Nghề bán vé số sắp bị…cạnh tranh!

by Tim Bui
Nghề bán vé số sắp bị…cạnh tranh!

TÁM BÔN XA

Trong kinh doanh, mua bán không có cạnh tranh thì không có tiến bộ. Đó là nguyên lý bất biến trong xã hội dù ở quốc gia nào.

Nhưng bán cái gì, cạnh tranh ra sao lại là một vấn đề. Tỉ dụ sau khi iPhone ra đời và thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh trên thế giới thì sau đã bị cạnh tranh bởi nhiều đối thủ, trong đó có Samsung. Vì có cạnh tranh nên hai hãng điện thoại thông minh này mỗi năm đều phát hành loại máy mới với một số tính năng mới nhằm thu hút người dùng.

Còn ở Việt Nam vào năm tới đây, năm 2025, một vài nghề buôn bán sẽ bị cạnh tranh quyết liệt. Đó là nghề bán vé số và chạy xe Grab hay còn gọi là xe ôm kỹ thuật số.

Bà con đừng vội chê hai cái nghề này nhen. Đây là nghề nuôi gia đình của rất nhiều người trong xã hội. Hiện nay, dù chưa có thống kê nào chính thức, hai nghề này là hai nghề được dân chúng “ưa thích” nhất xứ và là nghề có mặt trên từng cây số ở các thành phố, thị xã lớn nhỏ khắp nước, với khoảng vài trăm ngàn người. 

Ưu thế của hai nghề này là không cần tay nghề, không cần thâm niên, không cần bằng cấp, không phân biệt giới tính và tuổi tác, dĩ nhiên là không bao giờ bị “tinh gọn bộ máy.” Chỉ cần được một vài đồng nghiệp chỉ đường đi nước bước là có thể bước vô hành nghề liền tay. 

Yếu điểm của nghề là phải nghèo hay thất nghiệp hoặc không có nghề ngỗng gì và mặt phải dày! Quý bạn có thấy ai giàu mà chạy xe ôm, bán vé số xin chỉ dùm, chớ Tám chưa từng thấy người nào như vậy! Còn mặt dày là vì phải dám hay biết cò kè bớt một thêm hai, hoặc bị người ta đuổi đi hoài mà cứ đứng mè nheo mời mua! Có nhiều người biết nói cám ơn khi khách trả tiền hoặc bonus thêm hay mua, song điều này cũng không cần thiết vì chẳng khách hàng nào muốn nghe lời cám ơn của những người này. Rồi phải biết bảo vệ da mặt bằng một hoặc hai cái mask vừa để chống lại cái nắng gay gắt của xứ nhiệt đới vừa để tránh cho người quen nhận diện.

Quý bạn cứ về Việt Nam thì thấy liền những người hành hai nghề này. Ngồi bất cứ quán cà phê, quán ăn bình dân nào cũng “được” họ chào mời, năn nỉ… Rồi ra đường, quý bạn sẽ được “những người áo xanh, áo vàng, áo cam” cúp đầu xe hoặc mời đi! Đó là lực lượng xe ôm công nghệ, một lực lượng đang phát triển cực kỳ nhanh ở Việt Nam. Xe ôm công nghệ giải quyết được rất nhiều chuyện. Chỉ cần mở điện thoại lên bấm bấm mấy cái là có anh xe ôm tới trước cửa nhà. Các bà chị đi chợ, đi mua sắm mà sợ kẹt xe, sợ chạy xe trên đường đông đúc, có xe ôm. Các anh thích lai rai nhưng ngán mấy thầy bắt thổi “nồng độ cồn,” có xe ôm. Mấy bô lão sợ xách xe ra đường bị đám trẻ rú ga làm giựt mình té lỗ đầu, lọi tay, có xe ôm. Các học sinh cha mẹ chở đi học không có thì giờ, có xe ôm. Muốn gửi cho bạn một món hàng mà đường xá chật chội, không có thì giờ đi, có xe ôm. Nói chung có một ngàn lẻ một nguyên do khiến người ta phải cầu cứu tới xe ôm. 

Đó là chuyện của năm cũ và những năm cũ hơn.

Năm mới 2025 này sẽ ra sao?

Xin thưa người ta dự đoán hai nghề này sẽ bị cạnh tranh và cạnh tranh quyết liệt! Vì sao? Dạ, hiện nay nhà cầm quyền Việt đang ráo riết “tinh gọn bộ máy” nghĩa là sắp xếp lại và loại bỏ những bộ phận dư. Truyền thông quốc tế ước tính sẽ có khoảng từ ba đến bốn trăm ngàn người lâu nay lãnh lương của dân sẽ trở về làm dân! Hầu hết trong số này là những người sắp già, những người không có nghề ngỗng gì ngoài cái bằng cấp mua được, những con ông cháu cha [COCC] thường được gọi là “thái tử đảng”… Họ sẽ làm gì để sống qua ngày? Nếu là người lâu nay có tích góp chút ít tài sản, có của chìm của nổi thì sẽ kiếm đường di cư qua nước khác, mà Hoa Kỳ là một địa chỉ bị dòm ngó nhiều nhất! Không tin quý bạn cứ ra mấy quán cà phê, quán ăn ở Huntington Beach mà coi! Hoặc họ sẽ mở tiệm, mở khách sạn hoặc về quê lập nông trang, trồng bông hoa, cây trái sống cuộc đời còn lại một cách an nhàn.

