiễn không mang đầu đạn nguyên tử.”
Putin nói là có sáu hỏa tiễn ATACMS (1) bắn vào lãnh thổ Nga và đều bị bắn hạ, và như vậy, theo Putin, Phương Tây đã trực tiếp tấn công vào Nga. Lời tố cáo này không được Ukraine trả lời vì biết rằng các phương tiện thông tin của Nga luôn bịa đặt, thêm bớt tùy theo chỉ thị của điện Kremlin.
Cũng trong mục đích hăm dọa thế giới, mới đây, ngày thứ Ba vừa qua, Nga đã thay đổi lập trường về việc sử dụng vũ khí nguyên tử có tầm tác hại lớn. Putin đã hạ điều kiện sử dụng vũ khí nguyên tử xuống một bậc, để Putin dễ dàng hơn trong việc nhấn nút bom hoặc hỏa tiễn có chứa đầu đạn nguyên tử. Điều mà Nga vẫn lo ngại từ trước là Mỹ sẽ cho Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATCMS có tầm hoạt động xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, thực tế thì điều này đã xảy ra, mà Putin chưa dám nhấn nút nguyên tử, chỉ la lối rồi im re, không nói gì đến việc trả đũa như đã từng hăm dọa.
Kể từ năm 2022, khi mà Nga bắt đầu tấn công vào lãnh địa của Ukraine, Putin đã luôn hăm he sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử với châu Âu, nhưng các đồng minh của Ukraine cứ lờ đi, không coi vấn đề Nga hăm dọa này là điều có thể thực thi.
Các quốc gia đồng Minh của Ukraine biết rằng Nga chỉ dọa, chứ không dám mở đầu cho cuộc chiến tranh nguyên tử, vì chỉ cần một quả hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử phóng vào Ukraine thì lập tức hàng chục hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sẽ lao xuống Moscow, biến nước Nga thành bình địa. Vì thế mà Phương Tây vẫn tiếp tục đổ ra hàng tỷ đô la cho Ukraine để giúp tăng cường sức mạnh của Ukraine, vì quốc gia này vốn yếu, không có sức mạnh chiến tranh. Sau khi thế chiến thứ Hai chấm dứt, Ukraine tách khỏi Liên Xô một cách vội vã, từ đó đến nay, chỉ lo kinh tế, và tài chánh để bù đắp lại những thập niên làm nô lệ cho Liên Xô, mà không đề cao sức mạnh quân đội, nên không kịp chuẩn bị chống lại cuộc tấn công ào ạt của Nga cách đây hơn hai năm.
Với sự yểm trợ tận tình của Liên Âu và Mỹ, Ukraine đã có sức đề kháng mãnh liệt làm chùn tay đao phủ Putin. Theo ước tính của các chuyên gia về chính trị, số tử sĩ Nga cao gấp hai lần số tử sĩ của Ukraine. Hiện nay sức mạnh về nhân lực, về vũ khí và tinh thần binh sĩ của Nga xuống rất thấp. Putin vẫn cố giương bộ mặt hiếu chiến và hùng hổ tuyên bố là sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại cả Liên Âu và Mỹ, nhưng thực chất, ai cũng biết Putin chỉ cứng rắn bề ngoài, mà bề trong run sợ. Để trả lời cho việc Ukraine lần đầu sử dụng hỏa tiễn siêu thanh tầm xa, Nga chỉ có thể dám phóng loại hỏa tiễn siêu thanh tầm trung vào Ukraine. Theo báo cáo của Ukraine, hỏa tiễn của Nga được phóng từ vùng Astrakhan ở phía Đông Nam của Nga, cách nơi rơi xuống 770 dặm, đã đâm xuống và phát nổ tại Dnipro, trung tâm của thành phố Ukraine, nơi có khoảng 1 triệu dân cư ngụ.
Theo tin của Ukraine thì hỏa tiễn siêu thanh kia, bay với tốc độ March 11, hoặc hơn 8000 dặm một giờ, đã làm hư hại một cơ xưởng kỹ nghệ, một nhà hưu dưỡng và một tòa nhà cư ngụ của dân thường. Có ba người dân bị thương trong cuộc tấn công này, không có binh sĩ nào của Ukraine trúng đạn.
Sau khi Nga tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn siêu thanh, Tổng Thống Ukraine Zelensky nói cuộc tấn công bằng hỏa tiễn này là dấu chỉ Nga muốn tăng cường sự hủy hoại vô nhân đạo của cuộc chiến tranh tàn khốc (một nồi xay thịt – meat grinder). Ông cũng cám ơn Tổng Thống Biden đã tháo gỡ những cản trở trong việc sử dụng vũ khí tầm xa. Về phía Tổng Thống Biden, ông tuyên bố rằng, việc Mỹ cho Ukraine sử dụng ATACMS, bắt nguồn từ việc lính Bắc Hàn mặc đồ lính Nga và tấn công vào biên giới của hai nước. Theo báo chí, có khoảng 10,000 lính Bắc Hàn đang trú đóng tại biên giới Nga-Ukraine và lính Ukraine đã từng pháo vào địa hình của lính Bắc Hàn nhưng không biết số thương vong là bao nhiêu. Ukraine cũng chưa báo cáo có cuộc tấn công của lính Bắc Hàn vào lãnh thổ Ukraine hay không.
Trở lại vấn đề có bao nhiêu vũ khí nguyên tử mà Nga đang sở hữu, theo Forbes, Nga có số lượng vũ khí nguyên tử nhiều nhất thế giới. Nga lại mới khoe kế hoạch phát triển hỏa tiễn tầm xa liên lục địa “Russia RS-28 Sarmat” còn có tên là “Satan 2,” loại này có khả năng mang tới 10 đầu đạn nguyên tử. (Chỉ cần một quả hỏa tiễn này rơi xuống Washington D.C, thì toàn bộ các cơ quan chính quyền trung ương, và các kiến trúc lịch sử về sự lập quốc của Hoa Kỳ bốc hơi thành cát bụi trong nháy mắt, và khoảng 1 triệu người Mỹ cũng bốc hơi theo. ) Điều ghê gớm nhất mà các nhà quân sự đều ớn lạnh là với hỏa tiễn siêu thanh bay quá nhanh, thì không có vũ khí nào có thể ngăn cản được.
Theo thứ tự các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, đứng nhất là Nga với 5,977 đầu đạn, Mỹ: 5,428, China: 350, France: 290, United Kingdom: 225, Pakistan:165, India: 160, Israel: 90, và Bắc Hàn: 20.
Thế giới hiện đang đứng trên mép bờ vực thẳm của sự tàn sát lẫn nhau. Sẽ có ngày mà thiên chúa chán nản vì tâm ác của con người hoàn toàn đè bẹp tâm thiện, thì chỉ cần một nháy mắt, một tên lãnh đạo nào phát khùng, nhấn nút nguyên tử, và trái đất trở lại thời hồng hoang, rồi dần biến thành Lỗ Đen (black hole) trong vũ trụ bao la. Lúc đó, Chúa sẽ mở một trời mới, đất mới cho người lành cư ngụ.
Chú thích
(1): ATACMS = Army Tactical Missile Systems, là loại hỏa tiễn siêu thanh, 13 feet dài, 24 inches đường kính, tầm xa có thể tới 300 cây số hay 190 miles. Hỏa tiễn này có thế bắn đi từ hệ thống M270 Multiple Launch Rocket System (MLRS), và loại hệ thống cơ động M142 High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS)
https://www.msn.com/en-us/news/world/the-kremlin-has-revised-its-nuclear-policy-does-that-make-the-use-of-atomic-weapons-more-likely/ar-AA1unrID?ocid=BingNewsSerphttps://www.forbes.com/sites/emilywashburn/2023/02/24/russia-has-the-most-nuclear-weapons-in-the-world-here-are-the-other-countries-with-the-largest-nuclear-arsenals/