Còn những người lâu nay chỉ sống trèo trẹo bằng đồng lương ba cọc ba đồng thì… Môi trường mới của họ là kinh doanh, là lao động. Và môi trường dễ dàng và nhanh chóng nhào vô chính là bán vé số và chạy xe ôm. Một nhà báo cho hay, nếu bị tinh giản ông cũng sẽ kiếm sống bằng con đường này. Làm ăn đàng hoàng mà, có gì mắc cỡ!

Ước tính sẽ có khoảng từ 1/3 tới ½ những người bị tinh giản sẽ gia nhập hai nghề này. Vậy là sẽ có cạnh tranh, mà còn là cạnh tranh quyết liệt! Rồi đây mỗi khi ngồi quán, ra đường người Việt sẽ được chào mời mua vé số, đi xe ôm nhiều hơn. Việc kiếm sống của những người cũ cũng khó khăn hơn vì có quá nhiều người kinh doanh cùng “thương hiệu!”

Ôi! Đất đai cha ông để lại ở quê đã bị thiên hạ lấy hết rồi. Nghề nông thì ngáp gió no nay đói mai. Việc làm ở thành thị thì COCC chiếm hết chỗ. Làm công nhân thì không có tay nghề! Rồi vợ yếu, con đau, cha mẹ già không ai hoạn dưỡng. Biết làm sao? Nay cái nghề “dưới đáy xã hội” cũng bị cạnh tranh, kiếm tiền đã khó càng thêm khó. Thiệt là nguy tai, nguy tai!

 Cũng trong dòng thời sự đáng chú ý tháng qua, có chuyện “nói không nên lời.”  

Sáng sớm, Bao Cong sau chầu cà phê thuốc hút trở về Khai Phủ và hỏi Công Tôn Xách:

  • Công Tôn tiên sinh, dường như có thông tin bị giấu diếm. Bổn phủ đọc báo cáo, đọc tin tức thì thấy mọi chuyện an bình. Thế nhưng nghe lai sô râm ran trên mạng thì hình như nhân sự ta không được ổn? Sao chỗ nào cũng tinh gọn mà chỗ ta thì không?
  • Dà. Ý ngài nói tình hình sáp nhập cơ quan, tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy…?
  • Chuyện đó báo đăng hết rồi, cần gì phải hỏi! Như Phủ của ta đây nếu làm ăn lôm côm thì cũng cần phải dọn lại cho gọn, phải không?
  • Bẩm Đại Nhưn. Chuyện nhân sự mà ngài nghe được là như thế nào? Có phải các đại thần thế hệ cũ bị lột áo mão, cảnh cáo, đuổi về vườn…
  • Chẳng phải, chẳng phải! Thông tin minh bạch, tỏ tường. Dù là ai, trụ cột cỡ nào mà sai phạm thì nhất thiết phải xử lý. Lột áo mão đuổi về vườn là chuyện nhỏ. Chẳng thể hạ cánh an toàn như vậy, dễ bị phân bì. 
  • Thiệt tình thì tất cả chuyện đại sự đó thì ai nấy gần xa đều tỏ tường, lòng dân phấn khởi. Làm trong sạch bộ máy thì dân chúng tin tưởng. Giấu diếm sai phạm là tự làm yếu bộ máy công quyền, suy giảm uy tín lãnh đạo. 
  • Tiên sinh nắm rõ sự tình ở tầng trên, vậy tại sao chuyện sát sườn với tiên sinh, người bên cạnh mà tiên sinh không biết? Tiên sinh không biết hay biết mà giấu diếm bao che? 
  • Dà… Ngài lấy nguồn tin từ đâu ạ? Ngài đừng có tin tụi phản động. Nó ưa nói xấu, bôi nhọ… 
  • Ông xem có cái nhọ nào bôi lên mặt ta được nữa? Nó đen hơn đít chão rồi. Các ông càng giấu thì mặt ta lại càng đen. Nói mau kẻo ta nổi giận.

Nói xong Bao Cong phủi đít bỏ đi. Công Tôn Xách dập bàn than:

  • Triển Chiêu ơi là Triển Chiêu! Mày uống Dâm Dương Hoắc nhiều quá làm chi? Đi qua Nam Mỹ thì đòi mát xa đầu. Đi qua Tân Tây Lan thì bia ôm quờ quạng…. Cái tật khoái mò l. không chịu bỏ! Điệu này chắc mầy phải đi bán vé số hay chạy xe ôm rồi con ơi!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights